Đánh giá phim la la land năm 2024

Hiếm có những tác phẩm được làm từ bàn tay con người có thể mang lại những cảm xúc trong trẻo và thuần khiết, điều mà tôi chỉ có thể tìm thấy ở Cinema Paradiso, The Legend of 1900, Once Again,…

Ở thế kỷ 21, Damien Chazelle và bộ phim La La Land đã hoàn thành một giấc mơ của điện ảnh. Chất liệu nhạc kịch đã góp phần làm lung linh hơn cho giấc mơ của một thế hệ trẻ đang theo đuổi danh vọng và lý tưởng sống.

Tôi đã tìm thấy sự kiêu hãnh của tuổi trẻ khi xem La La Land, theo từng bước tap dance, các bản nhạc jazz chơi theo phong cách ngẫu hứng lẫn trật tự, những áp phích phim cũ, không khí của lần chạm tay đầu tiên, những cuộc hẹn hò chóng vánh nhưng đầy say mê… La La Land, hay có thể là Los Angeles Land (L.A Land) đầy màu sắc, tràn ngập những bữa tiệc tùng sa hoa, những âm thanh náo động, và cũng đầy khoảng trống của nỗi cô đơn. Nơi đây chỉ là một đại diện cho các thành phố lớn, đang ngày càng hiện đại, náo nhiệt, nền công nghiệp giải trí phát triển và dĩ nhiên, không thiếu những trái tim nghệ sĩ đang khắc khoải chờ ngày đạt được ước mơ.

Seb và Mia, một nghệ sĩ nhạc jazz nhiều lý tưởng nhưng cực đoan và một cô gái đang tìm cơ hội trở thành nghệ sĩ sân khấu với suy nghĩ thực tế. Họ gặp nhau vào một đêm Giáng sinh, và khắc họa một câu chuyện tình lãng mạn, nhưng lại mang một dư vị tiếc nuối. Một câu chuyện tình đặt kề bên niềm khát khao thực hiện ước mơ, phát triển sự nghiệp ở vùng đất hứa như L.A. Đó là hình mẫu của nhiều mối tình điện ảnh.

Tôi có thể đã nhìn thấy sự trăn trở của Damien Chazelle khi thực hiện bộ phim này, một đạo diễn trẻ được biết đến ở dòng phim arthouse và nổi tiếng với bộ phim Whiplash trước đó khi tuổi đời chỉ mới 29. Chính anh đang cũng như Seb, một người muốn chơi bản nhạc của chính mình, nhưng vẫn phải xác định cho mình một con đường sự nghiệp rõ ràng. Còn nhớ trong phim, Chazelle đã dùng nghệ thuật ánh sáng để tái hiện màn trình diễn độc tấu của Seb trong quán ăn khi xung quanh đang có khá nhiều người, như một dự báo về một nghệ sĩ lớn, nhưng anh ta vẫn sẽ mãi cô độc. Hình tượng người nhạc công say đắm bên cây dương cầm, khiến tôi liên tưởng đến thiên tài piano trong phim The Legend Of 1900 (1998), một người sinh ra, lớn lên và dành cả cuộc đời mình để chơi đàn trên một con tàu đi xuyên Thái Bình Dương, chở theo hàng triệu giấc mơ Mỹ. Anh không bao giờ bước chân lên mặt đất. Ban ngày, anh ta chơi piano trên khoang hạng nhất dành cho khách sang trọng theo yêu cầu. Nhưng ban đêm, anh lại chơi các bản nhạc jazz cùng người da đen ở khoang hạng ba, và ở đó, anh giải phóng âm nhạc của mình. Là nơi mà anh được là chính mình. Anh trở thành huyền thoại đại dương, thế giới biết đến và mời anh biểu diễn. Nhưng anh vẫn chọn cách ở lại con tàu đó cho đến khi người ta phá hủy nó, trước khi chết, anh vẫn dạo phím đàn trên con tàu đó. Có những tình yêu nghệ thuật đã trở thành nguồn sống của những nhân vật như 1900, nhưng một điều mà chúng ta luôn biết, họ phải đánh đổi rất nhiều.

Còn Seb trong La La Land, bản thân anh sống trong một cộng đồng, trong một thành phố không bao giờ ngủ, dù muốn hay không, anh vẫn cần hòa nhịp với cuộc sống, có một công việc để kiếm tiền. Càng có một tình yêu cực đoan với nghệ thuật, thì cái giá đánh đổi càng cao.

