Gcs cpcemec hướng dẫn sử dụng

Trên thế giới, xe ô tô điện và các trạm sạc điện cho xe rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, điều kiện phát triển xe ô tô điện ngày càng thuận lợi: Giá xây dựng các trạm sạc và xe điện ngày càng rẻ hơn, chi phí nhiên liệu cho xe điện chỉ bằng 1/7 xe động cơ xăng.

Nắm bắt được xu thế này, từ cuối năm 2017, Trung tâm Sản xuất thiết bị Đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) - thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung đã bắt đầu nghiên cứu, xây dựng trạm sạc nhanh xe ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam. Đến tháng 12/2018, trạm sạc nhanh “made in Việt Nam” đầu tiên đã ra đời, có trụ sở tại Đà Nẵng. 

Ông Trần Dũng - Giám đốc CPCEMEC cho biết, quá trình nghiên cứu, phát triển trạm sạc này rất khó khăn. Qua thời gian nghiên cứu, CPCEMEC đã quyết định lựa chọn phát triển trạm sạc nhanh theo chuẩn CHAdeMO của Nhật Bản. Đây là tiêu chuẩn công nghệ cao của thế giới, chuyển đổi dòng điện xoay chiều AC sang dòng điện một chiều DC ngay tại trạm sạc, rút ngắn thời gian sạc.

Điểm đặc biệt của trạm xe sạc điện này là có thể sử dụng 2 nguồn điện: Điện lưới và điện mặt trời. Trên mái của trạm sạc, CPCEMEC lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời công suất 4,125 kWp, có giàn khung tự động quay đón nắng. Nếu đủ điều kiện ánh nắng, hệ thống điện mặt trời áp mái này có thể đáp ứng khoảng 40- 50% nhu cầu sạc đầy pin của 1 xe ô tô điện. Đồng thời, trạm sạc sẽ tự động sử dụng nguồn điện lưới để bổ sung nguồn sạc cho xe điện.

Qua thời gian vận hành, trạm sạc xe điện do CPCEMEC xây dựng đã chứng minh được hiệu quả thiết thực, vận hành ổn định, tin cậy. Ông Trần Dũng - Giám đốc CPCEMEC cho biết, từ thành công này, đến tháng 6/2019, CPCEMEC sẽ phối hợp với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) tiến hành lắp đặt 2 trạm sạc xe điện tại hai cửa hàng xăng dầu PVOIL ở thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là 2 trạm sạc xe điện được sử dụng đồng thời nguồn điện lưới và điện mặt trời áp mái.

Hiện tại, CPCEMEC đang tiến hành khảo sát xây dựng mạng lưới trạm sạc tại trụ sở 13 công ty Điện lực thuộc EVNCPC, đặt nền móng cho việc lắp đặt rộng rãi loại hình sạc điện này. CPCEMEC cũng đang nghiên cứu công nghệ, hướng tới phát triển trạm sạc xe điện có khả năng cung cấp, thu nhận điện 2 chiều giữa xe và trạm sạc. Khi hệ thống điện vào giờ thấp điểm, người dân có thể sạc xe, tích trữ năng lượng. Khi mạng lưới xe điện phát triển với số lượng lớn, các trạm sạc 2 chiều sẽ hoạt động hiệu quả, góp phần san tải cho hệ thống điện quốc gia. 


Tính đến tháng 8/2018, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) đã có 8 sáng kiến được công nhận cấp Trung tâm với giá trị làm lợi lên đến hơn 2 tỉ đồng.

Các sáng kiến này đều mang lại những lợi ích thiết thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, góp phần tăng năng suất lao động, đáp ứng kịp thời tiến độ sản xuất. Ngoài việc phục vụ cho công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, các sáng kiến đều được áp dụng hiệu quả trong sản xuất.

Điển hình như sáng kiến “Thiết bị kiểm tra sự kiện và đột biến dòng/áp trong công tơ đa chức năng”, xuất phát từ thiết bị bàn kiểm định 3 pha đã có thể tự động thực hiện các yêu cầu về đo lường của công tơ như: đo sai số, độ nhạy, hằng số xung, thanh ghi điện năng nhưng lại không thể thay đổi điện áp, dòng điện một cách đột biến để kiểm khả năng đáp ứng ghi nhận các sự kiện của công tơ. Vì thế, quy trình kiểm tra sự kiện trên công tơ trước đây vẫn phải thực hiện thủ công, dẫn đến tốn nhân công và thời gian. Bên cạnh đó, dữ liệu sự kiện ghi nhận không đồng thời vì phải quan sát và đọc bằng mắt sau đó đối soát dữ liệu rồi mới cập nhật bằng tay. Việc kiểm tra chương trình điều khiển mới cũng tốn nhiều thời gian, số lượng mẫu kiểm không được nhiều và yêu cầu trình độ người kiểm tra phải có hiểu biết sâu về sản phẩm công tơ đa chức năng.

