Khương Tử Nha Tân bảng Phong thần tên thật là gì

Bộ phim Tân bảng phong thần với sự góp mặt của dàn diễn viên ngôi sao Trần Kiện Phong, Khương Hồng, Trương Hinh Dư, Trương Địch, Trịnh Diệc Hồng... đã tạo nên cơn sốt trên truyền hình Trung Quốc năm 2014. Phim lấy bối cảnh từ sự suy vong của nhà Thương đến sự nổi dậy của nhà Chu và tập trung tái hiện lại những câu chuyện truyền kỳ về những nhân vật nổi tiếng trong truyền thuyết là Đát Kỷ và Trụ Vương.

Điểm lại những lý do khiến Tân bảng phong thần nhận được nhiều sự yêu thích khi đến Việt Nam và được phát sóng lúc 16h55 đến 18h30 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên kênh HTV7.

Trương Hinh Dư – Đát Kỷ “tai tiếng” nhất trong lịch sử

Có thể nói, nhân vật góp công lớn đưa bộ phim trở thành tâm điểm dư luận chính là hồ ly lẳng lơ Đát Kỷ phiên bản 2014 do “gái hư” Trương Hinh Dư thể hiện.


 Trương Hinh Dư trở thành Đát Kỷ "tai tiếng" nhất lịch sử truyền hình Trung Quốc.

Hinh Dư vốn là người đẹp để lại hình ảnh không mấy lành mạnh trong lòng khán giả. Cô có quá khứ ăn chơi, phong cách thời trang hở hang quá đà cùng những chuyện tình gây ồn ào.

Mới đây nhất, Hinh Dư được cho là lợi dụng tài tử Lý Thần để đánh bóng tên tuổi, sau khi yêu Lý Thần một thời gian rồi bỏ anh. Vì vậy, khi Hinh Dư đóng Đát Kỷ, không ít khán giả bình luận vai diễn này hợp với người đẹp và cho rằng cô chẳng cần nhọc công nghiên cứu cách diễn xuất.


 Vẻ đẹp của Đát Kỷ do Trương Hinh Dư đóng.

Thực tế, ngay từ khi tạo hình nhân vật Đát Kỷ được công bố, Trương Hinh Dư đã bị cư dân mạng “ném đá” tơi tả. Cộng đồng mạng cho rằng cô nàng không đủ đẹp ma mị để thể hiện vai diễn hồ ly Đát Kỷ.

Nhiều khán giả cho rằng tạo hình nhân vật của Trương Hinh Dư quá rườm rà, lòe loẹt. Thêm đó, vẻ đẹp hiện đại của cô bị cho là không phù hợp với phim cổ trang, thần thoại, thế nên khi đứng cạnh các diễn viên khác, Trương Hinh Dư trông có phần lạc lõng.


 Trương Hinh Dư gặp nhiều áp lực khi vào vai Đát Kỷ

Đáp lại những lời chỉ trích, Trương Hinh Dư thẳng thắn khẳng định: “Trước tôi đã từng có Ôn Bích Hà, Phạm Băng Băng, Lâm Tâm Như đóng vai Đát Kỷ. Họ quả thật khiến tôi cảm thấy may mắn khi mình được là người tiếp theo diễn vai này. Tuy nhiên, đã đến lúc quên đi cái bóng quá khứ của những diễn viên này để hướng đến những điều mới mẻ hơn. Tôi sẽ cố gắng hết sức để tạo ra một Đát Kỷ của riêng mình và không làm cho những người yêu mến tôi thất vọng”.

Trần Kiện Phong - Khương Tử Nha trẻ nhất màn ảnh

Bộ phim Tân bảng phong thần được chuyển thể từ tiểu thuyết thần thoại kinh điển Phong thần diễn nghĩa, lấy bối cảnh từ sự suy vong của nhà Thương đến sự nổi dậy của nhà Chu. Bộ phim xoay quanh câu chuyện cuộc đời của Khương Tử Nha - vốn được biết đến như một vị tướng tài ba, vĩ đại, góp phần lập nên nhà Chu kéo dài hơn 800 năm.


 Trần Kiện Phong vào vai Khương Tử Nha

So với các phiên bản cũ, Tân bảng phong thần mang tính đột phá hơn khi nhà biên tập mạnh dạn khai thác cuộc sống tình cảm của nhân vật Khương Tử Nha, điển hình là màn hôn lễ vui nhộn giữa Khương Tử Nha và Mã Chiêu Đệ.

Lúc mới quen nhau, chỉ có Mã Chiêu Đệ đơn phương yêu thầm Khương Tử Nha, sau đó trong đêm tân hôn cô còn ép Khương Tử Nha động phòng. Về phần Khương Tử Nha, sau đêm động phòng vì quá kinh sợ nên mái tóc trở nên bạc trắng.

Trong quá trình trừ yêu, Khương Tử Nha đã trải qua rất nhiều gian khó, Mã Chiêu Đệ vô tình gây ra những hiểu lầm, Khương Tử Nha từ chỗ Nguyệt Lão phát hiện dây tơ hồng của hai người quấn vào nhau nên mới chấp nhận mối nhân duyên này.


 "Tân bảng phong thần" phóng tác nhiều chi tiết mới so với các phiên bản cũ.

Tân bảng phong thần không chỉ mạnh dạn “phóng tác” cuộc sống tình cảm của Khương Tử Nha mà tạo hình nhân vật cũng có sự đột phá. Trong những bản phim trước, Khương Tử Nha thường xuất hiện với phong thái đạo mạo, râu tóc bạc phơ. Còn lần này, Khương Tử Nha do Trần Kiện Phong đảm nhận là một anh chàng điển trai, phong độ ngời ngời.

Ngô Trác Hàn: Trụ Vương “yêu tinh”

Trong phiên bản mới, nhân vật Trụ Vương giảm đi vẻ hiếu chiến của một ông vua thời loạn, tăng thêm vẻ phong lưu. Với kiểu trang điểm mắt khói khiến ánh mắt sắc bén như dao, “bạo chúa” Trụ Vương đã khiến cư dân mạng phải thốt lên: “Đát Kỷ vô tội, Trụ Vương mới giống… yêu tinh.”

Trụ Vương do Ngô Trác Hàn có tạo hình đầy yêu khí.

Trụ Vương do Ngô Trác Hàn thủ diễn là một ông vua háo sắc, giết người không chớp mắt, ánh mắt sắc lạnh cộng thêm kiểu trang điểm nhấn vào đôi mắt nên càng tỏa ra sát khí mạnh mẽ và đầy yêu khí, khiến nhân vật trở nên sống động có hồn.

Phong Thần Diễn Nghĩa được cho là tác phẩm của Hứa Trọng Lâm thời nhà Minh, đó là câu chuyện kể về nguồn gốc các vị thần tiên trong Đạo giáo, dựa trên một sự kiện lịch sử đó là việc nhà Châu lật đổ nhà Thương, đan xen vào đó các yếu tố thần thoại, thần tiên, yêu quái…

Tuy rằng yếu tố “Thiên mệnh”, “Số trời” trong Phong Thần được đề cao quá mức, khiến các nhân vật trong đó hành động tựa như những bộ máy, những quân cờ đã được sắp đặt trong một hệ thống “kịch bản” và “kết quả” có sẵn, nhưng Phong thần vẫn là một tác phẩm thú vị với việc xây dựng nên một thế giới kỳ ảo với những tiên gia, những thần thú, những cuộc đấu phép vô tiền khoáng hậu… Một hệ thống các nhân vật chính/tà lên đến hàng trăm nhân vật, bài viết sau chỉ có thể tập trung giới thiệu những nhân vật tiêu biểu nhất của bộ truyện.

Tam Thanh [Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thông Thiên Giáo Chủ]

Hồng Quân Lão Tổ là vị thánh từ thuở hồng hoang, có tất cả 3 đệ tử, gọi là Tam Thanh, bao gồm: Lão Tử là đại sư huynh, sau đến Nguyên Thủy Thiên Tôn, cuối cùng là Thông Thiên Giáo Chủ.

Trong đó, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thông Thiên Giáo Chủ thường hay xung khắc với nhau về quan điểm tu đạo. Nguyên Thủy Thiên Tôn làm chủ Ngọc Hư cung, lập ra Xiển Giáo, quan tâm đến việc lựa chọn kĩ càng những cá nhân ưu tú cả về khả năng và nhân cách để truyền dạy. Ngược lại, Thông Thiên Giáo Chủ, làm chủ Bích Du cung, lập ra Triệt Giáo, cho rằng mọi chúng sinh vạn vật đều có quyền học đạo, không câu nệ chính hay tà, sang hay hèn, vì thế thu nhận cả các loài muông thú làm học trò.

Còn Lão Tử, ít được nhắc đến, nhưng quan điểm cũng giống Nguyên Thủy Thiên Tôn, thường mấy lần nhảy xuống ăn hôi cùng nhau để “bắt nạt” Thông Thiên Giáo Chủ.

Bảng Phong Thần được lập ra, vốn là đã có thỏa thuận trước của ba vị tam thanh, sẽ không can thiệp vào đại cục, thế nhưng thấy học trò phe mình chết nhiều, bị phe Xiển Giáo coi thường, đè nén, Thông Thiên Giáo Chủ nổi giận, không màng đến số mệnh, lập ra hai trận đồ trứ danh là Tru Tiên và Vạn Tiên để ngăn cản quân Tây Kỳ, thông qua đó là muốn đấu cao thấp với Nguyên Thủy Thiên Tôn.

Tiếc là Nguyên Thủy Thiên Tôn liên minh với Lão Tử, lại được mấy vị cao tăng ở Tây Phương như Chuẩn Đề, Tiếp Dẫn đến hỗ trợ, Thông Thiên Giáo Chủ dù tài giỏi cũng không thắng nổi, cả 2 trận Tru Tiên và Vạn Tiên đều thua thảm hại, học trò ưu tú kẻ thì bị giết, kẻ thì bị thu phục thành thú cưỡi cho đối phương. Thông Thiên Giáo Chủ hận lắm, đinh lập thêm trận nữa quyết sống chết một phen, may có Hồng Quân Lão Tổ giáng thế, đứng ra giảng hòa, không cho ba đệ tử can thiệp vào chuyện phàm trần nữa.

Trụ Vương

Trụ Vương tên cúng cơm là Ân Thọ, là đời vua thứ 28 và cũng là cuối cùng của nhà Thương. Tương truyền Ân Thọ sức khỏe vô địch, từng tay không nhổ được cả cột đình lên, chính vì vậy nên tuy là con út, Ân Thọ lại được tiên vương truyền ngôi cho kế nghiệp, gọi là Trụ Vương

Ban đầu Trụ Vương trị vì, cũng được coi là một vị vua anh minh, thiên hạ thái bình thịnh trị. Một ngày nọ đi miếu thờ bà Nữ Oa, thấy tượng Nữ Oa đâm ra mê mẩn, viết một bài thơ tán tỉnh.

