Sưu tra lý lịch là gì

* Hỏi: Tôi là cán bộ công chức, bản thân công tác tốt nên được cơ quan xem xét kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, trong quá trình xác minh lý lịch đã phát sinh vấn đề như sau: đảng ủy xã nơi mẹ tôi từng sống từ chối xác nhận lý lịch vì lý do anh ruột của mẹ tôi (tức là cậu ruột của tôi) chưa chấp hành việc nhận tiền đền bù giải tỏa di dời do ông cho rằng chưa được đền bù thỏa đáng. Người của địa phương đó đề nghị gia đình tôi nên thuyết phục cậu tôi nhận tiền đền bù thì sẽ giải quyết, xác minh lý lịch cho tôi vì họ cho rằng cậu tôi không chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của địa phương. Xin hỏi, địa phương đó giải quyết như vậy có đúng quy định không? Trong trường hợp này tôi phải làm sao?

Trả lời:

Tại điểm 3, mục 3.4 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 5-1-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) “Một số vấn đề cụ thể về thi hành Điều lệ Đảng” có nêu việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng như sau:

1. Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:

- Người vào Đảng;

- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

2. Nội dung thẩm tra đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, trường hợp anh ruột của mẹ bạn (tức là cậu ruột của người vào Đảng) không phải là đối tượng cần thẩm tra về việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bạn nên yên tâm tiếp tục phấn đấu, vận động người thân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vì công tác thẩm tra lý lịch của người vào Đảng là trách nhiệm của chi bộ và cấp ủy cơ sở nơi có người vào Đảng và nơi được yêu cầu xác nhận lý lịch.

* Hỏi: Chi bộ chúng tôi đang thực hiện công tác phát triển đảng cho một cảm tình đảng và đã tiến hành xác minh lý lịch. Theo chúng tôi hiểu, căn cứ Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 5-1-2012 của Ban Bí thư thì ngoài bản thân cảm tình đảng, người cần xác minh là “cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, nhưng khi đưa hồ sơ lên đảng ủy thì đảng ủy yêu cầu phải xác minh cả anh, chị, em ruột của bản thân cảm tình đảng và bên vợ của người đó. Xin hỏi, yêu cầu này có đúng không? Chi bộ nên thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Tại điểm 3, mục 3.4 Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 5-1-2012 của Ban Bí thư “Một số vấn đề cụ thể về thi hành Điều lệ Đảng” có nêu:

a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:

- Người vào Đảng;

- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

c) Phương pháp thẩm tra:

Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra. Nếu vợ (chồng) người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng)….

Như vậy, anh, chị, em ruột của người vào Đảng hoặc anh, chị, em ruột của vợ (chồng) người vào Đảng không phải là đối tượng cần thẩm tra về lý lịch; tuy nhiên, nếu một trong những trường hợp vừa nêu đang là đảng viên thì chi bộ có thể đến tổ chức đảng đang quản lý đảng viên để xác nhận và đối chiếu lý lịch. Chi bộ nên liên hệ trực tiếp ban tổ chức quận ủy, huyện ủy (hoặc tương đương) để được hướng dẫn liên quan đến trường hợp cụ thể nêu trên.

Trong thực tế, có trường hợp: bản thân của người xin vào Đảng, vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng của bản thân và của vợ hoặc chồng có vấn đề về chính trị cần thẩm tra, Ban Tổ chức Thành ủy có hướng dẫn người xin vào Đảng cần khai lại lý lịch, trong đó phải khai bổ sung những thân nhân khác là bác, chú, cô, cậu, dì ruột (theo mẫu M5).