Tuy nhiên, La La Land như một phần chia sẻ của Damien Chazelle. Nghệ thuật sẽ không chết, hay Jazz sẽ luôn luôn mới, mọi thứ chỉ thay đổi theo xu hướng, cách mà chúng ta giữ không phải chỉ là giữ lấy hình bóng quá khứ, mà là tìm cách làm mới nó, thổi hồn vào nó, và chia sẻ với những người trẻ. Để làm được điều đó, chính bản thân người nghệ sĩ phải tự cứu họ trước. Và ở mức độ nào đó, những nghệ sĩ trẻ đừng quá sa lầy vào cám dỗ của đồng tiền, cần nhất chính là sự tỉnh táo. Thực sự, La La Land đóng vai trò là một bộ phim giúp tôi thức tỉnh nhiều hơn là chìm đắm trong mộng tưởng. Không ai có thể bay mãi với ước mơ, niềm đam mê của mình mà không làm bất cứ điều gì để hiện thực hóa chúng.

Ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ La La Land, mối tình của Seb và Mia chính là quá khứ của bất kỳ ai trong chúng ta. Hình ảnh ước lệ khi hai người khám phá bảo tàng thiên văn Griffin, cùng bay lên dải ngân hà, khiêu vũ giữa những vì sao là một tái hiện sinh động cho những gì mà chúng ta đã thầm nghĩ đến. Tận dụng lợi thế của phim nhạc kịch, Chazelle đã không ngần ngại cho người xem chiêm ngưỡng giấc mơ của họ. Trên nền nhạc Late for the date, tôi cũng đã mặc sức nghĩ đến một bức tranh của Edward Hopper đang chuyển động. Kỳ ảo và giản dị. Mộng thực đan xen. Tôi nhìn thấy giấc mơ chính mình trong Mia, được cùng với người mình yêu khiêu vũ trên nền bản giao hưởng ở một nơi mà chưa có bất cứ ai biết đến trước đó. Từng bước chân của đôi ta sẽ là duy nhất.

Đây là một bộ phim nếu nói ở khía cạnh nào đó, nó phi lý, nó chỉ là giấc mơ. Thể loại nhạc kịch góp phần cho bộ phim có tính ước lệ, nhưng với mình, bộ phim không phải là về nhac jazz hay kịch nói, đây là một phim nhấn mạnh tư tưởng của những người có hoài bão. Họ biết dung dưỡng cho sự lãng mạn, nhưng đồng thời họ phải tìm cách thỏa hiệp với thực tế, ngay cả những khoảnh khắc của hiện thực được nối tiếp với sự mộng mơ, đó mới là điều kỳ diệu mà bản thân chúng ta không bao giờ nhận ra trước đó.

Cách thể hiện của Damien Chazelle bằng cách giả lập hai kết thúc với mệnh đề “nếu – thì” mà tôi đã gặp ở phim Il Mare (2000). Đây là cách làm phim không phải để thỏa mãn cảm xúc khán giả, mà là cách để đan xen giữa mơ và thực để người xem tự quyết định. Với cách thức này, bộ phim trở nên gần gũi với khán giả hơn, và đáp ứng được tiêu chí nhẹ nhàng của thể loại nhạc kịch. Những tràng vỗ tay dành cho La La Land trên thế giới như một lời tri ân dành cho nền điện ảnh cũ trong thập niên 50, thời điểm hưng thịnh của dòng phim nhạc kịch. La La Land cũng là một lời nhắc nhớ dành cho dòng nhạc Jazz đang ngày càng ít được chơi, như pure Jazz và cool Jazz, thể loại gắn liền với các buổi biểu diễn bán cháy vé của Bill Evans, Mile Davis hay Thelonious Monk…

Có thể nói, La La Land là một bộ phim đặc biệt, và cái hay của phim chỉ nằm duy nhất ở một thứ: đó là cảm giác. Là sự tiếc nuối. Điều này giống như một câu thoại trong phim Before Sunrise (1995) của Richard Linklater, “Vì sao một mối quan hệ đẹp cần phải kéo dài mãi mãi?”. Celine và Jesse, khi chia tay tại chuyến tàu sau “một đêm của đời người”, họ chỉ hẹn nhau sẽ gặp lại tại đây vào năm sau, không email, không xin số điện thoại. Thời gian vẫn tồn tại, vừa đóng băng giữa họ, tình yêu có ý nghĩa ở những khoảnh khắc, điều đó mới làm nên sự vĩnh cửu và duy trì ý nghĩa của cuộc sống này. Ở Seb và Mia, tôi nghĩ khi Chazelle để cho họ vô tình gặp lại sau 5 năm như thế, không gì khác hơn ngoài việc tôn vinh tình yêu của họ. Không cần biết vì sao Mia có chồng, hay trong 5 năm đó Seb và Mia đã sống thế nào. Điều quan trọng, là khi gặp lại thì họ vẫn dành cho nhau những cảm xúc nguyên bản và thuần khiết của thời hoa niên. Với tôi, như vậy đã là quá đủ.

Damien Chazelle và La La Land đã kể lại một câu chuyện mà đâu đó tôi hay bạn có thể tìm thấy trong cuộc sống, đã từng sống mãnh liệt trong tuổi trẻ, và trở thành một ký ức sống động khi chúng ta trưởng thành.