Chính sách chống thất nghiệp và lạm phát

Đà tăng vọt của lạm phát đang khiến những gia đình có ngân sách eo hẹp tại Mỹ gặp khó khăn về tài chính và biện pháp tăng lãi suất chỉ tạo thêm gánh nặng cho người dân.

Chính sách chống thất nghiệp và lạm phát

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers. (Ảnh: Bloomberg).

Kiềm chế lạm phát đang là ưu tiên hàng đầu của các nhà lập pháp Mỹ. Tuy nhiên, bà Rakeen Mabud, nhà kinh tế trưởng của tổ chức Groundwork Collaborative, nhận định việc tăng lãi suất liên tục sẽ khiến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm chậm tốc độ tăng lương – những vấn đề còn tồi tệ hơn cả lạm phát. 

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Larry Summers lâu nay vẫn là người ủng hộ phương án có phần “độc ác” này. Hồi tháng 6, ông Summers đã cổ vũ ý tưởng khiến hàng triệu người mất việc, khi gợi ý Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên tăng lãi suất “đủ để nền kinh tế rơi vào suy thoái”.

Ông nhấn mạnh mối lo ngại lớn nhất của ông là Fed cho rằng cơ quan này có thể đồng thời duy trì tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp ở mức thấp cùng với một nền kinh tế khỏe mạnh.

Nói cách khác, ông Summers đánh giá nhiệm vụ kiềm chế lạm phát quan trọng hơn là bảo vệ người lao động. Theo quan điểm của nhà kinh tế kỳ cựu này, Mỹ cần làm nguội đà tăng của giá cả, kể cả khi cái giá phải trả là hàng triệu người mất việc làm.

Song, theo bà Mabud chia sẻ trên tờ Truthout, các số liệu thống kê chứng tỏ nước Mỹ đang có một thị trường lao động vững mạnh và lạm phát dịu bớt. Do đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới không cần thêm những đợt tăng lãi suất gây đau đớn.

Trong tháng 7, thị trường lao động Mỹ đã tạo thêm 528.000 việc làm, vượt xa dự kiến. Trong một năm qua, nước Mỹ đã tạo mới trung bình 500.000 việc làm/tháng, một con số đáng kinh ngạc trong giai đoạn phục hồi.

Cùng tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng tới 8,5% so với một năm trước nhưng đã không tăng so với tháng 6. Các báo cáo về thị trường việc làm gần đây cũng cho thấy mức lương thực tế tăng nhẹ kể từ tháng 6 trong khi mức lương có tính lạm phát giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong phát biểu hồi tháng 6, ông Summers gợi ý rằng Mỹ cần 5 năm duy trì tỷ lệ thất nghiệp trên 5% để kiểm soát lạm phát, hoặc thậm chí một năm với tỷ lệ thất nghiệp 10%.

Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 10,5 triệu người sẽ mất việc và đem tới những tác động nặng nề đối với tầng lớp người nghèo, người da màu – những đối tượng có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Bà Mabud lưu ý những con số này còn chưa tính đến những vấn đề lâu dài đi cùng với thất nghiệp.

Hơn nữa, việc đẩy hàng triệu người ra khỏi thị trường lao động sẽ không giúp giải quyết những vấn đề gây ra lạm phát như xung đột tại Ukraine, thiếu hụt trong chuỗi cung ứng và quyền lực quá lớn của doanh nghiệp.

Chính sách chống thất nghiệp và lạm phát

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang ở vùng đỉnh 4 thập kỷ nhưng thất nghiệp lại rất thấp.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đã thừa nhận vào tháng 6 rằng tăng lãi suất không thể tác động đến những vấn đề trong chuỗi cung ứng vốn đã đẩy giá khí đốt và hàng tạp hóa lên cao hơn. Tăng lãi suất cũng không thể phá vỡ quyền lực của doanh nghiệp, khi họ có thể chuyển gánh nặng chi phí sang cho người tiêu dùng.

Điều may mắn là chính phủ đã có một số giải pháp. Hôm 16/8, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm Lạm phát để giải quyết vấn đề về chi phí chăm sóc y tế và đưa ra những khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực năng lượng sạch để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, sau những biến động khó lường từ xung đột Nga-Ukraine.

