Phương Pháp đánh đặc công là gì


    Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Lục quân Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp quản lý, chỉ đạo.

Đây là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.

Ngày truyền thống:19 tháng 3 năm 1967 .
  • Đoàn Đặc công 5
  • Đoàn Đặc công 113.
  • Đoàn Đặc công 198.
  • Đoàn Đặc công 429.
  • Các tiểu đoàn đặc công:
  • Ngày thành lập [Ngày truyền thống binh chủng]: 19 tháng 3 năm 1967
  • Tổ chức lực lượng lúc mới thành lập :
    • 9 tiểu đoàn đặc công
    • Trường bổ túc cán bộ
    • 3 cơ quan.

Tuy ngày thành lập chính thức là năm 1967, nhưng từ những năm kháng chiến chống Pháp, cách đánh “công đồn đặc biệt” ở chiến trường Nam Bộ, cách đánh và tổ chức đặc công đã phát triển nhanh chóng, hình thành 3 loại lực lượng :

  • Đặc công bộ
  • Đặc công nước
  • Đặc công biệt động

Đặc công bộ

Trong kháng chiến chống Pháp, từ sau cuộc tiến công lên Việt Bắc bị thất bại, Pháp xây dựng hàng loạt đồn bót. Trước tình hình mới, bộ đội không thể dừng lại ở những trận tập kích, phục kích tiêu hao, quấy rối, mà phải tiến lên tiêu diệt các cứ điểm nhỏ này. Nhưng để đánh được cứ điểm thì phải dùng cách đánh bất ngờ [kỳ tập]. Nếu Pháp phòng thủ mạnh phải có pháo hạng nặng [cường tập], mà bộ đội thì pháo quá ít, đạn pháo khan hiếm.

Cuối cùng một cách đánh mới được đề xuất: tranh thủ đánh bất ngờ, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh bằng hỏa lực mạnh. Với cách đánh kỳ tập kết hợp với cường tập, từ Thu Đông 1948 đến đầu 1950, trên chiến trường Bắc Bộ, bộ đội đã tiêu diệt hàng loạt đồn bốt, cứ điểm Pháp.

Ở chiến trường Nam Bộ, Pháp tăng quân, xây dựng hệ thống bót Delatour là sản phẩm của tướng Delatour Desmer, tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam Bộ. Hàng loạt đồn bót dựng lên xung quanh thị xã, thành phố và trên các đường giao thông quan trọng, nhằm bao vây, chia cắt, ngăn chặn lực lượng vũ trang Việt Minh.

Phong trào du kích phát triển khắp nông thôn, thành thị, nhưng Việt Minh gặp khó khăn do chưa có chiến thuật hữu hiệu và loại vũ khí có đủ sức công phá tường dày của tháp canh. Qua nhiều lần thử nghiệm thắng lợi, đặc biệt là trận đánh đêm 18 rạng 19 tháng 3 năm 1948 tiêu diệt đồn cầu Bà Kiên, đã mở ra một khả năng mới đánh địch trong vị trí cố thủ vũng chắc. Từ thực tế đánh tháp canh, Việt Minh đúc kết được kinh nghiệm thực tiễn, làm tiền đề cho chiến thuật đặc công ra đời.

Đặc công bộ có đoàn 112 khi trước đóng ở Hà Bắc và đoàn 113 trước đóng ở Sơn Tây.

Đặc công nước

Đặc công nước là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, được huấn luyện để tiến công các mục tiêu thủy của đối phương như: bến cảng, tàu thủy,... và các mục tiêu chỉ có thể xâm nhập qua đường thủy: căn cứ biệt lập, căn cứ thủy quân... Nếu đặc công bộ có lối đánh đặc biệt thì đặc công nước càng đặc biệt, vì đánh dưới nước khó khăn hơn nhiều so với trên bộ, trang bị vũ khí cũng khác biệt hơn. Đặc công nước [còn gọi là đặc công thủy] ra đời do yêu cầu đánh vào đối tượng hải quân của Pháp và những mục tiêu vùng sông nước, do đó xuất hiện gần như song song với đặc công bộ.

Trong cuộc Chiến tranh Đông Dương, các hoạt động trên sông nước của Pháp chiếm một phần quan trọng trên chiến trường. Lợi dụng lãnh thổ Việt Nam có bờ biển dài, nhiều sông ngòi, có vùng sông ngòi chằng chịt như miền Tây Nam Bộ, quân Pháp đã bố trí một lực lượng hải quân khá mạnh. Hải quân Pháp tập trung vào 3 hoạt động chủ yếu:

  • Dùng tàu thuyền chiến đấu hỗ trợ cho bộ binh đi càn quét
  • Đánh phá căn cứ, ngăn chặn tiếp tế, vận chuyển của Việt Minh
  • Dùng đường thủy để tiếp hậu cần cho quân Pháp trên đất liền

Vì thế việc đánh Pháp trên mặt trận sông biển có ‎ý‎ nghĩa chiến lược quan trọng. Ở miền Bắc, các vùng ven sông, ven biển khẩn trương xây dựng các đội săn tàu Pháp, sẵn sàng đánh Pháp trên mặt trận sông nước.

