Đánh giá học trực tuyến tiếng anh là gì

  • I. Dạy học trực tuyến (online) là gì?
    • 1. Đặc điểm dạy học online
    • 2. Ưu điểm dạy học online
    • 3. Nhược điểm dạy học online 
  • II. Gợi ý các phương pháp dạy học online hiệu quả 
    • 1. Phương pháp dạy học theo dự án (Project-based learning)
    • 2. Phương pháp trò chơi (Game-Based Learning)
    • 3. Phương pháp cá nhân hoá trong khi truyền đạt kiến thức
  • III. Dạy học online kết hợp hình thức dạy offline
    • 1. Đặc điểm hình thức kết hợp (blended learning)
    • 2. Ưu điểm của hình thức kết hợp 
    • 3. Nhược điểm của hình thức kết hợp 
  • IV. Các gợi ý để buổi giảng dạy kết hợp offline và online hiệu quả hơn
    • 1. Mô hình 1: Flipped classrooms (lớp học đảo ngược)
    • 2. Mô hình 2: Hybrid learning (đào tạo hỗn hợp)
    • 3. Mô hình 3: Technology-enhanced learning (đào tạo tăng cường sử dụng công nghệ)
  • V. Các ứng dụng có thể hỗ trợ giảng dạy kết hợp offline và online

I. Dạy học trực tuyến (online) là gì?

1. Đặc điểm dạy học online

Dạy học online (hay dạy học trực tuyến) là hình thức giáo dục trực tuyến thông qua các phương tiện điện tử như: điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng có kết nối Internet.

Nhìn chung, tại Việt Nam, có 2 loại hình dạy và học trực tuyến chính: 

Thứ nhất là các khoá học online với các bài giảng, tài liệu (dưới dạng văn bản, hình ảnh, video…)  được đưa lên các nền tảng và người dùng có thể dễ dàng truy cập và học mọi lúc mọi nơi. 

Thứ hai là các khóa học cùng thời gian thực, có sự tham gia và tương tác giữa giáo viên và học viên. Giáo viên và học sinh có thể giảng dạy, học tập tại nhà mà không cần di chuyển tới trường học, trung tâm hay địa điểm tổ chức lớp học.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào loại hình dạy và học trực tuyến có tương tác giữa giáo viên và học viên. 

Một số đặc điểm liên quan đến mặt tổ chức của loại hình này:

  LỚP HỌC TRỰC TUYẾN
Vị trí Phòng học ảo, phụ thuộc vào điều kiện mạng. 
Công cụ giảng dạy và giao tiếp Sử dụng các công cụ và phương pháp giảng dạy trên nền tảng số như Zoom, Google Meet, Microsoft Team và các công cụ hỗ trợ giảng dạy khác khác.
Chi phí vận hành (*)  Cần chi trả hàng tháng cho các phần mềm dạy học. 
Tính linh hoạt  Lịch học linh hoạt, không bị phụ thuộc vào đặt lịch phòng học, cũng như di chuyển. 
Tính lưu trữ  Có thể lưu trữ video bài giảng.

(*) Các chi phí phức tạp hơn liên quan đến marketing hay quản lý, hành chính sẽ không được nhắc đến ở đây do còn tùy thuộc vào quy trình quản lý chất lượng và quy mô trung tâm/ lớp học. Bài viết chỉ tập trung vào các chi phí cơ bản để vận hành một lớp khi đã có học sinh.

2. Ưu điểm dạy học online

Hiện nay, dạy và học trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến nhờ các ưu điểm nổi bật sau:

– Linh động và uyển chuyển: Giáo dục trực tuyến là một hệ thống học tập linh hoạt, cho phép học sinh học qua Internet trên máy tính cá nhân tại nhà, hoặc bất cứ nơi nào họ thấy phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc gặp mặt trực tiếp giữa giáo viên và học sinh là không bắt buộc, cho phép học sinh học ở bất kỳ đâu. Ưu điểm này được chứng tỏ rõ ràng nhất qua thời kỳ dịch bệnh Covid-19, khi nhờ hình thức này, các lớp học vẫn có thể diễn ra theo kế hoạch mà nguy cơ nhiễm bệnh cũng được hạn chế.

