Con gái lấy chồng là con người ta

Tôi ly hôn vì chồng ngoại tình lúc có bầu đứa út, hai con đầu sống với bố trong Nam, tôi nuôi con út ngoài bắc. Con thứ hai mạnh mẽ nhất, cũng có thể nói là hơi cực cho cháu. Lúc học đại học, tự cháu bươn chải, vừa học vừa làm vì mẹ kế không cho bố cháu chu cấp. Tôi không khá giả, lại bệnh tật nên chỉ giúp cháu được một chút trong lúc đi học.

Cũng may trời thương, cháu ngoan ngoãn, giỏi giang, mọi người yêu quý nên học xong xin được việc ở các tập đoàn nước ngoài. Tôi không rành về công việc cháu làm lắm, chỉ biết khi nào cháu cũng làm việc cho 2-3 công ty một lúc, khi nào cũng kè kè điện thoại với laptop giải quyết công việc. Cháu kiếm được tiền khá, tự mua chung cư từ lúc 27 tuổi mà không nhờ sự trợ giúp của bố mẹ. Cháu cũng cho tôi đi du lịch hàng năm trong và ngoài nước, bảo đời mẹ vất vả nhiều rồi, chị em con lấy chồng hết lại chẳng khá giả nên con có được bao nhiêu thì cho mẹ đi chơi từng đấy.

Có con thành đạt nên nói không tự hào thì không đúng, lương tháng của cháu thấy bảo tầm 100 triệu, có điều cách tiêu tiền của nó làm tôi phát hoảng. Ai đời nó chi cả tiền triệu để thuê người tập gym cho chỉ trong một giờ, tiền thẻ tập thể dục hàng trăm triệu một năm, đi ăn uống có khi tiền triệu một bữa bên ngoài. Con được bố nuôi dạy theo kiểu nữ công gia chánh nên cũng biết nấu nướng ngon, đảm đang tháo vát nhưng lại cứ bảo thời gian con nấu nướng thì để kiếm được nhiều tiền hơn, sao phải nấu. Hơn 30 tuổi rồi nhưng nhìn con như 26-27 tuổi, xinh xắn, nhiều người để ý, ai đến chơi cũng khen nhà có con bé xinh, giỏi giang mà sao ế chồng. Thế mà con bảo sao lại ế, chẳng qua con không muốn, chứ con trai theo đầy.

Con cứ bình chân như vại, cũng hẹn hò anh này anh nọ, có chức tước (con bảo yêu mấy người thấp hơn không yêu được, không muốn dựa dẫm vào ai nên cũng không muốn ai dựa dẫm vào con). Người ta cứ hỏi cưới là con bỏ, bảo chẳng muốn cưới chồng, cứ tự do sống thế này không sướng à? Tiền con có, muốn làm gì cũng được; cũng chẳng muốn có con, vì nếu có thì phải chăm sóc con được tốt, bạn bè cho con cái học từ 500 triệu đến một tỷ đồng mỗi năm, chừng nào con kiếm được như thế thì lấy chồng, không thì thôi, đời con khổ lúc nhỏ rồi, không muốn đời con cái phải khổ thế. Tôi không hiểu được lý lẽ của tụi nhỏ, nói như nó thì những người làm công nhân, nông dân không dám đẻ à?

Lần nào con gọi về tôi cũng khuyên bảo bớt làm đi, chơi chưa chán à, lấy chồng cho ổn định. Con lại bật ngược lại, thế nào là ổn định? Lấy chồng chỉ là bước từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của cuộc đời, nhiều gánh lo trong cuộc sống hơn thôi. Tại sao con tôi không nghĩ đến việc về già, nằm ra đấy, không có con cái thì ai lo cho nó?

Cách đây vài tuần cháu nói thôi sang năm sẽ lấy chồng, mẹ cứ chuẩn bị đi. Khỏi nói tôi vui mừng thế nào, suốt mấy chục năm trời cháu nó chịu thay đổi ý định. Rồi hôm cháu về chơi, vô tình tôi nghe cháu nói điện thoại với bạn: "Tao vẫn không muốn lấy chồng đâu, cuộc sống giờ cái gì cũng có, đang thoải mái, vui vẻ mà. Có điều mẹ tao già rồi, cứ để mẹ nghĩ nhiều, bạc đầu rồi ở nhà khóc thầm tao cũng thấy có lỗi. Thôi anh này cũng được, hiền lành, yêu thương tao, chắc tao lấy. Cứ để người ta lo rằng mình yêu qua đường cũng tội nghiệp, nhưng thật tâm thì tao vẫn muốn sống thế này hơn".