Trong chiến dịch Hà-Nam-Ninh [tháng 6 năm 1951], tổ đặc công nước do Nguyễn Quang Vinh [thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308] chỉ huy dùng thuyền nan chở 300 kg thuốc nổ đánh chìm tàu LCD chở vũ khí của quân Pháp [1]. Đây là trận mở đầu cho cách đánh tàu chiến trên chiến trường Bắc Bộ, tạo tiền đề cho việc nghiện cứu sử dụng đặc công đánh các mục tiêu tên sông, biển. Ở miền Nam, đầu năm 1949, đội săn tàu Long Châu Sa dùng thủy lôi tự tạo đánh chìm tàu Glyxin trên sông Sài Thượng, diệt hàng trăm quân đối phương [2].

Ở vùng Rừng Sác, vào tháng 9 năm 1950, các đội đặc công được hình thành từ Trung đoàn 300, hoạt động ở vùng Nhà Bè, Thủ Thiêm xuống Cần Giờ, Soài Rạp. Lực lượng này chiến đấu rất dũng cảm, táo bạo, được gọi là "quân cảm tử", diệt nhiều chỉ huy Pháp và tay sai. Như vậy trong giai đoạn đầu kháng chiến, cùng với cách đánh của đặc công bộ, cách đánh của đặc công thủy cũng bắt đầu phát triển. Dựa trên những tiến bộ của quá trình nghiên cứu cải tiến vũ khí, các địa phương ở Bắc Bộ và Nam Bộ đã tổ chức được một lực lượng chuyên, tinh để đánh tàu, thuyền bằng cách đánh đặc công.

Đặc công nước, còn có phiên hiệu là Đoàn 820, hay Đoàn 2, trước đóng tại Hải Phòng.

Đặc công biệt động

Do tính chất của cuộc kháng chiến lâu dài và để phù hợp với phương châm, phương thức hoạt động tác chiến ở thành phố, bên cạnh các lực lượng vũ trang đô thị như Tự vệ thành, Thanh niên xung phong, Quốc gia tự vệ cuộc, Công đoàn xung phong... các tổ chức quân sự chuyên trách lần lượt ra đời.

Ở Sài Gòn, 10 ban công tác thành hoạt động mạnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu trưởng Nguyễn Bình. Ở nhiều thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, các đội công tác đặc biệt và biệt động cũng khẩn trương thành lập làm nhiệm vụ tiêu diệt những phần tử đối phương nguy hiểm và phá hoại cơ sở kinh tế của đối phương.

Các tổ, đội vũ trang biệt động hoạt động ngay trong lòng đối phương, từ đánh nhỏ, lẻ, tiến lên đánh biệt động đặc công táo bạo, linh hoạt.

Nổi lên trong các hoạt động tại Sài Gòn là nữ sinh trường Quân chính Nguyễn Thị Lan [Lan Mê Linh] 17 tuổi đã dùng súng ngắn ám sát chủ bút báo "Phục Hưng" là Hiền Sỹ tháng 3 năm 1946 [3].

Đặc biệt ngày 8 tháng 6 năm 1946 ban công tác thanh đánh kho đạn của Pháp, thiêu hủy 400 tấn đạn dược, thuốc nổ, làm chết 40 lính Pháp. Đạn nổ liên lục 3 ngày đêm [4]. Đầu năm 1947, lực lượng biệt động Hải Phòng phối hợp với bộ đội địa phương tập kích sân bay Cát Bi, diệt một trung đội lính Âu Phi[5]. Năm 1948 biệt động Đà Nẵng cùng với bộ đội địa phương, công an xung phong đột nhập, tiêu diệt, trấn áp tay sai của Pháp.

Tại Hà Nội, đêm 18 tháng 1 năm 1950, Tiểu đoàn 108 tập kích sân bay Bạch Mai, phá hủy 20 máy bay, 32 tấn vũ khí, 600.000 lít xăng dầu... [6]

Không chỉ ở những thành phố lớn, đặc công biệt động phát triển ở hầu hết thành phố, thị xã, vùng Pháp kiểm soát, trở thành một lực lượng thường xuyên đe doạ trực tiếp ngay tại cơ sở đối phương, đồng thời phối hợp với hoạt động chính trị gây cho đối phương nhiều hoang mang.

Đặc công biệt động còn có phiên hiệu là Đoàn 1, trước đóng ở Gia Lâm.

