Lắp Ampli cho xe ô to

CHỌN LỰA AMPLY CHO XE NHƯ THẾ NÀO?

Amply xe hơi cũng như amply của các dàn audio gia đình, vai trò của nó là để tăng cường chất lượng âm thanh. Ngày nay hầu như tất cả ôtô dù là đắt hay rẻ, xe tải hay xe thể thao đều cũng được trang bị 1 cái amply để mà đáp ứng nhu cầu giải trí của tài xế.

Các amply này được tích hợp vào trong Head-Unit (HU), hay gọi bình dân là amply tích hợp trong CD/DVD zin với công suất nhỏ (khoảng 25-50W/ kênh), chỉ đủ đáp ứng các dàn loa đơn giản. Khi bạn có nhu cầu nâng cấp dàn âm thanh, lắp những bộ loa mới với công suất như 75, 100W hay loa Sub thì các amply tích hợp này hoàn toàn không thể đáp ứng yêu cầu. Khi đó một chiếc amply gắn rời là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn.

VÌ SAO CẦN MỘT CHIẾC AMPLY RỜI

Không thể phủ nhận các bộ loa nâng cấp có thể sống tốt với amply tích hợp trong HU vì phần lớn thời gian mức công suất, âm lượng để tai con người nghe dễ dàng thì amply tích hợp dư sức cân. Tuy nhiên, để mang lại sức sống cho dàn loa mà bạn vừa mới bỏ ra để nâng cấp, thì chiếc amply rời là sự lựa chọn mang lại cho bạn nhiều lợi ích:

  • Tăng cường chất lượng âm thanh: người xưa có câu giỏi 1 nghề còn hơn biết 10 nghề, và cái gì đa zi năng quá cũng không thể mang lại được chất lượng tốt nhất. Người nào việc nấy, sử dụng một chiếc amply rời sẽ cung cấp chất lượng âm thanh trong trẻo, chắc nịch.
  • Mang đến sự linh hoạt: không như các amply tích hợp, amply rời chỉ bị giới hạn bởi không gian trên xe mà bạn dành cho nó, còn lại bạn có thể thỏa sức thay đổi, điều chỉnh amply để phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân của mình.
  • Đảm bảo đủ công suất cho bộ loa nâng cấp và Subwoofer: công suất của amply tích hợp rất nhỏ, vì thế không thế nào đủ sức cân những bộ loa nâng cấp công suất lớn, những bộ loa sub. Chỉ có amply rời mới có thể đảm bảo việc phát huy hết những phẩm chất của bộ loa nâng cấp, loa Sub.

Khi lựa chọn một chiếc amply, chúng ta sẽ căn cứ vào dàn loa mà bạn đang sử dụng để có thể lựa chọn thông số phù hợp. Các thông số cần lưu ý khi lựa chọn amply bao gồm:

  • Số kênh: Số kênh của amply tương ứng với số lượng loa mà chiếc amply đó có thể đánh. Hiện nay trên thị trường có các amply 2, 4, 5 và 6 kênh, tương ứng với 1 cặp loa, 2 cặp loa, 2 cặp loa + sub công suất thấp, 3 cặp loa/ 2 cặp loa + Sub công suất lớn. Khi chọn lựa amply, người dùng cần đặt câu hỏi có bao nhiêu cặp loa/ bao nhiêu chiếc loa sẽ được sử dụng trên chiếc xe.
  • Công suất: Đây là chỉ tiêu rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại của dàn âm thanh. Rất nhiều người đưa ra những quyết định sai lầm khi mua chiếc amply trước khi mua loa. Lời khuyên là mua bộ loa trước khi mua amply vì khi đó bạn có thể xác định được công suất của chiếc amply cần mua (thông thường công suất RMS từ 75 – 150% tổng công suất của loa).
  • Chủng loại amply: hiện nay trên thị trường có 4 chủng loại Amply chính là Class A, Class B, Class AB và Class D. Ưu nhược điểm của các chủng loại này như sau

Chủng loại

Ưu điểm

Nhược điểm

Class A

Chất lượng âm thanh vượt trội

Amply khá nóng và tiêu thụ điện năng lớn

Class B

Ít tiêu thụ điện năng và mát

Dễ bị rè ở tầng số cao, âm Treb

Class AB

Chất lượng âm thanh tốt

Tiêu thụ điện năng ít và mát

Công suất thường thấp hơn các chủng loại khác

Class D

Ít tiêu thụ điện năng và mát

Chất lượng âm thanh kém

Các bạn đã có một cái nhìn tổng thể về chiếc Amply xe hơi và các thông số cơ bản của nó, tiếp theo chúng ta sẽ đi sâu chi tiết vào các thông số này để có thể lựa chọn một chiếc amply vừa ý. Thông số trước tiên mà chúng tôi muốn nói tới đó chính là công suất của chiếc amply.

