Nguyên nhân bệnh tụt lợi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tụt lợi là bệnh lý nha khoa phổ biến đặc trưng bởi sự co về phía cuống răng của bờ lợi làm hở chân răng ảnh hưởng đến vùng răng phía trước. Mặc dù là bệnh lý không gây nguy hiểm nhưng mang lại cảm giác khó chịu cho người bệnh trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, đây là dấu hiệu cảnh báo cho hiện tượng mất xi măng, mòn cổ răng, lộ ngà răng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn tấn công răng gây bệnh, thậm chí có thể mất răng hoàn toàn. Vậy nguyên nhân và yếu tố gây tụt lợi là gì?

Tụt lợi là hiện tượng phần lợi bảo vệ chân răng di chuyển xuống cuống răng sâu phía dưới, khiến cho phần thân răng tại đây hở ra ngoài. Tụt lợi có thể xảy ra ở một vài răng, một hàm hoặc cả hàm trên và dưới, đi kèm với nó là các triệu chứng chảy máu chân răng, sưng lợi, hôi miệng.

Tụt lợi có thể phân thành 2 loại:

  • Tụt lợi nhìn thấy được: là phần nhìn thấy bằng mắt thường
  • Tụt lợi không nhìn thấy được: là phần được che phủ bởi lợi và chỉ đo được bằng cây thăm dò quanh răng với vị trí bám dính của biểu mô.

Người mắc bệnh tụt lợi chân răng có thể có các biểu hiện sau:

  • Lợi sưng đỏ, có cảm giác đau và khó chịu
  • Xảy ra tình trạng chảy máu chân răng sau khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa
  • Hơi thở có mùi khó chịu
  • Lợi bị rút lại rõ rệt, răng lung lay

2. Các nguyên nhân gây tụt lợi

Tụt lợi là vấn đề đa nguyên nhân có thể đến từ sinh lý, bệnh lý, sang chấn hoặc kết hợp nhiều nguyên nhân.

2.1. Nguyên nhân do bệnh lý

  • Viêm quanh răng và túi bệnh lý sâu là những nguyên nhân thường gặp gây tụt lợi
  • Viêm nha chu: là bệnh lý khiến mô lợi và các tổ chức nâng đỡ răng bị phá hủy, từ đó khiến chân răng bị tụt lợi
  • Cao răng không được lấy kịp thời và qua thời gian tích tụ sẽ khiến cho chân răng bị tụt lợi và gây chảy máu

Nguyên nhân bệnh tụt lợi

Cao răng không được loại bỏ kịp thời có thể gây tụt lợi

2.2. Nguyên nhân do sinh lý

  • Tụt lợi sinh lý gia tăng theo độ tuổi, tỷ lệ tụt lợi từ 8% ở trẻ em lên tới 100% sau tuổi 50
  • Thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân hàng đầu gây tụt lợi ở phụ nữ vì khi nội tiết tố thay đổi sẽ khiến cơ thể trở nên vô cùng nhạy cảm và dễ bị vi khuẩn gây bệnh tấn công

2.3. Nguyên nhân sang chấn

  • Tụt lợi có thể do chải răng sai kỹ thuật làm sang chấn mòn lợi (lợi mỏng và thấp dần)
  • Sang chấn khớp cắn là yếu tố thuận lợi làm trầm trọng tụt lợi do tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ
  • Răng bị xô lệch: sẽ tác động lực rất lớn lên lợi và xương của các răng kế cận khiến các răng này bị tụt lợi
  • Các thói quen xấu như nghiến răng lúc ngủ hoặc hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tụt lợi

3. Các yếu tố thuận lợi gây tụt lợi chân răng

Mức độ mòn lợi cũng bị ảnh hưởng bởi vị trí của răng trên cung hàm, góc của chân răng trong xương và độ cong gần xa của bề mặt chân răng. Những răng xoay, nghiêng, sai vị trí lệch ra phía tiền đình thì tấm xương ổ răng mỏng, bị giảm chiều cao khi có áp lực nhai thức ăn cứng hoặc do chải răng làm mòn phần lợi không được xương nâng đỡ phía dưới sẽ gây ra tụt lợi. Ngoài ra, các yếu tố gây tụt lợi chân răng có thể kể đến như:

  • Mô quanh răng mỏng
  • Teo mô quanh răng ở người già
  • Phanh niêm mạc bám cao gây ra sự co kéo lợi tự do khi ăn nhai dẫn tới bong lợi, thức ăn dễ dắt và vi khuẩn xâm nhập gây viêm

4. Tụt lợi để lại hậu quả như thế nào?

Tuy rằng bệnh không quá nguy hiểm nhưng tụt lợi có thể để lại một số hậu quả như sau:

  • Tụt lợi làm bề mặt chân răng lộ ra nên dễ bị sâu chân răng, chân răng mòn khi chải răng làm lộ ngà răng gây ê buốt răng khi bị kích thích nóng lạnh, chua ngọt.
  • Tụt lợi vượt quá ranh giới lợi dính - niêm mạc tiền đình thì bờ lợi thường xuyên bị co kéo trong các hoạt động chức năng nhai làm bong lợi khỏi bề mặt răng
  • Tụt lợi tạo điều kiện cho mảng bám, thức ăn và vi khuẩn tích tụ nhất là tụt lợi vùng kẽ răng
  • Ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ của nhóm răng phía trước

Nguyên nhân bệnh tụt lợi

Định kỳ kiểm tra sức khỏe răng miệng giúp người bệnh phòng tránh nguy cơ tụt lợi

Tụt lợi là bệnh lý răng miệng thường gặp, bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, lâu dần có thể ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của người bệnh. Vì thế khi có dấu hiệu của bệnh tụt lợi, bạn nên đến các cơ sở y tế, phòng khám Nha khoa uy tín để thăm khám và điều trị triệt để.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Đặt lịch nhanh chóng và theo dõi lịch hẹn thuận tiện hơn qua ứng dụng MyVinmec. Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn tư vấn từ xa qua video với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM:

  • Tụt lợi, lợi hơi sưng đỏ, chảy máu chân răng là bị làm sao?
  • Thực phẩm giúp tăng tiểu cầu cho người bị sốt xuất huyết
  • Sốt xuất huyết gia tăng ở người lớn, cảnh giác nguy cơ bùng phát dịch