Vào tháng 6, Tổng thống Biden cũng ký Đạo luật Cải cách Vận tải Biển, để siết chặt hơn quy định đối với vận tải biển - một lĩnh vực đã góp phần đáng kể vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lạm phát. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra luật đánh thuế lợi nhuận thu được của doanh nghiệp và cấm hành vi gian lận giá.

Bà Mabud nhấn mạnh rằng nước Mỹ không thể "cứu" nền kinh tế nếu người dân gặp khó khăn. Xét cho cùng, người dân chính là chủ thể tạo ra nền kinh tế. Khi người dân “khỏe”, nền kinh tế cũng sẽ phát triển mạnh.

Larry Summers là một trong những nhà kinh tế nổi bật nhất thế hệ của mình, ông từng làm Bộ trưởng Tài chính cũng như Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ. Ngoài ra, ông Summers còn có thời gian làm Chủ tịch Đại học Harvard, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB).

Năm ngoái, ông Summers từng cảnh báo chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD mà họ ban hành có thể làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát.

Vào thời điểm đó, lời cảnh báo của ông Summers đã bị Nhà Trắng, Fed và hầu hết chuyên gia kinh tế nổi tiếng phủ nhận. Song, hiện nay chẳng còn ai phản đối dự báo của nhà kinh tế này nữa.

Trà My

Chính sách chống thất nghiệp và lạm phát

Ở Việt Nam chạy xe công nghệ thế này không thể gọi là thất nghiệp. Nhưng thực tế do thất nghiệp phải bươn chải và không ổn định.

Đường cong Phillips đang “phẳng” hơn

Các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra các quyết định tài khóa và tiền tệ, thường cân nhắc đến sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp để có sự điều chỉnh liều lượng phù hợp. Sự đánh đổi này được gọi là đường cong Phillips (lấy theo tên của nhà kinh tế A.W. Phillips sau khi ông đăng kết quả nghiên cứu của mình về sự tương quan nghịch giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thay đổi tiền lương ở Anh giai đoạn 1861-1957).

Điều này củng cố các lý luận của trường phái Keynes, vốn chú trọng vào tổng cầu. Khi có sự gia tăng tổng cầu trong ngắn hạn, dẫn đến sản lượng hàng hóa và dịch vụ lớn hơn ở mức giá cao hơn. Sản lượng lớn hơn có nghĩa tạo ra việc làm nhiều hơn, dẫn đến thất nghiệp giảm, nhưng kèm theo đó khi mức giá cao hơn sẽ thúc đẩy tỷ lệ lạm phát tăng (và ngược lại). Tuy nhiên, hiện nay lạm phát lại dường như trở nên không hoặc ít liên quan với tình trạng thất nghiệp, tạo ra đường cong “phẳng” hơn.

Từ những năm 1950-1960, ở Mỹ tính tương quan nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp dường như vẫn hiện hữu. Cho đến thập niên 70, Mỹ trải qua thời kỳ lạm phát rất cao nhưng kinh tế lại đình đốn và tỷ lệ thất nghiệp cao, gây ra tình trạng đình lạm. Hiện tượng này được giải thích do kỳ vọng về lạm phát của người lao động (NLĐ) đã tăng quá nhiều. Có nghĩa lạm phát được ghi nhận trong khoảng thời gian này phản ánh suy nghĩ, sự mong đợi của công chúng, thị trường và nền kinh tế đối với mặt bằng giá cả trong tương lai, và do đó thoát khỏi sự ảnh hưởng của tỷ lệ thất nghiệp.

Ngoài ra, lạm phát trong nước còn bị tác động do nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Khi người dân của một quốc gia mua sắm bất cứ thứ gì từ phần còn lại của thế giới, sự biến động giá của hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu này tác động đến tỷ lệ lạm phát trong nước, đặc biệt là các mặt hàng quan trọng, nhạy cảm như xăng, dầu.