– Áp dụng công nghệ hiện đại mới: với lớp học trực tuyến, giáo viên có thể áp dụng nhiều công cụ hiện đại hỗ trợ (các website tạo trò chơi tiện lợi, các ứng dụng học trực tuyến như Zoom với nhiều tính năng,…) trong quá trình chuẩn bị tài liệu dạy học hay chính trong quá trình truyền đạt kiến thức cho học viên. Mỗi buổi học trực tuyến đều có thể được lưu trữ nhờ những ứng dụng này, các học viên sẽ có thể xem lại bài giảng trong trường hợp không tham gia được buổi học hoặc chưa hiểu kiến thức. 

– Hệ thống hóa: Những hệ thống học tập trực tuyến (chẳng hạn hệ sinh thái của Google, các nền tảng All-in-one như Notion) cho phép học viên dễ dàng tham gia khóa học, và có thể theo dõi kết quả cũng như tiến độ học tập. Giáo viên có thể biết được những học viên nào tham gia khóa học, theo quá trình học tập (làm bài về nhà, đọc tài liệu, làm các quiz, làm bài kiểm tra…) và đưa ra giải pháp thực hiện giúp họ phát triển trong quá trình học.

Hình 1. Ví dụ về hệ thống điểm của Google Classroom

– Tiết kiệm chi phí và thời gian:

+ Đối với các trung tâm/tổ chức giáo dục: khi tổ chức lớp học theo hình thức trực tuyến, các trung tâm/cơ sở giáo dục sẽ tiết kiệm được các chi phí liên quan đến mặt bằng, in ấn tài liệu, văn phòng phẩm, cơ sở vật chất (máy chiếu, điều hoà,…)  

+ Đối với các học viên: các lớp học trực tuyến thường sẽ có học phí thấp hơn do các trung tâm không phải lo liệu các chi phí khác như khi học trực tiếp (như đã đề cập ở trên); học viên cũng không cần tốn các khoản phí và thời gian đi lại.

+ Đối với các giáo viên: các giáo viên cũng không phải chi tiêu nhiều cho việc đi lại và cũng không mất thời gian di chuyển đến địa điểm dạy. 

3. Nhược điểm dạy học online 

Tuy nhiên, dạy và học online vẫn có một số điểm hạn chế:

– Phụ thuộc vào kết nối mạng: Nếu kết nối mạng chậm/mất kết nối mạng, buổi học sẽ bị gián đoạn. Điều này ảnh hưởng đến tâm trạng của người dạy, người học và tiến trình bài giảng.

– Khó khăn khi sử dụng các công nghệ: Giáo viên và học sinh đều có thể gặp trục trặc và bối rối khi sử dụng các công cụ dạy và học trực tuyến nếu không có sự hướng dẫn và chuẩn bị trước

– Hạn chế về tương tác trên lớp:

+ Giảng dạy trực tuyến giống như giao tiếp mà gần như không có ngôn ngữ cơ thể (body language). Đối với những công việc mà nhiệm vụ chính là truyền tải thông điệp thì việc bị hạn chế về sử dụng ngôn ngữ cơ thể là một trở ngại rất lớn

+ Tương tác với các bạn học cùng lớp sẽ không nhiều, khiến học sinh giảm hứng thú học tập. 

+ Học sinh dễ bị mất tập trung do có nhiều sao nhãng xung quanh trong quá trình học. Giáo viên cũng khó có thể quan sát và đôn đốc nếu học sinh từ chối mở camera.

