Bất thường ở có quan sinh dục bé gái

Bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh TP HCM đã tạo “đường hầm” thoát lưu 500ml máu kinh đặc quánh ứ lâu ngày trong tử cung âm đạo, bơm rửa toàn bộ “túi” máu cho bé gái 11 tuổi.

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định, đường hầm âm đạo hoạt động thông suốt, máu kinh đã được dẫn lưu ra ngoài bình thường, bệnh nhi xuất viện khỏe mạnh sau 4 ngày điều trị.

Bất thường ở có quan sinh dục bé gái

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau phẫu thuật.

Trước đó, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận bệnh nhi 11 tuổi đến từ Quảng Nam bị đau bụng âm ỉ kéo dài càng lúc càng nặng dần, gây suy kiệt cơ thể do đau, ăn uống kém và gặp khó khăn khi đại tiện. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bé mắc dị tật bẩm sinh bất sản âm đạo hiếm gặp.

Theo lời kể của mẹ bé gái, từ tháng 11/2021 bé bắt đầu đau bụng vùng dưới rốn, nhưng không thấy kinh nguyệt. Suốt 5 tháng đau bụng nhưng không hành kinh, mỗi tháng bé đau bụng khoảng 7-10 ngày, bụng nặng, cảm giác căng. Khoảng 2-3 tháng gần đây đau nhiều hơn, không thể ăn ngủ bình thường, bé sút cân 5-6 ký. Bé đi đại tiện khó, kéo theo việc học tập bị gián đoạn nhiều lần do đau bụng càng lúc càng liên tục và tăng nặng. Lo lắng cho con, qua tìm hiểu, gia đình đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM khám phụ khoa.

Qua mô tả của mẹ bé cũng như quan sát dấu hiệu trên cơ thể, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp bé gái đã bước vào tuổi dậy thì nhưng chưa thấy kinh nguyệt. 

Từ kết quả siêu âm phụ khoa gợi ý, cháu bé đã được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu. Kết quả cho thấy có cơ quan sinh sản, buồng trứng, tử cung bình thường, nhưng âm đạo bị bất sản đoạn giữa. Đường ống âm đạo của bệnh nhi không rỗng như bình thường mà bị “đặc” hoàn toàn một đoạn khoảng 5 cm nằm ở 1/3 giữa. Phên âm đạo bị đông đặc, có bề dày không đáng kể, phía trước dính liền bọng đái, phía sau dính liền trực tràng.

Bất thường ở có quan sinh dục bé gái

Hình minh họa dị tật bẩm sinh đường sinh dục, bít ⅓ giữa ống âm đạo.

“Tình trạng phên âm đạo đặc gây ra và tử cung có tình trạng ứ máu kinh, làm căng dãn lớn từ tử cung đến 1/3 trên âm đạo và đè ép diện rộng vào trực tràng khiến bé mắc đại tiện nhiều nhưng lại không đi được, chất lượng sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi xác định cháu bé mắc dị tật bẩm sinh đường sinh dục không có một đoạn dài âm đạo, hay còn gọi là bất sản âm đạo”, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết.

Do tình trạng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhi, buộc phải có kế hoạch phẫu thuật thoát lưu máu kinh ứ đọng gây dãn căng tử cung và phần trên âm đạo. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng lựa chọn giải pháp phẫu thuật không để tái ứ máu kinh trở lại cho bé gái vừa dậy thì và đang trong giai đoạn phát triển cơ quan sinh dục. 

Các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa đã nhanh chóng hội chẩn cùng bác sĩ Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh BVĐK Tâm Anh TP HCM, tiến hành phân tích hình ảnh, lựa chọn kỹ thuật can thiệp an toàn nhất cho bệnh nhi. 

