Đỉnh núi ngọc linh cao bao nhiêu mét

Dưới những tấm màn mây trắng xốp, Ngọc Linh lờ mờ hiện ra đẹp rực rỡ. Là dãy núi đồ sộ thứ 2 tại Việt Nam sau Hoàng Liên Sơn, Ngọc Linh mang trong mình những huyền thoại, kích thích trí tò mò của bao người. Dãy Ngọc Linh đẹp không chỉ vì những gì bên ngoài mà còn đẹp bởi những ý nghĩa, giá trị tâm linh của bà con đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay.

Kỳ 1: Bí ẩn ngọn núi thiêng

Ngọc Linh Liên Sơn là liên hoàn núi non bao trùm 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía đông nam. Trong đó, Ngọc Linh là đỉnh núi cao nhất (2.598 m), xung quanh còn có những “người anh em” là đỉnh Mường Hoong (2.400m), Ngọc Phan (2.251m), Ngọc Lum Heo (2.116m), Ngọc Kơ-ring (2.066m), Ngọc Bôn Sơn (1.939m),... Nếu như đỉnh Phanxipang của dãy Hoàng Liên Sơn được người ta biết đến là đỉnh núi cao nhất Việt Nam thì Ngọc Linh lại được biết đến như một ngọn núi linh thiêng của huyền thoại bao đời nay. Những câu chuyện xung quanh Ngọc Linh khiến người ta cảm thấy e ngại chốn rừng thiêng nước độc kì bí, ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng cũng dấy lên sự tò mò làm nhiều người muốn chinh phục.

Những người già ở làng Long Năng mới - dưới chân núi cho rằng đỉnh Ngọc Linh cao vời vợi, mây phủ bốn mùa chính là nơi trú ngụ của thần sét. (Sở dĩ gọi là làng Long Năng mới để phân biệt với làng Long Năng cũ, ở sâu trong núi, mãi sau này người dân mới chuyển ra ngoài để đảm bảo cho cuộc sống sau này không bị sạt lở, lũ cuốn). Với uy nghiêm của vị thần này, đỉnh núi được bảo vệ tuyệt đối, xưa nay người của làng cũng hiếm hoi mới lên được chứ đừng nói là người lạ bên ngoài đến. Nhiều câu chuyện xưa kể lại, những tốp người tìm trầm, tìm sâm đều ra đi rồi không trở lại, họ lạc lối vì rừng sâu huyền bí, hay bị thần sét nổi giận cản lối? Rồi những câu chuyện về thung lũng kỳ bí Ngọc Rêu – nơi không thể xác định tọa độ, người ta có muốn vượt qua thì lại lòng vòng trở lại chỗ cũ. Cho nên, phong tục của dân làng là già làng là trước khi leo núi phải soạn một nghi lễ cúng, phải thật thành tâm chào thần rừng, thần thương thì sẽ không mưa gió, để đường đi được thuận lợi rồi quay trở về an toàn. Già làng cũng dặn dò leo núi nhớ đừng gọi nhau kẻo thần rừng nghe thấy, sẽ làm mình lú lẫn mà lạc lối. 

Đỉnh núi ngọc linh cao bao nhiêu mét
Trung tâm xã Ngọc Linh

Ngọc Linh kì bí, hùng vĩ, ẩn chứa bao điều bí hiểm tạo nên sức hấp dẫn vô cùng, việc chinh phục ngọn núi linh thiêng là mơ ước của nhiều người, đặc biệt là những người thích “chủ nghĩa xê dịch” như chúng tôi, luôn tìm kiếm sự mới lạ trên từng địa điểm. Từ trung tâm thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), chúng tôi lái xe vàokhoảng 54 km là đến xã Ngọc Linh, đoạn đường ngắn nhưng ngoằn nghoèo, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, hết sức nguy hiểm. Nhiều năm về trước, khi chưa có dự án đường Hồ Chí Minh qua đây, đoạn đường này còn nguy hiểm gấp nhiều lần, mùa mưa dầm dề, nước đọng thành vũng lớn như ao, đường lầy lội kéo dài hàng chục km, người ta muốn vào xã Ngọc Linh chỉ còn cách đi bộ từ thị trấn vào chứ không thể đi bất kì loại phương tiện nào khác. Về mùa khô, bụi giăng mù mịt, xe cộ đi một chặng đã được nhuộm một lớp bụi kín mít. Những năm cách mạng, khung cảnh nơi đây lại càng heo hút, nguy hiểm như xưa kia Tố Hữu đã miêu tả:

"Đường lên xứ lạ Kon Tum

Quanh quanh đèo chật trùng trùng núi cao

Núi hỡi, từ đây băng xuống đó

Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường?"