– Việc chuẩn bị nội dung cần nhiều thời gian và công sức: Do sự hạn chế về mặt tương tác nêu trên, việc tạo ra các hoạt động mang tính chất vừa học vừa giải trí cũng là điều cần thiết hơn cả. Nhưng để thực hiện được điều này, bên cạnh thời gian thiết kế tài liệu thuyết trình (slide Powerpoint), các thầy cô sẽ cần đầu tư thêm cả thời gian và sự sáng tạo khi thiết kế hoạt động. 

– Tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử: việc học trực tuyến có thể khiến giảng viên và học viên phải ngồi trước máy tính và các thiết bị điện tử trong nhiều giờ, điều này có thể gây ra mỏi mắt và cơ thể trở nên uể oải.

II. Gợi ý các phương pháp dạy học online hiệu quả 

Có thể nói, hạn chế rõ ràng nhất của việc dạy và học trực tuyến là hạn chế về tương tác trên lớp. Vì vậy, để việc dạy và học online hiệu quả hơn, giáo viên có thể tham khảo một số phương pháp như sau:

1. Phương pháp dạy học theo dự án (Project-based learning)

Phương pháp dạy học theo dự án là một phương pháp mới, chủ động, khác hẳn những phương pháp giáo dục truyền thống trong đó đa số dựa vào việc đơn thuần để giáo viên giảng dạy. 

Khi dạy các học viên là sinh viên hoặc độ tuổi cuối cấp trung học phổ thông, giáo viên có thể tổ chức dạy học bằng phương pháp dạy học theo dự án. Giáo viên từ vai trò người giảng dạy (lecturer) thành người điều phối (facilitator) các hoạt động học; người học tự lựa chọn chủ đề, xác định các nhiệm vụ cụ thể, tự tổ chức, tự giải quyết nhiệm vụ. 

Phương pháp này rất phù hợp để nâng cao hiệu quả của lớp học online vì khi học viên được chia thành các nhóm và chủ động thực hiện phần lớn các nhiệm vụ, tương tác giữa các bạn sẽ cao hơn rất nhiều. 

Ví dụ dễ thấy nhất của phương pháp project-based learning và hiệu quả của phương pháp này trong lớp online là giao cho học viên một Final assignment/Final project vào cuối một khoá học/kỳ học:

  • Mục tiêu cần đạt của phần này thường sẽ là Tổng kết & xâu chuỗi các mảng kiến thức đã học trong khoá 
  • 1 khoá học trung bình có thể kéo dài đến 2-3 chục buổi. Khối lượng kiến thức từ đó cũng sẽ rất lớn, vì vậy giáo viên có thể chia các projects khác nhau (mỗi project là một mảng kiến thức) và giao cho học viên làm việc nhóm đối với từng project. 
  • Mỗi nhóm sẽ đảm nhiệm một cái project khác nhau trên cơ sở tự chủ. 

Tuy nhiên, các khâu cũng sẽ cần có giáo viên hướng dẫn/định hướng. 

=> có đầy đủ tương tác giữa học viên và giáo viên:

Ví dụ với phần “Xác định chủ đề” – giáo viên xác định các mảng kiến thức – sau đó có 2 phương án: (1) cho học viên chọn chủ đề yêu thích; hoặc (2) assign cho từng nhóm (với cách thứ (2) thì giáo viên cần phải hiểu rõ học viên của mình – bạn nào mạnh gì yếu gì – từ đó có sự sắp xếp phù hợp)

  • Cách thức hoàn thành project, phân chia đầu việc,… sẽ do nội bộ nhóm quyết định và thực hiện. Các bạn có thể thực hiện trao đổi dễ dàng qua ứng dụng Zoom khi lên lớp, hay qua Messenger khi hết giờ học. Phần nội dung thuyết trình các bạn có thể cùng nhau hoàn thành trên Google Docs, và nộp lại để nhận feedback của giảng viên qua Google Classroom.  
  • Kết quả có được cuối project có thể được thuyết trình qua Zoom với slides hoặc poster do chính các học viên thiết kế và trình bày. Việc này cũng sẽ khá dễ dàng với tính năng chia sẻ màn hình và Slide control của Zoom. 

