Kiem tra ky thuat doi voi hang hóa nhập khẩu năm 2024

Tại dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu quy định cụ thể trình tự thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Kiem tra ky thuat doi voi hang hóa nhập khẩu năm 2024
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: Quang Hùng

Quy định trình tự kiểm tra

Theo đó, dự thảo quy định về vấn đề công bố hợp quy đối với hàng nhập khẩu gồm: Hàng hóa nhóm 2 theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải đăng ký bản công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật.

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký bản công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cổng thông tin một cửa quốc gia tự động cấp Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy (kèm mã số mã số đăng ký bản công bố hợp quy). Dựa trên mã đăng ký bản công bố hợp quy, tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp dấu hợp quy.

Hàng hóa đã đăng ký bản công bố hợp quy thì các lần nhập khẩu tiếp theo các tổ chức, cá nhân được sử dụng mã số đăng ký bản công bố hợp quy để thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng.

Về trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu đã công bố hợp quy, tại dự thảo quy định cụ thể từng trường hợp: hàng hóa nhóm 2, tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định biện pháp công bố hợp quy trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định biện pháp công bố hợp quy trên cơ sở kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Về trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu chưa công bố hợp quy, dự thảo nghị định quy định các nội dung: tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để giám định, chứng nhận hợp quy.

Tổ chức đánh giá sự phù hợp tiếp nhận và phản hồi cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ của bộ hồ sơ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia trong vòng 2 giờ làm việc.

Trong thời hạn 2 giờ làm việc kể từ khi có kết quả giám định, tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc được thừa nhận phải thông báo bản chứng nhận hợp quy trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Cơ quan Hải quan căn cứ kết quả chứng nhận hợp quy để quyết định việc thông quan hàng hóa theo quy định.

Các phương thức kiểm tra được quy định thế nào?

Phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng được quy định theo ba cấp độ: Phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm.

Trình tự kiểm tra chặt được quy định theo các bước sau: tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ kiểm tra và lựa chọn cơ quan kiểm tra.

Cơ quan kiểm tra thông báo việc áp dụng phương thức kiểm tra chặt trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cơ quan kiểm tra lực chọn tổ chức thử nghiệm lấy mẫu để thử nghiệm.

Tổ chức thử nghiệm thông báo kết quả trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong thời hạn 2 giờ làm việc kể từ khi có kết quả thử nghiệm.

Cơ quan Hải quan căn cứ kết quả thử nghiệm để thông quan hàng hóa.

Trình tự kiểm tra thông thường gồm các bước: tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ kiểm tra và lựa chọn cơ quan kiểm tra.

Cơ quan kiểm tra thông báo việc áp dụng phương thức kiểm tra trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ đăng ký kiểm tra.

Cơ quan Hải quan căn cứ thông báo kết quả kiểm tra để thông quan hàng hóa.

Về trình tự kiểm tra giảm, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ kiểm tra gồm giấy đăng ký kiểm tra và chứng từ chứng nhận cơ sở sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực (đối với lần đầu nhập khẩu hàng hóa từ cơ sở sản xuất này).

Trường hợp không thuộc diện kiểm tra ngẫu nhiên 5% thì Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận hồ sơ và phản hồi để làm thủ tục hải quan theo quy định.

Trường hợp thuộc diện kiểm tra ngẫu nhiên 5% thì thực hiện nộp hồ sơ và thực hiện trình tự kiểm tra theo phương pháp thông thường.

Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra Nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Song song đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, Nghị định 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ về biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Trên cơ sở đối chiếu hai dự thảo của hai đơn vị, bộ, ngành và tổng hợp ý kiến từ phía doanh nghiệp, đại diện Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã có phản hồi cụ thể về nội dung này.

Đề cập tới nội dung miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, dự thảo Nghị định về kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của Bộ Tài chính nêu rõ, hàng hóa là nguyên liệu được xác định theo từng mục đích nhập khẩu để xác định trường hợp nào là được miễn kiểm tra.

Đơn cử, nguyên liệu sản xuất thực phẩm nhập khẩu chỉ dùng để phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu không tiêu thụ tại thị trường trong nước; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan. Hoặc, hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công xuất khẩu, sản phẩm sản xuất xuất khẩu.

Trong khi đó, dự thảo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lại quy định, hàng nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu thụ nội địa trong trường hợp hàng hóa đã được quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương tương ứng sẽ được miễn kiểm tra chất lượng. Như vậy, là có sự khác nhau trong cách tiếp cận so với dự thảo Nghị định về kiểm tra hàng hóa nhập khẩu mà Bộ Tài chính đang xây dựng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, việc xác định nguyên liệu nhập khẩu được miễn kiểm tra chất lượng tại dự thảo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là chưa đủ rõ ràng để thuận tiện trong thực hiện. Vì cùng một loại hàng hóa nhưng trong một số trường hợp được xác định là “nguyên liệu”, một số trường hợp khác lại là hàng hóa.

Chẳng hạn, trường hợp 1, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy – những loại hàng hóa đã được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật thì lúc này linh kiện, phụ tùng được xem là nguyên liệu. Trường hợp 2 vẫn là linh kiện, phụ tùng nhập khẩu không phải để sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy mà được bán trên thị trường như một loại hàng hóa thì lại không được xem là nguyên liệu. Vì vậy, cần phải xác định rõ khái niệm về nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa nội địa đã có quy chuẩn kỹ thuật trong trường hợp được miễn kiểm tra như trong dự thảo.

Kiem tra ky thuat doi voi hang hóa nhập khẩu năm 2024

Cán bộ Chi cục Hải quan Tân Thanh kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh minh họa: Thái Thuần/TTXVN

Riêng đối với quy định miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu là các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh, dự thảo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đưa ra 2 phương án quy định về hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh hay còn gọi là hàng phi mậu dịch.

Theo đó, phương án 1, Chính phủ sẽ trao quyền cho Bộ Tài chính quy định cụ thể các loại hàng hóa này. Phương án 2 sẽ bỏ quy định hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh được miễn kiểm tra chất lượng.

Theo ông Tuấn, cả hai phương án đều chưa phù hợp với quy định tại dự thảo Nghị định về kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của Bộ Tài chính khi bộ này lại quy định các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh vẫn được miễn kiểm tra chất lượng. Như vậy, là lại có thêm sự chồng chéo, bất hợp lý giữa hai văn bản dự thảo.

Giữa hai dự thảo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và của Bộ Tài chính đang có một số quy định chưa thống nhất, kể cả những nội dung liên quan tới thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Từ đây, VCCI đề xuất, hai cơ quan soạn thảo cần có sự bàn bạc, cân nhắc, chỉnh sửa và hoàn thiện để xây dựng nội dung văn bản một cách thống nhất và dễ thực hiện, tránh mâu thuẫn, chồng chéo và bất cập trong thực hiện.