Trong Chiến tranh Việt Nam

Trong Chiến tranh Việt Nam, bộ đội đặc công trên các chiến trường đã đánh hàng chục nghìn trận[cần dẫn nguồn]; loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục nghìn quân đối phương [gồm cả Mỹ và đồng minh]; tiêu diệt và đánh thiệt hại hàng trăm sở chỉ huy các cấp; phá hủy và phá hỏng hàng nghìn máy bay các loại, 1600 khẩu pháo, 30 giàn tên lửa, 9000 xe quân sự, 2,7 triệu tấn bom đạn, 600 triệu lít xăng dầu; đánh chìm, đánh hỏng 400 tàu xuồng chiến đấu.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, bộ đội đặc công đã đánh đồng loạt vào những mục tiêu hiểm yếu, quan trọng của đối phương ở hầu khắp các thành phố, thị xã miền Nam, góp phần làm suy sụp tinh thần nước Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định của chiến tranh.

Trong chiến dịch này, lực lượng Biệt động Sài Gòn bị tổn thất khá nặng nề. Thứ nhất là mất gần hết lực lượng "gạo cội", vốn là các cán bộ có trình độ am hiểu chiến trường và có bản lĩnh chiến đấu. Số người bị giết, bị bắt ở các mũi tiến công khá lớn. Tổn thất thứ hai là các cơ sở tại chỗ vốn được dày công xây dựng đã bị bể hàng loạt.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc công tiến hành các cuộc tấn công vào các sân bay, căn cứ quân sự, của Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa tại miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, đặc công Việt Nam còn tiến hành các cuộc tấn công vào các sân bay quân sự của Hoa Kỳ tại Thái Lan. Tổng cộng phía Hoa Kỳ ghi nhận có 5 cuộc tấn công vào các sân bay Udorn, Ubon [3 lần] và Utapao. Theo phía Hoa Kỳ cho biết, cuộc tấn công vào Udorn gây hư hỏng nặng cho một C-141, hư hại trung bình một F-4, hư hại nhẹ cho một trực thăng HH-43. Cuộc tấn công vào Ubon phá hủy 2 máy bay C-47 và một xe tải. Tại Utapao, một B-52 bị hư hại trung bình và hai chiếc B-52 khác bị hư hại nhẹ.[7]

Trong Chiến dịch mùa xuân 1975, đặc công biệt động đã đánh chiếm, giữ vững nhiều cầu và căn cứ quan trọng, bảo đảm cho các binh đoàn chủ lực tiến công, giành thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn.

Lực lượng đặc nhiệm của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Lực lượng đặc nhiệm của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng được gọi là đặc công, nhưng có nhiệm vụ đặc biệt [xuất xứ từ "đặc công" là "đặc biệt công kích", mà phía quân đội Sài Gòn có sắc lính tương tự là "biệt kích quân"]. Năm 1965, đơn vị không vận đầu tiên được thành lập, phiên hiệu là Lữ đoàn không vận 305[cần dẫn nguồn], đóng ở Sơn Tây. Đơn vị này về sau được chuyển thành Lực lượng đặc nhiệm. Các binh sỹ được tuyển chọn kỹ càng, yêu cầu rất khắt khe như phải trẻ, khỏe mạnh, có lý tưởng, dũng cảm, gan dạ, phải được giới thiệu bởi hai đảng viên khác. Các chiến sỹ được huấn luyện đặc biệt, với nhiệm vụ là truy lùng và tiêu diệt biệt kích Mỹ [SOG][8].

Họ được chia thành nhiều đơn vị nhỏ, ở mức đại đội và tiểu đoàn. Theo Plaster[9], đến cuối 1971-1972, có tới trên 12 tiểu đoàn đặc nhiệm QĐNDVN đóng ở các điểm nóng Tây Bắc, đường Trường Sơn để đối phó với biệt kích Mỹ, gây ra nhiều khó khăn và thiệt hại cho các toán biệt kích Mỹ. Tuy nhiên theo Dunnigan, quân Bắc Việt chỉ có 9 đại đội đặc nhiệm chống biệt động.[10] Các lính đặc nhiệm này đánh rất dữ dội và không khoan nhượng, họ không bắt tù binh, khiến cho biệt kích Mỹ cũng rất ngao ngán khi phải chạm trán với các đơn vị này

Nguồn Wiki...

Ký ức đoàn đặc công 113

Đoàn đặc công 113 ra đời trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tham gia nhiều trận đánh lớn, góp công thống nhất đất nước.

Đoàn đặc công 113 ra đời ngày 3/6/1972 [cách đây 39 năm] tại một khu rừng bên suối Bà Hào, chiến khu D [nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai]. Trước đó, các đơn vị tiền thân như tiểu đoàn 174 pháo binh hỏa tiễn ĐKB, tiểu đoàn 9, tiểu đoàn đặc công 12 đã chiến đấu trên đất Đồng Nai ngay từ những năm đầu thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ trong ba năm [1972-1975] đoàn 113 vừa xây dựng căn cứ, hành lang, bàn đạp vững chắc, vừa bám chắc các mục tiêu, liên tục thâm nhập vào căn cứ, hậu cứ địch. Đoàn 113 đã tham gia đánh hiệp đồng trong nhiều chiến dịch, giành những chiến công không nhỏ.