Thực vậy, khoan hãy nói bộ loa nghe hay hay không, amply có phù hợp với bộ loa hay không mà hãy nói tới amply của bạn có thể phát huy hết công suất của bộ loa hay không. Nếu như dàn amply không đủ công suất thì tất nhiên bộ loa của bạn cũng không thế phát huy hết sức mạnh của nó.

Ở đây Mạnh Quân chỉ nói đến phát huy sức mạnh, chứ không nói đến phát huy những phẩm chất của bộ loa, nói một cách dân dã là là chỉ mới là số lượng, chứ chưa nói đến chất lượng.

ĐỂ KHÔNG LO LẮNG VỀ SỨC MẠNH AMPLY

Như đã nói nếu bạn muốn phát huy sức mạnh của dàn loa, điều quan trọng là bạn không làm suy yếu loa của mình với những chiếc amply yếu. Đây là lý do chính mà người dùng sẽ chọn bộ loa trước sau đó mới tìm một chiếc amply phù hợp để cung cấp đủ năng lượng. Công suất của amply cũng sẽ là một mối quan tâm nếu bạn muốn chạy thêm một bộ Sub.

Việc kết nối hai kênh của một amply đa kênh cũng cung cấp đủ năng lượng để chạy loa SUB, tuy nhiên đó không phải là lý tưởng vì các kênh còn lại của amply không đủ sức đánh các loa cánh cửa. Trong trường hợp này, việc xem xét đến gắn thêm một chiếc amply Mono để đánh loa Sub là một lựa chọn tốt.

Điều thứ hai cần quan tâm đó là các thông số công suất của amply. Thông thường nhà sản xuất hay khi công suất amply rất cao như 3000, 4000, 6000W. Tuy nhiên người dùng cần lưu ý đây chỉ là công suất nhạc đỉnh đầu ra PMPO (Peak Music Power Output), hay hiểu đơn giản công suất Max của amply mà hệ thống có thể đạt được trong một thời gian rất ngắn, và ở công suất này, ampli và loa của bạn có thể cháy chỉ trong vài giây đạt mức công suất náy.

Chỉ số công suất bạn cần quan tâm là RMS (Root Mean Squared) vì đây là công suất hoạt động chính của amply. Công suất này sẽ được thể hiện trong catalog, thông số kỹ thuật của amply.

Công suất amply mua nhỏ hơn, vừa đủ, cao hơn công suất của loa? Công suất càng lớn sẽ càng hay? Đây là những câu hỏi mà tác giả thấy ai cũng sẽ đặt câu hỏi khi chọn mua amply. Theo quan điểm của tác giả thì sẽ lựa chọn amply theo các công thức tính toán khoa học.

Theo công thức tính toán chưa chắc sẽ giúp bạn có một chiếc amply đảm bảo sức mạnh, còn lại amply hay hay không phụ thuộc vào rất nhiều thứ như chất lượng linh kiện, bí quyết kinh doanh riêng của từng hãng, thể loại nhạc mà bạn thích.

TÍNH TOÁN CÔNG SUẤT AMPLY PHÙ HỢP CHO Ô TÔ

Trước khi tính toán công suất amply thì bạn cần phải thu thập các thông số kỹ thuật của dàn loa mà bạn dự tính sử dụng. Các thông số bạn cần lưu ý thu thập bao gồm, ở đây mình lấy ví dụ theo 2 bộ loa là JBL GTO-609c và JBL GT7-6:

  • Công suất RMS của mỗi chiếc loa:
    • JBL 609c: công suất Max là 270W, công suất RMS là 75W/ loa, 150W/ cặp.
    • JBL GT7-6: công suất Max là 135W, công suất RMS là 45W/ loa, 90W/ cặp.
  • Trở kháng:
    • JBL 609c: 3 Ohm
    • JBL GT7-6: 4Ohm

Từ các thông số của loa, bạn sẽ xem qua thông số của amply và áp dụng công thức (75 – 150) để lựa chọn. Trước tiên căn cứ vào trở kháng của loa đối chiếu với công suất tương ứng với trở kháng được ghi trên thông số kỹ thuật của amply. Ví dụ loa bạn có trở kháng 4Ohm, amply của bạn có công suất trở kháng 4Ohm là 100W/ kênh, trở kháng 2Ohm là 80W/ kênh (ở đây 3Ohm có thể lấy bình quân 2 trở kháng là 90W/ kênh).