Bà Nữ Oa thấy mình bị đùa cợt thế thì giận lắm, định vào tận hoàng cung vật chết vua Trụ, nhưng bị 2 đạo hào quang ở đâu cản lại, chính là 2 đạo hào quang phát ra từ người 2 hoàng tử Ân Giao và Ân Hồng. Nữ Oa xem thế biết khí số nhà Thương còn kéo dài được thêm hơn 20 năm nữa, mới về triệu hồi mấy con yêu quái ở mả Hoàng Đế đến, xui chúng trà trộn vào cung cấm, hãm hại Trụ vương. Tuy đã căn dặn chúng không được tàn hại bá tánh, nhưng khuyến khích đám yêu quái giả dạng hãm hại người khác, chẳng khác gì vẽ đường cho hươu chạy, bà Nữ Oa có quá ngây thơ? Thế mới biết, chọc giận phụ nữ là một hành động tai hại như thế nào?

Trụ Vương từ khi có Đát Kỷ [Hồ Ly Tinh] thì trở nên ham mê tửu sắc, yến tiếc, chẳng thiết việc triều chính, lại làm hàng loạt hành động tàn ác, giết hại trung thần, tàn sát lương dân, giết hại cả chính cung hoàng hậu, dứt tình phụ tử với 2 hoàng tử… vì vậy mà các trấn chư hầu nổi loạn, dẫn đến sự trỗi dậy của nhà Châu ở Tây Kỳ. Trụ Vương ngày đêm yến tiệc với người đẹp, chẳng quan tâm đến tình hình sa tường, cho đến khi quân Tây Kỳ kéo vào sát cửa kinh thành rồi, vẫn mải mê không hay gì.

Kể ra thì Trụ Vương cũng có chút bản lĩnh, suốt ngày rượu chè gái gú, party thâu đêm, gần gũi toàn yêu tinh ma quỷ nhưng sức lực không hề suy nhược, vẫn mặc giáp cầm binh khí, xông ra tử chiến một trận với quân Tây Kỳ, một mình quần nhau với các tướng, sức mạnh không phải tầm thường. Tiếc là “Mãnh hổ nan địch quần hồ”, Trụ Vương thua trận, lúc đó mới hối hận thì muộn, đứng trên lầu cao tự thiêu, kết thúc 28 đời cơ nghiệp nhà Thương.

Đát Kỷ

Tô Đát Kỷ, vốn là ái nữ của Ký Châu hầu Tô Hộ. Vì Tô Hộ không đút lót cho đám nịnh thần trong triều, khiến chúng bày mưu hãm hại, xui Trụ Vương bắt Đát Kỷ vào cung làm thiếp.

Tô Hộ tính tình cương trực, nhất quyết không chịu, suýt thì tạo phản, may mà Đát Kỷ là người hiểu lý lẽ, tình nguyện xin vào cung để tránh nạn binh đao. Thương thay cho nàng Đát Kỷ trên đường nhập cung bị con hồ ly tinh ở mả Hoàng Đế đoạt hồn cướp xác. Kể từ đó trở đi, Đát Kỷ thực chất là con yêu hồ, phụng mệnh Nữ Oa tiếp cận Trụ Vương để phá cơ nghiệp nhà Thương.

Đát Kỷ nhan sắc tuyệt trần, nhanh chóng hớp hồn vua Trụ, bảo sao được vậy. Tính ả vô cùng tàn ác, bày ra đủ mọi loại công cụ hành hình để giết hại trung thần dã man như Bào Lạc [cột đồng đốt người], Sái Bồn [bể rắn độc để ném cung nữ xuống]… lại đòi xây lầu Trích Tinh để giao lưu với thần tiên…Tất tần tật đều là mấy trò lừa gạt Trụ Vương cả. Sau này lại rủ thêm 2 đứa bạn là Hồ Hỉ Mị – con chim trĩ 9 đầu và  Ngọc Mỹ Nhân – cây tỳ bà thành tinh vào cung thác loạn đập phá. Cuối truyện, quân Tây Kỳ đánh vào Triều Ca, Trụ Vương mất nước, đám yêu quái này cũng mặc giáp cầm khí giới ra đánh một trận nhưng không lại, định tìm đường chạy về hang ổ cũ, bị Nữ Oa bắt. Riêng Đát Kỷ là hồ ly tu luyện ngàn năm, đạo hạnh cũng cao thâm, khi bị lôi ra chém đầu, dùng năng lực mê hoặc, khiến tất thảy đám nam nhân từ đao phủ cho đến binh lính, chiến tướng, ngay đến Tử Nha cũng động lòng, không ai nỡ xuống tay với một tuyệt sắc giai nhân. Sau phải dùng đến kiếm phép của Lục Yểm, tự động chém đầu, mới trừ được Đát Kỷ. Ả ta chết rồi, cả đám nam nhân vẫn ngẩn ngơ ra đấy, tựa như trong lòng vừa có thêm 1 khoảng trống :]]

Tây Bá Hầu Cơ Xương cai quản đất Tây Kỳ, nổi tiếng là người nhân đức thương dân. Khi ông trị vì, nghe đồn cả vùng Tây Kỳ không có lấy một tiếng cãi nhau ngoài chợ, quan dân một lòng yêu nước, tuân theo lề luật, không gian tham, không trộm cắp. Theo truyện viết, Cơ Xương trời sinh dị hình, có 4 cái vú trên người, có tất thay 24 bà vợ, sinh được 99 người con trai.

Bá Ấp Khảo

Con cả của Cơ Xương, nổi tiếng đẹp trai tuấn tú, lại có tài gảy đàn thần sầu. Bá Ấp Khảo nóng lòng muốn cứu cha khỏi cảnh tù giam, đem lễ vật đến Triều Ca xin chuộc cha về. Đát Kỷ nhìn thấy Bá Ấp Khảo ngon trai thì mê lắm, lấy cớ muốn tập gảy đàn, định thả thính nhưng bị anh này cư tuyệt thính mồi, trong lòng cay cú, tìm cách hãm hại, khiến Bá Ấp Khảo bị vua xử tử. Độc ác hơn, Đát Kỷ còn lấy thịt Bá Ấp Khảo đem làm nhân bánh cho Cơ Xương ăn để thử lòng. Cơ Xương phải nén lòng giả ngây, ăn thịt con mà không dám khóc một câu, về sau trốn được về nước, thương con mà nôn ra thịt, thịt đấy lại biến thành thỏ.

Cơ Phát

Cơ Phát là con trai thứ của Cơ Xương. Sau khi cha và huynh trưởng chết, Cơ Phát lên kế nhiệm chức Tây Bá Hầu, sau tự xưng Võ Vương, trở thành gương mặt đại diện cho phong trào “Phạt Trụ”, tụ hội hơn 800 trấn chư hầu lớn nhỏ tiến vào Triều Ca vấn tội Trụ Vương. [tuy vậy không phải làm gì mấy vì Tử Nha và chư vị thần tiên lo liệu cho hết rồi]. Sau khi lật đổ Trụ Vương thì Võ Vương được các chư hầu suy tôn lên làm vua, lập ra nhà Châu, đúng với thiên mệnh,  thiên hạ từ đấy mà được thái bình.

Là một trong những nhân vật trung tâm của bộ truyện. Tên cúng cơm là Khương Thượng, là đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn, Tử Nha lên núi tu luyện từ năm 23 tuổi, đến năm đó là đã bước sang tuổi 72, sư phụ sai xuống núi giúp nhà Châu phạt Trụ.

Khương Tử Nha tu hành cả đời trên núi, chưa va chạm bao giờ, giờ xuống trần không biết làm việc gì để sinh nhai, phải sống nhờ nhà bạn, lấy vợ cũng bị vợ bỏ,  chê là bất tài. Về sau mới phát hiện ra có tài bói toán xem quẻ, trừ ma diệt quỷ, được tiến cử vào cung làm chức quan trông coi thiên văn.

Trụ Vương muốn xây cất lộc đài cho Đát Kỷ, bắt Tử Nha làm quan đốc công. Tử Nha không chịu, bỏ trốn khỏi Triều Ca, trốn đến Tây Kỳ, ngày ngày ngồi câu cá đợi thời cuộc. Thế rồi quả nhiên sau này Văn Vương đến mời Tử Nha về làm thừa tướng, trở thành bài học đạo đức rằng không bao giờ là quá muộn để start-up!

Sau khi Văn Vương Cơ Xương qua đời, Tử Nha tiếp tục phò trợ Võ Vương Cơ Phát, thống lĩnh quân đội Tây Kỳ cự nhau với nhà Thương, cũng nhiều phen vất vả, nằm gai nếm mật, nhưng nhờ có chư vị thần tiên và các tướng giỏi giúp sức, cũng kéo quân vượt qua 5 ải, vượt sông Hoàng Hà, hội các trấn chư hầu, đem quân vào Triều Ca vấn tội Trụ Vương, giúp Cơ Phát lên ngôi hoàng đế, hoàn thành bá nghiệp, cũng là hoàn thành bảng Phong Thần theo thiên mệnh . Tử Nha được phong hầu, người đời gọi là Khương Thái Công, cai quản nước Tề.

Khi ra trận, Khương Tử Nha thường cưỡi linh thú Tứ Bất Tượng, binh khí thì có cây roi Đả Thần [gặp thần tiên tự động đánh] và cờ Hạnh Quỳnh – – giúp bảo vệ chủ nhân khỏi bùa phép, gươm đao.

Xiển Giáo Thập Nhị Đại Tiên

Là 12 vị tiên gia của Xiển giáo, học trò của Nguyên Thủy Thiên Tôn, vị nào đạo hạnh cũng mấy trăm năm đến cả ngàn năm. Các tướng giỏi của Tây Kỳ như Na Tra, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử, Vi Hộ, Kim Tra, Mộc Tra… đều là đệ tử của các vị này.

Các đại tiên Xiển Giáo được Nguyên Thủy Thiên Tôn giao trọng trách phò trợ nhà Châu, hỗ trợ cho Khương Tử Nha hoàn thành bảng Phong Thần đúng hạn định. Không chỉ biết đứng ngoài “bơm” đồ ngon cho đám đệ tử đánh nhau Trên thực tế, có rất nhiều trận, Tử Nha và chư tướng Tây Kỳ gặp nạn, nếu không có mấy vị đại tiên này ra tay tương trợ thì đại nghiệp cũng chẳng thành được.