2. Phương pháp trò chơi (Game-Based Learning)

Phương pháp dạy học trò chơi là phương pháp giáo viên thông qua việc tổ chức các trò chơi liên quan đến nội dung bài học, có tác dụng phát huy tính tích cực nhân thức, gây hứng thú học tập cho học sinh. Qua trò chơi, học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, đồng thời qua trò chơi phát triển sự tự giác, tự chủ của học sinh. 

Phương pháp này có thể nâng cao hiệu quả của một lớp học online thông qua việc gây hứng thú cho học viên, giảm thiểu hạn chế liên quan đến mức độ tập trung của các học viên. Và tất nhiên, tương tác giữa giảng viên với học viên và giữa học viên với nhau cũng được đẩy mạnh.

Ví dụ về phương pháp trò chơi được thực hiện trong 1 lớp học online:

  • Thời lượng: 15-20’
  • Trình độ: Tất cả các trình độ
  • Ứng dụng sử dụng: Bamboozle
  • Mục đích: Ôn tập từ vựng đã học ở buổi trước
  • Chuẩn bị: GV chuẩn bị list từ vựng đã học ở buổi trước 
  • Cách thức triển khai:
    • Chia lớp thành các nhóm 3-4 người. 
    • Lần lượt các nhóm cử 1 thành viên chọn số. Sau khi nhóm đề cử thành viên, giáo viên có thể trao quyền Remote Control cho thành viên đó để toàn quyền chọn con số trên màn hình.
    • Con số sẽ được lật lên, có thể là câu hỏi, hoặc là các phần thưởng/hình phạt ngẫu nhiên.
    • Nếu con số lật lên là câu hỏi, thành viên chọn số sẽ cần trả lời câu hỏi đó. 
    • Các câu hỏi sẽ bao gồm hình ảnh để gợi nhớ về từ vựng cho học viên.
    • Trả lời đúng sẽ được một số điểm tương ứng.
    • Đội chiến thắng là đội giành được nhiều điểm nhất

Hình 2. Ví dụ về trò chơi trực tuyến trong lớp học online

3. Phương pháp cá nhân hoá trong khi truyền đạt kiến thức

Phương pháp cá nhân hoá, nói một cách đơn giản là phương pháp đảm bảo với quy mô lớp đông, học viên vẫn có được sự quan tâm đầy đủ từ giảng viên. Giảng viên xây dựng kế hoạch giảng dạy, bài tập phù hợp với trình độ, kỹ năng và sự hứng thú của học viên.

Với quy mô lớp đông, đặc biệt là trong lớp học online, việc có sự tập trung dành cho mỗi cá nhân tương đối khó, vì giáo viên cần phải cân bằng giữa việc truyền tải lượng kiến thức lớn với việc chia sự chú ý này đến cá nhân học viên. Vì vậy, để làm được điều này, giáo viên cần phải có kỹ năng tốt cũng như cần đảm bảo mình nắm chắc trình độ và hiểu rõ tâm lý của lớp học, sao cho có cách tiếp cận phù hợp nhất với cả lớp nói chung và từng học viên nói riêng, khiến cho mỗi học viên trong lớp đều có thể cảm nhận được sự quan tâm, tận tình của giảng viên, và cảm thấy bản thân được chú ý trên lớp, cũng như tập trung hơn vào bài giảng, giảm thiểu hạn chế về sự tập trung trong lớp học online. 

