Tại sao cây gấc không có trái

Cây gấc là một loại cây bán hoang dại, thân leo và chu kỳ gieo trồng đến thu hoạch là 9 tháng-1 năm. Hiện nay quả cây gấc đã được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, chiết xuất dầu gấc với thành phần Vitamin A và E…Một gốc cây gấc cho thu hoạch bình quân 15-20 quả, trong điều kiện trồng vo. Nếu trồng có chăm sóc, định hướng, 1 gốc cho thu hàng tạ quả, sau thu quả, cắt dây để lại gốc, đến vụ gấc lại bắn mầm lên cây mới, cây vụ sau khoẻ và cho năng suất cao hơn vụ trước
Cây gấc là loại cây trồng có sức chống chịu tuyệt vời, chưa thấy sâu bệnh hại, chim chuột ít phá, thân lá gấc có mùi hôi lên ít bị vật nuôi phá hoại.

Cây gấc không kén đất và chỉ cần một khoảng đất nhỏ đã có thể trồng được một gốc, một gốc có tuổi thọ 15-20 năm. Một số vùng trồng gấc xen vải, trồng tận dụng, hoặc trồng ở ruộng cao, bạc màu, làm cọc tre, chăng dây thép cho dây gấc leo, thu nhập cao gấp 2-3 lần trồng lúa

Tại sao cây gấc không có trái
Cây gấc được trồng chủ yếu từ dây

Cây gấc được trồng từ dây là chủ yếu, nếu trồng từ hạt thì hạt phải được đồ chín.

Cách trồng từ dây: Chọn giống gấc tốt, loại gấc nếp quả đỏ tươi khi chín, trọng lượng quả đạt 1-1,5 kg, hàm lượng tinh dầu khá cao, được các cơ sở thu mua chế biến dầu gấc ưa thích. Lấy một đoạn dây dài khoảng 40-50 cm, có thể cuộn lại như kiểu trồng sắn dây, hoặc tận dụng có thể trồng dâm như dây khoai lang, đào hố, bón lót phân chuồng, phân rác mục… đặt dây, lấp đất để hở 2-3 đốt , tưới ẩm và đậy để bảo vệ, khi nào mầm gấc bắn lên, gấc bò thì mắc giàn cho gấc leo. Một gốc gấc chăm sóc tốt và cân đối cần diện tích leo giàn khoảng 5-6 m2, tận dụng bờ rào, mái các công trình phụ cũng có thể trồng được gấc.

Khi cây gấc leo giàn bón cho mỗi hốc 1-1,5 kg NPK, để đẩy nhanh quá trình bám giàn, không nên để cây gấc quá tốt dây, vì dây tốt quả sẽ ra ít.

Cây gấc không đậu quả là do trồng phải cây gấc đực. Nếu quan sát kỹ vào thời kỳ gấc nở hoa sẽ thấy hoa gấc cái có bầu nhuỵ và 3 nhị cái nhô cao, còn các hoa đực thì có nhiều nhị đực và túi phấn nhỏ mà không có bầu nhuỵ nên rất dễ phân biệt. Cây gấc có rất nhiều hoa nhưng rồi rụng hết thì đích thị là cây gấc đực. Bà con nên phá bỏ và trồng lại cho vụ tới.

Nên trồng cây gấc trên đất (chân tường, góc sân…) là tốt nhất, gấc có thể leo cao và phủ kín tường và mái của một căn nhà 5 tầng. Để cho chắc ăn, bà con nên tìm đến gia đình nào có cây gấc sai quả xin lấy một vài đoạn hom thân (bánh tẻ hoặc hơi già) dài 40 – 50cm, có ít nhất 2 – 3 mầm mắt còn nguyên vẹn đem trồng trực tiếp hoặc giâm cho lên mầm sang xuân trồng chắc chắn sẽ có cây gấc cái sai quả.

Trong mỗi quả gấc thường có tới 3 – 4 hạt đực (nhỏ và mỏng hơn hạt cái). Khi gieo ươm cần chú ý đánh dấu để nếu trồng nhiều thì khoảng 5 – 6 cây nên trồng thêm một cây gấc đực để có đủ phấn cho gấc sai quả.

Nguồn : Báo NNVN

YênBái - YBĐT - Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, tháng 3 năm 2008, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đưa cây gấc vào trồng tại 16 xã. Đã hơn 8 tháng trồng thử nghiệm, cây gấc lại không cho quả, vậy đâu là nguyên nhân?

Vì sao người dân quay lưng lại với cây gấc lai?

Ngày đầu triển khai chương trình trồng gấc, vợ chồng trưởng thôn 6 Nguyễn Quang Huy, xã Hòa Cuông (huyện Trấn Yên) rất nhiệt tình hưởng ứng và còn vận động hơn chục hộ dân khác trong thôn cùng trồng. Thế nhưng bây giờ vợ chồng ông Huy lại phải phá bỏ những gốc gấc đã mất nhiều công chăm sóc. 90 gốc gấc của ông Huy chỉ có một gốc là cho quả. Đầu tư tiền triệu làm giàn nứa, mua phân bón, nay gần như trắng tay. Ông Huy rất buồn và phá bỏ giàn gấc đã dựng, bởi để lại cũng không biết làm gì. Ông cho biết, thực tế khi triển khai trồng gấc nhân dân rất hào hứng, tập huấn rất đông.

Không chỉ có gia đình ông Huy mà ở thôn 4 - một thôn khó khăn nhất của xã Minh Quán, có gia đình ông Phạm Văn Vinh cũng cùng chung cảnh ngộ. Là hộ nghèo của thôn, gia đình ông đã phải nỗ lực rất nhiều đầu tư tiền triệu để làm giàn, mua phân bón trồng gấc để hy vọng sẽ có thêm nguồn thu giúp cuộc sống gia đình vơi khó khăn. Giờ thì gia đình ông cũng đành ngậm ngùi bỏ tất cả chỉ sau chưa đầy 1 năm đầu tư. 100 gốc gấc của gia đình ông Vinh vun trồng cũng chỉ có duy nhất 1 gốc là cho quả.