Tiêu biểu như ở trận Thập Tuyệt, thái sư Văn Trọng mời Thập Đại Thiên Quân là nhóm 10 đại tiên của Triệt Giáo đến hỗ trợ, lập ra 10 trận đồ gọi là Thập Tuyệt Trận để ngăn cản quân Tây Kỳ, phân tài cao thấp với các tiên bên Xiển Giáo, chấn động toàn cõi tam giới. Trận này người thường vào lập tức mất mạng, phải nhờ đến 12 vị đại tiên Xiển Giáo, cộng thêm Nhiên Đăng đạo nhân là vị thứ 13 đến hỗ trợ, mới phá được trận.

Bá Giám

Từng giữ chức tổng binh từ thời vua Hiên Viên Hoàng Đế đi đánh Xi Vưu, chết trận, linh hồn bị đày ở biểnĐông cả ngàn năm chưa được siêu thoát, được Khương Tử Nha cứu độ, trở thành vị quan đốc công chịu trách nhiệm trông coi bảng Phong Thần.

Quan tổng binh trấn giữ ải Trần Đường, Lý Tịnh vốn là đệ tử của Độ Ách Chân Nhân ở núi Côn Lôn. Lý Tịnh sinh được 3 con trai là Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra, đều là danh tướng lập công cho nhà Châu. Ban đầu vốn có hiềm khích với đứa con út Na Tra, về sau hai cha con cởi bỏ oán thù, cùng nhau phò trợ Tử Nha.

Lý Tịnh được Nhiên Đăng tặng cho bảo bối là Tháp Lung Linh, khi niệm chú thì có thể phóng to ra bắt giữ đối phương [ban đầu cũng nhờ có bảo bối này mà thu phục được Na Tra]. Sau khi nhà Châu diệt nhà Thương, Võ Vương lên ngôi, Lý Tịnh lại về núi tu luyện, về sau tu thành chính quả, được lên thiên giới, phong làm Thác Tháp Thiên Vương.

Na Tra

Bất tất phải kể nhiều về nhân vật này. Na Tra là con út của Lý Tịnh, nhưng thực chất là trái Linh Châu Tử của cung Ngọc Hư đầu thai xuống trần. Na Tra ngay từ khi sinh ra đã một tay cầm vòng Càn Khôn, một tay cầm dải Hỗn Thiên, đều là thần khí cả. Từ nhỏ sức khỏe đã hơn người, lại có tính hiếu thắng, ngỗ nghịch, gây sự với Tứ hải Long vương, giết chết thái tử Ngao Bính và đệ tử của Thạch Cơ, gây họa khắp nơi, phải quyên sinh để khỏi liên lụy cha mẹ, linh hồn được Thái Ất Chân Nhân gá vào hoa sen, từ đó mà thành hình người.

Na Tra sau khi đầu quân Tây Kỳ thì trở thành một trong những tướng tiên phong mạnh nhất, lập nhiều chiến công. Mỗi lần xuất trận là hóa ba đầu sáu tay, trông vô cùng hung dữ, trên tay thì có Càn Khôn Quyện, Hỗn Thiên Lăng, Đả Tiên Kim Chuyên, Cửu Long Thần Hỏa Trạo, Song Kiếm Âm Dương, Hỏa Tiêm Thương,  dưới chân thì có Phong Hỏa Luân, toàn là vũ khí hạng nhất, có thể nói là nhân vật sở hữu nhiều “đồ” ngon nhất truyện . Na Tra cơ thể lại làm từ sen, không có cốt nhục, vì vậy thường miễn nhiễm với mấy phép nhiếp hồn của đối phương, cũng được coi là một lợi thế.

Kim Tra – Mộc Tra

Kim Tra là con cả của Lý Tịnh, học trò của Văn Thù, còn Mộc Tra là con thứ, học trò của Phổ Hiền. Cả 2 anh em đều có bản lĩnh cao cường, là các tướng trụ cột của nhà Thương. Kim Tra có bảo bối là dây Độn Long, Mộc Tra thì sử một cặp bảo kiếm Ngô Câu. Cả hai nhiều lần lập công, chém tướng, tiêu biểu là trận ải Du Hồn có tướng Đậu Binh trấn giữ, Đông Bá Hầu Khương Văn Hoán và 200 trấn chư hầu thường đánh phá ngót 20 năm không phá được. Tử Nha cắt cử 2 anh em Kim – Mộc Tra đến giúp đoạt ải này, hai người bày mưu kế giả làm đạo sĩ đến giúp Đậu Binh, dễ dàng đoạt ải.

Lôi Chấn Tử

Năm ấy khi Tây Bá Hầu Cơ Xương được triệu tập đến Triều Ca, dọc đường đi qua núi Yên Sơn, trời đang nắng chang chang bất chợt mây đen kéo đến, sấm đánh vang trời. Cơ Xương có tài xem bói, bấm tay biết rằng sét đánh lớn thế tất có thiên tướng ra đời, sai quân lính đi tìm, quả nhiên tìm được 1 đứa bé sơ sinh, tiếng khóc oang oang, mắt sáng như sao, Cơ Xương bèn nhận làm con nuôi, đặt tên là Lôi Chấn Tử.

Lôi Chấn Tử được Vân Trung Tử thu nhận làm đệ tử, tu luyện ở núi Chung Nam. Một lần trót ăn phải trái hạnh đào lạ, bỗng dưng sau lưng mọc ra đôi cánh, khuôn mặt cũng bị biến dạng, mặt xanh, mắt đỏ lông lá đầy mình, trông không khác gì thiên lôi. Vân Trung Tử viết 2 chữ “Phong” – “Lôi” vào 2 bên cánh, Lôi Chấn Tử từ đấy biết bay. Sau này Cơ Xương chạy thoát khỏi Triều Ca, gặp nạn ở ải Lâm Đồng, cũng là Lôi Chấn Tử đến cứu.

Lôi Chấn Tử biết dùng sấm sét, lại có lợi thế trên không, là một tướng quan trọng của Tây Kỳ, sau khi chiến tranh kết thúc thì về núi tu luyện, không thấy nhắc thêm nữa.

Dương Tiễn

Dương Tiễn là học trò của Ngọc Đỉnh Chân Nhân, gọi Khương Tử Nha bằng sư thúc, được sư phụ cử xuống giúp quân Tây Kỳ. Dương Tiễn võ nghệ hay phép thuật đều tinh thông, biết đủ 72 phép biến hóa, lại là người thông minh mưu lược, thực sự có thể coi là tướng mạnh nhất mà Tử Nha có được.

Dương Tiễn nhiều lần lập đại công, giết được kha khá tướng địch như Châu Tín, Dư Hóa, Ôn Lương, Quách Thần, Mai Sơn Thất Quái… Lúc ra trận, Dương Tiễn thường sử dụng thanh Tam Tiêm Thương [ngọn thương do con giao long 3 đầu hóa thành],  lại có thể triệu hồi con Hạo Thiên Khuyển xông vào cắn cổ đối phương, vô cùng lợi hại. Sau khi phạt Trụ thành công, Dương Tiễn cũng rời trần thế, lên núi tu luyện.

Vi Hộ

Vi Hộ là đệ tử của Đạo Hạnh Thiên Tôn, tu luyện ở núi Kim Đình, vâng lệnh thầy xuống núi giúp Khương Tử Nha phạt Trụ, trở thành một trong cách chiến tướng của Tây Kỳ. Dọc đường đi bắt gặp thầy trò Lữ Nhạc thua trận chạy trốn, Vi Hộ tiện tay giết chúng lập công.

Họ Vi sử dụng một binh khí gọi là Giáng Ma Xử [tựa như cái chày], mỗi lần quăng ra thì tự động phóng lớn, có thể đè nát địch thủ, vô cùng nguy hiểm. Sau khi phạt Trụ thành công, Vi Hộ về núi tiếp tục tu luyện, ngày sau cũng thành chánh quả.

Thân Công Báo

Vốn là đệ tử Xiển Giáo nhưng không giống như những học trò khác của Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thân Công Báo có một tư tưởng rất táo bạo, không chấp nhận cái gọi là “số trời đã định” như những người tu hành khác.

Theo quan điểm của Thân Công Báo, “Khí số” hay “Thiên mệnh” chẳng qua chỉ là lời mị hoặc, gạ gẫm của những giáo hệ độc tài muốn tác oai tác quái trên thế gian. Cũng như theo y thì tà đạo hay chính đạo thì đều là đạo cả, và những tà đạo cũng chỉ là cách quy chụp những tư tưởng đi ngược lại với giáo hệ độc tài.

Chính vì những tư tưởng như vậy, Thân Công Báo cãi số mệnh, phò nhà Thương diệt nhà Châu. Trong suốt câu chuyện Phong Thần, hắn rất ít khi xuất đầu lộ diện mà thường đứng sau giật dây các kỳ nhân dị sĩ, khích tướng, đặt điều gièm pha, xui khiến các nhân vật khác đến phò Thương đánh Tây Kỳ, kể ra bản lĩnh thuyết khách cũng không phải vừa.

Sau trận Vạn Tiên, khi mọi kế hoạch của Thân Công Báo đều thất bại, hắn bị Nguyên Thủy Thiên Tôn bắt trói và đem dìm xuống Bắc Hải. Linh hồn Thân Công Báo lên bảng Phong Thần, được phong làm Phân Thủy Tướng Quân, lo cai quản các dòng nước nóng lạnh hai mùa ở Đông Hải.

Long Tu Hổ

Vốn cha là giống rồng, mẹ lại là loài lợn, nên đẻ ra Long Tu Hổ hình dung kì dị như vậy, ai nhìn cũng khiếp đảm. Long Tu Hổ nghe lời xúi giục của Thân Công Báo, nói rằng ăn thịt Khương Tử Nha có thể sống cả ngàn năm, vì thế mà mai phục tấn công Tử Nha bị Tử Nha thu phục, bái Tử Nha làm sư phụ, trở thành chiến tướng của Tây Kỳ, có tài tay không ném ra đá tảng rất tài tình. Về sau bị tướng nhà Thương là Ô Văn Hóa giết chết, hồn bay lên bảng Phong Thần, được phong Cửu Xủ Tinh.

Trương Quế Phương

Đương nắm vị trí quan tổng trấn ải Thanh Long, Trương Quế Phương được triều đình gọi về cầm quân đi đánh Tây Kỳ.

Họ Trương là tướng giỏi dùng binh, võ nghệ siêu quần, hơn nữa lại có tà thuật thu hồn rất lạ. Trong khi giao chiến, nếu biết được tên của đối thủ, hắn chỉ cần gọi to tên người đó lên thì người bị gọi lập tức ngã ngựa, tinh thần mê man bải hoải như trúng tà, vì thế mà Trương Quế Phương nổi tiếng ngoài chiến trường, bắt tướng địch dễ dàng như lấy đồ trong túi. Mấy tướng của Tây Kì đều bị hắn thu phục. Về sau đụng độ với Na Tra, họ Trương đánh không lại, giở tà thuật này ra nhưng không ăn thua. Thì ra phép thu hồn này chỉ có tác dụng với người trần mắt thịt, còn Na Tra cơ thể vốn từ hoa sen, không phải xương thịt con người nên miễn nhiễm.

