So sánh công ty cổ phần và hình thức trust năm 2024

  1. Mô hình tập đoàn kinh tế và công ty mẹ - công ty con Đi đôi với quá trình phát triển của nền sản xuất xã hội là quá trình phát triển về mặt tổ chức của các đơn vị sản xuất - kinh doanh theo hướng tập trung hóa, trên cơ sở tích tụ và cạnh tranh. Từ các đơn vị sản xuất ban đầu, trải qua các giai đoạn hình thành các công ty sản xuất, các công ty sản xuất tập trung hàng dọc, các công ty sản xuất tập trung hàng ngang và cuối cùng là các tập đoàn kinh tế (TĐKT) với nhiều dạng khác nhau từ thấp đến cao. Đó là một mô hình tổ chức kinh doanh hiện đại, đầy hiệu quả và quyền lực, đóng vai trò chi phối và tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế ở nhiều nước, khu vực và thế giới trong giai đoạn hiện nay. Sự ra đời của các TĐKT nói chung phản ánh những quy luật tất yếu khách quan của sự phát triển của nền sản xuất xã hội. Đó là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, quy luật tích tụ và tập trung vốn và sản phẩm, quy luật cạnh tranh, liên kết và tối đa hóa lợi nhuận, quy luật của sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, trong đó có khoa học quản lý. Qua nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước về TĐKT có thể rút ra một số nhận thức ban đầu về mô hình TĐKT nói chung như sau: Khái niệm: Khi nói đến TĐKT thường ám chỉ đó là một cơ cấu hoặc một tổ hợp kinh doanh thực hiện kết ước kinh tế giữa các thành viên là các doanh nghiệp ở các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, tài chính,v.v. hoạt động trong cùng một ngành hay nhiều ngành khác nhau, trên phạm vi một hay nhiều nước, có mối quan hệ với nhau về tài chính, công nghệ, thị trường và lợi ích. TĐKT là một tổ chức kinh tế có hai chức năng cơ bản là vừa kinh doanh, vừa liên kết kinh tế nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, tăng khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận. Trong TĐKT thường có một “ công ty mẹ” nắm quyền lãnh đạo, chi phối hoạt động của các “công ty con” về mặt tài chính và chiến lược phát triển. Nói chung, TĐKT không phải là một pháp nhân kinh tế với tư cách toàn bộ tập đoàn. Các mô hình TĐKT: Tuỳ theo đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng nước mà tại đó, hình thành các dạng hình TĐKT khác nhau với các tên gọi khác nhau. Chẳng hạn ở châu Âu có thể phân ra 4 mô hình TĐKT, bao gồm: (1) Mô hình tập đoàn đóng (dạng xí nghiệp liên hợp); (2) Mô hình tập đoàn mở (còn gọi là mô hình công ty mẹ - công ty con hay tập đoàn tài chính); (3) Mô hình Conglomarate; (4) Mô hình tập đoàn hỗn hợp. Hoặc ở Nhật Bản có 3 dạng TĐKT chủ yếu đó là: (1) Mô hình TĐKT hàng ngang; (2) Mô hình TĐKT hàng dọc (theo kiểu sản xuất - phân phối); (3) Mô hình tập đoàn kinh doanh nhỏ. Tựu trung lại, xét về hình thức biểu hiện và tên gọi trong thực tế, ở các nước nói chung, tồn tại nhiều mô hình TĐKT với các hình thức chủ yếu sau: Cartel, Group, Syndicate, Trust, Consortium, Combinat, Incorporation, Concern, Conglomerate, TĐKT xuyên quốc gia Các đặc điểm của TĐKT: Qua phân tích các mô hình TĐKT nêu trên có thể rút ra một số đặc điểm sau: 1/ Đặc điểm tổ chức: TĐKT rất đa dạng, nhưng có thể khái quát vào ba loại hình sau: + Loại hình TĐKT thứ nhất: Gồm những TĐKT được thành lập theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ trong một tổ chức kinh tế, còn được gọi là các tập đoàn “cứng” . Trong các TĐKT dạng này, các công ty thành viên kết hợp trong một tổ chức thống nhất và mất tính độc lập về tài chính, sản xuất, thương mại, như TRUST chẳng hạn. Những TĐKT dạng này được cấu tạo dưới dạng đa sở hữu, theo kiểu công ty cổ phần, với sự góp vốn của nhiều chủ sở hữu khác nhau. Các công ty thành viên trong cùng một ngành hoặc có liên quan với nhau về công nghệ, bổ sung cho nhau trong quá trình gia công chế biến liên tục, hoạt động thống nhất trong tập đoàn. + Loại hình TĐKT thứ hai: Được hình thành