Nghe cháu nói những điều đó, là một người làm mẹ tôi rất chạnh lòng. Việc tôi mong mỏi cháu lấy chồng có sai? Cháu nói sao mẹ không hỏi con có đang sống vui không, có nhất định phải lấy chồng mới là con vui? Có phải quan điểm của tôi đã trở nên lỗi thời? Nên làm gì với con mình đây?

Thư

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

    Đang tải...

  • {{title}}

Tôi không bằng lòng: "Con thấy có những người con lúc bố mẹ còn sống họ coi bố mẹ không ra gì, vậy khi bố mẹ mất đi rồi hối hận cũng đâu có kịp".

Bố bảo: "Vậy nên có con đã là niềm vui rồi. Con biết hiếu thảo với bố mẹ thì càng hạnh phúc hơn. Nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ quê mình không biết bao giờ mới hết".

Tôi không biết cái "tư tưởng" ấy bao giờ mới hết. Chỉ biết, tư tưởng ấy đã làm khổ biết bao người phụ nữ và còn biết bao nhiêu đứa trẻ không được sống đúng với giới tính thật của mình.

Tôi nhớ ngày còn đi học, bạn tôi hôm thì tay sưng, hôm thì mặt tím đen, hỏi thì mới biết bị bố đánh. Cuối cùng bạn rưng rưng kể vì nhà bạn ấy có hai chị em gái, mà bố thì tính gia trưởng lúc nào cũng muốn có con trai, nhiều lúc không làm chủ được lại chửi mẹ con.

Vì luôn được sống trong yêu thương nên tôi hiểu sâu sắc nỗi đau trong đôi mắt đẫm nước của bạn. Trẻ con đâu có tội? Vậy mà sao người lớn lại đổ vội lên đầu những đứa trẻ con?

Trong trí nhớ của tôi còn đọng lại một số gia đình có "quý tử" rồi đi coi khinh, soi mói những gia đình không có con trai kiểu như: "Nhà có con trai đâu, xây to làm gì? Sau này chúng nó cũng đi lấy chồng hết".

>> 'Trọng nam khinh nữ' khiến nhiều cha mẹ bán nhà trả nợ cho con trai

Với bất cứ người phụ nữ nào, con gái hay con trai đều là niềm vui, là tình yêu của họ. Tuy nhiên áp lực từ gia đình nhà chồng, từ xã hội mà đôi khi họ phải bỏ đi đứa con của mình khi vừa mới được nhìn con qua màn hình máy siêu âm. Và có những người đàn ông sẵn sàng mặc kệ bỏ ra ngoài khi nghe bác sĩ nói "là con gái" để mặc vợ ngồi ôm con, con khóc mẹ cũng khóc.

Những người đàn ông như vậy, họ có biết giới tính thai nhi cũng là do họ quyết định không? Vậy tại sao cứ đổ tại phụ nữ?

Cho đến bây giờ, cái giá phải trả bởi những lời nói đó, đôi khi là quá đắt. Có những gia đình vì quá nuông chiều con trai mà bây giờ con nghiện ngập đuổi cả bố mẹ đi, nhẹ hơn thì bỏ nhà ra đi, đầu trộm đuôi cướp. Ngẫm lại, nếu sống đã không coi bố mẹ ra gì thì chết đi có khóc, có thờ cúng chu đáo đến đâu liệu còn ý nghĩa gì không?

Con cái là của trời cho. Tôi nghĩ con trai con gái đâu có quan trọng, quan trọng là những đứa con biết lễ phép, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết cố gắng là niềm vui của rất nhiều người rồi. Có con đã là điều mong muốn, là điều hạnh phúc của rất nhiều gia đình trong cuộc sống rồi.

Những tổn thương của ngày thơ bé luôn ám ảnh bất cứ đứa trẻ nào vì vậy mọi người hãy yêu thương và quan tâm tới những đứa con để các em có thể mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ và mong muốn của mình.

