Phủ định tự nhiên là gì

Chúng ta đều biết rằng, trong hệ thống triết học biện chứng duy tâm khách quan của Hêgen [trong Khoa học lôgíc] phủ định của phủ định được nói đến lần đầu tiên như một quy luật. Có thể nói, những tư tưởng của Ph.Ăngghen về phủ định của phủ định và phủ định biện chứng trong Chống Đuyrinh đã in khá rõ dấu ấn của Hêgen, chẳng hạn như tư tưởng về hai bước phủ định... Tuy nhiên, đó chỉ là những dấu ấn ở hình thức của các khái niệm, còn trong nội dung của chúng đã mang sắc thái hoàn toàn mới - đó là duy vật biện chứng thay vì tính duy tâm biện chứng như trong triết học của Hêgen. Bởi vì, trong quá trình xây dựng phép biện chứng duy vật, C.Mác và Ph.Ăngghen luôn nhất quán một quan điểm có tính nguyên tắc - tất cả những gì diễn ra trong bộ não tư duy của con người chỉ là kết quả của sự phản ánh những quá trình diễn ra trong tự nhiên và trong lịch sử. Theo các ông, người ta không thể đưa những quy luật biện chứng từ bên ngoài áp đặt vào giới tự nhiên [như Hêgen đã làm trong phép biện chứng duy tâm khách quan của ông]; trái lại, phải “phát hiện ra chúng trong giới tự nhiên và rút chúng ra từ giới tự nhiên”[1]. Với nguyên tắc này, những tư tưởng của Ph.Ăngghen về phủ định biện chứng và phủ định của phủ định khác hẳn so với những tư tưởng triết học biện chứng duy tâm về phủ định biện chứng, cũng như mọi tư tưởng siêu hình về sự phủ định.

Theo Ph.Ăngghen, “phủ định, trong phép biện chứng, không phải chỉ có ý nghĩa giản đơn là nói: không, hoặc giả là tuyên bố rằng một sự vật không tồn tại, hay phá huỷ sự vật ấy theo một cách nào đó”[2]. Điều người ta có thể thấy trước hết trong tư tưởng trên của Ph.Ăngghen là sự khác biệt giữa phủ định trong phép biện chứng và phủ định trong phép siêu hình. Cũng có thể nói, đây là một kiểu định nghĩa đặc biệt của Ph.Ăngghen. Kiểu định nghĩa này không nêu trực tiếp, mà gián tiếp chỉ ra những đặc điểm, đặc trưng của đối tượng. Đối tượng được định nghĩa ở đây là phủ định theo quan niệm của phép biện chứng [“trong phép biện chứng”] hay chính là phủ định biện chứng.

Sở dĩ Ph.Ăngghen đã định nghĩa như vậy về phủ định biện chứng, bởi vì, trước đó, khi chứng minh và bảo vệ những quan điểm của C.Mác về “sự phủ định cái phủ định” diễn ra trong lịch sử nhằm vạch rõ bản chất “bẩn thỉu” và “ngu dốt” trong sự công kích của Đuyrinh đối với C.Mác, ông cũng đã chỉ ra sự hiện diện phổ biến, tất yếu và khách quan của phủ định biện chứng trong tự nhiên, trong lịch sử và cả trong tư tưởng của nhân loại. Theo Ph.Ăngghen, sự công kích của Đuyrinh đối với triết học Mác dựa trên quan điểm siêu hình về phép biện chứng nói chung, về phủ định và phủ định của phủ định nói riêng. Đặc điểm nổi bật của quan điểm siêu hình đó là ở chỗ, chúng chỉ là những “ý kiến” của chủ thể và được áp đặt vào các quá trình bên trong của hiện thực khách quan, chứ không phải là kết quả của một sự phản ánh hiện thực khách quan nào[3].

