Phân tích tư tưởng Đất nước của nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích sâu

Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.

Phân tích tư tưởng Đất nước của nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích sâu

Giải chi tiết:

GIỚI THIỆU CHUNG

- Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ trẻ thơ những năm chống Mĩ cứu nước. Thơ Nguyễn Khoa Điêm lôi cuốn người đọc bởi xúc cảm lắng đọng, giàu chất suy tư; hấp dẫn người đọc bằng vẻ đẹp trí tuệ, trữ tình, đầy hào khí của những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến. Bài thơ “Đất Nước” trích trường ca “Mặt đường khát vọng” – tác phẩm được ra đời vào năm 1971– giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra khốc liệt - là một đoạn trích tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo ấy.

- Đất nước - đã từ lâu - là điểm hẹn tâm hồn của biết bao văn nghệ sĩ. Được khơi nguồn từ đề tài quen thuộc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có cho mình một lối đi riêng. Rút ra từ trường ca “Mặt đường khát vọng”, đoạn trích “Đất Nước” là sự kết tinh của những sáng tạo dộc đáo, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm.Đoạn trích Đất Nước thể hiện cái nhìn toàn vẹn và sâu sắc về hình tượng “Đất Nước nhân dân” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

- Tư tưởng “Đất Nước của nhân dân” nói lên một chân lí: đất nước này tất yếu thuộc về nhân dân bởi chính nhân dân là người dựng xây, giữ gìn và phát triển.

PHÂN TÍCH

1. Đất Nước của Nhân dân được thể hiện trong chiều dài thời gian lịch sử (đoạn thơ“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng… cho người sau trồng cây hái trái”)

- Tác giả có cái nhìn rất sâu và rất xa về bốn nghìn năm Đất Nước nhưng đó không phải là thời gian lịch sử xác định mà là thứ tác giả ảo diệu mơ hồ “ngày xửa, ngày xưa” gắn với sự trường tồn của Đất Nước, sức sống mãnh liệt của nhân dân. Nhà thơ không khẳng định lại các triều đại trong lịch sử và cũng không nhắc lại những tên tuổi lừng danh trong sử sách mà nghiêng về bày tỏ niềm tự hào, lòng biết ơn, trân trọng đến lớp lớp những người anh hùng vô danh:

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

- Những người vô danh ấy đã làm nên giá trị vật chất và giá trị tinh thần truyền lại cho con cháu mai sau:

Họ giữ và truyền cho ra hạt lúa ta chồng

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

- Từ “họ” đứng ở đầu dòng thơ được điệp đi điệp lại liên tục có tác dụng ca ngợi vai trò to lớn của “họ” trong việc “giữ và truyền” cho con cháu muôn đời những giá trị vật chất và tinh thần. “Họ” mang một tên chung đó là “nhân dân”. Những từ “giữ”, “truyền” xuất hiện với mật độ dày đặc thể hiện sự tiến hóa của lịch sử giống như một cuộc lao động lớn, một cuộc chạy tiếp sức của nhân dân, nhờ có họ “giữ” và “truyền” mà con cháu được thừa hưởng giá trị vật chất và tinh thần.

+ “Hạt lúa” biểu tượng cho giá trị vật chất, cho nền văn minh lúa nước

+ “Ngọn lửa” không chỉ biểu tượng giá trị vật chất mà nó còn biểu tượng cho ngọn lửa của truyền thống cách mạng, ngọn lửa của văn minh, ngọn lửa của sự ấm áp, tin yêu.

+ “Giọng nói” là tiếng nói của nòi giống, của dân tộc, của biểu tượng cho giá trị tinh thần ngàn đời.

+ Quan trọng hơn, nhân dân còn là người mở mang bờ cõi, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, làm nên những thành quả cho con cháu mai sau. Lịch sử của đất nước được viết bằng máu của những người không tên, không tuổi để rồi:

Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

- Nói về lịch sử mấy nghìn năm của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm không dùng những sử liệu như những nhà thơ khác, cũng không xây dựng những hình ảnh kì vĩ để tụng ca, chiêm ngưỡng mà dùng cách nói giản dị tự nhiên đậm màu sắc dân gian. Đất nước hiện lên từ những cái “ngày xửa ngày xưa….”, trong những câu chuyện cổ tích mẹ kể có ông Bụt, bà Tiên, cô Tấm thảo hiền, có sự tích trầu cau, Thánh Gióng… Ở đó đất nước gần gũi bình dị mà thiêng liêng với phong tục ăn trầu của bà, tập quán búi tóc sau đầu của mẹ, tình nghĩa của cha, sự vật hàng ngày cái keo, cái cột… Như vậy, lịch sử đất nước dựng lại trong từng câu chuyện cổ xa xưa, gắn với cuộc sống, số phận của nhân dân.

