Làm thế nào để có sức mạnh siêu nhiên năm 2024

Đối mặt với hiểm nguy, một số người có thể thực hiện được những điều vượt xa khả năng bình thường của họ. Có người còn nâng được những trọng lượng kinh khủng, chống chọi được với cái đói và rét trong thời gian dài mặc dù trước đó họ chưa hề trải qua một khóa huấn luyện nào. Điều gì và cơ chế nào đã biến họ thành siêu nhân như vậy?

Sức chịu đựng phi thường

Đó là một ngày không may mắn của anh lính Samuel Vivernot. Vì một sự cố nhỏ, chiếc trực thăng tập trận của anh bị rơi! Trong lúc nhảy ra khỏi trực thăng, chiếc áo nịt cứu sinh của anh lại bị nổ. Anh rơi xuống đại dương mênh mông. Chẳng còn cách nào khác, anh đành phải bơi một cách vô định trong đêm tối với hy vọng mong manh có ai đó sẽ đến cứu giúp. Hàng đàn sứa vây lấy anh khiến toàn thân anh bị bỏng nặng. Vậy mà Vivernot vẫn chống chọi được. Anh được vớt lên lúc gần sáng, sau 8 giờ ngâm mình trong dòng nước có nhiệt độ không quá 20oC. Đó thật là một kỷ lục phi thường vì nhiệt độ như vậy đủ để giết chết một người khỏe mạnh chỉ sau không quá 4 giờ đồng hồ.

Năm 2004, một chàng trai người Phần Lan tên là Antoni Bagacdy đã khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc vì đã sống sót sau 8 ngày bị vùi lấp trong một vụ lở tuyết. Khi người ta giải cứu cho anh, nhiệt độ cơ thể của anh chỉ còn 25oC. Bình thường thì khi thân nhiệt (lý tưởng là 37oC) giảm xuống còn 35oC, nhịp tim bắt đầu chậm dần và cơ cứng ra. Còn não bộ, do không được cung cấp máu, cũng bắt đầu hoạt động chậm lại. Ở 30oC, người ta bắt đầu mất ý thức. Xuống đến 25oC thì không thể sống được nữa. Vì vậy, người ta vẫn tin là chỉ sau một giờ bị vùi trong tuyết, cơ hội cứu sống nạn nhân đã trở lên mong manh, còn sau 4 giờ thì kể như đã không còn hy vọng.

Với cái mệt, cái lạnh, cái đói, cái khát, không ít người có thể chịu đựng quá những giới hạn thông thường của cơ thể một khi rơi vào tình trạng tính mạng bị lâm nguy. Một số người khác còn có thể dời núi chuyển non thực sự. Đó là trường hợp một nông dân vùng Mayenne (Pháp) bị một cần trục đè lên người. Với sự giúp đỡ của đứa con trai, ông đã chuyển dịch được cỗ máy ra để thoát thân trong khi đó trọng lượng của cái cần trục đó là 800kg, gấp 4 lần khối lượng mà một lực sĩ cử tạ giỏi nhất thế giới có thể nâng được.

Và lời giải

Làm sao có thể giải thích được những chuyện phi thường như thế? Làm thế nào mà những người sức lực bình thường khi gặp nguy hiểm cùng cực lại có thể trở thành siêu nhân? Từ nhiều năm nay giáo sư tâm lý học Nicolas Fischer phân tích các động lực sinh tồn ở những người mắc các căn bệnh nan y và các nạn nhân của thiên tai. Ông cũng nghiên cứu những câu chuyện kinh khủng của những người đã sống trong các trại tập trung Đức quốc xã còn sống sót. Theo ông, câu trả lời nằm ở năng lực tinh thần. Đứng trước một biến cố khốc liệt và bất thường, những ước tính chẳng có ý nghĩa gì. Chuyện có ít hay nhiều sức lực cũng không thành vấn đề. Trước sự hiểm nguy và những thử thách, không thể biết được ai, một chàng lực sĩ hay một gã ốm yếu, sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn? Vượt qua một giới hạn nào đó, về mặt thể chất, tất cả chúng ta là như nhau. Yếu tố làm nên sự khác nhau chính là việc có hay không có khả năng tập hợp lại tất cả mọi sức lực của mình trước một hiểm nguy hầu như không thể vượt qua - đó chính là năng lực tinh thần.