Ở góc độ điều tiết, các ngân hàng trung ương (NHTW) cũng đóng một phần nguyên nhân cho sự “phẳng hóa” đường cong Phillips. Với việc theo đuổi các chính sách nghịch chu kỳ, các NHTW sẽ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ khi nhận thấy lạm phát có khả năng gia tăng, và ngược lại khi lạm phát có dấu hiệu giảm chính sách được nới rộng. Hệ quả, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trước khi lạm phát tăng và giảm xuống trước khi lạm phát giảm. Những chính sách này nhằm giữ lạm phát không đổi bằng cách điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp.


Bất cập trong công tác thống kê ở Việt Nam

Trong giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thường xuyên có sự biến động lớn, lên đến đỉnh điểm 18% vào năm 2011. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi quá nhiều trong cùng giai đoạn. Do đó, ở Việt Nam cũng không có mối quan hệ rõ rệt giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát theo đường cong Phillips.

Câu hỏi đặt ra, ngoài các yếu tố gây nhiễu trên, sự thiếu gắn kết theo đường cong Phillips của thất nghiệp và lạm phát tại Việt Nam còn bị tác động bởi yếu tố nào? Đây là câu hỏi khó có câu trả lời chính xác, bởi các thống kê tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam có những bất cập về mức độ trung thực và chính xác của các thông tin về việc làm và lao động.

Trong quý II và III-2021, khi dịch Covid-19 lên cao điểm, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam lần lượt 2,62% và 3,98%. Tuy đã tăng nhiều so với đầu năm nhưng vẫn khá thấp so với cảm nhận nhiều doanh nghiệp. Bởi lẽ, trong thời gian này rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, 80-90% NLĐ khu vực du lịch, khách sạn bị mất việc làm. Riêng TPHCM có đến hơn 99% doanh nghiệp ngừng hoạt động, kéo theo không ít NLĐ mất thu nhập. Trong khi đó, con số này trong cùng thời gian của các nước nhóm G7 lần lượt 5,53% và 5%, và các nước OECD 6,46% và 5,91%.

Việt Nam thuộc top các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, nhưng liệu thành tựu này có khả quan? Theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê (TCTK), người thất nghiệp là những người từ đủ 15 tuổi trở lên trong thời kỳ tham chiếu hội đủ các yếu tố: không làm việc; đang tìm kiếm việc làm; sẵn sàng làm việc; đặc biệt chế độ trợ cấp an sinh xã hội tốt của Chính phủ dành cho người thất nghiệp. Điều đó có thể lý giải vì sao tỷ lệ này tại các nước phát triển lại cao hơn nhiều các nước đang phát triển. Ở Việt Nam NLĐ khó có thể trụ nổi nếu không có việc làm.

Như trong thời gian dịch bệnh, nếu theo định nghĩa của TCTK, những người bị mất việc nhưng để bươn chải qua ngày nên tìm những công việc bấp bênh như chạy xe ôm công nghệ, phụ việc vặt, chạy bàn trả lương theo giờ. Hay những công việc không có hợp đồng lao động khi tham gia khu vực kinh tế phi chính thức không thể tính là thất nghiệp. Thế nhưng cuộc sống của họ chẳng thể gọi là “không thất nghiệp” được. Đó là chưa kể những người vẫn còn nguồn tài chính dự trữ nên chưa đi tìm công việc mới do tình hình không ổn định, chấp nhận nghỉ việc tạm thời.

Theo công bố của TCTK, CPI tháng 2-2022 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ 2021. Dường như điều này khá hoan hỷ khi các thành tích về kiềm chế lạm phát vẫn được duy trì. Nhưng để có được thành tích ổn định kinh tế vĩ mô này, đôi khi có thể cái giá phải trả là tỷ lệ thất nghiệp tăng trong thực tế. Và vì chúng ta vẫn chưa có các thước đo chính xác, nên cũng không ai có thể bày tỏ nỗi lòng của NLĐ dù lạm phát thấp và ổn định kinh tế vĩ mô.

 Đường cong Phillips không phải là công cụ hoàn hảo để hoạch định chính sách, nhưng chí ít cũng có cơ sở bằng các dữ liệu thống kê chính xác. Trong khi ở Việt Nam thiếu các công cụ thống kê chính xác tỷ lệ thất nghiệp, khiến NLĐ chịu thiệt thòi.

Lê Dương Anh Tuấn, Trường Kinh doanh, Đại học UEH