Trái ngâu là gì

Cập nhật lúc 09:57, Thứ Bảy, 18/03/2006 [GMT+7]

Ông Hai Nữ với hủ rượu ngâu.

Trong một lần ghé Đồng Nai và được mời thưởng thức rượu ngâu, nhà báo kỳ cựu Phan Kim Thịnh [tức Lý Nhân, Phan Thứ Lang] - tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như: Sài Gòn vang bóng, Bảo Đại - vua cuối cùng triều Nguyễn, Thiệu - Kỳ một thời hãnh tiến, một thời suy vong, Trần Lệ Xuân - giấc mộng chính trường... đã hứng khởi tiết lộ:

- Trái ngâu này chỉ có ở miền Đông, cụ thể là ở Bình Giã và Đại An mà thôi. Theo tôi biết được thì vào khoảng năm 1959, Ngô Đình Diệm công du Đại Hàn được ông Lý Thừa Vãn mời thưởng thức rượu ngâu và sau đó có tặng cho mấy trái đem về nước làm quà. Vốn là người công giáo có tinh thần quốc gia cực đoan, ông Diệm nghĩ ngay đến việc chế biến ra một loại rượu lễ để thay thế cho rượu lễ đưa từ Roma sang nên đưa mấy trái ngâu này cho các vị linh mục ở Bình Giã và Đại An trồng thử và nghiên cứu việc làm rượu lễ. Sau đó Diệm bị lật đổ, còn Bình Giã và Đại An đều trở thành vùng chiến sự nên ý tưởng làm rượu lễ không có cơ hội thực hiện. Nhưng loại trái cây có mùi thơm đặc biệt này được các linh mục gọi là trái trường sinh được người dân trong vùng thu hái chế biến thành rượu uống rất ngon.

Không có điều kiện để thẩm định về tính xác thực của thông tin do ông Phan Thứ Lang đưa ra. Nhưng tìm đến Đại An [nay là xã Tân An thuộc huyện Vĩnh Cửu] cũng là nơi duy nhất trong tỉnh trồng loại cây này, chúng tôi khá bất ngờ trước những thông tin có phần trái ngược. Ông Hai Nữ [Lương Văn Năm] năm nay 76 tuổi, ở số nhà 463 ấp Bình Chánh, thuộc xã Tân An là người mà ông chủ tịch Hội nông dân xã Tư Cò [Hồ Minh Quang] cho là trồng nhiều cây ngâu nhất ở Đại An cho biết: thật ra đây là quê vợ tôi [bà Lâm Thị Nữ] nên mọi người ở đây gọi tôi là Hai Nữ. Vợ tôi là cháu ngoại của bà Năm Tú [Nguyễn Thị Bảy, sinh năm 1894, mất năm 1987, thọ 93 tuổi] là người đầu tiên trồng ngâu ở Đại An này. Cây ngâu đầu tiên mà bà Năm Tú trồng có tuổi thọ gần trăm năm [!?] đã bị ngã cách đây 2 năm, chúng tôi đã cưa ra lấy củi, nay chỉ còn cái gốc rỗng ruột. Nhìn cái gốc ngâu "trăm năm" mà ông Hai Nữ cứ xuýt xoa là "củi ngâu đốt cũng có mùi thơm", chúng tôi cứ phân vân trước tư liệu "trái ngâu đưa vào nước ta chỉ mới có 47 năm [1959- 2006]" của ông Phan Thứ Lang. Trong lúc bà Hai Nữ, năm nay 69 tuổi lại đoan quyết là "hồi nhỏ xíu tôi đã biết cây ngâu này đã được bà ngoại tôi trồng, hổng biết từ lúc nào và kiếm giống ở đâu". Bà Hai Nữ còn cho biết, mấy cây ngâu nhà bà ngon có tiếng ở cả vùng Đại An, vì những cây ngâu con phát sinh từ rễ cây ngâu cổ thụ đã cho trái ngâu cứng mỏng vỏ và thơm ngọt nồng nàn trong khi cũng có nhiều người lấy hột trái ngâu ở đây đem về gieo ươm đến mười mấy, hai mươi năm mới cho trái nhưng là trái ngâu trâu to lớn, dầy vỏ, nhiều xơ và có vị hơi đăng đắng. Ngâu là loại đại mộc cao đến 30-40 mét thường bắt đầu rụng lá từ tháng 2 và tiếp tục ra hoa màu trắng chi chít thành từng chùm khắp cành nhánh tỏa ra mùi thơm ngát. Đến cuối tháng 3, hoa ngâu rụng trắng gốc cây và bắt đầu kết trái. Vào khoảng tháng mười một, tháng chạp là mùa ngâu chín. Mỗi cây ngâu ở Đại An trong một mùa cho từ 5 đến 7 tạ trái. Thương lái vào tận vườn mua và cân với giá: 5.000đ/kg sau đó đem bán ở chợ Biên Hòa, chợ Sài Gòn với giá từ 10.000đ đến 12.000đ/kg tùy theo năm được hoặc thất mùa ngâu.