Ngày 6/4, kíp mổ do BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa, phối hợp cùng bác sĩ Chung Gia Viễn của Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và sự hỗ trợ của các bác sĩ Gây mê hồi sức, đã tiến hành phẫu thuật cho bé gái. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Dưới sự dẫn đường của siêu âm, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật tạo ra một đường mở thông đi ngang qua âm đạo bị “đặc”. Quá trình này cần sự thận trọng tối đa và điều chỉnh từng chút dụng cụ phẫu thuật mở thông vào phần đặc của âm đạo, để không bị lạc đường gây thủng vào bọng đái, trực tràng.  

Hơn 500ml máu kinh màu nâu đen chocolate, đặc quánh, ứ đọng trong tử cung và âm đạo lâu ngày đã được thoát lưu ra ngoài và toàn bộ “túi” máu được bơm rửa liên tục. Một ống thông cũng được đặt vào, và lưu giữ lại để duy trì “đường hầm” mới được tạo ra. Ống thông duy trì đường hầm này sẽ được các bác sĩ đánh giá và lưu lại một khoảng thời gian phù hợp trước khi tháo bỏ luôn. 

Chị Đặng Thị Bảo Lan, mẹ của bé gái tâm sự: “Khi bác sĩ báo tin con mắc dị tật đường sinh dục, tôi lo lắng mất ăn mất ngủ. Sau phẫu thuật, bé tươi tỉnh, khỏe mạnh, đi lại bình thường. Bác sĩ báo tin can thiệp tháo lưu máu kinh bị ứ thành công, gia đình tôi phấn khởi vì con không còn đau đớn bỏ cả việc ăn ngủ học hành như thời gian qua, và trong tương lai con cũng có thể sẽ không còn bị ứ máu kinh nữa”.

Bất thường ở có quan sinh dục bé gái

ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi thăm hỏi bệnh nhi trước khi xuất viện.

Bất sản âm đạo là dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh của nữ giới khi âm đạo không có được cấu trúc rỗng hoàn toàn như bình thường, mà bị “đặc” hoàn toàn hoặc một phần. 

Bình thường, khi bước vào tuổi dậy thì, các bé gái sẽ có cột mốc đánh dấu thời kỳ này là xuất hiện có kinh nguyệt, máu kinh chảy qua lỗ tử cung đổ thằng vào lòng ống âm đạo, và thoát ra ngoài qua lỗ thủng tự nhiên của màng trinh. Tuy nhiên, ở các trường hợp bất sản âm đạo như bé gái này, ống âm đạo không có ở đoạn 1/3 giữa, khiến máu kinh không thể lưu thông qua ống âm đạo ra ngoài như bình thường. Máu kinh đọng lại, dồn ứ ở tử cung do không thể thoát đi đâu được, làm giãn to phần trên âm đạo. Sự căng giảm phần trên tử cung âm đạo khiến người bệnh đau đớn vùng bụng dưới ngày càng tăng, và không thể đi đại tiện dễ dàng như bình thường.

“Nếu không phát hiện sớm có thể bé sẽ suy kiệt thể chất, chấn thương tâm lý do chịu nhiều đau đớn. Máu kinh ứ đọng, gây chèn ép cơ quan lân cận, có thể dẫn đến gây khó đi tiểu tiện. Bệnh nhân còn đối diện nguy cơ trào ngược máu kinh vào ổ bụng qua hai vòi trứng, làm tăng nguy cơ ứ máu vòi trứng, lạc nội mạc tử cung vùng chậu”, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ. 

ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM cũng cho biết thêm, đã có nghiên cứu khoa học chỉ ra dị tật bất sản âm đạo xuất hiện ngay từ trong thai kỳ. Nguyên nhân là do tại một số thời điểm trong vòng 20 tuần đầu của thai kỳ, các ống Mullerian không phát triển bình thường. Bé gái chào đời vẫn phát triển bình thường, đủ bộ phận sinh dục bên ngoài như môi lớn, môi bé, nhưng bên trong tử cung âm đạo có thể chỉ phát triển một phần hoặc không phát triển. 