Ví dụ về cách thực hiện phương pháp cá nhân hoá khi tương tác và truyền đạt kiến thức với học viên trong một lớp học tiếng Anh online:

– Trong lúc giảng dạy, giảng viên nên tránh việc nói quá nhiều thông tin một lúc mà thay vào đó, nên vừa giảng dạy vừa đặt những câu hỏi cho học viên để đảm bảo. Việc giữ tương tác đều từ 2 chiều cho lớp là rất quan trọng. Với các phần lý thuyết dài/khó, nếu giảng viên giảng lâu thì học viên sẽ khó duy trì được sự tập trung. 

– Trong quá trình giảng dạy, cá nhân hoá hướng đến việc mỗi một học sinh đều được chú ý, đều có sự tương tác mang tính cá nhân với giảng viên. Để làm được điều này, giảng viên cần chia đều sự chú ý cho học viên, không chỉ tập trung vào một vài học viên giỏi. Mỗi học viên đều nên được gọi ít nhất một lần trong lớp, có thể chỉ đơn giản hỏi học viên kiểm tra nghĩa hoặc phát âm một từ nhất định – những câu hỏi mà bất kì đối tượng học viên nào cũng có thể trả lời được.

=> Như vậy, ngay cả trong trường hợp học viên không bật camera, giảng viên vẫn có thể kiểm tra mức độ tập trung vào bài học của học viên

III. Dạy học online kết hợp hình thức dạy offline

Hiện nay, sau khi đại dịch Covid đang tạm lắng dần, các trường học, cơ sở giáo dục và các trung tâm cũng đang dần quay trở lại với hình thức học truyền thống, đó là dạy và học trực tiếp. Nhưng nếu chỉ vì vậy mà bỏ qua những lợi ích của việc dạy và học online thì quả là đáng tiếc. Thế nên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tổ chức một lớp học offline (trực tiếp) nhưng vẫn duy trì được phần lớn các công cụ và lợi ích của dạy và học online. Và hình thức kết hợp (blended learning) có thể là một đáp án phù hợp cho câu hỏi này.

1. Đặc điểm hình thức kết hợp (blended learning)

Blended Learning nói dễ hiểu là một hình thức học tập tích hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, tức là sự kết hợp giữa hình thức đào tạo online sử dụng các nền tảng công nghệ và hình thức lớp học truyền thống quen thuộc. 

Blended Learning tập trung chủ yếu vào vai trò của người học. Khi đào tạo theo hình thức này, học viên có thể tự do truy cập vào nền tảng online để tiếp thu kiến thức, tham khảo tài liệu dưới các định dạng phong phú như video, slideshow, lớp học ảo…. với tốc độ phù hợp với bản thân mình tại bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào bạn muốn. Điều này chính là đặc điểm mà e-Learning (học trực tuyến) sở hữu. 

Vì là “đứa con lai” giữa đào tạo truyền thống và trực tuyến, Blended Learning còn sở hữu tính tương tác cao của các lớp học trực tiếp. Giảng viên khi đó không phải là nguồn thông tin chính mà chỉ đóng vai trò như người hướng dẫn giải đáp trực tiếp những thắc mắc mà học viên không thể nhận được qua chương trình online.

2. Ưu điểm của hình thức kết hợp 

– Tính tương tác cao và rất đa dạng: Học viên được tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu một lúc, cả tài liệu bản cứng giáo viên cung cấp trực tiếp trên lớp và các tài liệu trực tuyến (ảnh minh hoạ, các video clips, trò chơi trên các website,..) . Ngoài ra, học viên còn được tương tác với những đối tượng khác nhau (giáo viên, các học viên khác, các đối tượng khác ngoài phạm vi lớp học,….)

– Môi trường học đầy linh hoạt, không giới hạn về không gian, thời gian, tùy theo nhu cầu, sở thích của học viên. Tại hình thức này, người học được thực sự trở thành trung tâm của lớp học.