- Ông Hai Nữ cho biết, trước đây người ta hái trái ngâu chín đem về rồi nướng trên lửa than cho thơm rồi mới đem ngâm rượu. Rượu có mùi thơm ngâu đặc trưng nhưng nước đen sậm không đẹp mắt. Sau đó ông lượm những trái ngâu chín bị gió làm rụng dập nát đem phơi khô ngâm rượu có màu đỏ tươi rất đẹp. Hiện giờ nhiều người ngâm rượu ngâu cũng theo cách thức này. Rượu ngâu có công dụng trị nhức mỏi, đau lưng, đau bụng, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Ông Phước "ruồi" - một thương lái lúa gạo ở Tân An còn cho biết là nhờ ăn trái ngâu chín thường xuyên nên ông đã dứt được chứng đau bao tử đã dày vò ông nhiều năm. Nhiều người ở Biên Hòa thì ghiền món ngâu nướng thơm lừng, bùi bùi hoặc cứ lựa trái ngâu thật chín đập vỏ ra dùng muỗng xúc ăn để thưởng thức hương vị nồng nàn của nó. Từ gần 30 năm nay, quán Ngâu nằm ở góc đường công viên Biên Hùng - Phan Đình Phùng [Biên Hòa] cũng nổi danh với món rượu ngâu pha sôda đá có nêm một chút muối, tắc. Còn dân ghiền rượu ngâu thì cứ uống séc...

Bà Chín Thọ [Lê Thị Thọ] một người dân cố cựu ở Đại An sống với nghề bán trái cây theo mùa vụ trên 40 năm nay, rất rành nhà nào ở Đại An có trồng ngâu cũng xác nhận ngâu nhà ông Hai Nữ là ngon nhất. Kế đến là ngâu của nhà ông Hai Tây [Lê Văn An], Hai Báu, bé Bảnh [Ngô Văn Bảnh], Tư Thẳng [Đặng Văn Thẳng]... Bà Thọ cho biết vài chục năm nay, mỗi mùa ngâu bà thường đến những vườn này mua vài thiên [mỗi thiên: 1.200 trái ngâu] đem về dú rồi đưa lên Biên Hòa bán. Trong đó có những mối lớn là các tiệm thuốc Bắc. Dú ngâu cũng có kỹ thuật riêng là bọc bằng giấy báo rồi bỏ trong giỏ cần xé, dú với khí đá trong 5 đêm ngâu mới chín, bà Chín Thọ than van: "Ngâu bây giờ ngày một ít đi vì những cây già cỗi hay bị đổ ngã hoặc bị đốn để trồng bưởi, đã vậy kêu người hái ngâu với giá: 100.000đ/ngày công họ cũng từ chối vì cây ngâu quá cao, leo mệt, còn cây ngâu tơ thì nhiều gai. Dân bẻ ngâu thành thạo lắm một ngày hái cũng không được một thiên. Mấy năm nay, đến mùa dân Biên Hòa đổ về các nhà vườn đặt mua nhiều lắm. Ngoài ra còn có những mối lớn như các quán rượu đặc sản hoặc nhà xứ Thánh Tâm đưa xe về mua nên chủ vườn cũng không chịu bán mão cho tụi tui nữa!"...

Bùi Thuận

.

Cây Ngâu có tên khoa học là Aglaia odorata Lour. Còn được gọi với tên khác là Mộc ngưu. Cây thuộc họ Xoan [Meliaceae]. Cây thường dùng phần cành, lá và hoa. Hoa Ngâu thường được dùng ướp chè, có tác dụng chữa khí uất, ăn không tiêu, bụng đầy trướng. Ngoài ra còn có rất nhiều tác dụng khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về công dụng, cách dùng và liều lượng của loại thực vật này

Giới thiệu về Cây Ngâu

Mô tả dược liệu

Cây ngâu là cây nhỡ, có chiều cao trong khoảng từ 4 – 7m. Lá kép lông chim, mọc so le, có chiều dài từ 4 – 9cm, rộng 1,5 – 3cm, có 5 – 7 lá chét nhỏ. Lá tận cùng lớn hơn, có hình trứng ngược, đầu tù, gốc thuôn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, cuống lá có cánh.

Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, có cuống mảnh, đơn hoặc phân nhánh. Hoa màu vàng, rất thơm, lưỡng tính hoặc hoa đực do tiêu giảm.

Quả hạch, hình cầu, khi chín màu đỏ tươi. Mùa hoa quả thường từ tháng 5 – 7.

Cây Ngâu

Phân bố sinh thái

Chi Aglaia Lour gồm một số loài là cây gỗ hay cây bụi, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, chi này có hơn 30 loài, trong đó Ngâu vốn là cây mọc hoang dại và đã được trồng phổ biến ở nhiều nơi. Được trồng với mục đích làm cảnh và lấy hoa ướp trà. Cây cũng có nhiều ở Trung quốc, Thái lan và Philippin.