Cụ thể đoàn đặc công 113 đã đánh hơn 256 trận, phá hủy phá hỏng hàng trăm máy bay, hàng trăm ngàn tấn bom đạn, xăng dầu, nhiều cầu tàu và phương tiện chiến tranh hiện đại, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên Mỹ ngụy.

Các chiến sĩ đặc công hăng say luyện tập trên thao trường.
Ảnh: Như Ý

Ở Đồng Nai, hai mục tiêu trọng yếu được giao cho đoàn là sân bay Biên Hòa và tổng kho Long Bình. Trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đoàn đánh chiếm căn cứ Hốc Bà Thức, giữ cầu Hóa An, cầu Ghềnh, giải phóng đoạn xa lộ Xóm chợ - ấp Xuân Thôn, phát triển tiến công về hướng Thủ Đức. Những cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, đặc biệt tại cầu Ghềnh và cầu Hóa An. Trong 3 ngày đêm, từ 4h30 phút sáng ngày 27/4 đến 4h sáng ngày 30/4/1975, các chiến sĩ đoàn 113 đã chiến đấu vô cùng quyết liệt với lực lượng địch đông hơn gấp bội đang điên cuồng phản kích quyết giữ cầu. Hơn 60 cán bộ, chiến sĩ của đoàn đã anh dũng hy sinh để bảo vệ hai cây cầu trên đất Đồng Nai cho đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đoàn 113 được điều động trở ra miền Bắc. Chẳng bao lâu sau, tháng 10/1977 tiểu đoàn 27 cấp tốc vào Kiên Giang bảo vệ biên giới Tây Nam, các đơn vị khác của đoàn cũng lần lượt lên biên giới. Suốt 10 năm [1977-1987], đoàn đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận, bảo vệ vững chắc biên giới, làm tròn nhiệm vụ quốc tế được giao. Với những chiến công chói lọi, đoàn đã ba lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng: lần thứ nhất ngày 8/9/1975, lần thứ hai ngày 19/12/1979 và lần thứ ba ngày 9/8/2000. Cách đây mấy năm, tác giả bài viết này trong một lần gặp gỡ các cựu chiến binh miền Đông Nam Bộ, đã vinh dự gặp Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nam, nguyên trung đoàn trưởng đầu tiên của đoàn đặc công 113.

Ông không nói nhiều về mình, chỉ đau đáu dặn dò thế hệ sau: “... tri ân tới các mẹ, các chị từ mọi miền đất nước đã góp cho đoàn đặc công 113 những người thân yêu nhất của mình, không ít trong số ấy mãi mãi không về. Máu các anh đã góp phần tô thắm lá cờ truyền thống Anh hùng của đoàn đặc công 113 yêu dấu...”.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng [người mặc áo xậm], đứng bên các đồng đội. Ảnh: Báo Đồng Nai

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đồng Nai hiện nay, ngày 1/1/1969 là phó phòng đặc công miền. Vào 0h ngày 12/5/1969, 201 cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 5 do Nguyễn Thanh Tùng chỉ huy dũng mãnh tiến công bằng thủ pháo, lựu đạn vào căn cứ Tích Ních của lữ 1 thuộc sư đoàn Kỵ binh bay và sở chỉ huy sư bộ binh 1 Anh cả đỏ của Mỹ. Đến 1h47 phút ta hoàn toàn làm chủ trận địa, loại khỏi vòng chiến đấu 1.106 địch, bắn cháy 21 máy bay, 105 xe quân sự, phá hủy 20 khẩu pháo và nhiều phương tiện khác, quân ta rút lui an toàn. Đến tháng 6/1969, lúc 0h ngày 6, ta tập kích lần hai khi địch đang tập trung binh khí hỏa lực chuẩn bị cho đợt càn quét lớn, ta loại gần 1.000 tên địch, phá hủy 8 khẩu pháo, 12 máy bay, 30 xe quân sự, san phẳng 30 lô cốt, 50 hầm ngầm, 3 nhà kho...

Đọc thêm:

Nguồn

Với cách đánh luồn sâu, đánh hiểm, đánh trúng yếu huyệt và cơ quan đầu não đối phương, hai tiếng "đặc công" nhuốm đầy màu sắc huyền thoại.


