Người thừa kế thành viên hợp tác xã không muốn trở thành, thành viên hợp tác xã được không?

Luật Hợp tác xã, đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012 tại kỳ họp thứ 4 Khóa XIII và đã được Chủ tịch nước ký Lệnh về việc công bố Luật Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ngày 03 tháng 12 năm 2012. Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 và thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003.

Câu 31:Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX được qui định như thế nào?

Trả lời:

Điều 60 Luật HTX năm 2012 qui định về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX như sau:

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội khác trong việc tổ chức thi hành pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; triển khai các chương trình, dự án phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Điều 29 Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ qui định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ như sau:

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về hợp tác xã, xây dựng chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.

Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức tham gia và thành lập hợp tác xã.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội.

Điều 30 Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ qui định trách nhiệm của UBND các cấp như sau:

Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã trên địa bàn.

Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển hợp tác xã trên địa bàn.

Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức tham gia và thành lập hợp tác xã.

Ban hành các biện pháp, chính sách hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo thẩm quyền.

Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội.

Phối hợp, hỗ trợ Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở các cấp, các tổ chức xã hội khác trong việc; Tổ chức thi hành pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; triển khai các chương trình, dự án phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích thành viên của tổ chức mình tham gia hợp tác xã.

Câu 32 : Tại sao hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ với thành viên?

Trả lời:

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ với thành viên vì:

– Trên cơ sở hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với thành viên để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chủ động xây dựng được kế hoạch hoạt động hàng năm và nhiệm kỳ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đáp ứng nhu cầu của thành viên và năng lực, điều kiện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xa hơn là xây dựng chiến lược kinh doanh cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

– Trên cơ sở các hợp đồng dịch vụ và thực hiện trong năm để tính tỷ lệ phần trăm (%) dịch vụ cho thành viên và ra bên ngoài cộng đồng thành viên của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên tổng doanh thu hàng năm.

– Làm cơ sở cho việc phân phối thu nhập hàng năm trên doanh thu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với từng thành viên.

– Làm cơ sở để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên xử lý tranh chấp, bồi thường thiệt hại nếu một trong hai bên không thực hiện đúng

Câu 33: Khi số thành viên tham gia hợp tác xã không đủ số lượng tối thiểu theo quy định của Luật HTX năm 2012 thì trong thời gian bao lâu phải bổ sung? Nếu không sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật HTX năm 2012 quy định: Hợp tác xã do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập; Liên hiệp hợp tác xã do ít nhất 4 hợp tác xã tự nguyện thành lập.

Điểm b khoản 2 Điều 54 Luật HTX năm 2012 quy định: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không đảm bảo đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 trong 12 tháng liên tục sẽ bị tuyên bố giải thể bắt buộc.

Như vậy, sau 12 tháng liên tục hợp tác xã không đủ số lượng thành viên tối thiểu là 7 thành viên, liên hiệp hợp tác xã không đủ tối thiểu 4 thành viên sẽ bị tuyên bố giải thể bắt buộc.

Câu 34: Luật HTX năm 2012 quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải lưu trữ những tài liệu gì ?

Trả lời:

Điều 10 Luật HTX năm 2012 quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải lưu trữ những tài liệu sau đây:

a) Điều lệ, điều lệ sửa đổi, bổ sung và quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sổ đăng ký thành viên, hợp tác xã thành viên;

b) Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa; giấy phép kinh doanh ngành, nghề có điều kiện;

c) Tài liệu, giấy xác nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

d) Đơn xin gia nhập, giấy chứng nhận góp vốn của thành viên, hợp tác xã thành viên; biên bản, nghị quyết của hội nghị thành lập, đại hội thành viên, hội đồng quản trị; các quyết định của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

đ) Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, báo cáo và các tài liệu khác của hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán;

e) Sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính.

Các tài liệu quy định tại Điều 10 Luật HTX năm 2012 phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật và điều lệ.

Câu 35: Cán bộ, công chức, viên chức có được tham gia hợp tác xã không? Nếu được thì phải có điều kiện gì ?

Trả lời:

– Đối với cán bộ, công chức: Điều 14 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: Cán bộ, công chức được tham gia các hoạt động kinh tế. Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2007, 2012 quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được f là: thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công tý trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư…

– Đối với viên chức: Điều 14 Luật Viên chức năm 2010 quy định quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian như sau:

Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức được tham gia hợp tác xã với tư cách thành viên. Nhưng không được là thành viên sáng lập và không tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã.

Câu 36: Tại sao vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành viên phải góp vốn ?

Trả lời:

Thành viên phải góp vốn khi vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bởi vì:

Thứ nhất, Điều 3 Luật HTX năm 2012 quy định: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập. Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập.

Thứ hai, tại khoản 2 Điều 15 Luật HTX năm 2012 quy định về nghĩa vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên như sau: góp đủ, đúng thời hạn vốn góp đã cam kết theo quy định của điều lệ.

