Phong cách hồ chí minh là gì năm 2024

Trong lãnh đạo, quản lý hay trong thực thi nhiệm vụ chính trị được giao; nếu tư tưởng, đường lối có tính quyết định nhất, thì phương pháp là những cách thức, biện pháp, hình thức có tính nguyên tắc để đưa tư tưởng, đường lối đi vào cuộc sống. Nhưng phương pháp chỉ được thực hiện thông qua hoạt động cụ thể của những con người cụ thể, với những phong cách, trình độ khác nhau.

Phong cách hồ chí minh là gì năm 2024
Bác Hồ cùng nhân dân tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tó, Đại Thanh, Hà Tây (1958) - ảnh sưu tầm

Phong cách được hiểu là cái riêng, độc đáo, có tính hệ thống, ổn định và đặc trưng của chủ thể, được thể hiện cả trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống bao gồm: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt... của Người.

1. Phong cách tư duy

Phong cách tư duy bao giờ cũng thể hiện ra thành những đặc trưng cụ thể. Do vậy khi nghiên cứu phong cách tư duy Hồ Chí Minh chúng ta nhận thấy có các đặc trưng cơ bản sau:

- Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đây là đặc trưng nổi bật, bao trùm nhất, điển hình cho phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Độc lập là không lệ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Tự chủ là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ đã qua thực tiễn kiểm nghiệm là sai, những cái cũ lạc hậu, lỗi thời, những cái cũ đã đúng trước kia nhưng nay không còn phù hợp, để tiến tới đề xuất những cái mới có thể giải đáp được những câu hỏi mà thực tiễn đang đặt ra. Cái sáng tạo ở Hồ Chí Minh là luôn tìm tòi cái mới phù hợp với quy luật khách quan của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển chung của thời đại.

Đặc trưng này được thể hiện ngay khi Người còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến sự lựa chọn con đường cứu nước, trong việc xác định kẻ thù chính của dân tộc mình và cả quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chính nét đặc sắc này đã làm cho phong cách tư duy của Hồ Chí Minh vừa mang tính dân tộc, vừa có tính thời đại, vừa có giá trị phổ biến bền vững.

- Mọi suy nghĩ đều xuất phát từ thực tiễn. Cùng với tính sáng tạo thì tư duy của Hồ Chí Minh luôn gắn với thực tiễn đất nước và thời đại. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn mà Người đưa ra những luận điểm đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn cách mạng Việt Nam đang đặt ra. Do đó, có thể thấy phong cách tư duy Hồ Chí Minh là một điển hình cho sự vận dụng hiệu quả phép biện chứng duy vật, quan điểm lấy thực tiễn làm cơ sở - điểm xuất phát của quá trình nhận thức chân lý.

- Tư duy kế thừa và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một vĩ nhân với một phong cách tư duy độc lập tự chủ sáng tạo, thiết thực, gắn với thực tiễn, là bởi vì Người đã biết làm giàu vốn trí tuệ của mình bằng tinh hoa văn hoá nhân loại. Người biết kế thừa các học thuyết một cách có phê phán, chọn lọc, không bao giờ sao chép máy móc, cũng không bao giờ phủ định một cách giản đơn, mà có sự phân tích sâu sắc để tìm ra những yếu tố tích cực, làm giàu thêm vốn kiến thức và hành trang tư tưởng của mình. Đặc trưng này làm cho Hồ Chí Minh trở thành một nhà mác-xít với đầy đủ những yếu tố khoa học và biện chứng.

- Gắn ý chí, tình cảm cách mạng với tri thức khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người giàu trí tuệ mà còn là người có tình cảm, ý chí, nghị lực phi thường. Ở Người, ý chí tình cảm cách mạng và tri thức khoa học thống nhất trong tư duy, trong hành động và trong quá trình vạch ra đường lối cho cách mạng Việt Nam. Tư duy ấy có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cảm xúc, tình cảm với yếu tố trí tuệ, tri thức, kinh nghiệm. Đây là hai yếu tố cơ bản trong tư duy Hồ Chí Minh, trong đó yếu tố tri thức, trí tuệ là quan trọng nhất.

- Tư duy cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Sinh ra và lớn lên trong lòng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu sắc phong cách tư duy hình tượng và trở thành người Việt Nam điển hình cho tư duy ấy. Từ đó hình thành một đặc trưng tiêu biểu trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh đó là tư duy cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Đặc trưng này được thể hiện thông qua các tác phẩm, những tư tưởng và hành động cụ thể mà Người thể hiện trong phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách sinh hoạt...của mình.

- Tư duy linh hoạt, mềm dẻo. Đây là một đặc trưng rất riêng, nổi bật trong phong cách tư duy của Hồ Chí Minh. Đặc trưng này không những thể hiện tính khoa học mà còn được coi là nghệ thuật lãnh đạo của Người, với những chủ trương, sách lược mềm dẻo trong lãnh đạo cách mạng, nhất là trong những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử nhưng vẫn kiên định mục tiêu, quan điểm, lập trường.

