Tại sao con gà biết mẹ nó

Gà là một biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam. Bức tranh “bé ôm gà” , mô típ nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống. Hình tượng gà trống có sức hấp dẫn mạnh mẽ trong đời sống của người Việt. Nhân Tết con gà, hãy cùng thưởng thức những khía cạnh văn hóa thú vị qua “nhân vật” gà trống.  

Tại sao con gà biết mẹ nó

Lễ hội Vua Mai tưởng nhớ công đức Mai Hắc Đế được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm tại làng Vân Diên (Nam Đàn, Nghệ An), bên cạnh tiết mục đặc sản đấu vật, không thể thiếu được trò thi gà chọi. Tương truyền, Mai Thúc Loan và nhiều tướng sỹ rất đam mê thú gà chọi. Ông thường tổ chức chọi gà cho các tướng sỹ thư giãn sau giờ luyện tập. Mà đâu chỉ mỗi vua Mai, mê chọi gà cũng là cái thú của biết bao đàn ông Việt từ xưa đến nay. Có những người chăm gà chọi, mê nó còn hơn mê gái.

Bỏ qua máu đỏ đen, ăn thua, hãy nhìn vẻ đẹp, sự hùng dũng, lãng mạn, và quyết liệt của những chú gà chọi, trong phút thư giãn cũng như thời khắc sinh tử quyết đấu để giành đai vô địch. Có những chú gà nhỏ, nhưng “có võ”, đá gục những đối thủ to xác, vụng về. Có những võ sỹ gà hung hăng gục chết ngay từ cú đá hiểm đầu tiên của đối thủ. Tương truyền, có những con gà chọi, được định giá bằng cả gia tài; có những trận đấu gà long trời lở đất, người xem chật cứng vòng trong vòng ngoài.

Gà trống, do đó, tượng trưng cho vẻ đẹp oai hùng, thượng võ, khí phách quân tử, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Võ thuật cổ truyền Việt Nam có bài “Hùng kê quyền” (bài quyền gà trống), tương truyền do danh tướng Nguyễn Lữ nhà Tây Sơn sáng tạo. Đây là môn võ thích hợp với người Việt Nam, với tầm vóc nhỏ bé, nên chú trọng tính nhanh nhẹn, quyền biến, lối đánh cận chiến, nhập nội, quyết liệt để khắc chế kẻ thù có ưu thế về thể lực, thể hình, quân số.

Gà trống, còn được gọi là “hùng kê” (–€), nghĩa là khỏe mạnh, hùng dũng, hùng tráng, giỏi, đầy tràn, chiến thắng, thủ lĩnh… Gà trống phải chiến đấu và chiến thắng thì mới giành được “người đẹp”… gà mái. Không chỉ một, mà là tất cả. Chúng ta, nhiều người hẳn đã từng chứng kiến khả năng “chiến đấu” vô địch của gà trống đối với đàn “thê thiếp” của nó. Gà mái chỉ chấp nhận những gà trống khỏe nhất, theo quy luật chọn lọc tự nhiên, để có đàn gà con khỏe nhất. Bản năng sinh tồn đã tạo nên những thế hệ chiến binh gà trống, với khát vọng chiến thắng cháy bỏng.

Gà trống còn rất đẹp, lãng mạn. Không chỉ “cơ bắp”, gà trống còn có mào đỏ chót, bộ lông sặc sỡ, óng ả, đẹp mê hồn, “hút mọi ánh nhìn” của gà mái. Cho nên, thảm hại nhất là “gà trụi lông”, hay gà thiến, hoặc “gà sống thiến sót”, còn đâu phong độ, khát vọng của chàng lãng tử. Gà trống còn đầy quyến rũ trong tiếng gáy oai hùng đón bình minh, và thách thức các đối thủ, cũng như mời gọi bạn tình. Ai “ga-lăng” bằng gà trống, với tiếng “cục cục” trầm ấm, động tác bới giun, thóc và mời gà mái thưởng thức. Trách gì “người đẹp” nào chẳng bị đốn ngã.

Gà trống anh hùng, quân tử, “cạnh tranh lành mạnh” và chiến thắng trên “thị trường gái đẹp” bằng chính tài năng, phong cách, bản lĩnh của mình; không dùng mưu hèn, kế bẩn.

Do đó, bức tranh “Bé ôm gà” khỏe khoắn, tươi sáng mà người dân dù có nghèo đến mấy, cũng bỏ ít tiền mua về treo trên vách mỗi dịp xuân sang; là biểu tượng cho vẻ đẹp phồn thực, khát vọng khỏe mạnh, no ấm, sinh sôi đời đời.

Nhà thơ Phan Bội Châu, trong bài “Khuyên thanh niên” mở đầu bằng hình tượng tiếng gà gáy chào bình minh: “Bên án một tiếng gà vừa gáy. Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng”. Tiếng gà gáy sáng là tín hiệu ngày mới, tín hiệu của sự đổi thay, cách mạng, thắp lên niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Người nông dân xưa, vô cùng gắn bó với con gà. Bà cụ Tứ, trong truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân, đã thắp lên hy vọng về tương lai cho vợ chồng con trai bằng viễn cảnh nuôi mấy đôi gà. Đó là mô hình “nền kinh tế tự cung tự cấp” sơ khai, và bền vững. Còn “Gà đẻ trứng vàng” là cách nói về nền kinh tế tư bản siêu lợi nhuận, dĩ nhiên hoàn toàn xa lạ với tư duy thực tiễn của nông dân Việt. Từ quả trứng chăm bẵm đến con gà, đã mất biết bao nhiêu chăm chút, nhọc nhằn. Vì vậy, phải là khách quý, lễ trọng mới giết gà. Và mất gà, người nông dân xót đến chừng nào, mới có bài chửi “Mất gà” danh bất hư truyền, mà kẻ trộm nào đã nhốt gà, thì phải thả; đã ăn gà, thì nuốt không trôi; đã lỡ dại một lần, thì chừa mãi mãi. Trong kho tàng văn học dân gian Bình Trị Thiên, vẫn lưu truyền bài ca dao “Mười cái trứng”, thể hiện niềm tin, sức sống mãnh liệt của người nông dân xưa: “Chớ than phận khó ai ơi! Còn da, lông mọc. Còn chồi, nảy cây”. Trong đời thường, những kẻ “trói gà không chặt” thì quá vụng về; còn “chưa bắt được gà đã bắc nước” là kiểu làm ăn chụp giật, đốt cháy giai đoạn…; “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” là lời nhắc thấm thía về tình đoàn kết ruột rà. Bao người xa quê, bất chợt nghe xao động tiếng gà, lòng trào dâng nỗi nhớ xứ sở. Tiếng gà, thân thuộc như tiếng quê hương.

   “Con gà cục tác lá chanh”, trên bàn thờ mâm cỗ cúng gia tiên vào dịp lễ, Tết, dù là nhà đại phú quý hay bần cùng, vẫn không thể thiếu được con gà trống luộc, cỗ xôi. Ngày Tết, không ít người từng rơi nước mắt trước bàn thờ gia tiên, vì thương mẹ, thương cha, trong những năm tháng khốn khó, chắt chiu lo cho con cái, đến thèm miếng thịt gà cũng không có mà ăn. Nay mâm cao cỗ đầy thì mẹ cha đã khuất bóng. Gà, là món ăn ngon nhất, trân quý nhất mà hậu thế dâng lên tổ tiên, nhưng cũng chứa đựng trong đó những triết lý nhân sinh, những ước vọng giản dị mà vô cùng sâu sắc, nhân bản.