2. Đất Nước của Nhân dân được thể hiện trong chiều rộng của không gian địa lý (đoạn thơ “Đất là nơi anh đến trường….cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ” và “những người vợ nhớ chồng….Bà Đen, Bà Điểm”)

- Nhà thơ suy tư về “Đất Nước” qua độ rộng của không gian địa lí để khẳng định đất nước của nhân dân. Theo cảm nhận của nhà thơ, “Đất nước” là không gian vô cùng gần gũi thân thương, là một cõi đầy thơ mộng, ngọt ngào gắn với bao kỉ niệm của tình yêu mỗi chúng ta:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

- Đất nước là không gian sinh tồn của cộng đồng người Việt qua các thế hệ được tạo lập từ thuở sơ khai với truyền thuyết:

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

- Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục suy tư về Đất Nước qua bề rộng lãnh thổ:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước

những núi Vọng Phu

Những người dân nào đã góp nên tên Ông Đốc,

Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”

- Đất nước trở thành sự sống máu thịt vô cùng thiêng liêng đối với mỗi người tuy chỉ có một phần nhưng đó là linh hồn là sự sống của Đất Nước. Cho nên xây dựng bảo vệ và hi sinh vì Đất Nước là vai trò trách nhiệm cao cả của chúng ta bởi Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân. Tác giả đã có cái nhìn thật mới mẻ về vẻ đẹp của Đất Nước, Tổ Quốc gắn với những con người bình dị vô danh.

3. Đất Nước của Nhân dân được thể hiện trong chiều sâu văn hóa

- Nói về một đất nước mà mới chỉ dừng lại ở lãnh thổ và lịch sử không thồi thì rõ ràng chưa đủ. Sự sống của một cộng đồng trong thời gian, cẩn phải được kết tinh thành lối sống riêng, cốt cách riêng, tâm hổn riêng, khuôn mặt riêng… không lẫn với những dân tộc khác. Có nghĩa là nó phải kết tinh thành bản sắc văn hoá. Thiếu điều này, người ta chưa thể hình dung  được đầy đủ về một đất nước thực thụ. Chính vì thế, Nguyễn Khoa Điểm đã nghiền ngẫm và tiếp tục khám phá đất nước ở bình diện thứ ba: bề dày văn hoá.

- Cũng thống nhất với các bình diện trên, ở đây khi nói về Đất nước trong chiều sâu văn hoá, Nguyễn Khoa Điềm quan tâm đến những giá trị văn hóa bình dị trong đời sống hàng ngày. Đất nước đã được phát hiện từ một câu chuyện cổ tích, một câu ca dao ở chốn thôn quê, được phát hiện từ cái kèo, cái cột nôm na, được phát hiện từ vị gừng cay muối mặn mộc mạc, được phát hiện từ cách làm ra hạt gạo, dãi dầu một nắng hai sương, được phát hiện từ cách bới tóc sau đầu của người Việt… khiến cho chính người đọc cũng phải bất ngờ, vỡ lẽ ra rằng: không phải tìm kiếm đất nước ở đâu xa mà đất nước ở quanh ta, ở trong ta, ở ngay những gì đơn sơ thân thuộc nhất.

- Nguyễn Khoa Điềm đã có những phát hiện độc đáo: “Đất nước bắt đầu vói miếng trầu bảy giờ bà ăn”. Đi tìm sự khởi thuỷ của một đất nước, nghĩa là phải ngược thời gian trở về với ngọn nguồn xa xưa, sao lại bất đầu với miếng trầu của “bây giờ”? Tác giả đã mượn hình thức phi lí để chứa đựng,một điều hợp lí. Đó là một đất nước dù lớn đến đâu cũng bắt đầu từ những cái nhỏ nhoi. Vô số những cái nhỏ nhoi mới làm nên sự lớn lao. Thì ra mỗi miếng trầu kia đều gánh trong nó một phần đất nước, mỗi miếng trầu bà ăn hôm nay đều đã có bốn nghìn năm tuổi. Cho nên cái hiện diện của hôm nay, của bây giờ, đằng sau nó có cả một lịch sử lâu dài.