– Đối với mô hình này, các yêu cầu về chuẩn đầu ra, kết quả và thái độ học tập của học viên được kiểm soát chặt chẽ. Điều này không chỉ tốt cho học viên mà còn tốt cho các giáo viên và trung tâm. Giáo viên và trung tâm sẽ có những đánh giá tốt nhất về quá trình giảng dạy và xây dựng lớp học, từ đó cải tiến và hoàn thiện thêm về chương trình dạy và học. 

3. Nhược điểm của hình thức kết hợp 

– Khó khăn trong việc đảm bảo về cơ sở vật chất: Với hình thức kết hợp, cơ sở vật chất của trung tâm đào tạo rất quan trọng. Các trang thiết bị, phần mềm hiện đại như máy chiếu, máy tính kết nối Internet tốc độ cao, máy in, phòng học đa phương tiện, các phần mềm quản lí ….là những thiết bị bắt buộc để phục vụ công tác giảng dạy theo hình thức này. Những trang thiết bị này có thể sẽ tiêu tốn một khoản lớn vào công tác đầu tư ban đầu của nhà trường và trung tâm. Không chỉ vậy, vì còn kết hợp với hình thức trực tiếp, nên các cơ sở giáo dục vẫn phải chịu chi phí về mặt bằng và các văn phòng phẩm khác.

– Trở ngại liên quan đến trình độ tin học và kĩ thuật công nghệ: nhiều giảng viên có trình độ chuyên môn cao, nhưng trình độ công nghệ lại chưa tốt, đặc biệt là các giảng viên lớn tuổi, sẽ có thể bị ảnh hưởng rất nhiều về mặt tâm lý và gặp nhiều áp lực khi triển khai hình thức này. Vì vậy ngoài có việc hệ thống cơ sở vật chất tốt, thì sự hỗ trợ phù hợp cho giáo viên là cần thiết để thiết kế các bài giảng trực tuyến, quản lí lớp trực truyến .

– Đòi hỏi cao về ý thức tự giác của người học: Bản chất của mô hình học tập kết hợp blended learning là giáo viên phải cởi mở trong phong cách giảng dạy, thoát khỏi những khuôn khổ cũ để phù hợp với cách thức mới lấy người học làm trung tâm. Điều này đòi hỏi học viên phải có ý thức tự chủ cao mới có thể phát huy được những lợi ích tích cực của mô hình học tập kết hợp blended learning này.

IV. Các gợi ý để buổi giảng dạy kết hợp offline và online hiệu quả hơn

Để một buổi giảng dạy theo hình thức kết hợp offline và online đạt hiệu quả hơn, các giảng viên có thể tham khảo một số mô hình sau:

1. Mô hình 1: Flipped classrooms (lớp học đảo ngược)

Mô hình này về cơ bản chính là đảo ngược quy trình một lớp học truyền thống, bằng cách cung cấp các đoạn ghi hình bài giảng cho học sinh nghiên cứu trước ở nhà, sau đó giảng viên sẽ cùng học sinh lên lớp bàn luận và đào sâu kiến thức. 

Ví dụ cụ thể về 1 lớp học đảo ngược về tiếng Anh có thể được tiến hành như sau:

Bước 1: Học viên chuẩn bị và làm quen trước với bài giảng hôm sau thông qua các video và bài tập đã được ghi hình trước đó. Các từ mới được tra đầy đủ để học viên có tổng quan trước

Bước 2: Học viên tới lớp và thảo luận cùng các giáo viên và lớp học dựa trên những nghiên cứu trước đó. Giáo viên tổ chức các hoạt động và trả lời các thắc mắc của học viên nếu có đề đào sâu kiến thức bài giảng

Bước 3: Học viên làm bài về nhà trên hệ thống online. Giáo viên chấm và chữa online. Nếu học viên có bất kì câu hỏi nào về đáp án, giáo viên sẽ trả lời trực tiếp tại lớp học vào buổi sau

2. Mô hình 2: Hybrid learning (đào tạo hỗn hợp)

Trong mô hình này, học viên có thể đồng thời tham gia lớp học trực tiếp và lớp học ảo. Hybrid Learning cho phép người học truy cập và sử dụng các nguồn tài nguyên của khóa học bất cứ khi nào họ muốn. Giảng viên sẽ giảng dạy cả 2 nguồn học viên (trực tiếp và thông qua lớp học ảo) cùng một lúc, ví dụ bằng cách sử dụng các công cụ như livestream (chiếu trực tiếp).