Phan Trang Lê

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

    Đang tải...

  • {{title}}

Con gái lấy chồng là con người ta
Đừng sáp nhập hai cuộc đời lại làm một mà cùng phát triển hai cuộc đời - Ảnh: Quân Nam

Với nhiều cô gái trẻ, hành trang về nhà chồng bên cạnh những món vật chất hữu hình, còn là kinh nghiệm sống được trao gửi từ mẹ. Và một người mẹ đã gửi đến con gái sáu điều cần nhớ, thật ra cũng là sáu điều các cặp vợ chồng nên nhớ để mang lại cuộc sống hạnh phúc.

Sáu điều mẹ dặn con gái là trách nhiệm của người mẹ và cao hơn là trách nhiệm của một công dân khi trao cho xã hội một “đơn vị gia đình” mới.

“Hạnh phúc là thứ luôn phải vận hành, lung linh; không thể đóng khung, ép uổng. Mọi sự ép buộc (dù là ép buộc vì “tình nghĩa”) không bao giờ đem lại hạnh phúc đích thực. Hàng giả làm hại ta một lúc, hạnh phúc giả tàn phá ta cả đời! Vợ chồng gắn kết bằng sự siết chặt bàn tay của hai người chớ không phải bằng một bàn tay níu kéo

1 Đặt mình vào vị trí một con người hoàn chỉnh

Khi quyết định thành hôn, con phải tự tin rằng cơ bản mình đã là người hoàn chỉnh. Biết đặt mình vào vị trí một người trưởng thành, vững chãi, con mới có khả năng xây dựng một gia đình. Đừng tự ti nghĩ mình mới là một nửa và phải “đi tìm một nửa của mình”.

“Một nửa của mình” không thể ở trong người khác. Không thể ráp nửa người này và nửa người kia thành một con người! Mỗi con người là một đơn vị bản thể riêng biệt hoàn chỉnh. Nếu ta chưa hoàn chỉnh thì dần tự hoàn chỉnh chứ không phải đi lấy của người khác lắp vào mình được.

“Đi tìm một nửa của mình” khởi nguyên là câu đức Phật nói, khuyên con người tìm lại thực tính của mình bị che lấp bởi cái tôi bản ngã chớ không phải đi tìm nửa của mình ở đâu đó trong một người khác. Hiểu đúng mình, tự hoàn thiện, có trách nhiệm với mình trước, con mới có khả năng sống tốt bên cạnh một người khác.

2 Trở nên hữu ích cho nhau, nâng nhau lên

Kết hợp hai con người, trở thành vợ chồng thì phải hết sức tạo điều kiện để tôn cao nhau lên, chớ không vì hòa hợp mà cùng cào bằng nhau xuống, xén bớt cho ngang nhau. Làm thế nào để từ khi có vợ có chồng, mỗi người trở nên hay hơn, giỏi hơn, tốt hơn, thoát hơn chứ chẳng phải trở nên một bè quện nhau xà quần tư hữu.

Người này biến người kia thành sở hữu của mình, chỉ quan tâm đến mình, chỉ biết có vòm trời trên tổ ấm, thui chột những lý tưởng, ước mơ từng có. Nâng nhau lên không nhất thiết cần một người phải chìm xuống. (“Hi sinh” không phải là giải pháp tốt; tốt nhất là không ai phải hi sinh mà vẫn có một thành quả vẹn toàn. Hỗ trợ bổ sung chớ không phải là thay thế).

Kết hợp hai con người là phải mang đến hai nhân tố tốt hơn cho gia đình và xã hội. Có thêm một gia đình là có thêm những con người trưởng thành, hoàn hảo, phát huy, thi triển được đến mức cao nhất khả năng của từng người.

3 Đồng hành, nương tựa chớ không phó thác, dựa dẫm

Quyết định chọn một người bạn đời là cùng người ấy song hành với mình trong cuộc sống, nương tựa nhau và cùng bước chân đi chứ không phải đứng tựa luôn vào người ấy hay di chuyển bằng đôi chân của người ấy. Hành lý các con có thể san sẻ cho nhau nhưng hành trang của ai người đó phải tự trang bị và sử dụng, không thể dùng của người khác.