- Những phát hiện sâu sắc và mới mẻ về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện ở nguồn mạch phong phú của văn hóa dân tộc, văn học dân gian. Cái tài tình, tinh tế của Nguyễn Khoa Điềm là lấy ý, lấy hình ảnh của thần thoại cổ tích và câu ca xưa để tạo nên những biểu tượng phong phú, mới lạ, làm tăng thêm nhận thức tình yêu cũng như vẻ đẹp của đất nước, nhân dân trong những giá trị văn hóa, tinh thần vĩnh hằng, bất tận của nhân dân.

- Với Nguyễn Khoa Điềm, đất nước của nhân dân là sự hội tụ và kết tinh với bao công sức và khát vọng của nhân dân. Đồng thời nhân dân là người làm ra đất nước cho nên khi viết về đất nước, nhà thơ đưa ta trở về cội nguồn của các giá trị văn hóa đân tộc, tìm thấy những nét nổi bật của tâm hồn, tính cách Việt Nam. Tiêu biểu nhất là tinh thần, là truyền thống thủy chung say đắm trong hạnh phúc tình yêu.

Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi

                                ...

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

- Rồi biết quý trọng tình nghĩa, coi trọng đạo nghĩa con người

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

- Nhưng cũng thật quyết liệt với kẻ thù để có được hạnh phúc bền lâu:

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

- Đoạn trích khép lại tư tưởng đất nước nhân dân nhưng lại ngời lên trăm dáng, trăm màu của dòng sông văn hóa, đậm đà hương sắc dân gian, linh hồn Việt.

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về đất nước mình còn bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xanh

4.Nghệ thuật

- Nguyễn Khoa Điềm sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian như ca dao, dân ca, truyền thuyết, cổ tích, thần thoại cùng những phong tục tập quán... tạo nên một hình ảnh Đất nước vừa giản dị, thân thiết gần gũi vừa lớn lao, thiêng liêng và mang sắc màu huyền thoại.

- Giọng điệu tâm tình thủ thỉ, ngọt ngào, nhân vật trữ tình xưng anh: đây là lời của người con trai với người con gái, một người yêu với một người yêu, một người chồng với một người vợ...

- Sự thay đổi kiểu câu, biến đổi giọng điệu linh hoạt làm tăng sức mạnh biểu hiện, vừa trữ tình vừa giàu chất chính luận, khái quát, trí tuệ đúng như tâm niệm của Nguyễn Khoa Điềm: "Tôi cố gắng thể hiện một hình ảnh đất nước giản dị, gần gũi nhất. Đó là cách dễ đi vào lòng người, đồng thời cũng là cách để tôi đi con đường của riêng tôi, không lặp lại người khác..."

ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Đất nước là một đề tài muôn thuở. Chừng nào mỗi con người vẫn là con đẻ của một dân tộc, của một mảnh đất, chừng ấy người ta vẫn còn viết về cái mảnh đất thiêng liêng được gọi là Tổ quốc của mình. Mỗi thời có một cảm nhận riêng, nhưng tất cả đều phải xuất phát từ một tấm lòng chung, đó là sự thiết tha, sự thuỷ chung với giang sơn Tổ quốc.

- Nét mới của Nguyễn Khoa Điềm trong suy cảm về Đất nước là không đi từ quan niệm của những nhà tư tưởng trong quá khứ mà đi từ lịch sử của nhân dân, nhân dân là chủ thể sáng tạo và gìn giữ Đất nước. Kết hợp sáng tạo những bình diện: thời gian lịch sử, không gian địa lý, bề dày văn hoá cốt cách tâm hồn dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm đã làm sáng lên tư tưởng chủ đề: “Đất Nước của nhân dân”.

- Bằng cảm nhận rất đỗi thân thương, gần gũi, Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cho chúng ta một hình ảnh Đất Nước bình dị nhưng không kém phần tươi đẹp. Đọc đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung, ta cảm nghe như cội nguồn dân tộc, cội nguồn văn hóa đang thấm vào tận từng mạch hồn ta, dòng máu ta. Điều đó càng làm ta thêm yêu thêm quý quê hương Tổ quốc mình.