Bài văn thuyết trình trại tchiến thắng thượng đức năm 2024

Cách đây 45 năm, vào lúc 8h30 ngày 07/8/1974, lá cờ Quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 đã phất phới bay trên chi khu Thượng Đức, báo hiệu quận lỵ Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng, “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài của Khu liên hợp quân sự Đà Nẵng được mở toang. Chiến thắng Thượng Đức đã góp phần hình thành quyết tâm của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương trong chiến dịch giải phóng miền Nam.

1. Bối cảnh lịch sử

Ngày 27 tháng 01 năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, đây là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, tạo ra tiền đề vững chắc để quân và dân ta tiến lên thực hiện di nguyện của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Tuy nhiên, với âm mưu phá hoại Hiệp định Pa-ri, quân ngụy đưa lực lượng cơ động vào thực hiện âm mưu lấn chiếm, “tràn ngập lãnh thổ”, phân tuyến, chia vùng, giành dân, lấn đất..., đẩy lực lượng cách mạng, nhất là lực lượng chủ lực quân giải phóng ra khỏi vùng đồng bằng và đô thị. Ở Quảng Đà, Mỹ- ngụy từng bước lấn chiếm lại vùng giải phóng ở phía Tây và ra sức củng cố chi khu quân sự Thượng Đứctrở thành tiền đồn vững chắc để bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng và khống chế tuyến đường 14 của ta ở phía Tây Quảng Đà.

Trước tình hình Mỹ- ngụy trắng trợn vi phạm Hiệp định Pa-ri, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) xác định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”. Thực hiện chủ trương trên, giữa năm 1974, Ban Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch tổng hợp Thu 1974, trong đó xác định chiến trường trọng điểm hoạt động là Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi với 5 khu chiến: Khu chiến Nông Sơn -Trung Phước; Khu chiến Tây Quế Sơn (Quảng Nam); Khu chiến Thượng Đức (Quảng Đà); Khu chiến Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) và Khu chiến Phù Mỹ (Bình Định).

Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, hiểm yếu của chi khu quân sự Thượng Đức, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định nhiệm vụ của chiến dịch: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch tại chỗ, thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch. Chính trị là giải phóng bảo đảm đời sống cho hơn 10 nghìn dân, đập tan chính quyền cơ sở và tề điệp ác ôn, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại quân địch đến giải toả, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp của quân khu phát triển và giành thắng lợi”. Chiến dịch Thượng Đức được đặt mật danh là K711.

2. Diễn biến của chiến dịch Thượng Đức

Thượng Đức là chi khu quân sự nằm bờ sông Vu Gia, có đường chiến lược 14B chạy ngang qua, cách Đà Nẵng 50km về phía Tây Nam. Đây là khu vực có vị trí chiến lược rất lợi hại: lưng dựa vào núi, hai bên là sông Côn và sông Vu Gia bao bọc. Vì vậy, địch xác định đây là “cánh cửa thép bảo vệ Đà Nẵng nên xây dựng Thượng Đức thành một căn cứ quân sự kiên cố có hệ thống hầm ngầm bằng bê tông cốt thép và sân bay. Chung quanh có 3 chốt quan trọng: Gò Cấm (Lộc Bình), Gò Mồ Côi (Lộc Vĩnh), động Hà Sống (Lộc Quang). Ngoài ra ở núi Đài Sơn (khu vực Am Thông) còn có một bộ phận thông tin trinh sát. Chi khu quân sự Thượng Đức có tác dụng ngăn chặn hành lang vận chuyển của ta từ tuyến đường Trường Sơn xuống đồng bằng theo đường sông Vu Gia và theo đường bộ 14B.

Bước vào chiến dịch Thu 1974, lực lượng địch ở Thượng Đức có 1 tiểu đoàn biệt động 79, 02 đại đội bảo an, 01 đại đội cảnh sát dã chiến, 17 trung đội dân vệ, 195 tên phòng vệ dân sự, 01 đại đội biệt kích, 01 cụm pháo 10 khẩu (trong đó có 02 khẩu 105 ly và 02 cối 160 ly) và một bộ máy ngụy quyền từ quận xuống xã, ấp liên gia. Toàn bộ lực lượng địch có khoảng 1.600 tên, đặt dưới quyền chỉ huy của tên thiếu tá quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng.