Con không thể mượn sức khỏe của chồng để con không bị bệnh, con không thể mượn trí tuệ của chồng để con thông minh. Không ai có thể cho hay lấy cuộc đời của người khác làm cuộc đời của mình.

Đừng sáp nhập hai cuộc đời lại làm một mà cùng phát triển hai cuộc đời. Như hai cái cây, các con giúp nhau vươn lên chứ đừng biến một cây thành chùm gởi. Cây dù khỏe mạnh đến đâu, mang gánh chùm gởi một thời gian rồi cũng sẽ không trụ nổi, phải lụi tàn! Hai cái cây biết nương vào nhau, chịu được gió dông, vươn cao hơn, xanh tốt.

4 Tri kỷ, lãng mạn, hài hước

Mọi lời khuyên về gia đình đều bảo con hãy “làm mới” cuộc sống vợ chồng, chống nhàm chán, bởi dù yêu nhau đến mấy, sống mãi với nhau năm này qua tháng kia cũng chán! (Đâu phải phù thủy mà làm mới được hoài, trong khi “chán” là tính bẩm sinh của con người, luôn chực sẵn).

Một bí quyết đơn giản “chống chán” cơ bản bền vững nhất trong cuộc sống vợ chồng là luôn trở thành bạn bè nhau. Không ai chán một người tri kỷ. Thường trước khi yêu nhau các con là bạn bè, vậy mà sau khi cưới các con lại bỏ đi yếu tố cốt lõi đó. Vợ chồng có thể là giai đoạn, nhưng tri kỷ là người cần cho suốt cuộc đời.

Đâu chỉ những niềm vui lớn lao mới đem lại tiếng cười; những hành động, câu nói hài hước thông minh, dí dỏm cũng mang lại tiếng cười hạnh phúc. Con nên trang trí cho tổ ấm của mình bằng những yếu tố lãng mạn và hài hước miễn phí như thế.

5 Giữ nhau bằng tình yêu, tự nguyện

Dù là phụ nữ con hãy sống như quân tử, đừng dựa thế, ràng buộc nhau bằng luật pháp hôn nhân hay trách nhiệm, đạo đức. Hãy giữ chồng bằng tình yêu, bằng sự ngạc nhiên thú vị hằng ngày, bằng sự cảm kích và trân trọng đối với vợ.

Tình yêu: luôn chăm chút vun bón, không lơ là, già cỗi. Sự ngạc nhiên: đừng sống lười, phải tích cực tạo ra niềm vui cho nhau. Cảm kích: hết lòng hiếu thuận với cha mẹ chồng, đảm đang lo cho tổ ấm. Sự trân trọng của người đàn ông dành cho phụ nữ không chỉ vì người phụ nữ ấy tài giỏi, mà còn vì người phụ nữ ấy hoàn thành tốt vai trò phụ nữ, do đó hãy giữ chồng bằng chính một người vợ tuyệt vời chứ không phải bằng quyền người vợ!

Hạnh phúc là thứ luôn phải vận hành, lung linh; không thể đóng khung, ép uổng. Mọi sự ép buộc (dù là ép buộc vì tình nghĩa) không bao giờ đem lại hạnh phúc đích thực. Hàng giả làm hại ta một lúc, hạnh phúc giả tàn phá ta cả đời! Vợ chồng gắn kết bằng sự siết chặt bàn tay của hai người chớ không phải bằng một bàn tay níu kéo.

6 Đủ khả năng nuôi và dạy tốt thì mới sinh con

Thế giới "láu táu" cho ra cái gọi là “Quyền trẻ em” trong khi đáng lẽ cái quan trọng cần phải có trước đó là “Luật cha mẹ”. Nếu chưa bảo đảm đủ khả năng nuôi và dạy tốt một con người thì tuyệt đối đừng sinh con. Một đứa trẻ không phải là món đồ giải khuây, giải trí cho cha mẹ. Con cần nghĩ đến trách nhiệm với xã hội, với chính “sản phẩm con người” mà mình tạo ra.

Đừng quàng lên đầu trẻ em những nhiệm vụ từ những mưu mô, tính toan của người lớn. Đừng sinh con khi mình “cần”, hãy sinh con khi mình “đủ” khả năng đảm bảo cho một con người có mặt trong cuộc đời này.

Nhà thơ THU NGUYỆT