Bất sản âm đạo hiếm gặp, tuần suất thống kê khoảng 1/4000 đến 1/5000 phụ nữ. Hầu hết thường không được phát hiện sớm mà chỉ được phát hiện khi người phụ nữ đi khám vì vô kinh nguyên phát hoặc không thể quan hệ tình dục, hoặc không hành kinh và đau bụng theo chu kỳ hàng tháng.

ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa khuyến cáo phụ huynh có con gái trong độ tuổi dậy thì nếu không có kinh nguyệt, hoặc không có kinh nguyệt nhưng có các dấu hiệu cho thấy con đang dậy thì (ngực nảy nở, có mụn trứng cá, có lông vùng sinh dục…), cần đưa trẻ đi khám phụ khoa sớm để kiểm tra nguyên nhân chậm kinh. 

Hiện nay, một số nguyên nhân gây chậm kinh, vô kinh như suy buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang, dậy thì muộn,… có thể liên quan bất thường về nội tiết tố nữ, bất thường di truyền, nhiễm sắc thể, hay mắc dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục như không có tử cung, tử cung nhi hoá, hoặc bít màng trinh, bất sản âm đạo… 

Dính môi bé là gì?

Bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới bao gồm hai môi lớn và hai môi bé. Những cấu trúc này nằm chắn trước phần âm đạo và lỗ tiểu. Bình thường thì hai môi bé tách rời nhau. Dính môi bé hay dính âm môi là hiện tượng hai môi bé ở bộ phận sinh dục nữ dính lại với nhau ở đường giữa, chỉ còn một khoảng trống rất nhỏ.

Bất thường ở có quan sinh dục bé gái

Tỉ lệ dính môi bé dao động khoảng 0.6% - 5%, thường xuất hiện ở trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi, mặc dù có một số trường hợp xuất hiện trễ hơn vào tuổi vị thành niên.

Triệu chứng và nguyên nhân gây dính

Có > 50% trẻ hoàn toàn không có biểu hiện gì, thân nhân chỉ phát hiện tình cờ trẻ không có lỗ âm đạo hoặc thấy bộ phận sinh dục trẻ khác thường. Một số trường hợp trẻ có triệu chứng tiểu són, tiểu đau, đau và tiết dịch âm đạo bất thường và có thể biểu hiện của nhiễm trùng tiểu.

Nguyên nhân có thể do kết hợp giữa các yếu tố: viêm nhiễm vùng âm hộ, âm đạo, sự sụt giảm estrogen, vệ sinh kém cũng như là việc kích ứng từ mặc tã.

Chẩn đoán

Chẩn đoán dính môi bé chỉ cần dựa vào thăm khám lâm sàng. Hai môi bé dính chặt nhau ở đường giữa, biểu hiện bằng mô xơ trắng trong. Các mức độ dính môi bé có thể dao động từ dính nhẹ (dính một phần, che một phần âm đạo, lỗ tiểu không bị che lấp) cho đến dính nặng (dính hoàn hoàn, che lấp âm đạo lẫn lỗ tiểu).

Việc thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng có thể giúp loại trừ bất sản âm đạo cũng như bítmàng trinh.

Bệnh này có nguy hiểm không?

Nếu dính độ nhẹ, có thể tự cải thiện khi bé dậy thì do nồng độ estrogen tăng lên. Trường hợp dính mức độ trung bình và nặng thì cần phải điều trị tách dính. Nếu không được tách dính, dòng nước tiểu có thể bị màng xơ dính cản lại, gây nhiễm trùng tiểu, viêm âm hộ, viêm âm đạo kéo dài.

Việc tách dính môi bé là thủ thuật được thực hiện ngoài phòng khám, có gây tê tại chỗ giúp giảm đau, nhanh chóng và tương đối an toàn. Sau khi tách dính, bác sỹ có thể kê toa thuốc bôi có chứa steroid vào vùng môi bé đã được tách và hướng dẫn cho gia đình việc giữ vệ sinh vùng âm hộ để giảm thiểu tình trạng tái phát sau này.