Nguyên nhân của xâm nhập mặn

Xâm nhập mặn đã, đang và được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để bảo vệ nguồn nước mặt, chủ động ứng phó với hạn hán và đảm bảo nguồn nước trong tương lai?

Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết, hiện nay tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến như thế nào?

- Tình trạng hạn hán, thiếu nước năm nay xảy ra trên diện rất rộng, trải dài từ Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long và có diễn biến hết sức phức tạp. Lượng mưa cũng như lượng dòng chảy trên các sông, suối phạm vi cả nước rất thấp so với trung bình nhiều năm, hiện tượng này gây thiếu hụt lượng nước ngay trong mùa mưa, lũ năm 2019.

Nguyên nhân của xâm nhập mặn
Những cánh đồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nứt nẻ, khô cằn có nguy cơ mất trắng vì hạn mặn. Ảnh: TR.L 

Nhiều hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40-75% tùy từng hồ, đặc biệt có hồ chứa chỉ tích được khoảng 20%. Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70-80%, nhiều hồ chỉ đạt 40-50%. Riêng hồ thủy điện Hòa Bình với dung tích hưu ích hơn 6 tỉ m3 đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục trong suốt gần 30 năm vận hành.

Biến đổi khí hậu có phải là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thưa ông?

- Biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với chúng ta đã từng dự báo. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và nhiều hiện tượng cực đoan như thiên tai, lũ lụt khác trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay.

Tác động rõ nét nhất của biến đổi khí hậu là làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy trên hầu hết các sông, suối, làm cho nhiều sông, suối bị suy giảm dòng chảy nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục và gia tăng tình trạng lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, suối ở nhiều địa phương trên cả nước.

Hệ quả của nó là kéo theo tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt là thiếu nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt của nhân dân ở nhiều địa phương như chúng ta đã thấy trong thời gian qua.

Nguyên nhân của xâm nhập mặn
Những cánh đồng lúa khô cằn do hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TR.L 

Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2020, theo ông cần có những giải pháp như thế nào? Kịch bản lâu dài để ứng phó với tình trạng hạn mặn này là gì?

- Theo tôi, điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để thay đổi nhận thức sâu, rộng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, chia sẻ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước, điều đó sẽ làm giảm tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đối với Đồng bằng Bắc Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc họp thống nhất các phương án điều chỉnh việc vận hành các hồ chứa theo từng giai đoạn cụ thể theo hướng sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu nước.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù tình hình hạn mặn mùa khô năm 2020 vẫn được coi ở mức nghiêm trọng như năm 2016, nhưng do các công tác dự báo, cảnh báo sớm nên mặc dù đến thời điểm hiện tại, mức độ hạn, xâm nhập mặn vẫn diễn ra phức tạp nhưng mức độ thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể. Vấn đề đáng lo ngại nhất đến thời điểm hiện tại vẫn là đảm bảo được nguồn nước cho sinh hoạt ở một số khu vực.

Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước, như hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (Vu Gia - Thu Bồn), Ka Nak (Ba), Sê San 4 (Sê San), Đại Ninh (Đồng Nai),… Chúng tôi đã trình lãnh đạo Bộ có văn bản phối hợp, chỉ đạo điều hành các hồ chứa. Các hồ chứa này do vẫn thiếu hụt nên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp để bảo đảm đủ nước cấp cho từ 5-7 tháng còn lại của mùa cạn.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh nhằm cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hạn hán, thiếu nước cho các mục đích sử dụng nhất là đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Rất cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguyên nhân của xâm nhập mặn

Cánh đồng lúa ở Việt Nam - Ảnh: Mongabay

Theo trang tin Mongabay, nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu độc lập Deltares (Hà Lan) đánh giá nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng xâm nhập mặn ở vùng châu thổ sông Mekong hiện nay là do con người (xây đập chặn dòng nước), nhưng đến năm 2050 biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò chính.

Nói cách khác, các quốc gia sông Mekong, đặc biệt là Việt Nam nằm ở cuối nguồn, chỉ có từ đây đến năm 2050 để áp dụng các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, từ đó về sau mọi thứ sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát của con người.

Theo ông Sepehr Eslami - trưởng nhóm nghiên cứu, công trình này là tổng hợp dữ liệu của 12 năm nghiên cứu thuộc dự án "Rise and Fall" hợp tác giữa Đại học Utrecht và Viện Deltares (Hà Lan), cung cấp dữ liệu cần thiết cho các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách cũng như các nhà khoa học đang theo đuổi vấn đề này trên thế giới.

Trước đó, hai nghiên cứu khác cùng thuộc dự án "Rise and Fall" lần đầu tiên xác lập mối liên hệ giữa tình trạng "đói phù sa" do con người gây ra (xây đập chắn dòng nước) và xâm nhập mặn ở cuối nguồn.

Mặc dù đầu thế kỷ 21 đã có nhiều nhà khoa học cảnh báo sớm, xâm nhập mặn lại thường bị cho là liên quan chủ yếu đến nước biển dâng và biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân của xâm nhập mặn

Lũ ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia những năm giữa thập niên 2000 - Ảnh: Mongabay

Nhóm nghiên cứu Hà Lan đánh giá trong 20 năm qua, biến đổi khí hậu chỉ gây ra chưa đến 5% thách thức mà vùng châu thổ Mekong đối mặt, hiện tượng "đói phù sa" và xâm nhập mặn gay gắt đều do các đập thủy điện trên thượng nguồn và nạn khai thác cát gây ra.

Hiện nay dòng chính sông Mekong đang gánh 11 đập thủy điện ở Trung Quốc, 2 ở Lào và ít nhất 300 đập nhỏ trên các phụ lưu. Những đập này chia dòng sông thành những hồ chứa nước, chặn phù sa chảy ra biển và thay đổi hình dạng, độ sâu của lòng sông.

Theo chuyên gia Marc Goichot - cố vấn của tổ chức WWF, các đập nước đang giữ lại phần lớn phù sa trên sông Mekong - ước tính 50-60%.

Bên cạnh đó, nạn khai thác cát phục vụ xây dựng làm mất đi 50-100 triệu m3 cát mỗi năm. Hậu quả là lòng sông sâu thêm 200-300mm mỗi năm, khiến nước biển xâm nhập sâu hơn, ở lại lâu hơn và độ mặn cao hơn ngày xưa.

Nói tóm lại, nghiên cứu đánh giá trong những thập niên tới, biến đổi khí hậu sẽ gây thêm nhiều mối nguy hiểm mới cho lưu vực sông Mekong, nhưng ngay trước mắt "nhân tai" mới là yếu tố chính gây ra khủng hoảng.