Dược liệu thuộc loại cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, mọc tự nhiên ở các kiểu rừng thưa, có bộ rễ rất phát triển và có khả năng chịu hạn tốt.

Thành phần hóa học

Lá  cây Ngâu chứa aglaiastatin A, aglaiastatin B, aglaiastatin C, rocaglaol, pyrimidinon, rocaglamid.

Lá còn chứa tinh dầu, trong đó có linalol, hendecan…Các chất có hàm lượng cao nhất là β – caryphylen 22,25%, α – humulen 17,58%, caryophylenon I 17,21%.

Lá cây Ngâu là lá kép lông chim, mọc so le

Công dụng của cây Ngâu

Cây Ngâu có rất nhiều công dụng, đã được nghiên cứu và ứng dụng trong Tây y lẫn Đông y.

Theo Y học cổ truyền

Hoa Ngâu có vị cay, ngọt, tính bình, có tác dụng hành khí, giải uất. Trong khi đó cành lá có tính bình, hơi ôn có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng, giảm đau. Rễ có công dụng gây nôn.

Hoa Ngâu thường được dùng để ướp chè, cất dầu thơm, chế hương liệu. Hoa cũng có tác dụng chữa khí uất, ngực đau nhói, ăn không tiêu, đầy chướng bụng. Rễ và quả tươi, giã nát chế với nước uống dùng để gây nôn. Cành lá cũng gây nôn, và được dùng chữa cơn hen suyễn, đờm tắc nghẽn, sốt rét, vàng da. Ngày uống 10 – 16g sắc uống. Dùng ngoài, cành lá giã nát đắp hoặc nấu nước tắm trị ghẻ, mụn nhọt.

Theo Y học hiện đại

Cây Ngâu đã được nghiên cứu với tác dụng chống ung thư. Chất aglaiastatin A và alglaiastatin B có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào u K – ras – NRK in vitro với nồng độ ức chế 50% lần lượt là 5 ng/ml và 5,1 g/ml. Như vậy, các aglaiastatin có tác dụng ức chế chức năng sinh ung thư.

Bài thuốc có chứa Cây Ngâu

Cây Ngâu được dùng nhiều trong các bài thuốc, cụ thể:

Chữa sốt, vàng da

Lá ngâu, lá hoặc quả dành dành, Mã đề, mỗi vị 10 – 16g, sắc uống.

Thuốc gây nôn để giải độc thực phẩm, đờm tích lâu ngày

Lá Ngâu 20g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống , hoặc dùng 30g sắc uống. Sau khi xổ đờm, hoặc nôn được chất độc ra, cho ăn cháo đậu xanh, rồi dùng thuốc khác điều trị triệu chứng còn lại.

Cụm hoa cây ngâu mọc thành chùm ở kẽ lá, có cuống mảnh, đơn hoặc phân nhánh

Bài thuốc chữa bế kinh

Dùng 10g hoa ngâu cùng với 50ml rượu trắng. Trộn vị thuốc và rượu vào cùng nhau rồi cho thêm chút nước. Bắt đầu hấp cách thủy tới khi hoa chín nhừ. Ngày uống 1 lần trước khi đi ngủ. Nên bắt đầu dùng trước kỳ kinh khoảng 5 ngày và duy trì liên tục.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn

Dùng 15g hoa ngâu hãm với 1 lít nước sôi trong 30 phút. Dùng uống trong ngày. Hoặc cũng có thể sử dụng trà có ướp hoa ngâu để uống mỗi ngày.

Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp

Dùng 30g cành lá cây ngâu, 20g Dây đau xương, 10g Ké đầu ngựa cùng 10g Cốt toái bổ.

Sắc các vị thuốc cùng 700ml thu lấy 200ml, thuốc chia đều thành 3 lần uống, mỗi ngày dùng 1 thang. Dùng liên tục trong khoảng 10 ngày.

Bài thuốc chữa bầm tím, sưng đau do ngã

Dùng 50g lá ngâu cùng với 50g hoa ngâu. Cho 2 vị thuốc này vào nồi, sau đó đun trên lửa nhỏ với 700ml nước đến khi cô thành cao. Mỗi lần sử dụng lấy 1 ít cao này bôi vào miếng gạc mỏng rồi đắp trực tiếp lên vị trí sưng đau. Mỗi ngày đắp 2 lần, mỗi lần 2 tiếng rồi tháo ra.

Lưu ý khi sử dụng

Hiện tại chưa có nghiên cứu sử dụng dược liệu trên phụ nữ có thai và cho con bú. Do đó, không nên tự ý sử dụng trước khi có ý kiến tham vấn từ bác sĩ.

Bài viết trên đã cung cấp thêm nhiều thông tin về công dụng và cách dùng của cây Ngâu. Tuy nhiên cũng giống như các dược liệu khác, Quý độc giả trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để mang lại hiệu quả cao nhất.

Video liên quan

Chủ Đề