Thị trường chứng khoán Việt Nam qua các năm

Kính thưa Quý độc giả,

Năm 2020 có thể coi là một năm khó khăn, thị trường tài chính quốc tế nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới nói riêng phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, các nước đã buộc phải áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng thông qua các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD và biện pháp cắt giảm lãi suất của hầu hết các ngân hàng trung ương các nước. Đây là những nhân tố tác động trực tiếp đến dòng vốn quốc tế và TTCK năm 2020. Tại Việt Nam, nhiều biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kích thích tiêu dùng như giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán; cung cấp các khoản trợ cấp cho cá nhân, hộ gia đình, đẩy mạnh các chương trình đầu tư công và cắt giảm lãi suất của Chính phủ đã từng bước phát huy hiệu quả, giúp kinh tế phục hồi và thu hút các dòng vốn đầu tư vào TTCK, giúp thị trường ổn định và tăng trưởng cả về quy mô và tính thanh khoản. Tại ngày 31/12/2020, chỉ số VN-Index đạt 1103,87 điểm, tăng 14,9% so với cuối năm 2019. Thị trường cổ phiếu hiện có 1.665 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch (ĐKGD) với quy mô niêm yết, ĐKGD đạt gần 1.514 nghìn tỷ đồng, tăng 8% với cuối năm 2019. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương 84,1% GDP 2020. Thị trường trái phiếu có 477 mã trái phiếu niêm yết (trong đó có 454 mã trái phiếu chính phủ và 23 mã trái phiếu doanh nghiệp) với giá trị niêm yết đạt 1.388 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2019 tương đương 23% GDP. Tổng mức huy động qua phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp tăng tương đối mạnh, đạt 429.000 tỷ đồng. Thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019; thanh khoản thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh bình quân đạt 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019.
Những kết quả của thị trường trên đây có sự đóng góp không nhỏ của VSD với vai trò là tổ chức hạ tầng duy nhất cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán cho các chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch, chứng khoán phái sinh trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và chứng khoán của công ty đại chúng khác; các dịch vụ liên quan đến hỗ trợ giao dịch chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật. Đặc biệt, mặc dù quy mô thị trường và khối lượng thanh toán giao dịch chứng khoán đều tăng, song các giao dịch đều đã được VSD phối hợp với hai SGDCK thanh toán đúng hạn, an toàn, đảm bảo cho thị trường vận hành thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp và một số TTCK lớn của thế giới như Mỹ phải 3 lần kích hoạt cơ chế ngừng giao dịch. Đây là những thành tích rất đáng ghi nhận của VSD trong năm qua. Theo đó, VSD đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện qua các con số sau: Tính đến hết ngày 31/12/2020, đã có hơn 8 tỷ chứng khoán đăng ký mới trong năm 2020, tăng 168% so với năm 2019, nâng tổng số chứng khoán đăng ký tại VSD lên 178 tỷ chứng khoán; đã có 14,9 tỷ chứng khoán lưu ký mới trong năm 2020, tăng 31,8% so với năm 2019, nâng tổng số dư chứng khoán lưu ký tại VSD lên 100 tỷ chứng khoán (chiếm hơn 56% tổng số chứng khoán đăng ký); tổng số tài khoản lưu ký tại VSD là 2,7 triệu tài khoản, tăng 17% so với năm 2019, số lượng tài khoản đăng ký trên hệ thống bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh là 171.973 tài khoản, tăng 89% so với năm 2019; tổng giá trị thanh toán toàn thị trường trong năm 2020 đạt 4,2 triệu tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019. Đây là những kết quả hết sức ấn tượng thể hiện những nỗ lực rất đáng ghi nhận của VSD trong năm 2020, năm mà nền kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Với nỗ lực đồng hành và sát cánh cùng thị trường, VSD đã góp phần không nhỏ giúp TTCK nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung vượt qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất, đạt mức hồi phục trên cả kỳ vọng.

Bước sang năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng theo dự báo thị trường sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020. Bên cạnh tác động tiêu cực của dịch bệnh, xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế từ kênh tín dụng ngân hàng -nơi có lợi suất thấp- sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và các tài sản có giá trị bao gồm vàng, bất động sản do tác động của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng thông qua cắt giảm lãi suất và các gói hỗ trợ tài chính lớn của hầu hết các nước trên thế giới trong năm 2020 đã và đang được xem là những nhân tố tích cực hỗ trợ sự phát triển của thị trường chứng khoán thế giới nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021- đặc biệt khi Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng để đầu tư của khu vực  và là  một trong số rất ít nước khống chế được dịch Covid, đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Trong tháng 12 năm 2020, Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên trong hệ thống phân loại của MSCI sau khi Kuwait chính thức được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi. Như vậy, việc dòng vốn nước ngoài có khả năng quay trở lại vào năm 2021 với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm 2021. Bên cạnh đó, trên nền những thành công mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được trong năm 2020, đồng thời khi Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, hệ thống công nghệ thông tin mới của toàn thị trường được triển khai sẽ tạo nền tảng pháp lý và công nghệ mới giúp nâng tầm thị trường, thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của các thành viên thị trường.


Riêng đối với VSD, năm 2021 là năm vô cùng đặc biệt – năm đánh dấu chặng đường 15 năm đi vào hoạt động của VSD và 25 năm không ngừng lớn mạnh của ngành chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh đó, bước sang năm 2021, VSD chủ trương bám sát phương châm “kế thừa nền tảng, tiếp nối thành công” triển khai thực hiện chuyển đổi thành Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, nâng cao tiềm lực tài chính tăng cường vị thế của VSD trong khu vực và trên thế giới, đặt dấu ấn cho bước chuyển mình lịch sử trên chặng đường phát triển của VSD, góp phần quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững và mạnh mẽ. Qua đây, thay mặt tập thể Lãnh đạo và cán bộ chuyên viên của VSD tôi cũng xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng, sự chỉ đạo sát sao và hợp tác chặt chẽ của cơ quan quản lý, thành viên thị trường, các tổ chức phát hành và công chúng đầu tư đã dành cho VSD trong thời gian qua và trên chặng đường sắp tới./.

Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán năm 2022, Chứng khoán Yuanta cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đạt mức tương tự như thị trường Đài Loan năm 1988, giai đoạn này thậm chí còn chưa đi hết một nửa quãng đường khi thời kỳ “bong bóng” diễn ra trong vòng 5 năm và thị trường Đài Loan đã đạt đỉnh vào năm 1990.

Thị trường Đài Loan đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội – tăng gấp 12x (tính theo đồng nội tệ) trong giai đoạn 1985 -1990 với sự hỗ trợ từ các yếu tố tương đồng với Việt Nam hiện nay: 1) Lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ cho tín dụng; 2) Nhà đầu tư kỳ vọng đồng nội tệ sẽ gia tăng sau nhiều năm GDP và thặng dư tài khoản vãng lai tăng trưởng ở mức cao; 3) Nhóm dân số trẻ ngày càng hứng thú với thị trường chứng khoán, dân số giàu có ngày càng tăng, với 4) Ít kênh đầu tư thay thế, và 5) Xu hướng mang tính văn hóa đối với việc đặt cược vào thị trường, tất cả những điều này dẫn đến 6) Thanh khoản của thị trường chứng khoán tăng đột biến.

Thị trường chứng khoán Việt Nam qua các năm

Cuối cùng, những dấu hiệu này khiến thị trường Đài Loan không còn liên kết với các yếu tố cơ bản và các mức định giá, vì thị trường đã tăng vọt lên mức đỉnh mà 30 năm sau đó mới có thể quay trở lại mức này. Đó là một giai đoạn không ổn định: cổ phiếu không chỉ tăng, ngay cả trong thời kỳ bong bóng diễn ra mà một nhà đầu tư đã mua và nắm giữ với giả định không sử dụng đòn bẩy (chúng tôi cho rằng số lượng nhà đầu tư này xấp xỉ bằng 0) có thể đã thu về số tiền gấp 12x so với khoản đầu tư ban đầu của họ chỉ bằng việc mua cổ phiếu trên thị trường TWSE trong giai đoạn 1985-1990.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Yuanta, đây có thể không phải là thời điểm kết thúc đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội hơn so với hầu hết các thị trường khác trong cùng khu vực Châu Á (thực tế là so với hầu hết các thị trường có thể đầu tư tại Châu Á) vào năm 2021, nhưng vẫn là một thị trường khá rẻ so với triển vọng tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam.

Hiện nay, tỷ lệ P/E năm 2022E của VN-Index đạt khoảng 14x, các bên kỳ vọng EPS sẽ tăng trưởng 24%. Đây không phải là mức định giá quá đắt đối và thậm chí nếu các nhà đầu tư áp dụng phương pháp chiết khấu thị trường cận biên khi tái định giá thị trường Việt Nam cũng sẽ khó có thể xem đây là một thị trường với mức định giá cao. Vì thế, thị trường sẽ còn dư địa tăng trưởng đáng kể trong vòng 12 tháng tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam qua các năm

Mục tiêu của Yuanta đặt ra cho VN-Index vào cuối năm 2022 là 1.898 điểm, tương ứng với mức tỷ suất sinh lời trong 12 tháng là 29%. Con số này khá cao so với các bên, nhưng Yuanta cho rằng đây là mức hợp lý khi xem xét đến những giả định tích cực về điều kiện thị trường (tức là mức tăng trưởng lợi nhuận, thanh khoản và tâm lý thị trường) đã được thảo luận ở phần trước đó.

Theo Yuanta, tăng trưởng VN-Index nhờ vào 1) nền tảng cơ bản vững chắc của thị trường (tăng trưởng lợi nhuận), 2) điều kiện thanh khoản dồi dào (lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp), và 3) tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước (số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao kỷ lục).

Nhìn chung, công ty chứng khoán này khá tự tin với dự báo mục tiêu chỉ số VN-Index và cho rằng khả năng cao thị trường sẽ dao động từ 1.850 – 1.950 điểm. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng có thể sai, và Yuanta khẳng định  được phép thay đổi quan điểm của mình.

Thị trường chứng khoán Việt Nam qua các năm

"Chúng tôi phải thừa nhận rằng các yếu tố tâm lý đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với kết quả của thị trường, mà còn đối với các dự báo của chúng tôi. Theo lời của một nhà tâm lý học đã thắng giải Nobel – ông Daniel Kahneman: “Sự tin tưởng một cách chủ quan vào một phán quyết không phải là một sự đánh giá hợp lý về khả năng có thể xảy ra mà chính bản thân sự xét định là chính xác. Sự tin tưởng là một cảm giác, thứ phản ánh tính mạch lạc của thông tin và sự nhận thức rõ ràng về quá trình tạo ra nó” (Tư duy nhanh và chậm, 2011).

Bản chất con người có xu hướng ngoại suy các xu hướng gần đây sẽ tiếp tục trong tương lai, như cách chúng tôi dự báo thị trường (đã tăng trong 21 tháng
trước đó) sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Chúng tôi cho rằng việc đánh giá các điều kiện thị trường là một quá trình kéo dài liên tục chứ không chỉ đánh giá vài lần trong mỗi năm", công ty chứng khoán này nhấn mạnh.