Theo lời hứa hẹn của chương trình phát triển cây gấc, bà con các xã của huyện Trấn Yên nô nức hưởng ứng và cũng theo như hợp đồng ký kết của chương trình thì tỷ lệ gấc có quả đạt từ 80 đến 90%. Vậy mà, thực tế khi triển khai vào gieo trồng thì lại hoàn toàn ngược lại chỉ có từ 10 đến 20% cây gấc là cho quả, đó cũng chính là lý do duy nhất tại sao người dân lại quay lưng lại với cây gấc.

Gấc không ra quả - đâu là nguyên nhân?

Những ngày đầu trồng gấc, nhiều hộ ở đây rất vui mừng vì cây gấc phát triển rất tốt. Bà con cũng tích cực chăm sóc đúng kỹ thuật thế mà gấc lại không cho ra quả. Và thật là oái oăm khi lý do chính lại là từ giống. Gần như toàn bộ số giống gấc mà bà con gieo trồng đều là gấc đực không thể cho quả. Và cũng theo thống kê của chính quyền xã thì tỷ lệ gấc đực vào khoảng gần 90%.

Chủ tịch xã Hòa Cuông Nguyễn Hồng Quân cho biết: "Đến bây giờ cây gấc không hiệu quả, bà con suy nghĩ và kiến nghị rất nhiều lên xã, còn chính quyền xã Hòa Cuông chỉ biết vận động bà con giữ lại những cây gấc cái đã có quả để nhân giống ra vụ sau bởi đã ký hợp đồng với công ty cung cấp giống thực hiện trong 10 năm”.

Công ty cổ phần Thương mại Hoa Kỳ có địa chỉ tại Cầu Giấy (Hà Nội) là đơn vị đầu tư giống và bao tiêu sản phẩm. Huyện Trấn Yên đã tiến hành triển khai tại 16 xã với tổng diện tích hơn 80 ha. Nhận thấy gấc lai là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, là sản phẩm hàng hóa có thế xuất khẩu nên huyện Trấn Yên đã vận động được trên 2.700 hộ dân đăng ký trồng. Bắt đầu từ tháng 3, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại Hoa Kỳ triển khai và ký hợp đồng trồng gấc tại các xã.

Tuy nhiên, do cây gấc là loại cây mới nên khi triển khai tới người dân, Công ty cổ phần Thương mại Hoa Kỳ đã ký kết hợp đồng phát triển cây gấc, trong đó nêu rõ: "Tỷ lệ cây đực không thể vượt quá 30%". Điều này có nghĩa là cứ một khóm gấc thì sẽ có 1 cây gấc đực nhưng trong thực tế khi người dân huyện Trấn Yên tiến hành trồng thì có tới 90% là gấc đực.

Cũng theo hợp đồng này thì Công ty sẽ mua toàn bộ số quả mà người dân trồng ra. Thế nhưng, đến thời điểm này khi mà mùa thu hoạch đang đến gần và một số gia đình đã thu hoạch thì vẫn không thấy động tĩnh gì của Công ty mặc dù đã ký kết tiến hành bao tiêu cây giống, sản phẩm và khi được thu hoạch Công ty sẽ trừ tiền giống vào sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân cũng gần như không nhận được một động thái tích cực nào từ phía chính quyền địa phương.

Một dự án có quy mô, thời gian kéo dài là 10 năm, mở một hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo cho người dân, vậy mà vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khi hợp đồng đã ký có nghĩa là người dân vẫn sẽ phải trồng tiếp trong những năm tới. Vậy mà, bà con đã tự ý phá bỏ giàn cũng vì thiếu sự quan tâm chỉ đạo sát sao của những đơn vị có liên quan. Chị Trương Thị Hải - thôn 2 - xã Minh Quán đề nghị nếu Công ty muốn triển khai tiếp dự án thì phải mang giống gấc chuẩn về cho dân, đồng thời không thu tiền cây giống đã trồng và phải đền bù phân bón, công sức mà nhân dân đã đầu tư chăm sóc cho cây gấc trong 8 tháng qua.

Lời kết

Vài năm trở lại đây đã có rất nhiều dự án được triển khai tại huyện Trấn Yên và cũng có không ít dự án trong số đó không phát huy tốt hiệu quả như dự án trồng cây ăn quả, trồng cà phê, hay dự án trồng cây trám. Vấn đề đặt ra ở đây chính là mối liên kết giữa “4 nhà”, (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) chưa thực sự chặt chẽ. Mặc dù đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng rõ ràng chương trình gấc này chưa có sự quan tâm đúng mức của các cơ quan có liên quan để xử lý và tháo gỡ những vướng mắc kịp thời cho người dân tham gia.

Trên những cây trồng đã cho ra quả tại một số xã của huyện Trấn Yên, có thể khẳng định cây gấc đã tỏ ra thích ứng với điều kiện khí hậu đồng đất ở đây. Dự án chắc chắn sẽ phát huy tốt hiệu quả nếu các cấp, các ngành chức năng quan tâm gây dựng được lòng tin và quan trọng hơn cả là hạn chế những thiếu sót không đáng có. Đặc biệt, ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền huyện Trấn Yên phải có những động thái tích cực và có như vậy thì việc đưa cây gấc trở thành cây xóa đói giảm nghèo và việc xây dựng vùng chuyên canh gấc của huyện mới trở thành hiện thực.

Kiều Loan - Hoàng Hà