Với lực lượng hùng hậu cùng với hệ thống hầm hào công sự kiên cố, nhiều tầng lớp, hệ thống bờ rào dây thép gai, mìn dày đặc, bọn địch huênh hoang tuyên bố: Thượng Đức là “mắt ngọc của đầu rồng”, “cánh cửa thép bảo vệ phía Tây Nam Đà Nẵng”, “Việt Cộng đánh được Thượng Đức thì nước sông Vu Gia chảy ngược”…

Từ tháng 6 năm 1974, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc tiến hành công tác chuẩn bị chiến dịch Thượng Đức với tinh thần bí mật, khẩn trương, quyết tâm chiến thắng. Theo yêu cầu của chiến dịch, đồng chí Phan Thanh Thủ- Bí thư Huyện ủy Đại Lộc tham gia Ban chỉ huy Mặt trận Thượng Đức. Để đảm bảo bí mật cho chiến dịch quan trọng này, đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, địa phương của huyện.

Lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc được giao nhiệm vụ tham gia dẫn đường cho bộ đội chủ lực, diệt địch, bắt tù binh, thu vũ khí, thực hiện chính sách hàng binh, tù binh, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Khu vực tác chiến của lực lượng vũ trang huyện phụ trách là phía đông sông Con và phía bắc sông Cái. Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện được phân công đánh quân dã ngoại ở các thôn 13, 14, 15 xã Lộc Bình và chặn đường rút của địch từ Lục Nam xã Lộc Vĩnh tháo chạy sang Hà Tân, chốt giữ phía nam. Đại đội 2 đánh địch ở thôn 12 và khu dồn Đại An, chốt giữ phía đông cầu Hà Tân. Đại đội 4- đại đội hỏa lực phối hợp với Tiểu đoàn 1 (R20) đánh địch ở gò Mồ Côi, Lục Nam (xã Lộc Vĩnh).

Lực lượng an ninh huyện được giao nhiệm vụ nắm tình hình bộ máy tề, điệp, đảng phái phản động, số lượng dân ở các khu dồn… đồng thời bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Ban Chỉ huy chiến dịch, Đặc khu Quảng Đà và Huyện ủy Đại Lộc.

Lực lượng binh vận của huyện Đại Lộc được huy động nắm lại tình hình, thực lực cơ sở bên trong, thực hiện phương châm “xanh vỏ đỏ lòng”. Đội ngũ cán bộ binh vận và các đoàn thể được giáo dục về công tác dân vận, tôn giáo để làm tốt việc sơ tán của nhân dân đồng thời viết thư cho một số binh lính để vận động họ rã ngũ về với nhân dân.

Các xã vùng B, vùng C của huyện được phân công đẩy mạnh tiến công địch đồng thời chặn đường rút lui hoặc tiếp viện của địch khi chiến dịch nổ ra. Tập trung tấn công các cứ điểm, cây cầu giao thông quan trọng như đồn Núi Lở, cầu Ái Nghĩa, cầu Giao Thủy để hỗ trợ khi quân ta đánh Thượng Đức. Đáng chú ý là ta đã đánh sập cầu Ái Nghĩa gây trở ngại lớn cho địch trong việc vận chuyển, hành quân.

Lực lượng chủ công đánh Thượng Đức gồm sư đoàn 304 (thiếu), trung đoàn 3 sư đoàn 324, tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 10 bộ binh của Quảng Đà và lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc làm nhiệm vụ phối thuộc. Một số đông cán bộ các ngành của tỉnh và nhân dân được tỉnh huy động để phục vụ cho tiến công và nổi dậy.

Trong quá trình chuẩn bị chiến trường, huyện Đại Lộc đã huy động hàng ngàn dân công của các xã thuộc khu vực Thượng Đức vận chuyển hàng hóa, chuyển 13.000 kg hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến dịch; đưa đò, thuyền cho bộ đội, cán bộ sang sông tập kết đến những mục tiêu của chiến dịch.

Chiến sự vùng A, B Điện Bàn, chiến sự vùng Nam An Hòa- Đức Dục đã buộc địch phải phân tán quân đối phó ở nhiều hướng cùng một lúc, tạo thêm thuận lợi cho chiến dịch tiến công Thượng Đức. Tiếp đó là chiến thắng Nông Sơn- Trung Phước càng cổ vũ nhân dân ở mặt trận Thượng Đức quyết tâm lập chiến công.

Ngày 29 tháng 7 năm 1974, sư đoàn 304 (chủ công là trung đoàn 66) nổ súng tấn công Thượng Đức. Trung đoàn 3, sư đoàn 324 tấn công tiêu diệt cứ điểm Ba Khe, bao vây cứ điểm động Hà Sống. Ở hướng trọng điểm, lực lượng tiến công của sư đoàn gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch, không giải quyết dứt điểm được căn cứ quân sự Thượng Đức nên quyết định chuyển sang áp dụng chiến thuật “bao vây đánh lấn”. Lực lượng nông dân, thanh niên Lộc Vĩnh tổ chức cắm cọc ngăn sông làm vật cản lưu thông trên sông Vu Gia.

