Hướng dẫn dâng lễ vật trong thánh lễ năm 2024

Trong nửa sau của Thánh lễ, được gọi là Phụng vụ Thánh Thể, hy tế của Chúa Giêsu trên Thập giá được hiện tại hoá do bàn tay linh mục, sẽ thực hiện điều Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc ly và điều Chúa truyền cho các Tông đồ phải làm để tưởng nhớ đến Người. Trong phụng vụ Thánh Thể, bánh và rượu được cộng đoàn dâng lên như là lễ vật và sau đó được thánh hoá và biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, để chúng ta lãnh nhận khi hiệp lễ. Chúng ta sẽ xem xét mục này trong ba phần chính: l) Chuẩn bị lễ vật; 2) Kinh nguyện Thánh Thể; và 3) Nghi thức Hiệp lễ.

1. Chuẩn bị lễ vật

Việc dâng lễ vật trong phụng vụ có nguồn gốc từ Giáo hội sơ khai. Từ năm 155, thánh Giúttinô Tử đạo đã đề cập đến thói quen của một số người đem bánh và rượu đến cho vị chủ sự sau lời nguyện chuyển cầu.1 Thánh Hipôlytô (225) cũng ghi lại cách thực hành như thế. Khi nghi thức này được phát triển thêm, các tín hữu hoặc một người đại diện sẽ rước lên bàn thờ để dâng rất nhiều lễ vật, bên cạnh bánh và rượu, còn có dầu, mật ong, lông chiên, hoa quả, sáp ong hoặc hoa tươi… Bánh và rượu được sử dụng trong phụng vụ Thánh Thể, trong khi các lễ vật khác được dùng để giúp đỡ các linh mục và phục vụ người nghèo.

Trong Thánh lễ, phần này cũng được gọi là nghi thức “Dâng lễ vật”, dựa trên thuật ngữ La Tinh offerre, có nghĩa là tặng, mang, dâng. Mặc dù bây giờ cũng được gọi là Chuẩn bị lễ vật, nhưng vẫn còn ý nghĩa hiến tế. Thật vậy, có rất nhiều ý nghĩa trong việc dâng những lễ vật này, bởi vì nhìn chung lễ vật đến từ gia đình hay đồng ruộng và do bàn tay con người làm ra. Như thế, các lễ vật diễn tả của lễ là chính con người. Thật vậy, một phần hoa trái do lao công vất vả của con người chỉ có hàm ý hiến tế mà thôi. Điều này giải thích tại sao việc dâng lễ vật lại tượng trưng cho các cá nhân dâng chính mình lên Thiên Chúa.

Hướng dẫn dâng lễ vật trong thánh lễ năm 2024

Dâng lễ vật

Việc dâng bánh và rượu trong Thánh lễ có nền tảng vững chắc trong Sách Thánh. Ngoài việc được sử dụng trong lễ Vượt qua thời Chúa Giêsu, và trong bữa Tiệc ly, bánh và rượu được tiến dâng thường xuyên trong các nghi lễ hiến tế của Ítraen. Chúng ta hãy xem xét ý nghĩa tượng trưng của bánh và rượu, đồng thời tìm hiểu xem việc dâng những lễ vật này lên Chúa có ý nghĩa gì không.

Theo Kinh Thánh, bánh không chỉ là một món phụ trong bữa ăn như ở hầu hết các xã hội Tây phương hiện nay. Đối với người Ítraen cổ, bánh là loại thức ăn căn bản nhất, được xem như là tất yếu để duy trì sự sống (Hc 29,21; 39,26 [trong một số thủ bản 39,31]). Thực vậy, thành ngữ “ăn bánh” thường có thể xem là việc ăn nói chung (St 31,54; 37,25; 1V 13,8-9,16-19). Thậm chí, Kinh Thánh miêu tả bánh giống như một nguồn lương thực. Điều này cho thấy bánh được xem như nguồn lương thực cho đời sống con người (Lv 26,26; Tv 105.16; Ed 4,16; 5,16). Nhưng dân Ítraen được mời gọi để lấy một số bánh làm lễ vật và hy lễ thông thường (Xh 29,2; Lv 2,4-7; 7,13) và trong nghi thức Lễ Ngũ Tuần hằng năm (Lv 23,15-20). Một phần bánh sẽ là hy lễ cá nhân, diễn tả việc dâng chính bản thân mình cho Thiên Chúa.

Tương tự như vậy, rượu không chỉ là thức uống phụ, nhưng là một thành phần thông thường trong các bữa ăn của người Ítraen cổ. Rượu thường được dùng cùng với bánh (Tl 19,19; 1 Sm 16,20; Tv 104,15; Tl 10,5) và được phục vụ trong các bữa tiệc (1Sm 25,36; G 1,13) và để đãi khách (St 14,18). Giống như bánh, rượu cũng được tiến dâng trong các hy lễ của người Ítraen. Đó là một trong những hoa trái đầu tiên được dâng vào Đền Thờ như là thuế thập phân (Nkm 10,36- 39), và được đổ ra như là rượu tế (rưới rượu) trong hiến lễ tạ ơn và tạ tội của dân Ítraen (Xh 29,38-41; Ds 15,2-15). Bởi vì, có một sự nối kết chặt chẽ giữa của lễ hiến tế với cá nhân dâng lễ, nên bánh và rượu tiến dâng tượng trưng cho của lễ là chính bản thân họ.

Việc dâng lễ vật của chúng ta trong Thánh lễ ngày nay cũng như thế. Qua bánh và rượu, chúng ta dâng lại cho Thiên Chúa lễ vật từ thụ tạo và công khó của mình – hoặc như lời cầu nguyện trong Thánh lễ gọi đó là “hoa màu ruộng đất và lao công của con người”. Sau cùng, nghi thức này tượng trưng cho việc chúng ta dâng toàn bộ cuộc sống mình cho Thiên Chúa qua việc dâng bánh và rượu. Một nhà chú giải viết: “Không có miếng bánh nào mà không nhắc nhở công khó cày bừa và gieo vãi, vầng trán thấm đẫm mồ hôi của người gặt, những cánh tay rã rời đập hạt, tiếng cằn nhằn của thợ làm bánh nhào bột bên cạnh bếp lò nóng như thiêu như đốt.”2 Người ta cũng có thể nói như vậy về rượu. Rượu được làm từ những trái nho, hái trên những cây nho do con người cẩn thận chăm sóc suốt năm.

https://thinhviendaminh.net/wp-content/uploads/2017/07/Hiến-Lễ-Tình-Yêu_Thế-Thông.mp3

Hiễn Lễ Tình Yêu – Ns. Thế Thông – Ca đoàn Sao Mai

Hơn cả tiền bạc

Thói quen dâng tiền (cuối cùng thay thế việc dâng các lễ vật như dầu, vải lanh, và các lễ vật lặt vặt khác) có thể được nhìn theo cùng quan niệm này. Bỏ tiền vào giỏ không chỉ là việc đóng góp cho mục tiêu tốt lành nào đó. Điều này cũng diễn tả việc hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Tiền bạc biểu hiện thời giờ của cuộc sống và lao công vất vả, bây giờ chúng ta dâng lên Thiên Chúa vào lúc chuẩn bị lễ vật trong Thánh lễ.