Ví dụ như sau:

A và B – 2 sinh viên đang theo học cùng một lớp quản lý. Họ phải tham gia một lớp học lúc 2:00 chiều. A tham gia lớp học trực tiếp trong khi B lại thích học online ở nhà. Bài giảng khóa học và tài liệu được cung cấp trực tuyến trên nhóm lớp (trên Facebook hoặc hệ thống LMS như Google classroom) và tất cả học viên đều có thể truy cập. Giảng viên cũng đồng thời giảng dạy trực tiếp và sử dụng điện thoại/laptop để livestream. Điều này giúp A và B dễ dàng tham gia cùng một bài giảng theo cách mà họ thích.

3. Mô hình 3: Technology-enhanced learning (đào tạo tăng cường sử dụng công nghệ)

Mô hình này về bản chất là các lớp học sử dụng các công nghệ/ứng dụng làm công cụ trong lớp học. Các cách tăng cường sử dụng công nghệ rất đa dạng, chẳng hạn như sau:

– Việc sử dụng màn hình/máy chiếu (với chức năng như share screen trên Zoom) giúp hạn chế chi phí in ấn/công sức in ấn & thời gian phát handout ở lớp. Điều này còn giúp học viên tránh làm thất lạc tài liệu học của mình.

– Toàn bộ bài tập về nhà, các bài kiểm tra của học viên được chuyển sang online sử dụng hệ thống Google Classroom ở cả trên lớp học trực tiếp. Việc này có thể tiết kiệm thời gian chấm chữa bài cho giáo viên, và giáo viên cũng có thể dẫn link hoặc đưa các tài liệu tham khảo khác cho học viên tại những dòng bài tập có liên quan. Ở phía người học cũng dễ dàng theo dõi nhận xét của giáo viên hơn dựa trên các công cụ như Google Doc/Spreadsheet được thiết kế để hỗ trợ Tính năng Nhận xét/Đề xuất, …. Đây là một điều rất khó để triển khai khi thực hiện chấm chữa bài tại lớp học trực tiếp truyền thống.

– Giáo viên khi sử dụng công cụ điểm danh Online (Quét mã QR) sẽ giúp tiết kiệm thời gian điểm danh, tránh mất vào thời gian học của lớp.

V. Các ứng dụng có thể hỗ trợ giảng dạy kết hợp offline và online

  • Zoom: hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến, có thể tách thành các phòng học nhỏ để học sinh thảo luận. (tham khảo: 5 công cụ hỗ trợ dạy học online hiệu quả về 5 công cụ hỗ trợ giảng dạy; HDSD Zoom từ A đến Z để dạy học trực tuyến hiệu quả)
  • Google Classroom: Google Classroom hay Google lớp học là một Learning Management System (LMS) – Hệ thống quản lý học trực tuyến miễn phí do Google xây dựng, được tích hợp với các dịch vụ khác của Google như Google Drive, Google Tài liệu, Google Trang tính, Google Slide… . Hệ thống này giúp giáo viên sắp xếp công việc giảng dạy của mình một cách đơn giản và hiệu quả nhất thông qua việc cải thiện khả năng giao tiếp và cộng tác giữa học viên với giáo viên, học viên với học viên và giáo viên với giáo viên.

(tham khảo 5 công cụ hỗ trợ dạy học online hiệu quả Chấm và chữa bài tập về nhà trên Google Classroom)

  • Notion: Notion là ứng dụng ghi chép, cho phép người dùng lên kế hoạch, ghi chú, tổ chức công việc và cuộc sống. Ứng dụng này được miêu tả là all-in-one workspace. Nghĩa là tất tần tật mọi thứ đều có thể lưu trữ vào trong một không gian.

