Sự khác nhau về mặt bản chất chính trị của nền dân chủ xhcn với nền dân chủ tư sản

(HNM) - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: "Dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước". Sự khẳng định trên đây đã chỉ rõ: Nước ta đi theo con đường XHCN, vì vậy, xây dựng nền dân chủ XHCN là vấn đề quan trọng xuyên suốt quá trình cách mạng của nước ta. 
 

Sự khác nhau về mặt bản chất chính trị của nền dân chủ xhcn với nền dân chủ tư sản


Cầu Cần Thơ, một công trình giao thông trọng điểm mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.    Ảnh: TTXVN

Ngay từ khi Đảng ra đời (1930) để lãnh đạo cách mạng; trong cương lĩnh chính trị đầu tiên đã nhất quán chủ trương, đường lối trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc phải xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân mà mục tiêu cốt lõi của nó là “Độc lập dân tộc, người cày có ruộng” và thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu trong lĩnh vực chính trị. Khi chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN dựa trên cơ sở kế thừa nền dân chủ nhân dân đã có, phải tiến hành ngay việc xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN mà mục tiêu xuyên suốt là:”Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. So với các nước đi theo con đường dân chủ đầy sóng gió, sự phát triển dân chủ XHCN ở nước ta rất ổn định, có hiệu quả. Nguyên nhân chính là do Đảng và Nhà nước ta luôn tuân thủ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Điều đó được thể hiện ở những mặt sau đây: Một là, tư tưởng chiến lược chỉ đạo phát triển nền dân chủ XHCN là dựa trên lý luận dân chủ của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nguyên tắc cơ bản. Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò độc tôn lãnh đạo công cuộc phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta. Ba là, cơ sở kinh tế cho việc xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phát triển theo định hướng XHCN và từng bước hoàn thiện tiến lên kinh tế thị trường XHCN, trong đó kinh tế nhà nước với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu giữ vai trò chủ đạo. Bốn là, phương thức thúc đẩy công cuộc phát triển dân chủ XHCN ở nước ta là lấy dân làm gốc. Năm là, trọng điểm công cuộc phát triển dân chủ XHCN là thường xuyên củng cố, phát triển dân chủ trong Đảng, coi dân chủ trong đảng là “hạt nhân” của dân chủ XHCN và lấy dân chủ trong Đảng thúc đẩy dân chủ trong toàn xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngày càng cao dân chủ XHCN ở nước ta, quán triệt sâu sắc quan điểm dân biết, dân bàn, dân thực hiện, dân kiểm tra. Dân chủ XHCN ở nước ta vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy đòi hỏi tất cả quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ một trong những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo đổi mới là xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN xã hội chủ nghĩa. Trong cương lĩnh xây dựng đất nước ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII thông qua năm 1991 đã ghi: Dân chủ XHCN là bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 1992 cũng khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và phải được thể chế hóa quyền lực đó bằng pháp luật, được pháp luật bảo hộ. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và công bằng xã hội đòi hỏi phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trải qua 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện cương lĩnh 1991 nền dân chủ XHCN ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng và được thế giới thừa nhận. Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, thực hiện thành công mục tiêu “tối thượng” của cách mạng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Đảng đề ra, chúng ta phải coi trọng phát triển nền dân chủ XHCN vì nó là mục tiêu cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến lượt nó, nền dân chủ XHCN được phát triển và hoàn thiện lại trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển. Chủ nghĩa xã hội ở nước ta từ chỗ chưa chín muồi đến chín muồi, từ chỗ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, từ chỗ chưa phát triển đến phát triển. Quá trình này cần có thời gian và môi trường ổn định, đặc biệt là ổn định chính trị, xã hội. Muốn duy trì ổn định chính trị, xã hội để tiến lên phải phát triển nền dân chủ XHCN và lấy đó làm động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện xã hội từ thấp đến cao.