Giày lò xo

Chướng ngại đầu tiên người lính đặc công phải vượt qua là các loại rào kẽm gai nhiều tầng, nhiều lớp như : rào bùng nhùng, rào mái nhà, rào chống B40 và cả hàng rào điện tử. Giữ kỷ lục là căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu [Quảng Trị] với hàng rào dày tới 23 lớp. Bên dưới lớp rào là bãi mìn dày đặc với các loại claymore, con cóc, mìn râu, mìn lá... nhiều tầm sát thương. Người lính phải biết vận dụng đủ giác quan, từ xúc giác của tay để sờ, khứu giác để ngửi, thính giác, thị giác để để quan sát, nghe ngóng, phán đoán và cả... giác quan thứ sáu để thoát hiểm. Đó là phương châm thuộc nằm lòng "tai nghe, mắt thấy, tay sờ, chân đến và đoán đúng". Những chuyến đi trinh sát điều nghiên như vậy tuyệt đối không được để lại dấu vết. Khi đêm xuống, một tổ đặc công trườn người sát đất, lặng lẽ móc từng móc rào lên, đánh dấu, vô hiệu hóa các loại mìn, chui sâu vào hang ổ kẻ thù, giữa hàng rào lính địch tuần tra, canh gác dày đặc. Lúc trở ra, họ phải tái lập hiện trường như cũ để không bị phát hiện. Bước vào trận tấn công, nếu toán thọc sâu bị lộ, lực lượng nằm vòng ngoài có thể dùng kỹ thuật cá nhân nhảy qua từng vòng rào vào sâu cứu viện. Các phương tiện tuyên truyền của địch thường lu loa rằng đặc công Việt cộng được trang bị loài giày "lò xo" đặc chủng của Liên Xô có thể phóng xa và cao cả chục mét. Kỳ thực, đây là kỹ thuật hoàn toàn do tập luyện đến độ thành tuyệt kỹ, mà đối phương, theo cách nghĩ thông thường, không thể nào hiểu nổi.


Trị thú dữ

Vòng trong các căn cứ đóng quân, căn cứ hậu cần, kho bom đạn, kho nhiên liệu, sân bay... luôn có đám quân khuyển berger được huấn luyện để lùng sục, đánh hơi và rất hung dữ. Đây cũng là một kẻ thù đáng gờm, và như các chiến sĩ đặc công từng nói, một con berger còn đáng sợ hơn một tiểu đội lính Mỹ. Để hạ bọn thú này, có nhiều bí quyết. Cách thông thường là trước khi đột nhập, lính đặc công mặc độc một chiếc quần lót nằm phơi sương mấy đêm liền, làm mất hết hơi người, hoặc bôi vào người một loại thuốc khử mùi. Nhiều khi đặc công đang ém mình ngụy trang, chó berger đến ngửi từ đầu đến chân rồi bỏ đi. Coi như cái mũi đánh hơi nhạy bén của lũ berger không còn tác dụng. Cũng có khi phải đụng đầu trực diện, như trong trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ, bên trong có đội quân khuyển hơn 100 con. Khi phát hiện ra trinh sát ta, một con berger to như con bê lao tới. Chỉ bằng một cú xoay người và lia ngang một đòn dao găm, cổ con berger bị cắt đứt gọn.

Nào chỉ có chó, ngay cả đàn ngỗng cũng được huấn luyện thành những tên lính cảnh giới đáng sợ. Ngỗng có khả năng đánh hơi và phát hiện tiếng động dù rất nhẹ. Phản ứng của chúng là kêu toáng lên báo động và kéo cả đàn cùng tấn công. Bị vây giữa đám giặc có mỏ và có cánh này kể như phiền phức to. Tuy nhiên ngỗng lại rất sợ rắn. Lính ta chỉ cần bứt những cọng môn [dọc mùng] hay những sợi dây dài giả làm rắn. Gặp phải thứ rắn giả này, ngỗng chỉ còn biết co cổ, nằm im.

Trong các đội quân chư hầu tham chiến tại chiến trường Việt Nam, quân một nước hay sử dụng nhiều cách phòng thủ "quái chiêu" nhất. Một trong những cách đó là sử dụng rắn độc làm "hàng rào"che chắn. Tại nơi đóng quân [Long Thành], ban đêm địch thả rắn ra chung quanh vòng rào, ban ngày dùng tiếng sáo gọi rắn về, giống như các thuật sĩ Ấn Độ chuyên điều khiển rắn vậy. Đây là loại rắn rất nhỏ nhưng lại cực độc, một cú mổ có thể làm chết người trong vài phút. Đối phó lại, lính đặc công có loại thuốc kỵ rắn. Mang thuốc này theo người, coi như rắn cũng... chịu phép.


Tàng hình

Nói về tài "tàng hình" của đặc công, có rất nhiều giai thoại. Một lính địch đang phiên gác, lén che nón sắt ngồi hút thuốc. Xong, hắn ném tàn thuốc xuống lùm cỏ trước mặt và... tè luôn lên đó. Hắn nào có hiểu đám cỏ nằm im kia lại biết di động: một chiến sĩ đặc công đã áp sát, và số phận tên lính được định đoạt trong giây lát. Hoặc một đồn địch được mật báo trước có đặc công vào đánh. Tên đồn trưởng đốc thúc đám lính thuộc quyền canh gác, tuần tra cẩn mật tưởng chừng con kiến không chui lọt. Vậy mà đúng nửa đêm, đặc công đã vào trong mà kẻ địch hoàn toàn không hay biết. Đại tá Lê Bá Ước giải thích: "Đây chỉ là kỹ thuật ngụy trang đến mức tài tình. Trong bóng tối, có thể cởi trần bôi màu cho tiệp với màu đất, màu cỏ. Hoặc biết lợi dụng địa hình, địa vật để che giấu. Khi địch rọi đèn pha, lợi dụng sự phản xạ của mắt đối với ánh sáng và bóng tối, hoặc lúc hai luồng quét giao nhau, mà lính đặc công có thể nằm im hay vận động xâm nhập".