Với Notion, giáo viên có thể soạn giáo án, kết hợp với đăng tải tài liệu, đính kèm các đường liên kết cho học sinh. 

Giáo viên quản lý tài liệu của mình dễ dàng và tiện lợi hơn, học viên cũng sẽ có thể theo dõi bài giảng và tài liệu một cách nhanh chóng. 

(Tham khảo E13 Notion – Công cụ quản lý học tập hiệu quả)

  • Wordwall: Wordwall là công cụ dạy học trực tuyến dùng để thiết kế những nội dung thực hành cho học sinh như trò chơi. Các thầy cô sẽ thiết kế nội dung học sinh cần làm trên Wordwall với những mẫu có sẵn, sau đó gửi link cho học sinh để luyện tập và làm bài. Tất cả kết quả của học sinh sẽ đều được được hiển thị tại giao diện kết quả của thầy cô để biết được khả năng của học sinh.(tham khảo thêm 5 công cụ hỗ trợ dạy học online hiệu quả)
  • Kahoot!: Kahoot! là một nền tảng học tập dựa trên trò chơi giúp người dùng dễ dàng tạo, chia sẻ và chơi các trò chơi học tập hoặc câu đố đố trong vài phút. Kahoot! không cần cài đặt phần mềm, các câu hỏi có thể được tạo ra nhanh chóng và đơn giản. Hơn nữa, các câu trả lời của HS được ghi trong một Excel, điều này giúp GV dễ dàng phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định phù hợp. Mặt khác, công cụ này cho phép người dùng xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm với dữ liệu đa dạng bao gồm hình ảnh, video và sơ đồ giúp thiết kế hấp dẫn hơn cho HS và do đó, tăng động lực trong quá trình học tập.
  • Padlet: Padlet là một ứng dụng Internet miễn phí cho phép mọi người bày tỏ suy nghĩ của cá nhân về một chủ đề một cách dễ dàng. Nó hoạt động như một bảng trực tuyến, nơi mọi người có thể đặt bất kỳ nội dung (ví dụ như hình ảnh, video, tài liệu, văn bản) bất cứ nơi nào trên trang web, cùng với bất cứ ai, từ bất kỳ thiết bị. 
  • Quizziz: Quizizz có 2 chức năng chính là tạo bộ câu hỏi trắc nghiệm và là kho lưu trữ các game trắc nghiệm thuộc nhiều chủ đề. Các câu hỏi trắc nghiệm trong Quizizz thuộc nhiều danh mục với cấp độ khác nhau để học sinh thử sức, đánh giá trình độ của bản thân; hoặc giáo viên, phụ huynh có thể truy cập bộ câu hỏi do người khác chia sẻ để sử dụng trong giảng dạy, kèm cặp con em mình. Nhìn chung, Quizizz phù hợp với cả việc học tại nhà và trên lớp.
  • Bamboozle: Có tính năng tương tự Quizizz, Baamboozle là nền tảng game giáo dục miễn phí có thể được sử dụng trực tiếp trong một buổi học. Trang web này có sẵn một thư viện gồm hàng nghìn trò chơi ở mọi môn học. Ngoài ra, công cụ Game Creation Tool cũng cho phép giáo viên tạo ra một trò chơi của riêng mình.
  • Quizlet: Quizlet là một công cụ học từ vựng trực tuyến bằng cách sử dụng thẻ từ vựng (hay còn được gọi là flashcard). Bằng cách sử dụng Quizlet, người học có thể luyện tập khả năng ghi nhớ từ vựng của mình một cách đơn giản nhưng tràn đầy thú vị hơn là các phương pháp học tập truyền thống như chép tay, học thuộc lòng,…