Qua những tư tưởng của Ph.Ăngghen về phủ định[4], chúng ta thấy rằng, trong phép biện chứng, sự phủ định luôn được xem xét căn cứ vào [và trong mối liên hệ với] quá trình phát triển hiện thực của sự vật, hiện tượng. Bởi vậy, lối tư duy siêu hình về phủ định sẽ không cho phép chủ thể thấy được bất kỳ một mầm mống nào, dù là nhỏ nhất, của sự phát triển trong quá trình diễn ra sự phủ định. Trái lại, tư duy biện chứng cho phép chủ thể thấy được sự phát triển trong quá trình phủ định, dù ban đầu, nó chỉ là những mầm mống. Căn cứ vào hiện thực, Ph.Ăngghen khẳng định rằng, “mỗi sự vật” cũng như “mỗi loại quan niệm, khái niệm” “đều có phương thức phủ định riêng biệt”. Điều này có nghĩa là, những “phương thức phủ định riêng biệt” đó sẽ không giống nhau về các khâu trung gian, về hình thức và tốc độ của sự phủ định, v.v.. Nói tóm lại, những sự phủ định đó diễn ra theo con đường tự thân, hay là tự phủ định. Đấy chính là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của sự phủ định mà phép biện chứng duy vật đã chỉ ra.

Trong Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen viết về phương thức phủ định như sau: “Không những tôi phải phủ định, mà còn phải xoá bỏ sự phủ định ấy một lần nữa. Cho nên phải thiết lập sự phủ định thứ nhất như thế nào cho sự phủ định thứ hai vẫn sẽ còn hay có thể có được” [chúng tôi nhấn mạnh – V.T.K.P.][5]. Vậy, thực chất của tư tưởng này là gì? Phải chăng Ph.Ăngghen cho rằng, sự phủ định diễn ra dưới sự can thiệp, tác động của chủ thể [“tôi”], nghĩa là tính khách quan của sự phủ định sẽ biến mất?

Theo chúng tôi, để hiểu được thực chất quan điểm đó của Ph.Ăngghen, chúng ta cần phải phân tích phương thức phủ định này trên cơ sở triết học duy vật biện chứng và triết học duy vật về lịch sử.

Trong phương thức phủ định mà Ph.Ăngghen nói đến gồm có hai bước: phủ định và phủ định của phủ định đó. Trong đó, bước phủ định thứ hai [phủ định của phủ định] diễn ra trên cơ sở kết quả của bước phủ định thứ nhất, căn cứ vào kết quả của bước phủ định thứ nhất. Nếu như bước phủ định thứ nhất diễn ra khiến cho sự vật, hiện tượng bị diệt vong, bị xoá bỏ hoàn toàn thì bước phủ định thứ hai sẽ không thể diễn ra. Nói một cách khác, để cho bước phủ định thứ hai có thể diễn ra và do vậy, đối tượng [sự vật, hiện tượng] có thể tiếp tục quá trình vận động của nó thì bước phủ định thứ nhất không thể là sự phủ định sạch trơn mà phải là sự phủ định biện chứng, tức là sự phủ định có bảo tồn. Điều đó cũng có nghĩa là, giữa kết quả của bước phủ định thứ nhất với kết quả của bước phủ định thứ hai có một mối quan hệ khăng khít. Mối quan hệ này được hình thành do bước phủ định thứ nhất đã để lại một kết quả nhất định và khiến cho bước phủ định thứ hai có thể diễn ra trên cơ sở kế thừa kết quả đó. Chính sự kế thừa này sẽ khiến cho các bước phủ định không dẫn đến sự diệt vong mà dẫn đến sự phát triển của các sự vật, hiện tượng.

Khẳng định trên là kết quả suy luận lôgíc từ luận điểm của Ph.Ăngghen. Ở đây, ông chưa có điều kiện, hơn nữa cũng chưa có ý định nói sâu hơn về sự kế thừa và những vấn đề quan trọng liên quan khác như: cái gì sẽ quyết định yếu tố này được kế thừa còn yếu tố khác thì không, yếu tố được kế thừa sẽ được giữ nguyên hay sẽ được biến đổi ra sao. Bởi vì, mục đích chủ yếu của Ph.Ăngghen trong phần “Phép biện chứng. Phủ định của phủ định” là chứng minh sự tồn tại phổ biến, tất yếu và khách quan của phủ định biện chứng nói riêng, của quy luật phủ định của phủ định nói chung; qua đó bảo vệ và chứng minh tính đúng đắn trong cơ sở khoa học của triết học Mác; phê phán và bác bỏ sự công kích của Đuyrinh đối với những luận điểm về “sự phủ định cái phủ định” trong triết học Mác.