(Tiếng hát đi đày - Tố Hữu)

 

Đỉnh núi ngọc linh cao bao nhiêu mét
Đường từ UBND xã Ngọc Linh lên làng Long Năng mới

Ngọc Linh là xã xa xôi và khó khăn nhất trong địa bàn huyện Đăk Glei, có 17 bản làng ở lưng chừng ôm lấy dãy Ngọc Linh. Ngay ở cạnh UBND xã mà phong cảnh còn hoang sơ và êm đềm, bao xung quanh cánh đồng lúa nương bát ngát đang thời kì ngả vàng và những mái nhà thưa thớt, ẩn hiện trong nắng chiều. Gửi xe tại trường Tiểu học Ngọc Linh, từ đây đoạn đường mà chúng tôi chinh phục chỉ có thể dựa vào đôi chân mình mà thôi. Đã có liên lạc trước nên đoàn chúng tôi được một cán bộ dẫn đến làng Long Năng mới, để sáng mai khởi hành sớm. Đoạn đường chỉ dài khoảng 3km phong cảnh rất đẹp, có một vài đoạn khúc khủy, chỉ toàn đá nhọn xếp chồng, chưa có dốc dựng đứng nhưng cũng báo hiệu sự khó khăn sắp tới. Muốn leo Ngọc Linh, chúng tôi phải đi qua Long Năng - ngôi làng duy nhất có những người dân nắm tương đối kiến thức về việc leo Ngọc Linh. 

 

Đỉnh núi ngọc linh cao bao nhiêu mét
Nương lúa trên làng Long Năng mới đang ngả chín vàng

Dừng chân ở làng Long Năng mới vào lúc 5g chiều, sương đã xuống rất thấp, bao phủ những ngôi nhà gỗ nâu trầm, nhuốm mầu thời gian. Cái lạnh ùa đến rất nhanh trong căn nhà nhỏ của A Mát – người mà chúng tôi thuê để dẫn đường lên núi. Uống chút rượu nếp, sưởi tay bên bếp lửa, A Mát dặn dò chúng tôi kiểm tra lại đồ đạc, gói ghém cho đơn giản nhất. Bên bếp lửa ấm áp, tôi được nghe ông A Bao – cha của A Mát kể chuyện về cây thuốc “giấu” – niềm tự hào của người dân nơi đây. Từ ngàn đời nay, người Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh đã truyền nhau một loại dược liệu chữa được rất nhiều bệnh, còn bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng, giúp người ta chống chọi với khí hậu lạnh giá. Trong những chuyến đi rừng kéo dài nhiều ngày, người ta nhất định phải đem theo cây “thuốc giấu” này, để bảo vệ sức khỏe và giống như niềm tin về sự hộ thân. Chẳng ai biết cây "thuốc giấu" có từ khi nào và đến từ đâu, bí mật về cây "thuốc giấu" luôn được người Xê Đăng bảo vệ, trân trọng như báu vật mà thần núi, thần rừng đã ban tặng cho người dân. Bí mật ấy vẫn được giữ gìn bảo vệ và chỉ được lưu truyền trong cộng đồng người Xê Đăng cho đến kháng chiến chống Pháp. Thương những người cán bộ hoạt động nơi đây không quen với rừng thiêng nước độc, bị những cơn đau hành hạ, các già làng đã chỉ cho họ phương thuốc bí truyền của dân tộc mình. Những cán bộ đã sử dụng như một loại thuốc cầm máu, làm lành vết thương, làm thuốc bổ, chữa sốt rét, đau bụng, phù thũng… Nhờ tác dụng vượt trội, cây “thuốc giấu” đã được cán bộ lưu ý, ghi nhớ và đến năm 1970, đoàn công tác do dược sỹ Đào Kim Long dẫn đầu đã tìm thấy đó chính là sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh. Sở dĩ cây sâm còn có tên là “Ngải rơm con” vì hình dạng của phần rễ có đốt giống như “Con Rơm” và có liên quan đến truyền thuyết “Ngậm ngải tìm trầm”.

Trời về khuya, không khí tĩnh mịch, gió lạnh buốt thấm vào da thịt, càng khiến những câu chuyện về Ngọc Linh thêm phần huyền bí, cuốn hút, khiến chúng tôi càng háo hức muốn thực hiện hành trình chinh phục ngọn núi linh thiêng, sâu trong đại ngàn bí ẩn của mảnh đất Bắc Tây Nguyên./.

Hà Oanh

Từng đi nhiều nơi, nhưng chưa ở đâu tôi thấy phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và đẹp như đỉnh Ngọc Linh ở độ cao 2.605 mét. Và với những gì núi thiêng Ngọc Linh ban tặng, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt, tránh những tác động không đáng có, làm tổn thương đến Ngọc Linh.

Choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi khám phá độ cao. Từ độ cao trên 1.800 mét trở lên, núi dốc đứng. Dốc núi được đan cài bởi đá và rễ cây rừng khá chặt, vì vậy, chúng tôi leo núi không sợ bị đá lăn như ở một số khu rừng có độ cao và nhiều đá khác. 

Leo núi cách không xa trạm dừng chân của đêm hôm trước, chúng tôi gặp hang đá ở độ cao trên 1.900 mét. Nhìn trong hang đá thấy có những dấu củi đốt, chứng tỏ từng có những đoàn người khám phá hoặc nghiên cứu về đỉnh Ngọc Linh đã nghỉ ngơi tại đây trước khi lên đỉnh núi.

Ở độ cao từ 1.800 mét đến 2.400 mét, rừng nhiều tầng, nhiều lớp và rễ cây bám đầy. Tôi một tay chống gậy, một tay bám rễ cây, đá và dùng sức bật của hai chân và gậy lên núi.

Trong rừng, có những cây rừng to có nhiều hang hốc, rong rêu bám đầy, cây đỗ quyên sống ký sinh trên đó như một loài lan hay chùm gửi, nở bông trắng muốt rất đẹp mắt.

Từ độ cao 2.400 mét, một nửa ngọn núi diện tích khá bằng, một nửa còn lại dáng hình chóp, cao vút lên. Ở phần núi tương đối bằng, A Đun chỉ cho tôi ranh giới bên này núi là thuộc Kon Tum, bên kia núi là tỉnh Quảng Nam.

Ở triền đỉnh hình chóp, cây rừng thấp, nhỏ có hình thù kỳ quái. Cây và dây rừng như những con trăn, con rắn hay như những cánh tay “bà chằn”  lông lá trong các truyền thuyết choán cả lối đi. Người yếu tim mới nhìn thấy, không khỏi lạnh sống lưng!

Đỉnh núi ngọc linh cao bao nhiêu mét
Hoa đỗ quyên trong rừng như những con bướm trắng. Ảnh: VN 

Từ độ cao trên 2.550 mét trở lên của đỉnh núi hình chóp là rừng cây đỗ quyên. Cây đỗ quyên lá non và già có màu đỏ. Hoa đỗ quyên trắng tinh khiết, thoảng hương thơm nhẹ làm ngây ngất lòng người. Đúng là núi mẹ như lời A Đun, từ đỉnh núi này ta có thể thấy nhiều đỉnh núi thấp hơn và nhiều nơi khác mà không bị cây rừng che khuất.

Rừng cây đỗ quyên thường ngày mây mù dày đặc, ở dưới chân núi nhìn lên không thấy gì, nhưng không hiểu sao tại thời điểm chúng tôi đến lại quang đãng đến lạ. Chịu nhiều tác động về sự khắc nhiệt của thời tiết nơi núi cao, thân cây đỗ quyên chỉ cao khoảng 1,5 - 2 mét, bám đầy rong rêu, lá khô, trông xù xì và rất lạ mắt.

Đi ở rừng cây đỗ quyên thấp lùn, nhưng nhiều đoạn chúng tôi phải khom thấp người dưới tán lá mới có thể xê dịch. Điều khác lạ là điểm trong rừng cây đỗ quyên lại có những đại lão thông 5 lá cũng thấp lùn, tán cây sà sà trên đầu cây đỗ quyên. Thân lão thông uốn khúc xuống đất như những con rồng. Gốc lão thông vòng tay người ôm không xuể. 

Nhìn xa, trông các đại lão thông này giống như những cây bon sai cổ thụ được bàn tay của các nghệ nhân uốn, nắn trông rất đẹp mắt. Theo những nhân viên lâm nghiệp, các đại lão thông này có tuổi đời hàng ngàn năm tuổi. Chiêm ngưỡng lão thông, chúng tôi thi nhau chụp hình làm kỷ niệm.

Cứ ngược rừng cây đỗ quyên, chúng tôi lên đến đỉnh Ngọc Linh ở độ cao 2.605 mét. Từ trên đỉnh Ngọc Linh, nhìn ra bốn bề xung quanh, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Nếu như ở sườn Tây rừng cây đỗ quyên điểm những bông hoa trắng muốt nhấp nhô như những con bướm trắng đẹp đến mê hồn thì ở sườn Đông sương mù lại tầng tầng, lớp lớp như cảnh tiên.

Tại đỉnh núi, chúng tôi gặp hình chóp bằng inox mà một đoàn công tác nào đó đã lắp đặt cách đây 5 năm. Bốn mặt hình chóp ghi rõ tọa độ, độ cao đỉnh Ngọc Linh và đáy chóp được đổ bê tông gắn chặt với mặt đất.

