Mỗi người cần có trách nhiệm như thế nào đối với việc phòng chống HIV/AIDS

Hiện nay đại dịch HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe, con người và tương lai nòi giống của các quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu. Nó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự và an toàn xã hội đe dọa sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đáng lo ngại hơn là HIV/AIDS đang lan tràn mạnh mẽ ở khắp các vùng miền từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo xa xôi của đất nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới. Trong khi chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu thì một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm thế nào giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn là tốt nhất.

Tại Việt Nam được phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tháng 12 năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng thực sự dịch HIV/AIDS đã bắt đầu bùng nổ từ năm 1993 trong nhóm những người nghiện chích ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó dịch bắt đầu lan ra tất cả các tỉnh. Đến cuối tháng 12/1998, toàn bộ 61 tỉnh, thành trong cả nước đều đã phát hiện có người bị nhiễm HIV. Theo số liệu thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS trực thuộc Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2019, lũy tích số người nhiễm HIV là hơn 211.000 người, số người tử vong do AIDS là hơn 103.000 người. Dịch HIV/AIDS đã có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của dịch lại có xu hướng chậm lại.

Riêng tại tỉnh Hà Giang, phát hện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1998. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tính đến 30/9/2019 đã có 1.656 trường hợp nhiễm HIV/AIDS trong đó có 1.114 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 463 người tử vong. Theo dự báo, nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu thì đến năm 2020 trên cả nước số người lây nhiễm HIV/AIDS có thể lên đến gần 700.000 người. Và cứ mỗi ngày trôi qua trên đất nước Việt Nam lại có thêm 100 người phải sống chung với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

* Khái niệm:

- HIV là tên viết tắt tiếng Anh của từ Human Immuno-deficiency Virus, một loại virus gây suy giảm miễn dịch ở cơ thể người. Gây tổn thương nghiêm trọng tới hệ miễn dịch của cơ thể.

- AIDS là tên viết tắt của cụm từ Acquired Immuno Deficiency Syndrom, là giai đoạn cuối của HIVAIDS. Trong giai đoạn này, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn, ung thư...

* Biểu hiện của HIV/AIDS: Có  04 giai đoạn nhiễm HIV

- Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ): Thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong giai đoạn này dễ lây bệnh cho người khác nếu quan hệ tình dục không an toàn).

- Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: Thời gian từ 5 đến 7 năm, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.

- Giai đoạn cận AIDS: Vẫn chưa có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm cho kết quả dương tính.

- Giai đoạn AIDS: Có các biểu hiện như: Gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể); sốt , ỉa chảy, ho kéo dài trên 1 tháng. Xuất hiện nhiều bệnh kèm theo như ung thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân,.... Người bệnh nhanh chóng tử vong tùy theo điều kiện chăm sóc và điều trị.

* Các đường lây truyền HIV: Có 3 con đường lây truyền HIV.

- Lây qua đường tình dục: Vi rút HIV có rất nhiều trong chất dịch sinh dục của người bị nhiễm. Do vậy, vi rút HIV có thể xâm nhập vào máu bạn tình qua cơ quan sinh dục. Việc sinh hoạt tình dục dù có giao hợp hay chỉ tiếp xúc cơ quan sinh dục đều có khả năng lây nhiễm.

- Lây qua đường máu: HIV có rất nhiều trong máu người nhiễm. Do vậy việc dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế không qua tiệt trùng với người nhiễm HIV, truyền máu của người nhiễm  HIV đều làm cho bạn bị lây nhiễm HIV. Riêng về ma túy , bản thân nó không sinh ra HIV nhưng người nghiện ma túy dễ dàng bị lây nhiễm HIV khi dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện hoặc bơm kim tiêm tại tụ điểm bán thuốc.

- Lây từ mẹ sang con: Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25-30%. HIV có thể lây từ mẹ sang bé qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi  mẹ cho con bú. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá 3 năm.

2. Các cách phòng tránh lây nhiễm HIV

* Phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục:

- Khi chưa có đủ điều kiện, không biết rõ về lịch sử của người tình không nên vội vàng có quan hệ tình dục. Việc tránh có quan hệ tình dục là biện pháp phòng tránh HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hiệu quả nhất.

- Đã có bạn tình hoặc đã lập gia đình, việc sống chung thủy đối với cả hai người là cách phòng tránh hữu hiệu nhất cho việc lây nhiễm HIV/AIDS và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

- Trong trường hợp có quan hệ với một người mà mình không biết rõ về lịch sử tình dục của họ thì việc dùng bao cao su đúng cách là rất cần thiết. Cần phải dùng bao cao su khi có quan hệ tình dục kể với tất cả các đường âm đạo, miệng và hậu môn.

- Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.

 * Phòng lây nhiễm HIV qua đường máu:

- Không dùng chung bơm, kim tiêm khi tiêm hay chích. Nên sử dụng bơm kim tiêm dùng một lần rồi bỏ đi. Tốt nhất là không tiêm chích ma túy.

- Hạn chế truyền máu, sử dụng các loại thuốc tiêm chích.

- Không dùng chung những vật xuyên qua da và niêm mạc như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kim xăm mình, kim xuyên lỗ tai…

- Khi đi cắt tóc không nên sử dụng chung lưỡi dao cạo, đồ dùng ngoáy tai vì những đồ dùng này vẫn có thể gây tổn thương da và lây nhiễm HIV/AIDS.

* Phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con:

- Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai, nếu đã có thai thì không nên sinh con.

- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.

- Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.

HIV/AIDS từng là nỗi đe dọa, lo sợ của con người trên khắp hành tinh này. Hội chứng gây suy giảm miễn dịch ở người do nhiễm phải virus HIV đã gieo rắc “cái chết trẻ” cho hàng triệu người thông qua đường máu, đường tình dục, lây từ mẹ sang con. Những người nghiện hút, chích ma túy, quan hệ tình dục không lành mạnh sẽ có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Với sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế nói chung và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh nói riêng, chúng ta đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, HIV vẫn là mối đe dọa sức khỏe, tính mạng con người nếu chủ quan, lơ là, thiếu kiến thức và kỹ năng phòng, tránh.

Mới đây, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Qua đó cho thấy, quyết tâm phòng, chống HIV/AIDS của nước ta, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và điều kiện cần thiết để công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu vào năm 2030 về cơ bản Việt Nam chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12), Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2020. Năm 2020, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động là “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”.

UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cơ quan truyền thông đại chúng triển khai hiệu quả Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, tránh HIV/AIDS, từng bước thực hiện mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.

Để thực hiện tốt Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, tùy theo tình hình và điều kiện cụ thể, nên tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông mang lại hiệu quả thiết thực trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả như treo băng rôn tại trụ sở làm việc, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức phòng, tránh HIV/AIDS cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị. Các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng đăng tin, phát sóng tuyên truyền các thông điệp về phòng, chống HIV/AIDS; không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức vận động sự ủng hộ của các nguồn lực xã hội tổ chức thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình, người nhiễm HIV/AIDS an tâm điều trị bệnh, tránh lây bệnh cho cộng đồng; tuyên truyền, vận động người có nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS như: Tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, chăm sóc và điều trị ARV, điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Cần quan tâm nhóm đối tượng có nguy cơ cao, các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Lưu ý truyền thông về lợi ích của xét nghiệm, điều trị HIV sớm nhằm thực hiện mục tiêu 90-90-90 góp phần đạt mục tiêu chiến lược Quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Để phòng, chống HIV/AIDS, mỗi người hãy sống có trách nhiệm với sức khỏe, sự an toàn của chính mình, gia đình mình, cộng đồng và xã hội!

Tân An