Lực lượng vũ trang của tỉnh làm nhiệm vụ tiến công các chốt quân sự của địch, kèm kẹp nhân dân. Tiểu đoàn 10 tiêu diệt đồn Gò Cấm, tiểu đoàn 1 diệt đồn Mồ Côi, Lục Nam hình thành thế bao vây phía Nam sông Vu Gia. Bộ đội huyện quét địch ở các thôn 12, 13,14, 15 của Lộc Bình.

Tạo được thế kìm chế địch từ Ba Khe vòng qua sông Vu Gia đến Đông Nam cứ điểm Thượng Đức, sau 10 ngày bao vây đánh lấn quyết liệt, sư đoàn 304 làm chủ hoàn toàn chi khu Thượng Đức vào ngày 07 tháng 8 năm 1974. Bọn địch ở đây lớp chết, lớp đầu hàng, bọn sống sót ngoan cố tháo chạy đã sa vào thế trận phục kích đón lõng của tiểu đoàn 10 bộ binh Quảng Đà. Với lối đánh nhanh, bao vây chặt, truy kích triệt để… Tiểu đoàn 10 Quảng Đà đã diệt 168 tên, bắt sống 197 tên, thu nhiều vũ khí. Cùng lúc tại thôn Hà Vy, một bộ phận Tiểu đoàn 1 (R20) bắt được 6 tên trong đó có tên Vũ Trung Tín, đại úy chỉ huy phó chi khu Thượng Đức.

Lực lượng an ninh của huyện tham gia mặt trận Thượng Đức đã diệt và bắt sống 205 tên địch, trong đó bắt sống 3 mâm tề ngụy Lộc Ninh, Lộc Vĩnh, Lộc Bình gồm có 81 tên (3 xã trưởng, 15 ấp trưởng, đặc biệt có tên Quảng, bí thư quận bộ Quốc dân đảng Thượng Đức), diệt tên chi trưởng cảnh sát. Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng bị thương và tự sát. Lúc 8h30 ngày 07/8/1974, quận lỵ Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng.

Sau khi ta làm chủ Thượng Đức, ngày 14 tháng 8, quân ta thừa thắng tấn công diệt các đồn Gò Đình, Hà Nha, Lâm Phụng, Bàn Tân (Lộc Quang). Ngày 17 tháng 8, ta tấn công tiêu diệt cứ điểm động Hà Sống.

Về hoạt động giành dân, ngay trong đêm 30 tháng 7 năm 1974, địch còn cố thủ ở Thượng Đức thì ta đã tổ chức đưa dân của các thôn 12, 13, 14, 15 xã Lộc Bình vượt qua làn pháo bắn cầm canh của địch, theo đường khe sông Cùng và đường Gò Trao lên Hiệp (Hiên). Cánh Lộc Vĩnh, ta đưa dân lên Đầu Gò, Thạnh Mỹ, Thác Cạn. Mấy đêm sau ta còn tiếp tục đưa dân lên khoảng 200 người nữa. Đồng bào dân tộc hai huyện Đông Giang và Nam Giang đã tận tình đón tiếp, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho người dân. Sau khi ta tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch, làm chủ hoàn toàn chi khu thì nhân dân 3 xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lộc Ninh tiếp tục nổi dậy thu dọn tài sản, chuẩn bị gánh gồng theo lệnh của Ủy ban quân quản Thượng Đức lên đường di tản để tránh tổn thất, đề phòng địch sẽ phản kích tái chiếm Thượng Đức. Lực lượng an ninh huyện đã tổ chức các lớp giáo dục, tuyên truyền để số lính, tề bị bắt hiểu về cách mạng và chính sách khoan hồng của ta.

3. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Thượng Đức năm 1974

Chiến thắng Thượng Đức là một trong những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam, có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn, tạo nên những cơ sở thực tiễn vững chắc để Bộ Chính trị Trung ương Đảng xây dựng quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Sinh thời, cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã khẳng định: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này - Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân lịch sử năm 1975”.

Chiến thắng Thượng Đức trở thành biểu tượng chiến thắng của tập thể anh hùng, là tấm gương sáng ngời về ý chí quyết chiến, quyết thắng, về tinh thần tiến công liên tục, ý chí chiến đấu sắt đá, lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 và các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà, huyện Đại Lộc.

Chiến thắng Thượng Đức đã khẳng định được sức mạnh to lớn của tình đoàn kết quân dân. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa quân và dân huyện Đại Lộc với bộ đội chủ lực trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã làm nên chiến thắng vang dội đó. Trung tướng Nguyễn Chánh, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5 đã khẳng định: “Thắng lợi Thượng Đức cho ta hiểu hơn và càng yêu mến về nhân dân mình, họ đã góp máu xương, tài sản và tình cảm cho công cuộc chống kẻ thù”.