Liệu người ta có khám phá ra được điều gì khiến một số người có khả năng này không? Ông Nicolas Fischer cho biết: Sự từng trải cho chúng ta một số chỉ dẫn. Nếu trong quá khứ người ta đã từng vượt qua những tình huống khó khăn kinh khủng, thì khi gặp trở ngại mới, họ sẽ gặp ít khó khăn hơn để huy động sức lực của mình một lần nữa. Ở đây xuất hiện vai trò của cơ chế stress. Stress là một thứ “máy điều hòa” giúp cơ thể thích ứng với các đòi hỏi của môi trường. Bị kích thích bởi cái lạnh, nóng hay bất kỳ sự tấn công nào, cơ thể tạo ra các hormon giúp chúng ta phản ứng lại. Việc tiết adrenalin từ các tuyến thượng thận là một thí dụ. Chất này sẽ làm tăng nhịp tim, cũng như quá trình thông khí ở phổi, làm cuống phổi nở ra. Nó cũng làm tăng lượng glucose trong máu bằng cách làm giảm lượng glycogen dự trữ trong gan. Nhờ thế các cơ bắp được cung cấp năng lượng (glucose) và khí ôxy tốt hơn. Chỉ trong vòng vài giây, stress giúp nâng cao hiệu suất của các cơ bắp. Khi ta cần phải cố gắng nhiều trong một khoảng thời gian dài, như khi đua marathon chẳng hạn, stress còn kéo theo sự giải phóng chất endorphin, một loại ma túy tự nhiên làm giảm đau.

Như vậy có thể tưởng tượng rằng khi ta gặp nguy hiểm hay thử thách, cơ chế stress và các hiện tượng của nó như sự tăng nhịp tim, tăng hô hấp, sự trương lực, khả năng tự gây tê bị cài số làm cơ thể trở nên “sung” quá mức. Có thể thấy điều này ở những võ sĩ hay lực sĩ cử tạ trước khi thi đấu: Họ la hét, huýt sáo, xỉ vả chính mình, lồng lộn như cọp trong chuồng... Họ bất chợt bị một nguồn cảm xúc và năng lượng to lớn xâm chiếm. Dưới tác động của stress, một số nhà vô địch tự cho mình là bất khả chiến bại, cũng giống như trường hợp của Vivernot vậy. Anh kể lại rằng, trong suốt quãng thời gian lênh đênh giữa biển khơi và đêm tối, chống chọi với đau đớn và rét mướt, chưa có một phút giây nào anh tuyệt vọng và nghĩ đến cái chết cả!

Ý chí và stress là hai lời giải thích bổ sung cho nhau khi ta tự hỏi về nguồn gốc sức mạnh siêu nhân của con người. Cần phải luôn luôn tìm cách thích ứng với một hoàn cảnh nghiệt ngã. Nhưng chúng ta hình như đang đánh mất dần khả năng thích ứng đó. Ngày nay chúng ta sống trong một xã hội đầy đủ và dư thừa, nó làm chúng ta ảo tưởng về khả năng chịu đựng của chính mình. Khi mà xã hội không còn bao bọc chúng ta nữa, chúng ta dễ dàng xuôi tay ngay dù chỉ gặp một trắc trở cỏn con. Chính vì vậy mà các nhà khoa khuyên rằng, chúng ta có thể tự mình rèn luyện ý chí thành sắt đá và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cần phải bằng mọi giá tìm cho mình các lý do để sống và hy vọng!