Nhận thấy các hạn chế nêu trên, nhóm kỹ sư tại đơn vị đã có ý tưởng thiết kế thiết bị có thể điều khiển tự động được điện áp và dòng 3 pha để đáp ứng yêu cầu kiểm tra khả năng ghi nhận sự kiện của công tơ ba pha nhiều biểu giá DT03M-RF và công tơ một pha nhiều biểu giá DT01M-RF (mà không cần phải sử dụng đến bàn kiểm định), nhằm loại bỏ những nguyên nhân tiềm ẩn của việc thực hiện kiểm tra thủ công, nâng cao năng suất lao động.

Lấy ý tưởng từ chiếc lò nướng gia dụng kết hợp với bộ điều khiển và cảm biến nhiệt độ dùng trong công nghiệp có độ chính xác cao, sáng kiến "Tủ nhiệt thử nghiệm linh kiện điện tử và sản phẩm ở nhiệt độ cao" được hình thành và phát triển. Đầu ra nhiệt độ mong muốn của tủ nhiệt có thể từ 30°C đến 250°C với độ chính xác cao. Đồng thời, người sử dụng có thể xem được nhiệt độ bên trong tủ, cài đặt giá trị nhiệt độ mong muốn và các thông số một cách dễ dàng thông qua phím nhấn, tích hợp hai phương thức điều khiển nhiệt độ kiểu ON/OFF (Bật/Tắt) và PID (Proportional Integral Derivative - Điều khiển vi tích phân tỉ lệ) để chọn lựa.

Khi chọn phương pháp điều khiển ON/OFF, nhiệt độ trong tủ nhiệt luôn dao động quanh giá trị cài đặt mong muốn nhưng độ chính xác thấp. Với phương thức điều khiển nhiệt độ kiểu PID, nhiệt độ bên trong tủ được duy trì ổn định và chính xác hơn so với phương pháp điều khiển nhiệt độ ON/OFF kiểu truyền thống. Bên cạnh đó, tủ nhiệt phục vụ công tác thử nghiệm còn tích hợp thêm bộ đếm thời gian hẹn giờ tự động bật tắt theo chu kỳ, giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình thử nghiệm linh kiện điện tử hoặc sản phẩm theo chu kỳ thay đổi của nhiệt độ. Tủ nhiệt được thiết kế đảm bảo an toàn khi cần thử nghiệm trong thời gian dài hay hoạt động qua đêm.

Một sáng kiến khác của đội ngũ kỹ sư tại đơn vị góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất công tơ điện tử là sáng kiến “Thiết bị giả lập công tơ, nâng cao hiệu quả sản xuất”. Trước đây, việc sản xuất các sản phẩm mở rộng chức năng thu phát cho các công tơ chủng loại khác gồm Elster-RF, Multimeter-RF, RF- SLOTS1P gặp nhiều hạn chế trong công đoạn già hóa trực tiếp trên công tơ, dẫn đến tốn nhân công nhưng sản lượng thấp. Với sáng kiến này, các vật tư và linh kiện lắp ráp thiết bị giả lập công tơ đều có thể được mua trong nước, do vậy rất thuận tiện cho việc lắp ráp, xây dựng dàn thiết bị nhiều vị trí.

Bên cạnh đó, thiết bị nhỏ gọn, tiết kiệm không gian/diện tích hơn so với công tơ cũ, thao tác thực hiện trong sản xuất dễ dàng, an toàn. Sáng kiến ra đời giúp chủ động hơn trong vấn đề công cụ sản xuất, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian trong quá trình sản xuất. Hiện nay, CPCEMEC đã triển khai thực tế mô hình giả lập công tơ 500 vị trí đối với sản phẩm RF-SLOTS1P tại Xưởng sản xuất điện tử, năng suất tối đa đạt 1500 sản phẩm/ngày.

Trước đây, các máy tính cá nhân dùng để phát triển chương trình và máy chủ đặt tại CPCEMEC không thể kết nối trực tiếp và nhận dữ liệu từ các thiết bị DCU hoặc Modem gởi về. Do vậy việc xử lý sự cố trực tiếp trên dữ liệu của thiết bị gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào các thông báo và kinh nghiệm cá nhân của các kỹ sư. Sáng kiến “Nghiên cứu, tìm hiểu và thiết lập đường truyền dữ liệu từ xa qua Mạng Internet/Mạng nội bộ/Cổng COM về máy tính cá nhân” ra đời giúp chuyển dữ liệu từ máy chủ tại Data Center của EVNCPC hoặc từ các máy tính đặt tại Xưởng sản xuất điện tử về máy tính cá nhân, giúp người lập trình có thể dễ dàng thao tác trực tiếp với dữ liệu của thiết bị gửi về, giảm thiểu thời gian trong thử nghiệm các tính năng mới cũng như tìm và xử lý các sự cố phát sinh.

Với sự khích lệ, tạo điều kiện của lãnh đạo và Ban chấp hành Công đoàn CPCEMEC, cán bộ công nhân viên đơn vị luôn tích cực tham gia đề xuất và thực hiện ý tưởng, các sáng kiến trong quá trình lao động sản xuất, góp phần phát huy tinh thần sáng tạo của tập thể, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí cho đơn vị.