theo nguyên tắc “liên kết kinh tế” thông qua những hiệp ước và những hợp đồng kinh tế hay còn gọi là TĐKT theo hình thức liên kết “mềm” . Về tổ chức, thường có ban quản trị chung điều hành các hoạt động phối hợp của tập đoàn theo một đường lối chung thống nhất, nhưng các công ty thành viên vẫn giữ nguyên tính độc lập về pháp lý. Điển hình cho kiểu tổ chức này là CARTEL. + Loại hình TĐKT thứ ba: Được hình thành trên cơ sở xác lập sự thống nhất về tài chính và kiểm soát tài chính. Các công ty thành viên ký kết các hiệp định về tài chính, hình thành công ty nắm vốn chung (Holding company) còn gọi là Công ty mẹ. Trong tập đoàn không chỉ giới hạn một vài loại hình mà mở rộng ra rất nhiều loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là dạng CONCERN, một dạng TĐKT khá phổ biến hiện nay. 2/ Các đặc điểm khác: - Tập đoàn gồm nhiều đơn vị thành viên thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tài chính, v.v. , có quy mô rất lớn về vốn, lao động, doanh thu và thị trường. Phạm vi hoạt động rất rộng, thường vượt ra ngoài biên giới một nước, thậm chí ở khắp thế giới. - Sự kết ước giữa các thành viên (là các công ty có quan hệ với nhau về tài chính, công nghệ, thị trường và lợi ích) rất đa dạng, bởi các hình thức khác nhau với mức độ chặt chẽ, lỏng lẻo khác nhau, tạo ra các mô hình tổ chức TĐKT khác nhau. Các mối quan hệ liên kết đó là mối quan hệ cùng có lợi vì lợi ích kinh tế của từng thành viên và của cả tập đoàn. Sự liên kết này không tạo ra các quan hệ hành chính cứng, mà tạo các quan hệ hữu cơ có mức độ chặt chẽ, lỏng lẻo khác nhau. - Giữa các đơn vị thành viên có tương quan sở hữu và kết ước với nhau, trong đó có thể có một công ty mẹ sở hữu số lượng lớn cổ phần trong các công ty thành viên (công ty con, cháu) phần lớn mang họ của công ty mẹ. Công ty mẹ nắm quyền chi phối các công ty con về mặt tài chính và chiến lược phát triển. Hiện nay, mối quan hệ công ty mẹ - công ty con là mối quan hệ chủ đạo, phổ biến trong nhiều TĐKT. - Sở hữu của các TĐKT là sở hữu hỗn hợp (nhiều chủ) nhưng có một chủ (công ty mẹ) đóng vai trò khống chế, chi phối về tài chính. Dạng phổ biến của các TĐKT là các công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn. Nói chung, các công ty con, cháu vẫn có tư cách pháp nhân. - TĐKT tiến hành hoạt động và quản lý tập trung một số mặt như huy động, điều tiết, quản lý vốn; nghiên cứu triển khai; đào tạo; xây dựng chiến lược phát triển; chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm, chiến lược đầu tư. - TĐKT kinh doanh chuyên ngành hoặc đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực là phổ biến. Mỗi tập đoàn đều có định hướng ngành chủ đạo, lĩnh vực kinh doanh đặc trưng, mũi nhọn. Bên cạnh các đơn vị sản xuất thường có các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, dịch vụ, nghiên cứu khoa học, đào tạo,v.v. Xu hướng chung là các tổ chức tài chính, ngân hàng và nghiên cứu ứng dụng ngày càng được chú ý hơn, vì đó là đòn bẩy cho sự phát triển của TĐKT. - Về tổ chức SX-KD trong tập đoàn, thông thường, các đơn vị thành viên trong cùng một ngành là một mắt xích thực hiện một khâu nhất định trong toàn bộ dây chuyền từ khâu nghiên cứu triển khai, cung cấp đầu vào, tiến hành sản xuất đến tiếp thị và tiêu thụ đầu ra theo một chiến lược, chính sách thống nhất. Vì vậy, các đơn vị này thường thực hiện hạch toán kinh tế theo giá nội bộ. Các đơn vị thành viên thuộc các ngành khác nhau thường là các DN hạch toán độc lập, ít có quan hệ với nhau. Vai trò và ý nghĩa của TĐKT: - Làm tăng sức mạnh kinh tế và khả năng của cả tập đoàn cũng như của từng thành viên. - Tập trung và điều hoà vốn. - Là giải pháp hữu hiệu, tích cực đẩy nhanh việc nghiên cứu triển khai, ứng dụng thành tựu KHCN mới vào SXKD của các công ty thành viên. - Với tư cách là các công ty đa quốc gia sẽ trợ giúp các nước công nghiệp hóa sau thực hiện chiến lược chuyển giao công nghệ nước ngoài một cách có hiệu quả nhất. Các nhiệm vụ của TĐKT: Nhiệm vụ tối cao của tập đoàn là thông qua mô hình tổ chức và sự lãnh đạo của mình để tạo ra lợi nhuận cao và ổn định cho các doanh nghiệp thành viên hoạt động có tính độc lập. Các nhiệm vụ tiếp theo của tập đoàn là: - Xây dựng chiến lược phát triển chung của toàn tập đoàn. - Giúp đỡ xây dựng và phê duyệt chiến lược phát triển của các doanh nghiệp thành viên. - Tổ chức thực hiện chiến lược của các doanh nghiệp thành viên thông qua các điều lệ, qui định sử dụng các nguồn dự trữ tài chính hoặc bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp thành viên. - Phát triển mô hình doanh nghiệp thành viên lành mạnh cũng như tạo ra và phát huy các khả năng hợp tác của từng thành viên để tăng cường khả năng cạnh tranh. - Sử dụng tổng hợp có hiệu quả các nguồn lực trong tập đoàn; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đầu tư. Nhiệm vụ cơ bản của doanh nghiệp thành viên là tạo được doanh thu và lợi nhuận cao, ổn định và lâu dài trên cơ sở: + Tạo lập và mở rộng thị trường. + Nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành. + Đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ. Cơ cấu tổ chức quản lý trong tập đoàn: Cơ cấu tổ chức quản lý tập đoàn/công ty thường gồm 3 bên là: (1) Những người chủ sở hữu; (2) HĐQT; (3) Quản lý điều hành. Hiện nay, vai trò của các bên nêu trên thường được phân chia như sau:
  2. Vai trò của người sở hữu: - Cấp vốn, chịu rủi ro - Định Điều lệ doanh nghiệp - Chế định và bãi miễn HĐQT
  3. Vai trò chiến lược và giám sát của HĐQT: - Đề ra mục tiêu và chiến lược - Chỉ định, tư vấn, bãi miễn Giám đốc điều hành - Kiểm tra hoạt động
  4. Vai trò quản lý điều hành (của Tổng Giám đốc/Giám đốc): - Phát triển và quản lý doanh nghiệp theo các mục tiêu đã định. Phương thức quản lý trong TĐKT: Hầu hết các TĐKT quản lý theo kiểu phi tập trung hóa. Có một ban quản trị chung để quản lý tập đoàn và trụ sở thường nằm ở công ty mẹ. Ban quản trị hình thành theo nguyên tắc số vốn cổ đông đóng góp của các công ty thành viên. Ban quản trị tập đoàn chỉ kiểm soát về mặt tài chính, chiến lược đầu tư thông qua các đòn bẩy kinh tế. Các công ty thành viên hoàn toàn chủ động quyết định hoạt động SX-KD của mình. ở các công ty thành viên có ban quản trị và ban giám đốc riêng để lãnh đạo, quản lý và điều hành các hoạt động SX-KD của công ty đó. Chiến lược kinh doanh của TĐKT: Tập đoàn có chiến lược kinh doanh chung, được soạn thảo từ trụ sở đầu não của tập đoàn và thực hiện thống nhất trong các công ty thành viên. Chiến lược đó thường tập trung vào lĩnh vực đầu tư phát triển kinh doanh và chiến lược nghiên cứu triển khai công nghệ mới, sản phẩm mới, thông qua huy động sức mạnh tài chính vào các nguồn lực của cả tập đoàn tập trung vào các lĩnh vực then chốt, có ý nghĩa quyết định đến khả năng phát triển và mở rộng thị trường, củng cố uy tín của tập đoàn và từng thành viên. Mặt khác, nhờ chiến lược chung này, các công ty thành viên chủ động xác định, lựa chọn chiến lược kinh doanh riêng, phù hợp với môi trường và điều kiện cụ thể trong từng ngành, từng khu vực thị trường trong sự kết hợp hài hòa với chiến lược chung. Chiến lược chung được xây dựng trên cơ sở: - Nghiên cứu phân tích nhu cầu thị trường và xu hướng biến đổi của nó. - ý đồ chiến lược phát triển kinh tế của chính phủ. - Tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nguyên tắc hoạt động của TĐKT: - Tối đa hóa lợi nhuận. - Để hạn chế cạnh tranh trong nội bộ, thường có thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ và đôi khi có sự thỏa thuận về giá cả (điều này thường bị các nước cấm). Ngày nay, các công ty thành viên được tự do định giá nhằm thu lãi cao nhất. - Các công ty thành viên chủ động sử dụng vốn tự có trong SX-KD. Tập đoàn không có quyền can thiệp vào phần lợi nhuận thu được từ nguồn vốn này. - Nguồn vốn vay từ tập đoàn phải có mục