Bản chất chính trị của giai cấp công nhân đòi hỏi phải dùng phương pháp dân chủ để quản lý nhà nước, cải tạo xã hội. Nhà nước XHCN là nhà nước kiểu mới trong tiến trình lịch sử, dân chủ XHCN là thực hiện quyền nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đây là bản chất tốt đẹp của nhà nước XHCN đã và đang tồn tại, phát triển ở một số nước trên thế giới, trong đó có nước ta. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta cần tự giác tuân thủ quy tắc dân chủ, xây dựng và kiện toàn thể chế dân làm chủ, hình thành trật tự dân chủ ổn định, bền vững.

 1. Giá trị bền vững trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về dân chủ xã hội chủ nghĩa

Một là, dân chủ xã hội chủ nghĩa là kết quả quá trình phát triển lâu dài của lịch sử. C.Mác và Ph.Ăngghen nhận thức rất rõ rằng, dân chủ không phải là sản phẩm của tự nhiên; không xuất phát từ mong muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân hay giai cấp nào. Trong đời sống xã hội, dân chủ vừa tồn tại hiện hữu dưới dạng những quan hệ vật chất, có thể kiểm chứng được; đồng thời, cũng tồn tại dưới dạng ý thức, đó là các giá trị về tinh thần trong tư tưởng. Dân chủ là sự phát triển lâu dài của lịch sử theo các quy luật khách quan. Tương ứng với các trạng thái phát triển kinh tế - xã hội, lịch sử loài người trải qua nhiều “kiểu” dân chủ khác nhau.

Trong lịch sử, dân chủ đã có mầm mống, phôi thai trong xã hội cộng sản nguyên thủy. Dân chủ giai đoạn này mang ý nghĩa là mọi thành viên trong xã hội đều có quyền bình đẳng như nhau về lợi ích kinh tế, tham gia công việc cộng đồng. Sự phát triển của lực lượng sản xuất đã dẫn đến phân chia xã hội thành giai cấp thống trị và bị thống trị. Từ đó, các quyền bình đẳng vốn có của mọi thành viên trong xã hội cộng sản nguyên thủy dần dần bị tước mất. Một nghịch lý của sự phát triển là: “Mỗi bước tiến mới của nền văn minh, đồng thời cũng là một bước tiến mới của sự bất bình đẳng. Xã hội ra đời cùng với văn minh, tất cả những thể chế do xã hội tạo ra đều biến thành những thể chế đi ngược lại mục đích ban đầu”(1). Chính vì vậy, trong lịch sử đã không ngừng diễn ra các cuộc đấu tranh của nhân dân giành lại quyền dân chủ của mình. Một điểm chung, từ khi thoát khỏi xã hội cộng sản nguyên thủy đến trước khi thiết lập được xã hội cộng sản văn minh, nền dân chủ đều mang bản chất và phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị. Nền dân chủ ấy cũng chính là sự phản ánh trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn chưa phát triển đầy đủ, dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.

Trong các xã hội có giai cấp và nhà nước, dân chủ là công cụ, phương tiện được giai cấp thống trị dùng để củng cố, bảo vệ địa vị thống trị của mình thông qua luật hóa các quyền công dân, quyền con người; nhưng đồng thời, dân chủ cũng là ngọn cờ để giai cấp bị thống trị đấu tranh giành và bảo vệ các quyền của mình. Các phong trào đấu tranh của nhân dân lao động cũng là đấu tranh cho các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền. Do đó, C.Mác viết: “...chừng nào còn chưa giành được chính quyền dân chủ thì những người cộng sản và những người dân chủ còn kề vai sát cánh chiến đấu và lợi ích những người dân chủ cũng là lợi ích của những người cộng sản”(2).

Trong tiến trình vận động đó, dân chủ XHCN không tự nhiên xuất hiện mà là kết quả phát triển của nhân loại: “Bất cứ thứ dân chủ nào khác đều chỉ có thể tồn tại trong đầu óc những nhà lý luận uyên bác, không cần biết gì đến những sự kiện thực tế và cho rằng không phải con người trong hoàn cảnh đã phát triển các nguyên tắc mà chính các nguyên tắc tự nó phát triển thành dân chủ trở thành nguyên tắc của giai cấp vô sản, nguyên tắc của quần chúng”(3).

Với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, quá trình xã hội hóa sản xuất dẫn đến xã hội hóa chế độ chiếm hữu tư liệu sản xuất, nền dân chủ XHCN ra đời phản ánh trình độ phát triển của phương thức sản xuất ấy.

Thứ hai, sức sống của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là sự tham gia đông đảo của nhân dân lao động vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Vào những năm đầu của thập kỷ 40 thế kỷ XIX, C.Mác đã trình bày có hệ thống quan điểm của mình về nền dân chủ nhân dân thông qua việc phê phán quan điểm duy tâm của Hêghen trong lĩnh vực triết học pháp quyền. Hêghen cho rằng, nhà nước sinh ra xã hội công dân, nhân dân là vật liệu, phương tiện biểu đạt nội dung khái niệm nhà nước. C.Mác chỉ rõ, không phải nhà nước sinh ra xã hội công dân, mà ngược lại, xã hội công dân sinh ra nhà nước: “...sự thật là nhà nước xuất hiện từ cái số đông ấy, cái số đông tồn tại dưới dạng những thành viên của gia đình và những thành viên của xã hội công dân”(4). Nhân dân là chủ thể đích thực của nhà nước, và bởi vậy, xét về mặt bản chất, nhà nước không có chủ quyền, mà chủ quyền ấy thuộc về nhân dân: “Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người được khách thể hóa”(5). Từ đó, C.Mác cho rằng, không phải mọi nhà nước đều mang hình thức dân chủ, nhưng cơ sở hình thành và tồn tại của bất kỳ nhà nước nào đều là sự đóng góp chủ quyền của các công dân. C.Mác cũng đã chỉ ra rằng, dân chủ hóa nhà nước là một tính quy luật trong lịch sử, quá trình ấy chỉ kết thúc khi đạt đến trạng thái hoàn bị của nó, tức là trở thành sự tự quy định của nhân dân một cách trực tiếp mà không cần bất cứ hình thức nhà nước nào, và do đó, dân chủ theo nghĩa “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” cũng sẽ không còn nữa.

Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã nhiều lần khẳng định, dân chủ XHCN tức là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực của mình để quản lý công việc nhà nước. Nhân dân có quyền làm chủ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Người viết: “Toàn bộ quyền lực tối cao trong nước phải thuộc về các đại biểu của nhân dân, do nhân dân bầu ra, có thể bị nhân dân bãi chức bất cứ lúc nào”(6). Để thực hiện nền dân chủ đó, một mặt nhân dân phải tích cực tham gia vào công việc quản lý nhà nước, mặt khác, nhà nước phải không ngừng mở rộng các quyền tự do, dân chủ của nhân dân: “dựa vào sáng kiến của bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước...Quần chúng càng chủ động, càng có nhiều ý kiến, càng mạnh dạn và càng có tinh thần sáng tạo khi tiến hành công việc đó thì lại càng tốt”(7).

Thực tế xây dựng CNXH cho thấy, những luận điểm trên đây của các nhà kinh điển còn nguyên giá trị. Để dân chủ XHCN trở thành hiện thực, có sức sống, nhất định phải huy động được sức mạnh, sự sáng tạo của nhân dân - chủ thể gốc của quyền lực.

Thứ ba, mục tiêu cao nhất của dân chủ xã hội chủ nghĩa là hướng tới hạnh phúc cho nhân dân lao động. Theo các nhà kinh điển, dân chủ xét đến cùng là sự giải phóng con người để đi đến tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Con người, dù xem xét từ góc độ cá thể, hay một thành viên của xã hội, khi sinh ra đã có các quyền cơ bản như: được sống, tự do, mưu cầu hạnh phúc, trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào quản lý xã hội. Mỗi bước tiến của dân chủ phản ánh trạng thái, mức độ giải phóng con người trong tiến trình lịch sử. Thông qua các cuộc đấu tranh để giành lấy dân chủ, con người ngày càng thoát khỏi xiềng xích của áp bức giai cấp, nâng cao vị thế và năng lực thực hành dân chủ của mình.

Theo quan điểm của các nhà kinh điển, dân chủ có nhiều cấp độ khác nhau, cấp độ đầu tiên mà giai cấp vô sản hướng tới là giành được quyền lực chính trị. Theo các ông, trong cách mạng XHCN, giành quyền lực chính trị được coi là “tiền đề đầu tiên của của tất cả mọi biện pháp cộng sản chủ nghĩa”(8). Trong quá trình đó, dân chủ là công cụ, phương tiện, có mục tiêu trước mắt là giành chính quyền về tay giai cấp công nhân: “để giành được quyền lực chính trị, giai cấp vô sản cũng cần đến những hình thức dân chủ, nhưng đối với nó, những hình thức dân chủ cũng như tất cả các hình thức chính trị chỉ là phương tiện mà thôi”(9).

Mục tiêu cao nhất của dân chủ XHCN là thiết lập một xã hội mới tốt đẹp hơn so với chủ nghĩa tư bản, hướng đến giải phóng con người, hạnh phúc của nhân dân: “...đặc trưng chủ yếu nhất của nền dân chủ chân chính là nó phải phủ nhận lịch sử của nước nó, nó phải từ bỏ mọi trách nhiệm đối với cái quá khứ đầy dẫy cảnh nghèo khổ, nền thống trị bạo tàn, ách áp bức giai cấp và mê tín dị đoan”(10). Đây là mục tiêu cao nhất của nền dân chủ XHCN.

Bốn là, giá trị về phương pháp luận. Những quan điểm về dân chủ xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ có ý nghĩa về nội dung mà còn có giá trị về phương pháp luận. Các ông cho rằng, dân chủ XHCN không có mục đích tự thân, không đứng độc lập so với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội mà  “...bất cứ nền dân chủ nào, xét đến cùng, cũng đều phục vụ sản xuất và xét đến cùng, đều do các quan hệ sản xuất trong một xã hội nhất định quyết định”(11). Dân chủ là một phạm trù thuộc kiến trúc thượng tầng, bị quy định bởi cơ sở hạ tầng. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng quy định nội dung, tính chất của kiến trúc thượng tầng, do đó, khi xem xét nội dung, tính chất, mục đích của nền dân chủ không thoát ly, tách rời trình độ phát triển kinh tế - xã hội, cái cơ sở đã sinh ra nó.

Bản thân phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác cũng cho thấy, bất kỳ sự vật, hiện tượng nào ra đời cũng trên cơ sở kế thừa những mặt, yếu tố tiến bộ của cái cũ, cái mà nó phủ định, chuyển hóa vào thành phần của cái mới trên cơ sở cao hơn. Dân chủ XHCN ra đời thay thế dân chủ tư sản, cũng kế thừa những giá trị tích cực, tiến bộ của nền dân chủ tư sản, và các nền dân chủ trước đó, đây chính là sự phủ định biện chứng. Nhận thức quan điểm này để không rơi vào quan điểm chủ quan, siêu hình, mỗi giai đoạn phát triển, mỗi nền dân chủ khác nhau sẽ có các đặc điểm khác nhau. Để dân chủ hóa đời sống xã hội, không chỉ dùng các biện pháp thuần túy chính trị mà phải xuất phát từ chính sự phát triển của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Khi các điều kiện đó đã có sự thay đổi, nhất định cũng phải có sự thay đổi trong nhận thức về đặc trưng, điều kiện thực hiện dân chủ.

Xu thế chung sự phát triển của lịch sử theo quy luật từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện, những nền dân chủ chỉ để phục vụ cho lợi ích của một nhóm giai cấp thống trị nhất định phải được thay thế bởi một nền dân chủ cho đông đảo nhân dân lao động, một nền dân chủ nhân văn, tiến bộ vì hạnh phúc con người. Đó là giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác về dân chủ XHCN.

2. Một số luận điểm về dân chủ xã hội chủ nghĩa đã bị hoàn cảnh lịch sử vượt qua và những nội dung cần làm sáng tỏ hiện nay

Một số luận điểm đã bị hoàn cảnh lịch sử vượt qua: (1) Về cơ chế thực hành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong nhiều tác phẩm, V.I.Lênin cho rằng, dân chủ XHCN đồng nhất với chế độ tự quản của quần chúng nên không cần đến “quan lại, cảnh sát, quân đội”: “Dân chủ từ cơ sở lên, dân chủ không có bọn quan lại, không có cảnh sát, không có quân đội thường trực...”(12). Tuy nhiên, thực tế xây dựng CNXH cho thấy, trong thời kỳ quá độ lên CNXH, việc tồn tại nhà nước là tất yếu khách quan. Khi nhà nước còn tồn tại, không thể không có những con người và công cụ để thực thi quyền lực - tức là “quan lại, cảnh sát, quân đội thường trực”. Do đó, luận điểm này đã bị lịch sử vượt qua. (2) Về tính giai cấp của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong nhiều tác phẩm, V.I.Lênin cho rằng, dân chủ XHCN sẽ loại bỏ hoàn toàn giai cấp thống trị, bóc lột (tư sản) ra khỏi đời sống chính trị: “Dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân và trấn áp bằng vũ lực bọn bóc lột, bọn áp bức nhân dân, nghĩa là tước bỏ dân chủ đối với bọn chúng: đó là sự biến đổi của chế độ dân chủ trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản”(13);  “Tính chất xã hội chủ nghĩa của chế độ dân chủ xô-viết, - tức là chế độ dân chủ vô sản nếu áp dụng nó một cách cụ thể, nhất định, - là ở chỗ: trước hết, các cử tri đều phải là quần chúng lao động và bị bóc lột, còn giai cấp tư sản thì bị loại ra...(14); hoặc: “Vấn đề cuối cùng tôi cần phải bàn đến là vấn đề vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và vấn đề tước quyền bầu cử. Hiến pháp của chúng ta thừa nhận cho giai cấp vô sản có địa vị ưu đãi hơn giai cấp nông dân và tước bỏ quyền bầu cử của bọn bóc lột”(15)... Trong thời kỳ quá độ lên CNXH, do trình độ phát triển lực lượng sản xuất chưa cao, từ đó dẫn đến sự đa dạng trong chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, tồn tại nhiều giai cấp khác nhau. Các giai cấp đều là bộ phận cấu thành của một dân tộc, quốc gia và bình đẳng trước pháp luật. Điều này cho thấy, việc “loại” bất cứ một giai cấp nào ra khỏi nền dân chủ đều là không phù hợp. Và hiện nay, ở hầu hết các nước XHCN, không có quốc gia nào “loại” giai cấp tư sản, giai cấp bóc lột của chế độ cũ ra khỏi thành phần cử tri. (3) Về quyền bình đẳng của phụ nữ, căn cứ vào thực tế các nước tư sản lúc đó, V.I.Lênin khái quát: “Trên lời nói, chế độ dân chủ tư sản hứa hẹn bình đẳng và tự do. Trong thực tế, không một nước cộng hòa tư sản nào, dù là nước tiên tiến nhất, đã để cho một nửa loài người là nữ giới được hoàn toàn bình đẳng với nam giới trước pháp luật, và giải phóng phụ nữ khỏi sự bảo trợ và sự áp bức của nam giới”(16). Có thể thấy, luận điểm này đã bị lịch sử vượt qua, ở các quốc gia tư bản hiện nay, quyền bình đẳng của phụ nữ trong chính trị đã được công nhận (ở một số nước, phụ nữ có mặt này hay mặt kia bị phân biệt đối xử về chính trị nhưng chủ yếu liên quan đến tôn giáo, hoặc yếu tố khác chứ không phải chế độ chính trị).

Những nội dung cần làm sáng tỏ hiện nay: (1) Trong nền dân chủ XHCN, phương thức để người dân làm chủ bằng cách nào, nó khác với phương thức làm chủ (của người dân) ở các nước tư bản ra sao; các quyền tự do, dân chủ của công dân (ở các nước xã hội chủ nghĩa) khác với quyền tự do, dân chủ (của nhân dân) trong các nước tư bản như thế nào? Bởi xét đến cùng, trên phương diện chính trị, chế độ dân chủ được biểu hiện trên hai phương diện chủ yếu đó. Trong khi những tính đặc thù có tính phổ quát như: chế độ sở hữu, nền tảng chính trị - xã hội, cơ chế vận hành của nền dân chủ XHCN chưa thể là cơ sở lý luận - thực tiễn trực tiếp để giải đáp mạch lạc, thuyết phục những vấn đề nêu trên. Từ đó đặt ra yêu cầu, cần làm sáng tỏ cơ chế vận hành, các kỹ thuật để nền dân chủ XHCN hoạt động theo quan điểm của các nhà kinh điển. (2) Về quan điểm phủ định biện chứng nền dân chủ tư sản, nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh những hạn chế, dân chủ tư sản cũng có những mặt tích cực nhất định, ví như: nhân dân trực tiếp thể hiện chính kiến của mình trước các vấn đề lớn của đất nước thông qua trưng cầu dân ý; cơ chế cụ thể để nhân dân bãi miễn đại biểu khi không còn phù hợp, trực tiếp lựa chọn người lãnh đạo thông qua bầu cử, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước... những hình thức đó được thực tiễn kiểm nghiệm là có hiệu quả, vậy chúng ta có thể tiếp thu, kế thừa gì từ những bài học kinh nghiệm đó. (3) Về mối quan hệ giữa nhân tố chủ quan và khách quan trong thực hiện chế độ dân chủ XHCN. Các nhà kinh điển cho rằng, dân chủ có nghĩa là bình đẳng, mà bình đẳng thực sự chỉ diễn ra khi không còn sự phân chia giai cấp. Nhưng giai cấp là sản phẩm và hệ quả của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, chế độ này lại gắn với trình độ phát triển lực lượng sản xuất. Một mặt, chúng ta khẳng định xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện quyền bình đẳng giữa các công dân; mặt khác, cũng khẳng định quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất sẽ còn tồn tại lâu dài, là tất yếu trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Vậy, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa mong muốn xây dựng nền dân chủ XHCN với tính tất yếu khách quan của chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất trong thời kỳ quá độ lên CNXH như thế nào?

Lý luận là sự phản ánh thực tiễn vào đầu óc con người, giai đoạn đầu thế kỷ XX, do các đặc điểm kinh tế, chính trị, nhất là bối cảnh cụ thể của cách mạng Tháng Mười Nga lúc đó, các nhà kinh điển có thể đưa ra những sách lược tạm thời, trước mắt để củng cố, bảo vệ chính quyền Xô viết. Nhưng khi thực tế vận động xã hội thay đổi, lý luận là cái phản ánh nó cũng phải biến đổi theo cho phù hợp với thực tiễn. Lý luận về phương thức, cơ chế vận hành của nền dân chủ XHCN cũng không nằm ngoài quy luật đó.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8.2019

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.20, tr.198.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.391.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.791.

(4), (5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1 tr.329, 350.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.32, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.180.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.31, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.336-337.

(8), (10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.391, 546.

(9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.36, tr.84.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1977, tr. 345.

(12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.31, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.337.

(13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.109.

(14), (15) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.249, 206.

(16) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.325.

TS Nguyễn Văn Quyết - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Hà Minh Hoàn - Trường Chính trị tỉnh Yên  Bái