Choáng ngợp và ngẩn ngơ trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình trên đỉnh núi, nhưng chúng tôi buộc phải xuống núi sớm để ra khỏi rừng trước khi trời tối.

Tản mạn khi xuống núi và đôi lời về núi mẹ Ngọc Linh

10 giờ 30 phút, chúng tôi xuống núi. Mặc dù xuống núi ít tốn sức hơn lên núi, nhưng toàn thân cũng phải vận động nhiều như trụ chân, đu cây... để khỏi trượt ngã. Tuy nhiên, chúng tôi không cảm thấy mệt, đuối sức vì được hít thở không khí trong lành núi mẹ thiêng liêng. 

Trên đường về, ở khu rừng sản xuất thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, chúng tôi gặp những cây rừng được người dân đục lỗ để nhử ong. Cả A Bảy và A Đun đều khẳng định rằng, có nhiều hộ dân ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh có nhiều kinh nghiệm đục lỗ nhử ong vào làm mật, thu hàng trăm lít mật ong rừng/năm. Mật ong lỗ sẫm màu, chất lượng tốt, giá từ 500-600 nghìn đồng/lít; còn mật ong tổ treo trên cây có màu vàng, giá chỉ 250 – 300 nghìn đồng/lít.

Đỉnh núi ngọc linh cao bao nhiêu mét
Hang đá trong rừng Ngọc Linh. Ảnh: VN 

Trong rừng vùng đệm, nhìn nghiêng xuống các sườn núi, chúng tôi thấy một số chòi gỗ trong rừng. A Đun phân bua: Người dân làm chòi để giữ sâm Ngọc Linh trồng. Tuy nhiên, việc trồng sâm và giữ sâm trong rừng cũng rất khó vì chuột thường hay phá hoại sâm. Vì vậy, trong những năm qua, một số hộ gia đình ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh trồng được sâm Ngọc Linh, nhưng diện tích sâm phát triển không nhiều và cũng chưa có nhiều củ để bán. 

Đi hết rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên Ngọc Linh, rừng sản xuất vùng đệm, chúng tôi bắt đầu thấm mệt vì không còn không khí mát lạnh như máy điều hòa tỏa ra từ rừng. Tuột xuống các sườn núi dốc cao, đất đá chai cứng và các bờ ruộng bậc thang cheo leo giữa trời nắng gắt, tôi mệt lả người. Nhiều lúc muốn khụy chân, cứ tưởng không còn đủ sức đi tiếp, nhưng cuối cùng tôi cũng về được Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ngọc Linh an toàn.

Khi ngồi viết những dòng này, tôi có 3 ngày thư giãn kể từ khi về lại thành phố Kon Tum. Tuy nhiên, các cơ bắp chân, bàn chân của tôi căng lên, đau ê ẩm, không thể đi lại được do vận động nhiều trong quá trình leo núi và xuống núi. Tôi phải mua thuốc tây uống hai ngày sau mới có thể đi lại được.

Điều đó để nói lên rằng, lên đỉnh núi thiêng Ngọc Linh không phải là chuyện dễ chơi, muốn là có thể đi được. Muốn lên đỉnh Ngọc Linh, bạn phải tập đi bộ nhiều, leo núi nhiều... Không khó hiểu, có nhiều người, kể cả cán bộ làm trong ngành lâm nghiệp từng chinh phục, nghiên cứu về đỉnh Ngọc Linh nhưng đành phải bỏ cuộc giữa chừng. 

Rừng Ngọc Linh và đỉnh núi mẹ Ngọc Linh là tài sản vô giá với đa dạng sinh học cao, có nhiều động thực vật quý hiếm; là nơi đầu nguồn của con sông lớn như Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Sê San (Gia Lai – Kon Tum); là nơi cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và nhiều công trình thủy điện quan trọng (thủy điện Plei Krông, thủy điện Ya Ly, các thủy điện Sê San...) của Quốc gia và khu vực; là nơi điều hòa khí hậu trong khu vực; là nơi quan trọng trong chiến lược phòng thủ Quốc gia... Do vậy, rừng Ngọc Linh cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, mọi hoạt động gây tác hại đến rừng cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.  

Để tránh những tác động làm tổn thương đến mẹ rừng Ngọc Linh, trong điều kiện hiện nay, khi đỉnh núi Ngọc Linh chưa đưa vào phát triển và kinh doanh du lịch, những người không có trách nhiệm, không được phép tự ý vào rừng Ngọc Linh khi chưa có sự đồng ý của Ban Quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Văn Nhiên

(Kỳ III: Bảo vệ và phát triển rừng)