Áp dụng công thức 75 – 150, có nghĩa là công suất amply sẽ an toàn ở trong khoảng 75% - 150% công suất RMS của loa, cụ thể trong trường hợp bạn chọn 2 cặp loa JBL GTO-609c cho 4 cánh cửa: Công suất mỗi kênh loa là 75W à công suất mỗi kênh amply sẽ từ 56.25W đến 112.5W.

Như vậy bạn có thể chọn amply có công suất mỗi kênh vào khoảng 60W đến 100W (làm tròn lên ở ngưỡng 75% và làm tròn dưới ở ngưỡng 150%) sẽ là ngưỡng an toàn, cho chất lượng âm thanh đầy đủ và đảm bảo không bị cháy loa hay amply.

Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều người sử dụng 02 bộ loa khác nhau cho cửa trước và sau, như vậy thì tính toán công suất như thế nào? Không sao cả, nguyên tắc là hãy tính toán công suất dựa trên bộ loa có thông số thấp hơn.

Lý do chính yếu là vì nếu bạn lấy công suất của bộ loa cao hơn để tính toán thì có thể làm cho công suất amply vượt quá ngưỡng 150%, dẫn đến có thể làm cháy bộ loa có công suất thấp hơn của bạn.

Lời khuyên là dù có lựa chọn 02 bộ loa khác nhau thì công suất của 02 bộ loa cũng không nên chênh lệch quá lớn.

Đối với các bạn có bộ loa SUB thì công thức tính vẫn tương tư, sử dụng amply trong ngưỡng 75% - 150% công suất loa. Ngoài ra, với loa Sub thì thường nếu bạn muốn sử dụng amply đa kênh có sẵn thay vì 1 amply mono cho Sub amply sẽ có chế độ Bridge để tăng cường công suất, khi đó thì cũng rất đơn giản, bạn cũng chỉ cần quan tâm đến công suất Bridge được ghi trên catalog của amply để tính toán.

Phần này thì khi giải thích về kênh amply ở bài viết sau, tác giả sẽ có sự giải thích rõ hơn. Tuy nhiên với chế độ Bridge này thì dàn loa cánh cửa của bạn có thể bị hụt công suất nếu bạn chỉ tính toán mà không đưa việc sử dụng loa sub vào.

KẾT LUẬN

Khi thực hiện lựa chọn amply, bạn đừng quan tâm nhiều đến công suất Max, hay công suất tổng mà hãy quan tâm đến công suất RMS của từng kênh của amply vì đây là thông số quyết định đến việc amply có đủ sức mạnh để đánh từng chiếc loa của bạn hay không.

Thực sự mà nói, bạn mở loa tầm 20-30% là đủ cho cái xe bạn đinh tai nhức óc rồi nên nhiều khi bạn dùng chưa tới 1/3 công suất của amply hay loa nên việc sử dụng một chiếc amply yếu cũng không hẳn là không được, nhưng theo quan điểm tác giả thì nên có sự tính toán trong việc lựa chọn Amply để phù hợp với chiếc loa của  bạn. Khi đó chiếc loa của bạn có thể phát huy hết phẩm chất của mình cũng như giúp amply không vượt quá công suất loa gây hư hỏng chiếc loa của bạn.

Việc chọn amply xe phù hợp là điều quan trọng khi bạn muốn cải thiện hệ thống âm thanh của xe. Bạn không thể nhận được âm thanh chất lượng và rõ ràng nếu amply và loa không “hợp nhau” mà thay vào đó, họ sẽ làm hỏng trải nghiệm nghe của bạn.

Bạn cần phải hiểu rằng các đơn vị loa toàn dải aftermarket, loa thành phần và loa Sub không thể phát huy tốt nhất nếu không được cung cấp đủ năng lượng từ chiếc amply. Các loa thậm chí có thể bị hư hỏng nếu chúng không có đủ năng lượng. Trong các bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu vào từng tiêu chí lựa chọn amply để bạn có được cái nhìn tốt nhất về lựa chọn dàn âm thanh cho xe.

Nếu bạn không tính toán được cũng như chọn lựa amply phù hợp cho xe của mình, bạn hết đến với Mạnh Quân Auto để được tư vấn chọn và lắp đặt amply phù hợp cho xe của mình nhá.