Lính đặc công số 1

    Ông Hai Cà không nhận là “người lính đặc công số 1”, nhưng bạn lính kể ông là người đầu tiên khai phá lối đánh đặc biệt tinh nhuệ này. Ngày 19-3-1948 ông cùng đồng đội lần đầu bí mật diệt gọn tháp canh cầu Ba Kiên. 19 năm sau ngày ấy cũng là ngày chính thức thành lập binh chủng đặc công của Quân đội nhân dân VN. Với chiến thuật bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm..., binh chủng này đã giáng những đòn khốc liệt vào bao sào huyệt bất khả xâm phạm của kẻ thù...

Bây giờ đã ở tuổi 85, nhưng chiến sĩ đặc công Trần Công An, bí danh Hai Cà năm xưa, vẫn sang sảng hào khí của một thời chiến đấu hào hùng... Đó là một chiều trước đêm Noel năm 1946, bọn lính Pháp ra ngoài hái hoa. Ông Hai Cà giả làm người chăn trâu xăng xái chỉ đường, rồi lặng lẽ áp sát một tên lính súng ống đầy mình, chủ quan đi lẻ.

Lựa lúc nó cúi xuống, ông bất ngờ tung đòn xiết cổ chớp nhoáng. Người thường bị đòn hiểm này bất động ngay, nhưng tên lính Pháp nặng gấp đôi ông còn vùng vẫy quyết liệt. Chỉ đến khi ông tung tiếp mấy đòn hiểm vào đầu nó mới chịu thúc thủ để ông tháo thắt lưng thít cổ dẫn đi. Lần đầu tiên, việc một thanh niên cù lao Rùa tay không bắt gọn tên lính Pháp làm mọi người phấn chấn, nhưng cũng đặt ra cho ông thử thách mới.

“Điểm huyệt tử” đầu tiên


Binh chủng đặc công chính thức ra đời ngày 19-3-1967. Đây là binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc công là từ gọi tắt của cách đánh “công đồn đặc biệt”. Có nhiều loại đặc công như đặc công bộ, đặc công nước, đặc công biệt động đô thị. Trong lịch sử chiến đấu, chiến thuật đặc công đã làm nên những chiến thắng oai hùng ở những nơi, những lực lượng tưởng như bất khả chiến bại như sân bay Cát Bi, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Gia Lâm, Bạch Mai, Phú Thọ Hòa, Hội An, Tua Hai, Núi Thành, Hoài Đức, Bắc Ruộng, Long Bình, Đồng Dù, Thành Tuy Hạ, Nhà Bè, sứ quán Mỹ, Đắc Hà.

Sau tái chiếm, Pháp thực hiện chiến thuật “vết dầu loang” với hệ thống đồn bót, tháp canh xiết dần khu kháng chiến. Cấp trên biết chuyện ông tay không bắt giặc, phân công phải tìm cách đánh bại tháp canh để vỗ mặt kẻ thù. Thời điểm đó nhiệm vụ này cực kỳ khó khăn vì kinh nghiệm quân sự và vũ khí còn thiếu thốn, nếu đánh trực diện kiểu truyền thống thì số hi sinh sẽ rất cao. Nhiều đêm liền ông bò đến gần tháp canh cầu Ba Kiên, Bình Dương để quan sát. Được xây rất kiên cố với tường gạch dày 40cm, rộng 16m, cao 10m, một phiên gác 10 lính, được bảo vệ bằng rào sắt, đèn pha và mìn.

Có nhiều chi tiết khiến ông chú ý như giờ đổi phiên gác, lỗ châu mai, thói nghiện thuốc của lính Pháp, cỏ dại, đặc biệt là hệ thống đèn pha... Trở về, ông để đồng đội giả đánh tháp, còn mình trèo lên cây, ôm đèn pha, làm lính canh. Dưới ánh đèn, anh em đột nhập hàng chục lần đều bị ông phát hiện, có khi cả cơ thể, lúc là chỏm tóc đen, đôi mắt. Nghiên cứu mãi ông phát hiện ra qui tắc là dù đèn sáng và mắt người gác tinh cỡ nào thì cũng có lúc bị “mù”, do nhìn lâu vào luồng sáng mạnh, mắt không thể nhìn thấy gì ở khoảng đen khi đèn pha lướt qua. Nó chỉ diễn ra trong một vài giây nhưng là “thời điểm vàng” của người đột nhập.