Dù bại trận, nhưng Trương Quế Phương cũng xứng là anh hùng hảo hán, tả xung hữu đột giữa vòng vây, solo với cả đám tướng phe Tây Kì, lúc sức cùng lực kiệt thì tự sát, nhất quyết không chịu quy hàng. Linh hồn lên bảng Phong thần, được phong Tán Môn Tinh.

Phong Lâm

Nhân vật này là tướng tiên phong dưới trướng Trương Quế Phương, tóc đỏ như máu, mặt xanh như chàm, tướng tá trông khá là quỷ dị. Bản lĩnh võ nghệ cũng ở mức tầm tầm nhưng lại biết sử dụng tà thuật, khi niệm chú sẽ phụt ra một trái châu từ lỗ mũi, tự động bay đến đánh vào đối phương, bị tướng Hoàng Thiên Tường bên Tây Kì giết, linh hồn lên bảng Phong thần, được phong Điều Khách Tinh.

Cửu Long Đảo Tứ Thánh

Là 4 vị đạo sĩ, bạn hữu của thái sư Văn Trọng, được mời đến chinh phạt quân Tây Kì, bao gồm 4 người: Vương Ma, Dương Sum, Lý Hưng Bá, Cao Hữu Càng. 4 nhân vật này pháp thuật cao cường, hình dung lại cổ quái, người thì mắt đen râu đỏ lông mày vàng, người thì cao lớn, mặt đỏ… dân chúng Triều Ca ai nhìn thấy cũng khiếp vía.

Tứ Thánh khi ra trận đều cưỡi 4 con quái thú vô cùng hung dữ đáng sợ. Vương Ma cưỡi một con thú gọi là Bê Ngang, Dương Sum cưỡi một con gọi là Ton Nghê, Lý Hưng Bá cưỡi một con gọi là Trạnh Nanh,  còn Cao Hữu Càng cưỡi một con beo gấm lớn.

Khi đám quái thú vừa xuất hiện, ngựa chiến của Tây Kì đều nhất loạt sợ hãi, hoảng loạn, hất ngã người cưỡi. Ngay cả Khương Tử Nha là chủ tướng, uy phong như vậy, cũng ngã oạch xuống đất, làm trò cười cho Tứ Thánh.

Tử Nha thấy yếu thế, phải xin đình chiến, lén về cầu cứ sư phụ Nguyên Thủy Thiên Tôn, được trao cho một con thần thú là Tứ Bất Tượng cùng cây roi Đả Thần để chọi lại Tứ Thánh. Cuối cùng, Vương Ma và Dương Sum bị Kim Tra chém, Cao Hữu Càng bị roi Đả Thần của Tử Nha đánh chết, còn Lý Hưng Bá chạy trốn được thì giữa đường gặp Mộc Tra, cũng bị chém bay đầu. Thế là xong đời Tứ Thánh. Linh hồn cả 4 bay lên bảng Phong Thần, được phong làm Tứ Thánh Đại Nguyên Soái, phục vụ ở điện Linh Tiêu.

Ma Gia Tứ Tướng

Bao gồm 4 huynh đệ nhà họ Ma, trấn giữ ải Giai Mộng. Khi các tướng nhà Thương liên tiếp bị Khương Tử Nha đánh bại, thái sư Văn Trọng đã cho mời nhóm này về cầm quân đánh với Tây Kì. Cả 4 huynh đệ không những có tài cầm quân, bản lĩnh võ nghệ cao cường mà còn sở hữu những bảo bối, thần binh vô cùng uy lực, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của họ. 4 người bao gồm:

– Ma Lễ Thanh: sử dụng một thanh thần kiếm gọi là Thanh Vân kiếm. Kiếm này có bùa phép, mỗi lần niệm chú thì điều khiển được cả gió, lửa, bắn ra hàng vạn mũi kiếm, có thể đoạt mạng nhiều người cùng lúc, uy lực rất kinh khủng.

– Ma Lễ Hồng: sở hữu cây dù Hỗn Nguyên. Trên cây dù có đính 10 viên thần châu, mỗi lần mở dù ra thì khiến trời đất chao đảo, mây đen mù trời, mọi binh khí đều có thể bị hút vào.

– Ma Lễ Hải: mang theo một cây đàn tỳ bà, 4 sợi dây đàn chia làm Địa, Thủy, Phong, Hỏa, mỗi lần gảy đàn là phong hỏa nổi lên, sức công phá không thua kém gì Thanh Vân kiếm.

– Ma Lễ Thọ: nuôi một con chuột trắng là Hoa Hồ Điêu, mỗi lần tung ra có thể biến thành sinh vật có cánh, to như con voi, dễ dàng ăn thịt quân địch.

Ma Gia Tứ Tướng là những nhân vật đầu tiên đánh cho quân Tây Kì cùng Khương Tử Nha thua liểng xiểng, quân Tây Kì chết phân nửa, các tướng như Na Tra, Mộc Tra… cũng phải thua chạy. Thành Tây Kì bị vây hãm hơn 1 năm trời. Đáng tiếc do Khương Tử Nha được các thần tiên hỗ trợ nhiều nên việc vây hãm Tây Kì không thành công, 4 huynh đệ chết cả trong một trận bởi Hoàng Thiên Hóa [sử dụng cây đinh 7 tấc Toàn Tâm, đâm xuyên tim cả 4 người].

Linh hồn 4 huynh đệ bay lên bảng Phong Thần, vì đều là chiến tướng có bản lĩnh cao cường, nên được phong làm Tứ Đại Thiên Vương – hộ pháp thiên giới. Ma Lễ Thanh được phong là Tăng Trưởng Thiên Vương, Ma Lễ Hồng là Quảng Mục Thiên Vương, Ma Lễ Hải là Đa Văn Thiên Vương, Ma Lễ Thọ làm Trì Quốc Thiên Vương.

Văn Trọng

Văn thái sư được coi là trọng thần trụ cột của nhà Thương, văn võ song toàn, cầm binh ngoài sa trường hay giải quyết việc nội chính đều mạnh bạo dứt khoát, không chỉ bá quan văn võ mà Trụ Vương cũng phải vị nể đôi phần, không dám làm càn. Chỉ tiếc là Văn thái sư bận đánh dẹp phản loạn ở biên giới, vắng mặt trong triều nhiều năm, nên lũ gian thần mới có cơ trỗi dậy, Trụ Vương vì thế mà sa đọa, cũng là do khí số triều Thương đã tàn.

Văn Thái Sư là đệ tử của bà Kim Linh Thánh Mẫu bên Triệt giáo, trên trán có con mắt phép, có thể nhìn xa trăm dặm, sức mạnh ngang ngửa mắt phép của Dương Tiễn, lại có cặp roi trống-mái tương truyền là do rồng biến hóa ra, có thể gọi cả sấm sét, ra trận thường cưỡi hắc kỳ lân, trông vô cùng uy nghiêm, bá đạo. Tiếc là số mệnh đã an bài, Văn Trọng dù tài giỏi đến mấy, cũng không bằng Tử Nha được chư tiên xuống giúp sức, đến sau cùng cũng thất trận, Văn Trọng chạy được đến núi Tuyệt Long thì bị mấy đại tiên bên Xiển giáo vây đánh phải vong mạng.

Văn thái sư một đời trung nghĩa vì nước, đến lúc chết linh hồn vẫn còn bay về Triều Ca báo mộng cho Trụ Vương, khuyên răn vua chăm lo việc triều chính, rồi mới bay lên bảng Phong Thần, được phong Cửu Thiên Nguyên Lôi, cai quản 24 vị Thiên Quân xem gió, mưa, mây, chớp.

Hoàng Phi Hổ

Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ là đại thần trấn quốc nhà Thương, nổi tiếng là người uy dũng, trung nghĩa, dưới trướng rất đông gia binh tùy tướng theo hầu.

Hoàng Phi Hổ vốn dĩ một lòng trung thành với triều đình, cho đến khi vợ mình bị Trụ Vương tròng ghẹo rồi hại chết trên Lộc Đài, khiến Hoàng Phi Hổ căm phẫn, đem hết gia quyến, tâm phúc kéo sang Tây Kỳ đầu quân, được Tử Nha ghi vào hàng khai quốc công thần cho nhà Châu.

Võ Thành Vương đúng là theo thờ vua nào cũng vì nước quên thân. Hoàng Phi Hổ có bốn người con trai là Hoàng Thiên Hóa, Hoàng Thiên Lộc, Hoàng Thiên Tước, Hoàng Thiên Tường thì chết mất 3 người ngoài sa trường, chỉ còn Hoàng Thiên Tước được gọi về Tây Kỳ tránh nạn binh đao để giữ hương lửa nhà họ Hoàng.

Ngay chính Hoàng Phi Hổ chém tướng lập công nhiều phen, cũng bị Trương Khuê giết tại thành Dẫn Trì, linh hồn lên bảng Phong Thần, được phong là Thần Ngũ Nhạc, cai quản 5 ngọn núi, hiệu là Đông Nhạc Thái Sơn.

Hoàng Thiên Hóa

Hoàng Thiên Hóa sử dụng một thanh thần kiếm gọi là Mật Tà, đồng thời còn có bảo bối là Hỏa Long Phiêu [tịch thu được của Trần Đồng], ra trận thường cưỡi thần thú Ngọc Kỳ Lân.

Con trai cả của Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ. Nguyên là năm xưa có vị đạo nhân là Thanh Hư ở núi Thanh Phong, đằng vân đi qua Triều Ca, bắt gặp một luồng hào quang xông lên, hóa ra là của cậu bé Thiên Hóa. Biết là cơ duyên, Thanh Hư dùng phép thổi gió đưa Hoàng Thiên Hóa về động, thu nhận làm đệ tử, truyền dạy phép thuật.

Khi Hoàng Phi Hổ phản lại Trụ Vương, chạy trốn đến Tây Kỳ, giữa đường bị tướng trấn ải là Trần Đồng đánh cho vong mạng. Thanh Hư đạo nhân đã cử Hoàng Thiên Hóa đem linh dược đến cứu cha, lại giúp đánh thắng Trần Đồng.

Về sau cũng đến đầu Châu phạt Trụ, trở thành một trong những tướng tiên phong của Tây Kỳ, có công giết nhóm Ma Gia Tứ Tướng.

Hoàng Thiên Hóa sau bị tướng địch là Cao Kế Năng giết ở Tam Sơn, linh hồn lên bảng Phong Thần, được phong Bỉnh Linh Công, Tam Sơn Chánh Thuận, cai quản 3 trái núi.