tiêu, phương án đầu tư, thông qua tập đoàn và phải trả lãi vay theo quy định của tập đoàn. ¦u tiên dự án đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển chung của tập đoàn. - Quan hệ tài chính giữa công ty mẹ và công ty thành viên (công ty con) chủ yếu là quan hệ hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho công ty thành viên vay vốn từ nguồn vốn cổ phần chung của tập đoàn. Các công ty thành viên đều được hưởng lãi suất từ việc cho vay này theo tỉ lệ vốn góp. Để thực hiện chức năng này, tập đoàn thường thành lập một holding company (công ty nắm vốn hay công ty tài chính) có vai trò như một công ty tài chính chung của tập đoàn. - Vốn tích lũy có vai trò rất quan trọng, là nguồn vốn chủ yếu để tập đoàn tăng quy mô của tập đoàn. - Tập đoàn không chỉ đóng vai trò tập trung mà còn điều hòa nguồn vốn giữa các công ty thành viên sao cho đạt được mục tiêu hiệu quả cao nhất. - Các hoạt động đầu tư, huy động vốn được giao cho công ty nắm vốn thực hiện. - Tập đoàn có thể vay vốn từ các công ty thành viên theo lãi suất thỏa thuận. - Tập đoàn có thể vay vốn từ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu, tín phiếu để đầu tư vào lĩnh vực triển vọng có hiệu quả cao. Các tập đoàn thực hiện tốt chức năng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi về tài chính cho các công ty thành viên phát huy được thế mạnh chuyên môn hóa của mình. Điều này giúp cho mối liên kết kinh tế giữa các công ty thành viên được bền vững hơn. Ngày nay, các TĐKT ở các nước phát triển sau lớn mạnh rất nhanh nhờ tích cực thu hút, huy động vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý và thị trường nước ngoài, thông qua các công ty con, cháu là những liên doanh với các công ty xuyên quốc gia nước ngoài. Vai trò của nhà nước đối với các TĐKT: Nhà nước có vai trò tạo dựng, duy trì và thúc đẩy môi trường kinh tế - xã hội cần thiết cho các tập đoàn hoạt động gồm: - Duy trì trật tự và ổn định xã hội. - Xây dựng môi trường pháp luật đảm bảo cạnh tranh bình đẳng (chống độc quyền). - Xây dựng cơ sở kinh tế hạ tầng và các ngành công ích không vì mục tiêu lợi nhuận. - Định hướng đúng các xu thế phát triển của nền kinh tế, làm tiền đề cho các quyết định của tập đoàn. - Sự điều hành của chính phủ nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tập đoàn hoạt động. Các điều kiện hoạt động của các TĐKT: Một trong những điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo sự hoạt động có hiệu quả của các tập đoàn kinh tế là tăng cường chống độc quyền. Như trên đã nêu, việc hình thành các TĐKT thường dẫn tới sự độc quyền. Vì vậy, đi đôi với việc thành lập các TĐKT, chính phủ các nước đều phải xây dựng và ban hành Luật chống độc quyền, nhất là ở các nước kinh tế phát triển. Ngoài ra, các điều kiện khác để cho các TĐKT hoạt động có hiệu quả và không ngừng phát triển là phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, phát triển thị trường vốn, tăng cường tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa, xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp luật, xây dựng và hoàn thiện các yếu tố của kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống thông tin toàn cầu. II. So sánh mô hình tập đoàn kinh tế với mô hình tổng công ty của Việt Nam So với Tcty nhà nước (Tcty 91) ở Việt Nam, mô hình tập đoàn kinh tế mà đại diện là mô hình công ty mẹ - công ty con có những sự khác biệt như sau: (xem biểu đồ)
  5. Cơ cấu tổ chức của tổng công ty có mối quan hệ hình chóp: quan hệ cấp trên - cấp dưới theo kiểu hành chính từ trên xuống; trong khi mô hình công ty mẹ - công ty con có dạng phẳng mà trung tâm là công ty mẹ được bao bọc bởi các công ty con xung quanh theo các tầng nấc khác nhau, tuỳ theo mức độ chặt chẽ, bán chặt chẽ và lỏng lẻo khác nhau và mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con là mối quan hệ giữa pháp nhân với pháp nhân (chứ không phải cấp trên - cấp dưới).
  6. Đối với tổng công ty, mặc dù chúng ta biết các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên được coi là đại diện sở hữu của nó, nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ sở hữu đối với tổng công ty; hơn nữa có quá nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm toàn diện và tới cùng đối với tổng công ty; cho nên trên thực tế, không rõ ai là chủ doanh nghiệp. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT mà đại diện là Chủ tịch HĐQT chưa thể hiện được vai trò của người đại diện chủ sở hữu nhà nước cũng như cơ quan quản lý trực tiếp tại doanh nghiệp. Trên thực tế, HĐQT trở thành bộ máy trung gian, phải trình xin ý kiến các cấp nhiều hơn được quyền tự quyết định, có vai trò mờ nhạt và thụ động trong quá trình ra quyết định của tổng công ty. Còn trong mô hình công ty mẹ, chủ sở hữu được xác định rõ là các cổ đông, bao gồm các loại cổ đông: nhà nước, các tổ chức, các cá nhân và người lao động. Các cổ đông thực hiện quyền chủ sở hữu của mình, thông qua tham dự Đại hội cổ đông, bầu và bãi nhiệm HĐQT (là người đại diện cho chủ sở hữu) và quyết định Điều lệ của tập đoàn.
  7. Không có quyền sở hữu thực sự giữa bộ máy quản lý tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên. Bộ máy quản lý tổng công ty chỉ có quyền quản lý hành chính đối với các doanh nghiệp thành viên. Do đó, tổng công ty gần giống như một nhóm doanh nghiệp, không rõ ai là chủ sở hữu hoặc là đại diện chủ sở hữu, không có một pháp nhân để giám sát hoặc buộc các doanh nghiệp thành viên phải chịu trách nhiệm như công ty mẹ hoặc công ty nắm vốn. Còn công ty mẹ - với tư cách là một cổ đông, công ty mẹ đề ra những biện pháp kiểm soát các công ty con, đặc biệt là về kết quả hoạt động (mục tiêu chính là các công ty con hoạt động có lãi để trả cổ tức cho công ty mẹ).
  8. Quan hệ giữa tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên là quan hệ hành chính, chưa dựa trên quan hệ tài chính, đầu tư, hợp đồng kinh tế, chiến lược phát triển chung hoặc các quan hệ bình đẳng diễn ra giữa các pháp nhân, chưa tạo được sự liên kết hữu cơ của nhiều đơn vị thành viên có mối quan hệ về lợi ích kinh tế, sản xuất, công nghệ, cung ứng, tiêu thụ, thị trường,v.v. Ngược lại, mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con được xác định rõ hơn. Công ty mẹ thực hiện quyền kiểm soát chặt chẽ đối với các công ty con và có sự phân định trách nhiệm cụ thể và tuân theo những cơ chế và thủ tục chuẩn một cách nghiêm ngặt. Trong cơ cấu công ty mẹ, các cổ đông có hai quyền cơ bản: (1) Biểu quyết trong các đại hội cổ đông; (2) Nhận cổ tức. Cơ cấu tổ chức của mô hình công ty mẹ cho phép các nhà đầu tư tư nhân có thể đầu tư vào các công ty con, và như vậy, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào hoạt động quản lý và tạo điều kiện cho công ty con có thể tiếp nhận được chuyên môn quản lý từ bên ngoài.
  9. Trong mô hình công ty mẹ - công ty con, các công ty con, cháu vừa là cánh tay vươn dài về thị trường, về thu hút vốn, về phạm vi, lĩnh vực hoạt động, về phát huy ảnh hưởng, vừa là cái vòi để thu lợi nhuận cho công ty mẹ (nhưng không vi phạm Luật chống độc quyền vì các công ty con, cháu là các pháp nhân độc lập, không trong thành phần pháp nhân công ty mẹ); cánh tay, cái vòi đó có thể kéo dài, có thể rút ngắn rất linh động tùy theo tình hình; trong khi trong mô hình tổng công ty các doanh nghiệp thành viên chưa có được vai trò đó. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế và mô hình công ty mẹ - công ty con đối với một số tổng công ty, công ty là nhằm khắc phục các tồn tại hiện nay của mô hình tổng công ty nói riêng và tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước nói chung, để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.