Tìm được lối đánh, ông tập trung mấy chục anh em để huấn luyện, nhưng cuối cùng chỉ chọn Hồ Văn Lung và Trần Văn Nguyên tham chiến cùng mình. Tuy nhiên, lúc ấy đa số còn sử dụng loại lựu đạn đập thô sơ. Ông lo chính tiếng đập này sẽ làm mất yếu tố bất ngờ để giặc nhanh chóng phản ứng. Đến khi cấp trên cho chín quả lựu đạn rút chốt, ông mới ra quân. Nhưng lần đầu, ông và đồng đội đột nhập vào đêm 19-3-1948 lại gặp trở ngại, vì chiều đó bọn Pháp đốt trụi đồng cỏ bao quanh. Đang loay hoay, ông bất ngờ nhìn lớp tro cỏ và nghĩ ra cách lấy chính tro này xoa lên người để ngụy trang...

Cuối cùng, ba người đều áp sát tháp canh thành công, tung liên tiếp chín quả lựu đạn. Tiếng nổ rền tai nhưng bên trong vẫn còn vọng lên tiếng la hét của bọn lính. Ông tung tiếp quả lựu đạn cuối cùng phòng thân. Nó nổ gần, sức ép làm ông bị chấn thương lồng ngực nhưng vẫn ráng cùng đồng đội rút dao găm lao vào cận chiến, hạ gọn những tên còn sống, thu 10 súng trường và rất nhiều đạn dược.

Ngay đêm đó, sự kiện tháp canh Ba Kiên bị diệt lan truyền. Quân Pháp hoang mang với lối đánh lần đầu xuất hiện ở chiến trường này. Lúc ấy chưa có tên gọi đặc công, nhưng quân kháng chiến đã hiểu có thể áp dụng chiến thuật “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy tinh nhuệ chiến thắng số lượng đông”. Ông được giao huấn luyện lối đánh này cho chiến sĩ chiến khu Đ và các tỉnh lân cận. Tuy khởi đầu nhưng phương pháp huấn luyện khá bài bản, có cả mô hình tháp canh, đồn bót. Chiến sĩ được huấn luyện kỹ thuật hóa trang, vượt rào thép gai, bãi mìn, ánh sáng và những đòn thế cận chiến hiểm hóc...

Mặc dù đã đề phòng lối đánh xuất quỉ nhập thần này nhưng nhiều sào huyệt của quân Pháp sau đó vẫn liên tiếp bị đánh tung. Riêng trận đánh tháp canh lớn ở cầu Vàm Giá, Phú Giáo, cả trung đội địch với đủ hỏa lực hạng nặng đại liên, súng cối bị hạ gục hoàn toàn. Trận này, ông Hai Cà dẫn nhóm người của mình hóa trang thành cây cỏ vượt hàng rào kẽm gai, bãi mìn, rồi luồn dưới kênh nước tiếp cận mục tiêu thành công dưới mấy họng súng đại liên lúc nào cũng chĩa... ngay trên đầu họ. Sau trái nổ phá tường, trái nổ thứ hai được cột vào đầu cây tầm vông nhét sâu vào bên trong. Sức công phá khủng khiếp đến mức vỡ tung tháp, hất bay tên lính ngồi canh trên cao ra sông cách đó mấy chục mét, 31 lính chết tại chỗ, còn bốn tên trọng thương bị bắt sống. Đặc biệt, nhóm của ông Hai Cà đã phối hợp hiệu quả với chiến sĩ bộ binh. Sau đòn “điểm huyệt tử” bất ngờ, lực lượng này đã xông vào dứt điểm mục tiêu...

Những cái bóng vô hình

“Ai cũng hỏi làm sao tui nghĩ ra được lối đánh đặc công. Tui chỉ vào tim mình và trả lời nếu có lòng căm thù và ý chí quyết thắng thì sẽ có cách đánh thôi. Quê tui ngày xưa ở cù lao Rùa, Bình Dương, khổ lắm. Tía chết lúc tui mới biết khóc oe oe. Má một thân phải đi mần mía để nuôi anh em tui. Vậy mà lính Tây vẫn hà hiếp đủ đường. Tui ra sông vớt củi trôi về phụ má đong gạo cũng bị tụi nó hạch sách, bòn mót. Năm 11 tuổi, tui đã phải nghỉ học, đi chăn trâu, rồi đi phu mía. Ở đâu tui cũng toàn thấy cảnh dân mình lầm than. Ngay lúc đó tui đã ôm hận, luyện tập sức khỏe, võ nghệ, gia nhập Việt Minh để đánh trả...”.

Năm 1954, ông Hai Cà tập kết ra Bắc, nhưng chỉ bảy năm sau lại tình nguyện trở về chiến đấu ở miền Nam ruột thịt. Vừa tham chiến, ông vừa là người lập kế hoạch tác chiến, chỉ huy chiến sĩ đặc công tung “những cú đấm tử thần” vào các căn cứ tưởng chừng bất khả xâm phạm của quân đội Mỹ.