2. Phong cách làm việc

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung phong phú, thể hiện rõ nét qua tác phong làm việc của Người: Tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ, tác phong khoa học .

- Tác phong quần chúng được thể hiện bằng sự sâu sát quần chúng, tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình.

- Tác phong tập thể- dân chủ là luôn tạo ra không khí sôi nổi, hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo. Người thường chỉ ra những “căn bệnh” làm việc không tập thể, không dân chủ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho “nội bộ của Đảng âm u”, “uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản”, cấp trên cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng xa rời cán bộ, đảng viên.

- Tác phong khoa học của Hồ Chí Minh tập trung ở những điểm chủ yếu như sâu sát cơ sở, làm việc có điều tra nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể... Biết sàng lọc những thông tin sai lệch, những báo cáo thiếu trung thực, những phương án thiếu tính khả thi... Biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan, bộ phận giúp việc; đặt ra chương trình, kế hoạch sát hợp, thiết thực; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng.

3. Phong cách diễn đạt

Trong rất nhiều điều mà Hồ Chí Minh mong muốn đối với cán bộ cách mạng là phải học viết, học nói. Đối với Người, tiếng Việt là của cải lâu dài và vô cùng quý báu của dân tộc “chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm nó phát triển ngày càng rộng khắp”. Học nói, học viết không giới hạn trong đội ngũ cán bộ tuyên truyền, đội ngũ những người cầm bút mà là điều cần thiết đối với mọi người, từ các em học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hồ Chí Minh thường đặt ra bốn vấn đề khi nói và viết: Nói, viết cái gì?; nói, viết cho ai?; nói, viết để làm gì?; nói, viết như thế nào? Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho việc nói và viết của mỗi người, nhất là đối với người lãnh đạo. Mặt khác, để nói và viết được trong sáng, giản dị, dể hiểu, theo Hồ Chí Minh trước hết phải học cách nói của quần chúng, phải chống các bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, sính dùng chữ nước ngoài, thậm chí không hiểu cũng dùng.

Trong sự đa dạng, phong phú của những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, có thể rút ra những nét chung nỗi bật nhất trong phong cách diễn đạt mà Người đã thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình - một phong cách mẫu mực cho cả hiện tại và tương lai đó là:

- Chân thực: Mỗi bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, với những con số, sự kiện được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Tính chân thực của bài nói, bài viết tạo nên sức thuyết phục cao đối với người nghe, người đọc.

- Ngắn gọn: Đây là đặc trưng nổi bật trong cách nói và viết của Hồ Chí Minh. Ngắn gọn là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, chữ thừa. Nói dài, viết dài và sáo rỗng đều hoàn toàn xa lạ với phong cách Hồ Chí Minh.

- Trong sáng, giản dị, dễ hiểu: Toàn bộ các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh rất trong sáng về ý tưởng và văn phong, giản dị trong cách trình bày và dễ hiểu đối với người nghe. Tư tưởng Hồ Chí Minh đến với mọi người bằng những ngôn từ quen thuộc, dù đó là vấn đề của cuộc sống, chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, thời đại.

4. Phong cách ứng xử

Phong các ứng xử Hồ Chí Minh là phong cách ứng xử văn hóa với những đặc trưng cơ bản là:

- Đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, vừa chủ động linh hoạt lại vừa ân cần, tế nhị, bình dị, tự nhiên đến mức hồn nhiên, làm cho bất cứ ai được gặp Người đều thấy không khí chan hòa, ấm cúng, thoải mái, không e ngại, sợ sệt, không cảm thấy sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa vĩ nhân với bình dân.

- Luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người. Chính vì vậy mà sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới cái “chân, thiện, mỹ” trong cuộc sống, công tác, học tập, xây dựng và phát triển.

5. Phong cách sinh hoạt

Cuộc đời Hồ Chí Minh không cần đến bất cứ sự trang sức nào. Người không phải cố ý sống khác đời để mọi người ca ngợi, mà cách sống, nếp sinh hoạt của Người xuất phát từ một triết lý nhân sinh là lấy khiêm tốn, giản dị làm nền; lấy chừng mực, đức độ làm chuẩn; lấy trong sạch, thanh cao làm vui; lấy gắn bó với con người, thiên nhiên làm niềm say mê vô tận.

Phong cách sinh hoạt của Hồ Chí Minh có nhiều nét đã trở thành huyền thoại không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, chẳng có ham muốn danh lợi riêng mình; đó là tình thương yêu con người hòa quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ, kết hợp chặt chẽ với những rung động say mê của một tâm hồn nghệ sĩ.

***

Phong cách của Hồ Chí Minh đã làm cho Người trở thành một con người toàn vẹn, với một cuộc sống trọn vẹn từ khi bước vào đời cho đến khi vĩnh biệt chúng ta. Đạo đức, tư tưởng, sự nghiệp Hồ Chí Minh nói chung đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc, mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi người phấn đấu học tập và làm theo./.