4. Những bài học kinh nghiệm trong Chiến thắng Thượng Đức

Tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Thượng Đức không chỉ bó hẹp trong phạm vi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà, Quân khu 5 mà vượt ra khỏi giới hạn cả không gian và thời gian. 45 năm đã trôi qua nhưng những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chiến thắng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị:

Thứ nhất, bài học về sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Khi quyết định đánh Thượng Đức, Quân ủy Trung ương, Quân khu 5 và Đặc khu ủy Quảng Đà đã nhận định, đánh giá đúng tình hình, lãnh đạo chỉ huy kiên quyết. Dù có vũ khí hiện đại cộng thêm hệ thống hầm hào, công sự kiên cố song với chiến thuật “bao vây đánh lấn” của bộ đội chủ lực ta, quân địch ở Thượng Đức đã hoàn toàn bị thất bại.

Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của quân và dân trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong chiến dịch Thượng Đức, đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực (Sư đoàn 304, sư đoàn 324) với bộ đội địa phương (Tiểu đoàn 10 Quảng Đà, bộ đội địa phương), với dân quân du kích các xã của huyện Đại Lộc (Lộc Bình, Lộc Ninh, Lộc Vĩnh) trong hợp đồng tác chiến. Chính sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các lực lượng đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho thắng lợi của chiến dịch.

Thứ ba, xác định đúng vai trò, vị trí quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng trong suốt quá trình chiến đấu. Ở những thời điểm khó khăn, cán bộ chỉ huy các cấp luôn tập trung cho công tác chính trị tư tưởng để xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chống tư tưởng sợ địch, ngại lính dù. Chính vì vậy, dù mỗi ngày chịu hàng chục đợt pháo kích song bộ đội ta vẫn anh dũng chiến đấu.

5. Đại Lộc phát huy tinh thần chiến thắng Thượng Đức trong xây dựng và bảo vệ quê hương

45 năm qua, chiến thắng Thượng Đức luôn là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện Đại Lộc, là niềm tự hào của mỗi người dân Đại Lộc khi nói về cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược. Phát huy tinh thần chiến thắng Thượng Đức, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc luôn đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, năng động, sáng tạo trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương.

Từ một huyện đầy khó khăn bước ra từ chiến tranh, Đại Lộc hôm nay đã thay đổi vượt trội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- xây dựng cơ bản và dịch vụ đạt trên 90%. Nhiều cụm công nghiệp được đầu tư và đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển và giải quyết một phần lao động địa phương. Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, trở thành một trong số 85 nền nông nghiệp phát triển nhất cả nước, giá trị sản xuất tăng bình quân gần 5%/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai có hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, huyện Đại Lộc đã có 11/17 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 61/61 trường từ mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia; 02/4 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc đối tượng chính sách, người có công được thực hiện tốt. Quốc phòng- an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên đáng kể. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” được lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cơ quan, ban, ngành, địa phương được thể hiện rõ. Tình yêu thương, giúp đỡ, sẻ chia mọi khó khăn trong công việc, trong cuộc sống của cán bộ, đảng viên luôn được đặt lên hàng đầu. Dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy mạnh mẽ. Mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân ngày càng khăng khít. Từ đó, góp phần quan trọng xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, giữ gìn và phát huy được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ cũng như xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Cùng với sự thay đổi toàn diện của quê hương Đại Lộc, tại khu vực Thượng Đức xưa, bức tranh toàn cảnh kinh tế- xã hội cũng ngày càng khởi sắc. Từ một địa bàn ác liệt trong chiến tranh 45 năm trước, đến nay các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Sơn đã có hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt khá hoàn chỉnh. Giao thông đi lại thuận lợi, hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nhân dân. Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển rõ nét. Tiềm năng, thế mạnh của vùng đồi núi được khai thác hợp lý và có hiệu quả thông qua các mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.

45 năm hòa bình và xây dựng kể từ khi Thượng Đức hoàn toàn giải phóng- Một chặng đường quan trọng trong bề dày lịch sử trường tồn và phát triển của quê hương. Mọi khó khăn, gian khổ không hề làm nhụt chí con người mà ngược lại chính là cơ hội, là môi trường quý báu để chúng ta thể hiện và khẳng định ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của đất và người Đại Lộc. Đó cũng là nền tảng vững chắc để chúng ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương Đại Lộc ngày càng giàu đẹp, văn minh.