Thời điểm đó miền Đông Nam bộ đã trở thành căn cứ hùng hậu của quân đội Mỹ với các sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ”, sư đoàn bộ binh cơ giới số 25 “Tia chớp nhiệt đới”, tổng kho liên hợp Long Bình, sân bay quân sự Biên Hòa... Để bảo vệ những trọng điểm này, quân đội Mỹ ngoài sử dụng biệt kích tinh nhuệ còn có các phương tiện điện tử hiện đại kết hợp cùng “truyền thống” như chó bẹcgiê, ngỗng, rắn và hàng chục lớp rào thép, bẫy mìn. Ban đầu chúng đã huênh hoang tuyên bố: “Con chuột nhắt mà muốn vào được những nơi này cũng phải xin phép lính Mỹ”. Tuy nhiên, ngay sau đó các “cú đấm tử thần” của bộ đội đặc công đã làm chúng phải đổi lại câu nói “những nơi này đã bị Việt cộng bỏ túi”.

Ông Hai Cà kể càng về sau kỹ thuật bố phòng quân sự càng hiện đại, đặc biệt là quân đội Mỹ. Tuy nhiên, người lính đặc công không có giới hạn cuối cùng nào là không thể vượt qua, mà đôi khi những bài học xương máu này lại được nhân dân chưa bao giờ cầm súng truyền dạy. Chính đồng bào đã chỉ ông cách “làm ngỗng phải phục đầu” bằng những vốc hành giả mùi rắn hổ. Còn chó bẹcgiê thì có rất nhiều cách để qua mặt như tắm rửa thật sạch, phơi sương, xoa bùn, thậm chí tắm cả loại xà bông lính Mỹ hay dùng. Đặc biệt, đặc công còn biết nướng thịt bò tẩm bơ theo đúng kiểu Mỹ rồi nhẹ nhàng thả vào cho chó táp. Hàm răng vừa ngập vào miếng thịt thì chớp mắt một mũi dao găm đã hạ gục chúng trong khi chúng còn chưa kịp sủa tiếng nào.

 
 Bây giờ, căn nhà nhỏ thấp lè tè ở cổng sân bay Biên Hòa bề ngoài cũng bình thường như bao ngôi nhà khác. Nhưng bức tường mốc meo bên trong lại làm cho người ta phải chú ý với hàng trăm bức ảnh về những người lính đặc công, đặc biệt là ảnh các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Nguyên Giáp, Phan Văn Khải... chụp chung với ông Trần Công An, chủ nhân ngôi nhà. Và hình như đó cũng là tài sản quí giá nhất của người lính đặc công số 1 này. Tâm sự với tôi, ông cứ nói hãy viết tiếp về các thế hệ đặc công trẻ, bởi họ cũng anh hùng và làm được những điều còn kỳ tích hơn cả các thế hệ đàn anh.
Lịch sử sau này có thể kể lại bao nhiêu lần tổng kho
liên hợp Long Bình và sân bay Biên Hòa bị đánh cháy, nhưng chắc chắn sẽ khó ghi lại đầy đủ được bao nhiêu lượt chiến sĩ đặc công đã đột nhập vào các nơi này. Chỉ riêng ông Hai Cà đã rất nhiều lần chỉ huy các chiến sĩ đặc công đột nhập thành công. Có khi họ chỉ đi điều nghiên tình hình, như những bóng ma nhẹ nhàng vượt qua gần 20 lớp rào và bãi mìn, lính canh, đèn pha để “tai nghe, mắt thấy, tay sờ mục tiêu”, rồi lại trở ra êm ái.

Nhiều lần đột nhập nửa chừng thì trời sáng, ông Hai Cà và các chiến sĩ đặc công phải nằm lại giữa trùng lớp kẻ thù. Không có một bài bản ẩn thân nào cố định. Tùy thời tiết mưa, nắng, màu sắc ánh sáng, màu sắc đất đá, cây cỏ, cống rãnh, các đặc công chỉ mặc độc quần lót, phải nhanh trí xoay xở cách “vô hình” ngay trước mũi súng kẻ thù. Nguyên tắc này gần giống con tắc kè có thể đổi màu chìm lẫn trong cảnh vật xung quanh bất cứ lúc nào.

Liên tiếp ba trận trong ba tháng 10, 11, 12-1966 ông Hai Cà phôi hợp với đơn vị bạn đã chỉ huy các chiến sĩ đặc công đột nhập thành công, phá nổ hơn 400.000 tấn bom đạn Mỹ. Còn ở sân bay Biên Hòa, lực lượng của ông Hai Cà cũng đã rất nhiều lần làm kẻ địch phải kinh hoàng. Chỉ riêng trận tháng 9-1972, đơn vị ông phối hợp với lực lượng bạn bí mật vượt 20 lớp rào các loại, đột nhập tận đường băng và trong tích tắc cho nổ tung 127 máy bay các loại.

Nhiều chiến sĩ đặc công đã quyết tử để quyết thắng. Trong đó, hai người con trai của ông Hai Cà đã trở thành liệt sĩ và thương binh cũng tại sân bay Biên Hòa. Rất lâu sau đó, chính lực lượng biệt kích tinh nhuệ của Mỹ vẫn chưa thể hiểu nổi làm sao đặc công VN liên tiếp đột nhập và đánh phá thành công những nơi bất khả xâm phạm này.

Video liên quan

Chủ Đề