Thứ ba, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế, bất cứ tổ chức kinh tế nào muốn hoạt động được đều phải có vốn. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không là ngoại lệ. Bên cạnh đó, thành viên góp vốn vừa thể hiện tính hợp tác thực sự, có nhu cầu sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, vừa gắn trách nhiệm, quyền sở hữu của thành viên đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đây chính là nguồn huy động vốn chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Do vậy, khi tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhất thiết thành viên phải góp vốn đủ, đúng thời gian theo quy định của điều lệ thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mới có điều kiện để tổ chức cung ứng các dịch vụ cho thành viên và hoạt động sản xuất, kinh doanh được thuận lợi.

Câu 37: Khi nào thành viên phải góp đủ vốn? Tại sao phải quy định như vậy ?

Trả lời:

– Thời hạn thành viên góp đủ vốn theo khoản 3, 4 Điều 17 Luật HTX năm 2012 quy định: Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp. Khi góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp.

– Luật phải quy định như vậy bởi vì thực tiễn nhiều năm qua cho thấy các thành viên, nhất là trong nông nghiệp, vào hợp tác xã nhưng không góp vốn, hoặc có góp vốn nhưng không đủ số lượng tối thiểu theo quy định của điều lệ hoặc góp vốn quá chậm làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Điều đó làm mất công bằng trong cung ứng dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho thành viên và trong phân phối thu nhập trên vốn góp giữa các thành viên góp vốn đầy đủ, đúng thời gian và thành viên góp vốn không đầy đủ, không đúng thời gian.

Câu 38: Việc trả lại, thừa kế vốn góp của thành viên vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào ?

Trả lời:

Việc trả lại, thừa kế vốn góp được quy định tại Điều 18 Luật HTX năm 2012 như sau:

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 của Luật này.

Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật này và điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý tài sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ.

Trường hợp thành viên là pháp nhân, hợp tác xã thành viên bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã.

Câu 39: Sáng lập viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào? Có ít nhất bao nhiêu sáng lập viên mới được thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ?

Trả lời:

– Theo Điều 19 Luật HTX năm 2012, sáng lập viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như sau:

+ Đối với hợp tác xã: Sáng lập viên hợp tác xã là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập hợp tác xã. Hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên là cá nhân.

+ Đối với liên hiệp hợp tác xã: Sáng lập viên liên hiệp hợp tác xã là hợp tác xã tự nguyện cam kết sáng lập, tham gia thành lập liên hiệp hợp tác xã.

Như vậy, đối với liên hiệp hợp tác xã chỉ có hợp tác xã là thành viên sáng lập, tham gia thành lập liên hiệp hợp tác xã.

– Về số lượng tối thiểu sáng lập viên:

+ Đối với hợp tác xã: Tại khoản 1 Điều 3 Luật HTX năm 2012 quy định: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

+ Đối với liên hiệp hợp tác xã: Tại khoản 2 Điều 3 Luật HTX năm 2012 quy định: Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã.

Câu 40: Các bước chuẩn bị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào ?

Trả lời:

Điều 19 Luật HTX năm 2012 quy định: Sáng lập viên vận động, tuyên truyền thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dự thảo điều lệ; thực hiện các công việc để tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Như vậy, khi một nhóm cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có ý tưởng muốn thành lập hợp tác xã thì trước tiên phải nghiên cứu đầy đủ Luật HTX năm 2012 và các văn bản có liên quan, xác định mục tiêu thành lập hợp tác xã để làm gì? Sẽ hoạt động trong lĩnh vực nào? Sau đó vận động, tuyên truyền thống nhất trong nhóm sáng lập; xây dựng phương án hoạt động của hợp tác xã, dự thảo điều lệ, tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Việc tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiên theo quy định tại Điều 20 Luật HTX năm 2012 như sau:

Hội nghị thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do sáng lập viên tổ chức theo quy định của Luật HTX năm 2012.

Thành phần tham gia hội nghị thành lập hợp tác xã bao gồm sáng lập viên là cá nhân, người đại diện hợp pháp của sáng lập viên; người đại diện hợp pháp của hộ gia đình, pháp nhân và cá nhân khác có nguyện vọng gia nhập hợp tác xã.

Thành phần tham gia hội nghị thành lập liên hiệp hợp tác xã bao gồm người đại diện hợp pháp của sáng lập viên và của các hợp tác xã có nguyện vọng gia nhập liên hiệp hợp tác xã.

Hội nghị thảo luận về dự thảo điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và dự kiến danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên.

Hội nghị thông qua điều lệ. Những người tán thành điều lệ và đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Luật HTX năm 2012 thì trở thành thành viên, hợp tác xã thành viên. Các thành viên, hợp tác xã thành viên tiếp tục thảo luận và quyết định các nội dung sau đây:

a) Phương án sản xuất, kinh doanh;

b) Bầu hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị; quyết định việc lựa chọn giám đốc (tổng giám đốc) trong số thành viên, đại diện hợp pháp của hợp tác xã thành viên hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc);

c) Bầu ban kiểm soát, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

d) Các nội dung khác có liên quan đến việc thành lập và tổ chức, hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Nghị quyết của hội nghị thành lập về những nội dung quy định tại khoản 3 Điều 20 phải được biểu quyết thông qua theo nguyên tắc đa số.

Lê Huy ( Theo Trang Thông tin điện tử Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ)