Quy trình xử lý đất dôi dư

UBND cấp huyện chỉ đạo, quán triệt việc quản lý, xử lý các diện tích đất trong khu dân cư do Nhà nước quản lý (kể cả diện tích đất đã đo đạc vào thửa đất của hộ, cá nhân nhưng chưa có quyết định công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất) bảo đảm đúng quy định. Không tự ý san lấp, chuyển mục đích ao, hồ, đầm khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Ưu tiên sử dụng các diện tích đất nhỏ hẹp vào mục đích công cộng. Đối với diện tích đất đủ điều kiện quy hoạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất giao đất cho nhân dân làm nhà ở, yêu cầu thực hiện theo quy định.

Theo Sở TNMT, thời gian qua việc xử lý đất dôi dư, xen kẹp trên địa bàn tỉnh góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và tăng thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, còn một số trường hợp, các địa phương hiểu, áp dụng chưa thống nhất. Hiện nay, hệ thống pháp luật đất đai đã quy định tương đối đầy đủ trình tự, thủ tục thực hiện; trong đó các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý sẽ giao đất, cho thuê đất theo quy định…

Hướng dẫn xử lý tạm thời khối lượng đất, cát, đá dôi dư trong quá trình đào ao hồ, san hạ mặt bằng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản hướng dẫn xử lý tạm thời các trường hợp đề nghị thu hồi khối lượng đất, cát, đá dôi dư trong quá trình đào ao hồ, san hạ cải tạo mặt bằng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

1. Việc thu hồi khối lượng đất, cát, đá dôi dư trong quá trình đào ao hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân chỉ được xem xét giải quyết trên cơ sở:

a) Hộ gia đình, cá nhân đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến việc đào ao hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất (như loại đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất v.v...).

b) Việc đào ao hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất phải đảm bảo làm tăng giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của khu đất, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các hộ kế cận và cảnh quan môi trường của khu vực.

c) Diện tích khu vực đào ao không quá 01 hec-ta; Diện tích khu vực san hạ mặt bằng được xác định căn cứ vào đặc điểm địa hình tự nhiên của thửa đất san hạ và khu vực xung quanh.

2. UBND các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) có trách nhiệm:

a) Khi tiếp nhận đề nghị của hộ gia đình, cá nhân về việc thu hồi khối lượng đất, cát, đá dôi dư trong quá trình đào ao, hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND cấp huyện có trách nhiệm:

- Kiểm tra làm rõ về các cơ sở pháp lý: quyền sử dụng đất; vị trí, ranh giới, tọa độ các điểm khép góc khu vực đề nghị đào ao, hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất; sự phù hợp của hoạt động đào ao, hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất với loại đất, mục đích sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; nếu thấy không phù hợp thì trả lời cho hộ gia đình, cá nhân biết.

- Nếu cơ sở pháp lý đầy đủ, phù hợp, UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra thực tế để:

+ Thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sự cần thiết, tính hiệu quả của việc đào ao, hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất; xác định ranh giới, diện tích, độ sâu, khối lượng đất, cát, đá được phép thu hồi và thời gian thực hiện, đảm bảo phù hợp với hiện trạng thực tế và tuân thủ đúng yêu cầu nêu tại điểm b khoản 1 công văn này.

+ Thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường về loại hình khoáng sản được phép thu hồi, làm cơ sở cho việc tính, thẩm định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Kết quả kiểm tra thực tế được UBND cấp huyện xác nhận bằng văn bản và chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường, kèm theo toàn bộ hồ sơ có liên quan.

b) Giám sát, kiểm tra chặt chẽ quá trình thi công đào ao, hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất và thu hồi khối lượng đất, cát, đá dôi dư của hộ gia đình, cá nhân theo thẩm quyền, đảm bảo khả năng sử dụng của khu đất sau khi đào ao, hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất đúng theo mục đích đặt ra ban đầu; đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng đến các hộ dân, công trình lân cận, tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường có liên quan (bụi, tiếng ồn, độ rung, quản lý chất thải,...); xử lý nghiêm các vi phạm hoặc báo cáo UBND Tỉnh xem xét, xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Khi nhận được văn bản và đầy đủ hồ sơ có liên quan từ UBND cấp huyện, tổ chức tính, thẩm định tiền cấp quyền đối với khối lượng đất, cát, đá được phép thu hồi của hộ gia đình, cá nhân, trình UBND Tỉnh phê duyệt.

b) Sau khi hộ gia đình, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền, trình UBND Tỉnh văn bản chấp thuận cho hộ gia đình, cá nhân được thu hồi khối lượng đất, cát, đá dôi dư trong quá trình đào ao, hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất.

c) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thu hồi khoáng sản của hộ gia đình, cá nhân theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các vi phạm hoặc báo cáo UBND Tỉnh xem xét, xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền.

d) Hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc cho UBND cấp huyện và hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai thực hiện, xử lý theo thẩm quyền những vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực quản lý ngành hoặc báo cáo UBND Tỉnh chỉ đạo xử lý nếu vượt thẩm quyền.

5. Cục Thuế tỉnh: thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 10 và Khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; gửi thông báo nộp tiền cho UBND cấp huyện (thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường) nơi phát sinh hoạt động thu hồi khoáng sản để gửi cho hộ gia đình, cá nhân; chỉ đạo cho Chi cục thuế các huyện, thành phố đôn đốc thu nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, kịp thời các loại thuế, phí đối với khối lượng đất, cát, đá dôi dư được phép thu hồi.

Công văn này thay thế các công văn số 1712/UBND-VP ngày 06/3/2017 (về chủ trương xử lý tạm thời khối lượng đất, cát, đá dôi dư trong quá trình đào ao hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân) và công văn số 3508/UBND-VP ngày 26/4/2017 (về việc hướng dẫn thẩm định các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đề nghị san hạ mặt bằng, cải tạo đất phục vụ canh tác nông nghiệp kết hợp thu hồi khối lượng đất, cát dôi dư) của UBND Tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các Sở ngành, UBND các huyện, thành phố và hộ gia đình, cá nhân phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý.