Phong trào Đồng khởi có ý nghĩa to lớn như thế nào đối với cách mạng miền Nam

[Bqp.vn] - Sáng 19/12, tại Bến Tre, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam”.

Các đại biểu dự hội thảo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Tổ chức chủ trì và điều hành hội thảo. Dự hội thảo có: Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng; Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; đại biểu lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân; đại diện tỉnh Bến Tre và các cơ quan, đơn vị.

Sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam

Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho biết: Phong trào Đồng khởi là phong trào đấu tranh, nổi dậy của quân và dân miền Nam chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm trong thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phong trào đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15, nhân dân miền Nam vùng lên khởi nghĩa đồng loạt để giành chính quyền. Phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã chính quyền của địch ở nông thôn; đồng thời chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre là thắng lợi có ý nghĩa chính trị lịch sử sâu sắc, ghi đậm mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và của nhân dân Bến Tre nói riêng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Cách đây 60 năm, với khí thế “triều dâng, thác đổ”, quần chúng cách mạng đã vùng lên đấu tranh, tạo nên phong trào Đồng khởi trên khắp miền Nam, phá vỡ một mảng lớn chính quyền địch ở nông thôn, đẩy chính quyền Sài Gòn vào tình thế khủng hoảng, bị động về chiến lược, đồng thời góp phần làm phá sản các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhìn lại sự kiện lịch sử trọng đại này, tự hào về những chiến công của các thế hệ cha anh đã lập nên trong phong trào Đồng khởi nói riêng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung; đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng, phát huy tạo nên khí thế “Đồng khởi mới” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ban Tổ chức điều hành hội thảo.

Báo cáo đề dẫn hội thảo do Thượng tướng Đỗ Căn trình bày nhấn mạnh: Từ tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi, mở ra thời cơ thực hiện độc lập thống nhất nước nhà. Song, với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ từng bước thay thế thực dân Pháp, ngang nhiên vi phạm Hiệp định, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn ngăn chặn làn sóng cộng sản ở Đông Nam Á. Với dã tâm đó, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội Sài Gòn. Được sự giúp đỡ của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm từng bước thiết lập quyền kiểm soát trên toàn miền Nam, đẩy mạnh chương trình bình định, lập “khu dinh điền”, “khu trù mật”; đồng thời triển khai chính sách “tố cộng, diệt cộng”, tăng cường khủng bố, đàn áp hòng triệt phá lực lượng cách mạng và khuất phục nhân dân ta. Những thủ đoạn dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn gây nhiều đau thương, mất mát cho đồng bào miền Nam, đặt phong trào cách mạng nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Trước tình hình đó, tháng 01/1959, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15 [khóa II, mở rộng] chỉ rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, phản ánh nhu cầu khách quan của cách mạng, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đông đảo cán bộ và đồng bào miền Nam.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, các cuộc khởi nghĩa từng phần nhanh chóng phát triển thành phong trào Đồng khởi rộng khắp ở các địa phương miền Nam, tiêu biểu là cuộc nổi dậy ở Bác Ái [2/1959], khởi nghĩa ở Trà Bồng [8/1959], trận đánh ở Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung [9/1959], trận Xẻo Rô [10/1959], trận Tua Hai [1/1960]… đặc biệt là cuộc đấu tranh đồng loạt và mạnh mẽ trở thành phong trào Đồng khởi ở Bến Tre [1/1960]. Phong trào Đồng khởi đã làm tan rã hệ thống chính quyền Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn miền Nam, trong số 1.193 xã toàn Nam bộ đã có 895 xã với 10 triệu lượt người nổi dậy phá thế kìm kẹp, lập chính quyền tự quản; vùng giải phóng được hình thành, nối liền từ Tây Nguyên đến miền Tây Nam bộ và đồng bằng Liên Khu V; lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh… Từ thắng lợi của phong trào Đồng khởi, tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, giữ vai trò tổ chức, tập hợp lực lượng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam.

Tiết mục văn nghệ chào mừng hội thảo.

Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng. Thắng lợi này chẳng những khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam, sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ, mà còn đánh dấu bước trưởng thành về phương pháp và nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng của các cấp ủy Đảng cũng như trình độ giác ngộ của quần chúng nhân dân miền Nam. Đánh giá về phong trào Đồng khởi, Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng [6/1973] đã khẳng định: “Phong trào Đồng khởi cuối năm 1959 đầu năm 1960 giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đây là một cái mốc rất quan trọng chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, tạo cơ sở vững chắc để ta đánh thắng chiến tranh đặc biệt của Mỹ”.

Sáng mãi tinh thần “Đồng khởi”

Gần 80 báo cáo tham luận gửi tới hội thảo của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Các tham luận đã cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ mới, tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện Đồng khởi; trong đó tập trung làm sáng tỏ: thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960 - thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ và các cấp bộ đảng miền Nam; đánh dấu sự hình thành phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, sự ra đời của “Đội quân tóc dài”; đồng thời đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chỉ đạo mở đầu chiến tranh cách mạng. Từ trong phong trào Đồng khởi, phương thức tiến công kết hợp “hai chân, ba mũi” được thực hiện một cách sáng tạo và có hiệu quả, hình thành nên “Đội quân tóc dài”, để lại một hình mẫu, một bài học có giá trị lý luận và thực tiễn, được vận dụng và phát huy sáng tạo trong suốt những năm về sau cho đến khi quân và dân ta giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh, công lao chiến đấu, hy sinh, giành thắng lợi của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong phong trào Đồng khởi góp phần to lớn vào thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Những kinh nghiệm, bài học được rút ra từ phong trào Đồng khởi của 60 năm trước cần được tiếp tục nghiên cứu vận dụng để tạo nên các cuộc “Đồng khởi mới”, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi đến thành công, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Thượng tướng Lê Chiêm chụp ảnh cùng các đại biểu.

Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ phong trào Đồng khởi trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc chiến chống âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Thắng lợi của phong trào Đồng khởi 60 năm trước đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một trong những chiến công hiển hách nhất. Chiến công oanh liệt đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, cần tiếp tục nghiên cứu, đúc rút thành những quy luật, những kinh nghiệm lịch sử, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Video liên quan

Chủ Đề