Thật ra, trước đó Ph.Ăngghen đã đưa ra một luận điểm có ý nghĩa phương pháp luận về vấn đề này. Theo ông, “phương thức phủ định… trước hết là do tính chất chung của quá trình, hai là do tính chất riêng của quá trình quyết định”[6]. Điều đó có nghĩa là, chính quá trình phát triển hiện thực của đối tượng [sự vật, hiện tượng và tư tưởng] sẽ quyết định yếu tố nào trong mỗi giai đoạn phát triển của nó sẽ bị loại bỏ, yếu tố nào sẽ được giữ lại một cách nguyên vẹn hoặc có sự biến đổi ít nhiều. Vì vậy, kết quả ở sau mỗi giai đoạn, quá trình phát triển sẽ phải khác nhau. Tóm lại, theo chúng tôi, khi nói đến việc chủ thể [“tôi”] phủ định và xoá bỏ sự phủ định hay là việc chủ thể thiết lập các bước phủ định, Ph.Ăngghen hoàn toàn không có ý cho rằng, chủ thể có thể tuỳ tiện thực hiện các bước phủ định. Trái lại, điều mà ông muốn khẳng định là việc chủ thể có thể và cần phải thực hiện các bước phủ định như thế nào đó, sao cho sự tác động của chủ thể đến quá trình phát triển hiện thực của đối tượng luôn phù hợp với các quy luật vận động, phát triển khách quan của chúng.

Từ những luận điểm trên của Ph.Ăngghen, chúng ta cũng có thể làm rõ một số vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa phủ định biện chứng và phủ định của phủ định. Trong mối quan hệ đó, bước phủ định thứ nhất phải là sự phủ định biện chứng để cho bước phủ định thứ hai có thể diễn ra. Nhưng vấn đề là ở chỗ, ngay cả bước phủ định thứ hai cũng là sự phủ định biện chứng, bởi vì sự phủ định này diễn ra trên cơ sở kế thừa những kết quả của sự phủ định trước, khiến cho quá trình vận động của sự vật, hiện tượng và tư tưởng vừa liên tục vừa có sự phát triển. Có thể nói, chính đặc tính kế thừa sẽ khiến cho một sự phủ định có thể trở thành một sự phủ định biện chứng. Tuy nhiên, không phải sự kế thừa nào cũng dẫn đến sự phát triển, sự tiến lên, tiến bộ. Đặc biệt là trong lĩnh vực xã hội. Khi sự “kế thừa” chỉ là bảo lưu, giữ lại những tư tưởng đã lạc hậu, phản động thì nó trở thành sự bảo thủ và do vậy, là trở ngại ngăn cản sự phát triển.

Tựu trung lại, phủ định biện chứng chính là hạt nhân của quy luật phủ định của phủ định. Tuy nhiên, không phải quá trình vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng và tư tưởng nào cũng giống nhau [về cả nội dung lẫn hình thức], do đó không phải sự vật, hiện tượng và tư tưởng nào cũng nhất thiết phải trải qua hai bước phủ định cụ thể, mà mỗi loại có “phương thức phủ định riêng biệt của nó”.

Những tư tưởng của Ph.Ăngghen về các vấn đề phủ định của phủ định, phủ định biện chứng và những tính quy luật của chúng, một mặt, là sự kế thừa yếu tố hợp lý trong triết học của Hêgen; mặt khác, căn bản và quan trọng hơn, được rút ra từ chính quá trình phát triển hiện thực của sự vật, hiện tượng và tư tưởng. Nhờ sự kế thừa và phát triển theo nguyên tắc như vậy trên mọi lĩnh vực, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tạo nên sức sống mãnh liệt của triết học duy vật biện chứng.

Chủ Đề