Sùng Hắc Hổ

Là em trai của Bắc Bá Hầu Sùng Hầu Hổ, trái ngược với gã anh là kẻ lỗ mãng, toan tính, không biết phải trái trắng đen, Sùng Hắc Hổ vừa có bản lĩnh võ nghệ, tính tình lại điềm đạm, biết dĩ hòa vi quý. Thuở nhỏ theo học phép tiên của Triệt giáo nên cũng có bản lĩnh hơn người, ra trận thường đem theo một bình hô lô sau lưng, có thể biến hóa ra nhiều phép lạ.

Về sau cũng chạy sang phò trợ nhà Châu, tiếc rằng bị Trương Khuê giết ở thành Dẫn Trì. Linh hồn Sùng Hắc Hổ bay lên bảng Phong Thần, được phong là Nam Nhạc Hoàng Sơn, Tư Thiên Chiêu Thánh.

Là bạn hữu của Văn Trọng thái sư, tu luyện trên núi Nga Mi, bản  lĩnh phép thuật vô cùng cao cường. Văn thái sư đánh thua mấy trận, sực nhớ ra nhân vật này nên đến cầu cứu.

Triệu Công Minh cưỡi cọp đen ra trận, oai phong lẫm liệt, dễ dàng đả bại Khương Tử Nha và các tướng khác. Họ Triệu mang theo trong mình kha khá bảo vật thần binh, liên tiếp đánh bại 6 vị đại tiên bên Xiển giáo là Hoàng Long chân nhân, Xích Tinh Tử, Quảng Thành Tử, Đạo Hạnh Thiên Tôn, Ngọc Đỉnh Chân Nhân, Nhiên Đăng Đạo Nhân. Có được bản lĩnh đó, cũng là nhờ Triệu Công Minh sở hữu một bảo bối, đó là Định Hải Châu – viên ngọc cổ xưa chiếu sáng cung Huyền Đô của Thái Thượng Lão Quân, thất lạc nhiều năm, không hiểu sao lại lọt vào tay y.

Triệu Công Minh đánh với Nhiên Đăng. Nhiên Đăng liệu sức đánh không lại, quay đầu bỏ trốn, dọc đường được 2 đạo sĩ lạ mặt ra tay giúp đỡ là Tiêu Thăng và Tào Bảo. Triệu Công Minh đánh chết được Tiêu Thăng, nhưng Định Hải Châu thì bị Tào Bảo đoạt mất, đành phải rút về.

Sau đó, họ Triệu chưa bỏ cuộc, lại chạy đến đảo Tam Tiên mượn bảo vật của em gái là cây kéo thần Kim Dao, quay lại phục thù, đánh bại Nhiên Đăng một lần nữa.  Tiếc thay cho Triệu Công Minh, bên phe Xiển Giáo bỗng xuất hiện một đạo sĩ là Lục Yểm, người này dùng phép tạo hình nhân trù ếm Triệu Công Minh, khiến họ Triệu tinh thần mê man, vài ngày sau thì chết. [Phe Xiển giáo, vốn luôn tự coi là chính phái, không ngờ lại dùng thủ đoạn ám toán bằng hình nhân để giết đối thủ, có phải có đôi phần ô danh?]

Triệu Công Minh chết, linh hồn lên bảng Phong Thần, do đạo hạnh tu vi cũng cao thâm, được phong chức Kim Long Như Ý, Huyền Đăng Chân Quân, cai quản 4 vị chánh thần dưới trướng, cứu giúp người dân lương thiện, về sau còn được dân gian tôn thờ là Tài Thần.

Các tiên nữ tu hành ở đảo Tam Tiêu, là sư muội của Triệu Công Minh, bao gồm Hoàng Tiêu, Vân Tiêu, Bích Tiêu. Cả 3 nàng vốn tính lắng, không muốn tranh chấp sự đời nhưng nghe tin đại ca Triệu Công Minh bị ám toán, lại bị Thân Công Báo kích động, quyết đến Tây Kì báo thù rửa hận.

Tam Tiêu Tiên Tử tuy là nữ nhi nhưng pháp thuật cao cường, lại có nhiều bảo bối lạ. Họ lập ra trận đồ Cửu Khúc Hoàng Hà. Trận pháp này vô cùng hung hiểm, gồm 9 khúc quanh co, kể cả là thần tiên bị bắt vào trận cũng không tìm được lối ra, hồn xiêu phách lạc, mất hết đạo hạnh tu hành, trở thành phàm nhân. Hàng loạt các chiến tướng của Tây Kì đều dễ dàng bị Tam Tiên bắt giữ, bao gồm: Dương Tiễn, Kim Tra, Mộc Tra và các vị đại tiên phe Xiển Giáo như Xích Tinh Tử, Quảng Thành Tử, Văn Thù, Phổ Hiền, Tử Hàng, Thái Ất… 12 vị đều bị bắt hết sạch. Chỉ còn trơ lại có Nhiên Đăng và Khương Tử Nha chạy thoát được. Thương thay cho 12 vị đại tiên của Xiển Giáo, bị bắt vào trận, tuy không chết nhưng đạo hạnh tu luyện nghìn năm đều mất sạch. Sau phải thỉnh đến đích thân Nguyên Thủy Thiên Tôn và Lão Tử hạ trần mới phá giải được trận Cửu Khúc Hoàng Hà này, ba vị tiên cô cũng đều bỏ mạng cả.

Linh hồn 3 nàng bay lên bảng Phong Thần, phong chức Cảm Ứng Tùy Thế Tiên Cô, thuyên chuyển sang khoa sản, chuyên chăm lo việc sinh đẻ trong nhân gian.

Tướng trấn ải Tam Sơn, lãnh chức nguyên soái thống lĩnh quân đội nhà Thương để đối chọi với quân Tây Kỳ sau khi Văn thái sư chết.

Đặng Cửu Công, tuy không có phép thuật hay thần vật hộ thân, chỉ có một thân bản lĩnh cầm quân nơi sa trường, nhưng có thể một mình chọi với Hoàng Phi Hổ và Na Tra bất phân thắng bại, quả không phải tầm thường. [Na Tra phải dùng vòng Càn Khôn ném ra mới đả thương được Đặng Cửu Công].

Tuy bản lĩnh là vậy nhưng lại rất mực yêu chiều con gái Đặng Thiền Ngọc. Sau bị con gái thuyết phục, bỏ giáp quy hàng, trở thành tướng tiên phong cho Tây Kỳ.

Đặng Cửu Công nhiều lần lập công chém tướng, sau bị tướng nhà Thương là Khưu Dẫn chém, linh hồn lên bảng Phong Thần, được phong Thanh Long Tinh.

Thổ Hành Tôn & Đặng Thiền Ngọc

Chồng thì béo lùn xấu xí, vợ thì xinh đẹp thanh tao, nhìn như một đôi đũa lệch, không khác gì cặp đôi Vương Anh – Hỗ Tam Nương trong truyện Thủy Hử. 

Thổ Hành Tôn vốn là học trò của Cù Lưu Tôn bên Xiển Giáo, có phép địa hành. độn thổ rất giỏi, ngày đi được ngàn dặm,  bị Thân Công Báo xúi giục, lấy trộm bảo bối của sư phụ, lén trốn đến đầu quân cho Đặng Cửu Công.

Ban đầu Thổ Hành Tôn ở dưới trướng Đặng Cửu Công không được trọng dụng, bởi ngoại hình thấp lùn, xấu xí, nhìn trông rất hãm, không có vẻ gì là làm nên chuyên. Sau Thổ Hành Tôn dùng thuốc tiên đem ra trị thương cho cha con họ Đặng, lúc bấy giờ mới được trọng dụng. Chính nhờ ngoại hình lùn tịt của mình, hóa ra lại trở thành lợi thế khi cận chiến, các tướng địch khó lòng đánh trúng. Thổ Hành Tôn lại có bảo vật của sư phụ là dây Khổn Tiên,  nhờ thế mà bắt sống được Na Tra, Hoàng Thiên Hóa, lại suýt bắt được cả Khương Tử Nha.

Được Đặng Cửu công hứa gả ái nữ Đặng Thiền Ngọc cho nếu đánh thắng quân Tây Kì, Thổ Hành Tôn hăng hái ra trận. Thổ Hành Tôn lợi dụng thuật độn thổ của mình, vào tận thành Tây Kì, định bụng ám sát Võ Vương nhưng không thành công, về sau bị sư phụ Cù Lưu Tôn đến thu phục, đành quy hàng Tây Kì. Tuy là hàng tướng nhưng cũng có số hưởng. Vì có duyên phu thê với Đặng Thiền Ngọc nên được Tử Nha tha tội, lại được gả nàng Đặng cho nên duyên vợ chồng.

Thổ Hành Tôn ỷ tài độn thổ của mình, thường cãi quân lệnh, tự động mò vào doanh trại địch thám thính, trộm bảo vật, nhiều phen suýt chết. Về sau bị tướng nhà Thương là Trương Khuê [cũng có phép địa hành], giết chết tại chân núi Hiệp Long. Linh hồn Thổ Hành Tôn bay lên bảng Phong Thần, được phong Thổ Phủ Tinh.

Đặng Thiền Ngọc là con gái Đặng Cửu Công, tuy là nữ nhi nhưng võ nghệ không kém gì nam nhân, tự nguyện theo cha ra trận. Trong truyện miêu tả Đặng Thiền Ngọc tuổi vừa 16, nhan sắc tuyệt trần, mắt xanh như nhung, môi thắm tựa son, thật không khác gì tiên nga giáng trần.

Đặng Thiền Ngọc có món bảo bối là viên đá Ngũ Quang, tỏa ra 5 đạo ánh sáng, chuyên dùng để ném vào địch thủ. Các tướng bên Tây Kỳ vì coi thường nữ nhân nên đều bị nàng ném đá cho sưng mặt sưng mũi, sau chỉ có Dương Tiễn là khắc chế được.

Tử Nha bày mưu cho Thổ Hành Tôn bắt cóc được Đặng Thiền Ngọc đem về bái đường, nàng đành thuận theo duyên số, đi thuyết phục cha mình là Đặng Cửu Công cùng quy hàng Tây Kỳ, trở thành chiến tướng của nhà Châu.

Về sau Thổ Hành Tôn bị Trương Khuê giết, Đặng Thiền Ngọc nóng lòng báo thù, tự ý đem quân ra đánh, bị vợ của Trương Khuê là Cao Lan Anh giết, linh hồn lên bảng Phong Thần, được phong Lục Hiệp Tinh.

Nguyên Trụ Vương với Khương hoàng hậu sinh được 2 hoàng tử là Ân Giao và Ân Hồng. Do Trụ Vương nghe lời Đát Kỷ, giết hại Khương hậu, 2 anh em Ân Giao Ân Hồng cũng bị vu tội phản nghịch đem giết đi để trừ hậu họa.

Đang lúc sống chết không biết thế nào thì có 2 vị tiên Xích Tinh Tử và Quảng Thành Tử cưỡi mây đi qua Triều Ca, nhìn thấy 2 đạo hào quang phát ra từ người 2 huynh đệ, biết là người tài, số chưa tận, nên dùng phép cứu cả 2 đi, Xích Tinh Tử nhận Ân Hồng là đệ tử, còn Quảng Thành Tử thì thu nhận Ân Giao.

Sau khi học thông võ nghệ phép thuật, Xích Tinh Tử cử Ân Hồng xuống núi giúp sức cho quân Tây Kỳ. Trên đường đi Ân Hồng gặp phải Thân Công Báo, bị tên này dùng lời lẽ thuyết phục, quay ra giúp quân Thương đánh Tây Kỳ [dù sao cũng là con Trụ Vương, giúp người ngoài đánh cha mình thì cũng không hợp đạo lý].

Ân Hồng sử dụng một chiếc gương Âm Dương, khi chiếu ra có thể thu hồn phách của địch thủ, vô cùng nguy hiểm, cha con Hoàng Phi Hổ – Hoàng Thiên Tường đều bị y bắt sống. Tuy nhiên, Ân Hồng cũng là kẻ trọng nghĩa, nhớ ơn khi xưa Hoàng Phi Hổ ra tay cứu giúp, vì thế thả cho cha con họ Hoàng trở về Tây Kỳ.

Sau Ân Hồng bị Tử Nha dùng phép nhốt vào Thái Cực đồ, chết nát thây trong đó, đúng như lời thề độc trước khi xuống núi của y với sư phụ: “Nếu cãi lời thầy, thân thể sẽ hóa thành tro bụi”.

Ân Hồng chết, linh hồn lên bảng Phong Thần, được phong Ngũ Cốc Tinh.

Ân Giao

Ân Giao là chính cung điện hạ, con cả của Khương Hoàng Hậu và Trụ Vương.

Khi đó Ân Giao đã học hết đủ bản lĩnh phép thuật của Quảng Thành Tử, lại vô tình ăn phải loại hạt thần khiến sinh ra dị tướng, mọc thêm 2 đầu và 2 đôi tay nữa. Quảng Thành Tử mừng lắm, như thế là điềm báo có thiên tướng ra giúp nhà Châu, vì vậy mà giao hết bảo bối cho học trò [best of ngây thơ]. Kịch bản lặp lại y như với Ân Hồng, Thân Công Báo xuất hiện, thuyết phục Ân Giao chống lại Tây Kỳ, báo thù cho em trai Ân Hồng.

Ân Giao bản lĩnh cũng không tầm thường, 3 đầu 6 tay, 9 con mắt, nhìn tựa như thiên tướng giáng trần, trên tay cầm kiếm Thư Hùng, chuông Lạc Hồn, ấn Phiên Thiên.. đều là bảo vật của Quảng Thành Tử. Một mình y đả thương Na Tra, bắt sống 2 cha con Hoàng Phi Hổ, nhưng cũng giống Ân Hồng, phóng thích cho cha con họ Hoàng để tạ cái ơn cứu mạng năm xưa, kể ra cũng là người trung nghĩa.

Ân Giao nhờ có nhiều bảo bối, đến sư phụ Quảng Thành Tử cũng không thu phục được, về sau phải nhờ đến mấy vị đại tiên Nhiên Đăng, Xích Tinh Tử, Văn Thù mới bắt sống được đem kẹp trong núi đá. Ân Giao bị xử tử dùng lưỡi cày đập nát đầu [quá dã man], ứng với lời thề của y với sư phụ trước khi xuống núi: “Nếu đổi lòng sẽ bị lưỡi cày cày nát thây”.

Ân Giao dù sao cũng là điện hạ thái tử, theo lẽ sau này sẽ nối nghiệp Trụ Vương làm vua, thực tế cũng không tham danh lợi phú quý, bất quá vì không cởi bỏ được oán thù, một lòng muốn giết Khương Tử Nha trả thù cho em trai, vì thế mới cãi lại số trời, dẫn đến cái chết thê thảm, linh hồn bay lên bảng Phong Thần, được phong Trị Niên Thái Quân, trông coi các việc lành dữ trong một năm.

Tên này là đạo sĩ tu luyện ở núi Khô Lâu – động Bạch Cốt, được Thân Công Báo mời xuống giúp Ân Hồng đánh Tây Kỳ.

Mã Nguyên hình dung cổ quái, răng nanh mọc dài, miệng như hàm ếch, trên cổ đeo vòng làm bằng xương người và một cái đầu người nhả ra khói. Tuy là kẻ tu hành nhưng họ Mã không kiêng rượu thịt, đặc biệt thích ăn cả thịt người. Hắn có tà phép, chỉ cần niệm chú, có thể mọc thêm 1 cánh tay thần sau lưng, dễ dàng xé nát địch thủ.

Mã Nguyên đánh với Dương Tiễn, dùng tay thần moi tim Dương Tiễn để ăn, nào ngờ đó là phép biến hình của Dương Tiễn, quả tim vốn là viên thuốc xổ, khiến Mã Nguyên đau bụng đi ngoài liên tiếp mấy hôm không ra trận được.

Tên này thuộc diện hữu dũng vô mưu, về sau bị Văn Thù dùng mưu kế bắt được, suýt thì bị chém đầu, may có Chuẩn Đề xuất hiện xin tha cho. Mã Nguyên xuống tóc, quy y cửa Phật, theo Chuẩn Đề về Tây phương tu hành.

Lại là một nhân vật bị Thân Công Báo “mô kích” mà đến gây hấn với Tây Kì. Võ Dực Tiên nguyên là con đại bàng tu luyện ở đảo Bồng Lai. Thân Công Báo đặt điều là Khương Tử Nha ở Tây Kì muốn rút gân, nhổ lông cánh của Võ Dực Tiên để tay này xuống trợ giúp nhà Thương. Tuy vậy, Võ Dực Tiên cũng là kẻ có chút đạo lý, sau khi hỏi chuyện Tử Nha biết là bị vu oán, cũng không có ý định gây hấn thì bỗng dưng Na Tra tính tình hiếu thắng xông đến đánh. Thấy thế, Dương Tiễn, Thổ Hành Tôn, Lôi Chấn Tử, Hoàng Thiên Hóa cũng nhảy vào đánh hôi.

Võ Dực Tiên đánh không lại cả đám tướng Tây Kì đành độn thổ về trại, định bụng nửa đêm sẽ làm phép ra biển lửa thiêu cháy cả thành Tây Kỳ, nhưng Tử Nha bấm quẻ đoán trước được, xin nước thần Tam Quang Thần Thủy của Nguyên Thủy Thiên Tôn dập tắt biển lửa. Võ Dực Tiên sau đó bị Nhiên Đăng thu phục, nhận về làm đồ đệ.

La Tuyên là đạo sĩ tu ở động Hỏa Long, được Thân Công Báo mời đến giúp Ân Giao đánh  Tây Kỳ. Truyện miêu tả họ La mặt đỏ như trái táo, mà râu tóc, quần áo đều đỏ rực, nhìn biết ngay là hệ hỏa. Tên này có tài biến ba đầu sáu tay, có thể cùng lúc cự với nhiều tướng địch.

La Tuyên biết sử dụng một loại đạn pháo gọi là Vạn Lý Vân Yên, nửa đêm đem bắn vào thành Tây Kỳ, lại dùng phép triệu hồi được cả rồng lửa xuống giúp, khiến cả thành Tây Kỳ đêm đó chìm trong biển lửa.

Sau thì bị Long Cát Công chúa đánh bại, trên đường chạy trốn lại bắt gặp Lý Tịnh đang đến đầu quân Tây Kỳ, bị Lý Tịnh dùng bảo tháp giết chết.  Nhìn chung là .. đen!

Linh hồn bay lên bảng Phong Thần, được phong Hỏa Đức Tinh Quân, cai quản Hỏa Bộ.

Vốn là người nhà trời, mẹ là Diêu Trì Kim Mẫu, cha là Hạo Thiên Hoàng Đế, do phạm lỗi trong khi dọn tiệc bàn đào, bị đày xuống trần, tu luyện ở núi Phượng Hoàng. Long Kiết công chúa mỗi lần ra trận cưỡi con Thanh Loan, trên tay cầm Nhị Long kiếm và Phi Loan kiếm, lại có nhiều bảo bối như bình Tứ Hải, lưới Vu Lộ, có công dập lửa thành Tây Kỳ, bắt sống tướng Hồng Cẩm. Do còn mắc duyên hồng trần nên được kết phu thê với Hồng Cẩm, về sau chết cùng chồng trong trận Vạn Tiên, bị Kim Linh Thánh Mẫu giết, linh hồn bay về bảng Phong Thần, được phong Hồng Loan Tinh.

Hồng Cẩm vốn là tổng binh trấn ải Tam Sơn, được triều đình phong làm nguyên soái ra đánh quân Tây Kỳ. Y sử dụng một cây cờ phép, mỗi lần rung lên là tạo ra một cánh cửa, đối phương lao vào thì ngay lập tức tinh thần mê man, bị chặt đầu ngay tức khắc. Sau bị Long Cát công chúa đánh bại bắt sống, suýt chút nữa thì bị xử trảm. Đột nhiên có Nguyệt Lão hạ phàm, can cho khỏi chết, lại nói Hồng Cẩm với Long Cát công chúa có duyên nợ phu thê, vì vậy không những được Tử Nha tha tội, lại được cưới luôn Long Cát công chúa, từ đó trở thành chiến tướng cho Tây Kỳ.

Hồng Cẩm và vợ cùng chết tại trận Vạn Tiên, bị Kim Linh Thánh Mẫu giết, linh hồn bay lên bảng Phong Thần, được phong Long Đức Tinh.

Xuyên suốt bộ truyện Phong Thần, các chương hồi đều theo motif một tướng bên nhà Thương được cử ra cự với quân Tây Kỳ, đa phần có chút bản lãnh nhưng vì các tướng Tây Kỳ quen trò đánh hội đồng, tất cả cùng xông lên quây đối thủ một lúc nên tướng bên Thương đại bại hết. Nhưng với nhân vật Khổng Tuyên này, quân Tây Kỳ thực sự đã gặp phải đối thủ khó nhằn.

Khổng Tuyên được cử ra trấn ải Tam Sơn thay Hồng Cẩm. Y nguyên là Khổng Tước Minh Vương – loài chim công cao quý đầu thai xuống trần chứ không phải hạng tướng tầm thương, sau lưng tỏa ra 5 đạo hào quang sáng chói, tất cả tướng địch, binh khí, bảo bối gì đem ra đều bị 5 đạo hào quang đó hút vào, ngay đến gương chiếu yêu đem ra dùng cũng không thể soi ra được chân thân của Khổng Tuyên.

Chính nhờ bản lĩnh này mà Khổng Tuyên liên tiếp thắng trận, đánh cho quân Tây Kỳ thua liểng xiểng, bắt sống hàng loạt chiến tướng như Hồng Cẩm, Na Tra, Lôi Chấn Tử, Hoàng Phi Hổ, Sùng Hắc Hổ, Lý Tịnh, Kim Tra, Mộc Tra… Ngay đến mấy đại tiên như Nhiên Đăng, Lục Yểm ra đánh cũng bại trước họ Khổng. Mãi sau có vị đạo tăng là Chuẩn Đề đến thu phục, mới chịu bị bắt, hiện nguyên hình là con công một mắt, theo Chuẩn Đề về Tây phương cực lạc để tu hành.

Vị đại tiên của phe Triệt giáo, tu luyện ở núi Khưu Minh. Vì đệ tử là Hồ Lôi trấn giữ ải Giai Mộng bị quân Tây Kỳ giết nên Hỏa Linh Thánh Mẫu nổi giận, quyết xuống trả thù cho học trò cưng. Bà ta có bảo bối là mũ Kim Hà, khi đội lên đầu thì tỏa hào quang rực rỡ, kẻ đối diện bị lóa mắt không nhìn thấy gì, lại biết dùng 3.000 hỏa binh, lập ra trận phép, đốt trụi doanh trại quân Tây Kỳ, giết hơn vạn địch quân. Phen này Khương Tử Nha cũng suýt nữa thì mất mạng vào tay Hỏa Linh Thánh Mẫu, may có Quảng Thành Tử đến cứu kịp thời, dùng bảo bối Phiên Thiên Ấn giết được bà ta. Linh hồn Hỏa Linh Thánh Mẫu bay lên bảng Phong Thần, được phong Hỏa Phủ Tinh.

Bởi cái chết của Hỏa Linh Thánh Mẫu mà khiến các tiên phe Triệt Giáo nổi giận, thuyết phục Thông Thiên Giáo Chủ đích thân ra tay, lập trận Tru Tiên và Vạn Tiên để rửa hận, gây ra cuộc đại chiến giữa 2 phe Triệt giáo – Xiển giáo.

Trịnh Luân là bộ tướng của Ký Châu hầu Tô Hộ. Cha con Tô Hộ được triều đình cử đi đánh Tây Kỳ, vốn dĩ trong lòng đã muốn bỏ sang quy phục nhà Châu, chỉ có Trịnh Luân vẫn ngoan cường muốn chiến đến cùng.

Hắn có phép nhiếp hồn vô cùng lợi hại, trong lỗ mũi phun ra hai đạo hào quang, địch thủ dính phải lập tức tinh thần mê man, ngã lăn quay ra không biết trăng sao gì nữa, nhờ thế mà liên tiếp bắt sống nhiều tướng bên Tây Kỳ. Về sau Trịnh Luân đại bại, cũng bị bắt sống. Tử Nha tiếc cho Trịnh Luân là tướng trung nghĩa, tha chết không giết, họ Trịnh từ đó đầu quân cho Tây Kỳ, sau bị tướng nhà Thương là Kim Đại Thăng giết, linh hồn bay lên bảng Phong Thần, cùng với Trần Kỳ, được phong là một trong 2 tướng trấn giữ Tây Phương.

Trần Kỳ

Vốn chỉ là quan đốc lương ở ải Thanh Long, nhưng Trần Kỳ lại học được phép tiên, có thể há miệng khè ra một làn hơi vàng, địch thủ dính phải hơi đấy thì lập tức tinh thần mê man, ngất ra đấy không còn biết gì nữa. Cũng nhờ phép này mà Trần Kỳ bắt được một lúc mấy tướng bên Tây Kỳ: Đặng Cửu Công, Thái Loan, Hoàng Thiên Lộc, Thổ Hành Tôn.

Phép nhiếp hồn của Trần Kỳ thực ra rất giống với phép của Trịnh Luân bên Tây Kỳ. Hai tướng đấu phép rồi đấu sức với nhau, cũng đều bất phân thắng bại. Khương Tử Nha phải dùng kế nửa đêm đánh úp vào doanh trại, mấy tướng bên Tây Kỳ cùng xông vào đánh hội đồng, mới nắm được phần thắng, Trần Kỳ bị Hoàng Phi Hổ đâm chết, linh hồn bay lên bảng Phong Thần, được phong làm tướng giữ cửa Tây Phương.

Là tiên gia của phe Triệt Giáo, vốn là con lươn thành tinh, được phong Thần Oai Tướng Quân nhà Thương, trấn giữ ải Thanh Long thay Trương Quế Phương. Khưu Dẫn có phép lạ bắn ra trái châu trên đầu, ai chúng phải thì tinh thần mê man như bị hớp hồn, sau bị Lục Yểm giết, linh hồn lên bảng Phong Thần, được phong Quách Sách Tinh.

Tướng dưới trướng Hàng Vinh, giữ ải Tỵ Thủy. Bản lĩnh cũng bình thường, nhưng tên này có bảo bối mượn của sư phụ là thanh đao Hóa Huyết vô cùng hung hiểm, mỗi lần tung ra thì tỏa hào quang rực rỡ, kẻ nào dính vào hào quang đó thì lập tức xương thịt tan ra thành máu. Na Tra dính phải Hóa Huyết đao, tuy thân thể là cốt sen, không đến nỗi mất mạng nhưng cũng trọng thương, hôn mê bất tỉnh. Dư Hóa sau đó bị Dương Tiễn giết, linh hồn bay lên bảng Phong Thần, được phong Cô Thần Tinh.

 Nhất Khí Tiên Dư Nguyên là sư phụ của Dư Hóa, tu luyện ở núi Bồng Lai. Thanh đao Hóa Huyết mà Dư Hóa sử dụng cũng là do Dư Nguyên luyện trong lò thuốc độc mấy trăm năm mới luyện thành. Thuốc giải độc cũng chỉ có Dư Nguyên có. Dương Tiễn dùng phép biến hình, giả làm Dư Hóa đến xin thuốc để chữa cho Na Tra và Lôi Chấn Tử. Dư Nguyên về sau phát hiện ra giận lắm, lại biết đệ tử mình là Dư Hóa chết bởi tay Dương Tiễn, bèn cưỡi con lạc đà mắt vàng xuống đánh Tây Kỳ.

Tiếc thay cho Dư Nguyên mải đánh nhau, bị Cù Lưu Tôn núp sau đánh lén, quăng dây Khổn Tiên bắt sống. Tử Nha sai lính xử trảm Dư Nguyên nhưng y có phép mình đồng da sắt, đao thương không xâm phạm được, phải trói chặt rồi đem thả xuống biển. Dư Nguyên dùng phép thoát được dây trói, về cung Bích Du cầu cứu sư phụ là Kim Linh Thánh Mẫu. Thông Thiên Giao Chủ giao bảo bối Xuyên Tâm Tỏa  cho Dư Nguyên đến bắt Cù Lưu Tôn mà thanh niên này láo ngáo thế nào lại bị Cù Lưu Tôn đánh lén, dùng dây thần bắt trói y như lần trước, nhưng lần này thì có Lục Yểm mang kiếm thần ra, Dư Nguyên không thoát khỏi cái họa mất đầu như lần trước nữa. Linh hồn y bay lên bảng Phong Thần, được phong Thủy Phủ Tinh.

Là đạo sĩ tu luyện ở đảo Cửu Long, Lữ Nhạc được Thân Công Báo mời xuống giúp Trịnh Luân đánh quân Tây Kỳ. Truyện miêu tả Lữ Nhạc hình dung cổ quái, mặt xanh, ba mắt, mặc đại hồng bào. Theo sau Lữ Nhạc lại có 4 tên đệ tử là Âu Thiên Lân, Châu Tín, Lý Kỳ, Dương Văn Huy đều có nhiều bản lĩnh tài phép.

Lữ Nhạc lại luyện đươc phép ôn dịch, gây ra dịch bệnh trong toàn thành Tây Kỳ [đây có lẽ là người đầu tiên sử dụng vũ khí sinh học trong chiến tranh :D]. Dương Tiễn phải đến Hỏa Vân động, xin thuốc của Tam Thánh [Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế] mới chữa được dịch bệnh này. Sau thì Lữ Nhạc cũng đại bại, các đệ tử đều chết hết, chỉ còn lại y và Dương Văn Huy chạy thoát được, nhưng giữa đường gặp ngay Vi Hộ đang đi đầu quân cho Tây Kỳ, Dương Văn Huy bị Vi Hộ đánh chết, còn Lữ Nhạc thì chạy thoát được.

Ít lâu sau, Lữ Nhạc lại tái xuất ở ải Xuyên Vân, giúp quan giữ ải là Từ Phương đánh nhau với Tây Kỳ, quyết trả thù Khương Tử Nha. Lần này Lữ Nhạc lập ra trận Ôn Hoàng. Trận này bắt nhốt được Khương Tử Nha 100 ngày trong đó, nhưng Tử Nha nhờ có bảo bối hộ thân nên không chết, chỉ hôn mê bất tỉnh. Trận Ôn Hoàng bị Dương Nhậm phá, Lữ Nhạc dính lửa, chết cháy.

Bởi Lữ Nhạc đạo hạnh tu luyện nghìn năm, cũng chỉ vì nghe lời khích tướng của Thân Công Báo mà xuống đánh Tây Kỳ nên vẫn được báo danh trên bảng Phong Thần, phong chức Ôn Hoàng Hạo Thiên Đại Đế, cai quản các vị thần trong Đầu Bộ Ôn, chuyên trách nhiệm diệt trừ kẻ ác trên đời.

Dương Nhậm vốn là quan đại phu ở Triều Ca, vì can gián Trụ Vương trong việc xây cất Lộc đài mà bị Trụ Vương khoét hai mắt, được Thanh Hư Đạo Nhân cứu mạng, thu nhận làm đệ tử. Từ chỗ 2 con mắt bị khoét của Dương Nhậm mọc ra 2 bàn tay,  giữa 2 bàn tay lại mọc ra 2 con mắt. Hai con mắt phép đó vô cùng tinh tường, có thể nhìn xa ngàn dặm.

Khương Tử Nha đem quân phạt Trụ, đánh đến ải Xuyên Vân thì vướng trận Ôn Hoàng của Lữ Nhạc, không ai phá được. Dương Nhậm được sư phụ phái xuống giúp Tây Kỳ phá trận này.

Y cưỡi con thú Vân Hà, hình dáng lại quỷ dị, ai mới nhìn cũng khiếp sợ, tuy là quan văn, không có bản lĩnh sa trường như chiến tướng nhưng bù lại có bảo bối là cây quạt Ngũ Hỏa, quạt ra một cái thì lửa cháy khắp nơi, vô cùng nguy hiểm.

Dương Nhậm sau bị Viên Hồng giết, linh hồn bay lên bảng Phong Thần, được phong chức Giáp Tí Thái Tuế, nhiệm vụ tuần du khắp thế gian, xét kẻ xấu người tốt.

Tướng trấn ải Lâm Đồng là Âu Dương Thuần có một tướng tiên phong dưới trước là Biện Kim Long. Khi quân Tây Kỳ kéo đến đánh ải, Biện Kim Long ra đánh bị Hoàng Phi Hổ giết. Biện Kim Long có đứa con trai là Biện Cát, tuổi còn trẻ nhưng may mắn được tiên gia truyền phép cho, nghe tin cha chết thì quyết tâm báo thù.

Biện Cát có một tà thuật vô cùng hung hiểm, gọi là Bá Cốt Phiên, dùng một cái phướn U Hồn Bách Cốt,   trên có xâu 100 cái đầu lâu, tỏa ra tà khí rất mạnh, đối thủ chạy vào khu vực chiếc phướn đều ngay lập tức bị hôn mê, mấy loại binh khí đánh từ xa khi gặp khí yêu của Bá Cốt Phiên cũng bị vô hiệu hóa, chỉ có Biện Cát và tùy tướng của hắn đeo bùa trong người mới không bị ảnh hưởng.

Số trời đúng là đã định quân Thương không thể thắng. Triều đình cử 2 viên tướng là Nhuế Cát và Đặng Côn đem binh đến tiếp viện cho ải Lâm Đồng. Ngờ đâu, Đặng Côn lại là cháu bên đằng ngoại của Hoàng Phi Hổ, thấy người nhà bị bắt, lẽ nào không tìm cách giải cứu. Lại thêm Nhuế Cát cũng có ý phản lại triều đình, quy hàng nhà Châu. Vậy là 2 tướng lập mưu, biết được bí mật vô hiệu hóa Bá Cốt Phiên, làm nội ứng cho quân Tây Kỳ, bắt giết Biện Cát. Đúng là…đen thôi đỏ quên đi 😦

Linh hồn Biện Cát bay lên bảng Phong Thần, được phong Thiên Sát Tinh.

Khương Tử Nha dẫn binh Tây Kỳ cùng chư tướng, khó khăn vượt qua 5 cửa ải, chỉ còn cách kinh đô Triều Ca một con sông Hoàng Hà thì đụng phải một tiểu trấn gọi là huyện Dẫn Trì, tưởng chừng không có gì trở ngại, ngờ đâu ở góc xó này lại có tướng tài trấn thủ. Nguyên quan tổng binh của huyện này là Trương Khuê, võ nghệ cao cường, một mình có thể địch nhiều tướng một lúc, đến những chiến tướng như Na Tra, Hoàng Phi Hổ… đều đánh không lại.

Trương Khuê ra trận cưỡi một con thần mã một sừng gọi là Độc Giác Ô Yên, chạy nhanh như chớp nhoáng. Chính nhờ con thú cưỡi này, Trương Khuê có lợi thế về tốc độ, liên tiếp chém được hàng loạt tướng bên Tây Kỳ như Cơ Thúc Minh, Cơ Thúc Thăng [ ngự đệ của Võ Vương Cơ Phát], Hoàng Phi Hổ, Sùng Hắc Hổ, Văn Sinh, Thôi Anh, Tưởng Hùng, Hoàng Phi Bưu. Chưa trận nào bên Tây Kỳ thua nặng và mất nhiều chiến tướng như vậy.

Về sau nhờ Dương Tiễn dùng phép biến hóa mới lừa giết được con Độc Giác Ô Yên của Trương Khuê.

Tuy mất thần mã nhưng Trương Khuê vẫn còn phép địa hành, độn thổ ngày đi ngàn dặm, tốc độ còn nhanh hơn cả Thổ Hành Tôn. Y lén vào doanh trại định ám sát Khương Tử Nha, may nhờ Dương Nhậm có mắt thần mới phát giác kịp thời. Thổ Hành Tôn định về cầu cứu sư phụ đến giúp cũng bị Trương Khuê chặn đường giết mất.

Tiếc thay cho Trương Khuê, vì không có viện binh ở Triều Ca đến giúp sức, nếu không có lẽ đã có thể cầm chân quân Tây Kỳ ở đây, dần dần đảo ngược cục diện.

Vì quân trong thành ít, Trương Khuê lại bị kế điệu hổ ly sơn, bị dụ ra khỏi thành và bị các tướng Tây Kỳ vây lại giết chết, đúng là tiếc thay cho một tướng tài. Hồn Trương Khuê bay lên bảng Phong Thần, được phong Thất Sát Tinh.

Cao Lan Anh

Nàng này là vợ của Trương Khuê. Thiên hạ thường nói: “Được vợ thì hỏng chồng”, riêng cặp này được cả hai. Trương Khuê võ nghệ cao cường, thì Cao Lan Anh bản lĩnh cũng không hề tầm thường, có thể thay chồng ra trận, lại là người bình tĩnh, sáng suốt, nhiều mưu trí, mấy phen bày kế giúp chồng.

Cao Lan Anh có một bầu phép tiên, mỗi lần mở thì phóng ra hàng loạt mũi kim. Đặng Thiền Ngọc vì muốn báo thù cho Thổ Hành Tôn, nóng lòng ra đấu với Cao Lan Anh, cũng bị bầu phép tiên đâm mù mắt mà tử trận.

Về sau huyện Dẫn Trì thất thủ, Cao Lan Anh bị Na Tra đâm chết, hồn bay lên bảng Phong Thần, được phong Đào Hoa Tinh.

Cao Minh vốn là Liễu Quỷ [cây liễu thành tinh], còn Cao Giác là Đào Tinh [cây đào thành tinh] trên núi Kỳ Bàn. Hai cây cổ thụ này sống cả trăm năm, hấp thụ khí âm dương nhật nguyệt mà thành tinh. Trên núi lại có miếu thờ Hoàng Đế Hiên Viên. Trong miếu có hai bộ hài cốt của 2 con quỷ sứ là Thiên Lý Nhãn, một con là Thuận Phong Nhĩ.

Liễu Quỷ và Đào Tinh nhập hồn vào 2 thân xác đó, tu luyện thành hình người, mới lấy tên là Cao Minh, Cao Giác. Chính nhờ thế mà Cao Minh có mắt thần nhìn xa ngàn dặm, Cao Giác có tai thần nghe được ngàn dặm. Hai tên đến đầu quân dưới trướng Viên Hồng [cùng là yêu quái cả], nhờ có năng lực này mà mọi binh tình kế hoạch bên doanh trại Tây Kỳ, chúng đều nắm được hết.

Về sau nhờ Ngọc Đỉnh Chân Nhân mách nước, Tử Nha mới biết được lai lịch 2 con yêu quái này, sai người đến núi Kỳ Bàn đốt trụi 2 gốc cây cổ thụ, đập nát 2 bình hài cốt của quỷ sứ, sau đó mới lừa cả 2 vào trận pháp mà giết đi. Sau này cả 2 cùng thành Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ, trở thành tai mắt của thiên giới.

Người khổng lồ là có thật. Ô Văn Hóa là một tráng sĩ ở Triều Ca, thấy triều đình có bố cáo tuyển nhân tài đi đánh giặc thì ứng tuyển. Tên này thân hình to lớn như hung thần, người cao 2 trượng [khoảng 8 mét], sức mạnh vô địch, một bữa ăn trọn một con bò. Tuy không có mưu trí gì nhưng nguyên cái vóc dáng khổng lồ đó làm Tanker cũng đủ khiến quân địch nao núng. Quả nhiên Ô Văn Hóa nửa đêm xông vào tập kích trại Tây Kỳ, cầm một cái đinh ba, xiên một phát chết chục người, đánh đông đánh Tây khiến các tướng Tây Kỳ chạy dạt hết, doanh trại bị đập cho tan hoang, tướng Long Tu Hổ cũng tử trận. Nhưng đúng là vì không có đầu óc, về sau bị Tử Nha lừa dụ vào hẻm núi, dùng thuốc nổ thiêu chết trong núi. Hồn bay lên bảng Phong Thần, được phong chức Lực Sĩ Tinh.

Mai Sơn Thất Quái

Đúng là khí số nhà Thương đã hạn, đến những phút cuối, triều đình không còn nhân tài, phải để đám yêu quái lên làm nguyên soái. Mai Sơn Thất Quái là nhóm 7 con yêu quái tu luyện lâu năm ở Mai Sơn, bao gồm:

– Viên Hồng – vốn là con khỉ trắng tu luyện thành tinh, sau khi chết được phong Tứ Phế Tinh

– Trư Tử Chân – lợn nòi tu luyện thành tinh, sau khi chết được phong Phục Đoạn Tinh

– Dương Hiển  – dê trắng tu luyện thành tinh, sau khi chết được phong Phản Ngâm Tinh

– Thường Hạo  – con rắn tu luyện thành tinh, sau khi chết được phong Đao Châm Tinh

– Ngô Long – con rết tu luyện thành tinh, sau khi chết được phong Phá Tối Tinh

– Đài Lễ – – con sói tu luyện thành tinh, sau khi chết được phong Hoán Vu Tinh

– Kim Đại Thăng – con trâu tu luyện thành tinh, sau khi chết được phong Thiên Ôn Tinh

Đám này cũng khá bản lĩnh, giết được vài tướng bên Tây Kỳ, nhưng rồi đều bị Dương Tiễn bắt giết hết dễ dàng, trừ có Viên Hồng, phải nhờ đến Nữ Oa ra tay mới thu phục được.

Phải nói riêng một chút về Viên Hồng – nguyên soái cuối cùng của nhà Thương, kẻ đứng đầu Mai Sơn Thất Quái. Viên Hồng vốn là con khỉ trắng tu luyện ngàn năm, đạo hạnh cao thâm hơn hẳn 6 con yêu quái còn lại. Hắn lại thành thạo Thất thập nhị huyền công, thiên biến vạn hóa, ngang tài ngang sức với Dương Tiễn. Dương Tiễn cũng phải nói rằng: “Trong các loài thú, ta chỉ sợ có loài khỉ mà thôi”. Viên Hồng và Dương Tiễn đấu phép với nhau bất phân thắng bại, mãi sau Nữ Oa hiển linh, dùng bức vẽ Sơn Hà Xã Tắc Đồ, dụ cho Viên Hồng lọt vào đó, mới bắt sống được hắn. Lúc đem đi xử trảm, tất hảy binh tướng dùng gươm đao kiểu gì cũng không chặt được đầu Viên Hồng, sau phải dùng đến Phi Đao của Lục Yểm mới giết được hắn.

Có giải thuyết vui thì cho rằng, Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết Tây Du Ký, chính là Viên Hồng đầu thai, cũng là tinh khỉ, hấp thu tinh khí nhật nguyệt, thành thạo 72 phép biến hóa và do đó vẫn còn duyên nợ đánh một trận với Dương Tiễn.

Video liên quan

Chủ Đề