Huỳnh bửu sơn là ai

Người Giữ Chìa Khóa Kho Vàng

     LTS.- Người giữ chìa khóa kho vàng lúc đó là ông Huỳnh Bửu Sơn - làm việc trong ban lãnh đạo Nha Phát Hành Ngân Hàng Quốc gia. Dưới đây là hồi ức của ông về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng trước khi bàn giao cho chính quyền mới.

     Khi lịch sử sang trang Sài Gòn ngày 30-4-1975.

     Đó là những giờ phút mà sau này tôi mới thấy hết ý nghĩa trọng đại của nó đối với lịch sử dân tộc, nhưng vào lúc đó tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng.
    

Những ngày đầu tháng 5-1975, tôi vào trình diện tại Ngân Hàng Quốc Gia ở 17 Bến Chương Dương cùng các đồng nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người. Chúng tôi được lệnh của Ban Quân Quản Ngân Hàng Quốc gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi người đều phải có mặt tại cơ quan.      Phải nói đó là những ngày rất thảnh thơi đối với tất cả anh em chúng tôi, hầu hết ở độ tuổi trên dưới ba mươi. Chúng tôi vui vẻ, yên tâm. Thái độ của các anh cán bộ trong Ban Quân Quản rất lịch sự, đúng mực nhưng khá xa cách. Vào thời điểm đó, nhiều người trong chúng tôi chưa nghĩ đến tương lai như thế nào. Mong muốn của tôi cũng như những người khác vào lúc đó là an ninh trật tự sẽ được vãn hồi, mỗi người sẽ có một vị trí làm việc trong chế độ mới và tiếp tục đóng góp theo khả năng của mình cho xứ sở.      Cuối tháng 5-1975, chúng tôi được lệnh trình diện tập trung đi học tập cải tạo tại Trường Nữ trung học Gia Long [bây giờ là Trường Nguyễn Thị Minh Khai]. Nhóm viên chức Ngân Hàng Quốc gia được xếp vào mấy tổ, tôi thuộc tổ 32. Trong ba ngày tập trung tại Trường Gia Long, chúng tôi được phục vụ ăn uống khá chu đáo. Chiều ngày thứ ba, sau khi dùng cơm chiều xong, vào khoảng 6 giờ, loa phóng thanh đọc danh sách những người phải thu dọn đồ đạc và tập trung tại sân cờ nghe lệnh. Tên tôi có trong danh sách đó.      Lúc đó tôi cảm thấy rất lo lắng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, nhất là khi thấy danh sách người được gọi tên chiếm không đến 10% sĩ số. Nhưng khi đến tập trung tại sân cờ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe ban chỉ huy trại thông báo là do số người trình diện quá đông nên một số được cho về nhà vào tối đó, hôm sau đến để nhận giấy tờ tùy thân và trình diện cơ quan đang công tác, chờ lệnh tập trung mới. Bảy giờ sáng hôm sau, tôi quay trở lại Trường Gia Long, thấy ngôi trường vắng lặng như tờ.      Như vậy là trong đêm trước mọi người đã di chuyển. Một lần nữa số mệnh đã cho tôi ở lại. Tôi đến trình diện tại Ngân Hàng Quốc Gia và được phân công tác tại Vụ Phát Hành và kho quĩ. Những ngày tiếp theo, Ban Quân Quản tổ chức học tập tại chỗ ba ngày cho các viên chức ở lại và cấp giấy chứng nhận học tập cải tạo. Lúc đó, giấy chứng nhận này chính là một lá bùa hộ mệnh.

     Sau này, vào cuối tháng tám, khi có lệnh gọi tập trung lần thứ hai cho những người được trả về đợt trước, tôi có đến gặp và hỏi ý kiến anh Ba Sáng, cán bộ Ban Quân Quản. Sau khi tham khảo ý kiến Ban Quân Quản, anh thông báo cho tôi biết trường hợp của tôi đã được Ban Quân Quản xem xét, tôi được bố trí tham gia chiến dịch đổi tiền Sài Gòn cũ và cải tạo tư sản nên không phải đi trình diện học tập tập trung.

     Lần kiểm kê cuối cùng

     Vào đầu tháng 6-1975, tôi được lệnh của Ban Quân Quản Ngân Hàng Quốc Gia tiến hành kiểm kê kho tiền và vàng của chế độ cũ, các kho tiền và vàng của Ngân Hàng Quốc Gia thuộc quyền quản lý của Nha Phát Hành, nơi tôi làm việc trong ban lãnh đạo từ năm 1970 với tư cách là Kiểm Soát Viên. Anh giám đốc Nha Phát Hành đã đi cải tạo tập trung, do đó trong số người còn ở lại chỉ có tôi là người giữ chìa khóa và anh Lê Minh Kiêm - chánh sự vụ - là người giữ mã số của các hầm bạc.      Việc kiểm kê kho tiền và vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số tiền và vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng với sổ sách.      Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân Hàng Quốc Gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn. Cần nói thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn.      Đại diện Ban Quân Quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện. Anh hay nắm tay tôi khi trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt - chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân Hàng Quốc Gia.      Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân Hàng Quốc Gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất. Có ba loại vàng thoi: vàng thoi mua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ [FED]; vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi - Công ty Montagu; và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.      Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng [thường là 9997, 9998]. Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi.      Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau... Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.      Chúng tôi thực hiện công tác kiểm kê trong hai ngày liền. Thật ra công việc cũng khá đơn giản. Số giấy bạc dự trữ giữ trong các thùng bằng gỗ thông được niền bằng đai sắt và niêm chì, mỗi thùng ghi rõ mệnh giá, loại giấy bạc, số lượng. Do đó chỉ cần kiểm kê số lượng thùng bạc, các chi tiết tương ứng và đối chiếu với sổ sách được điện toán hóa là biết khớp đúng ngay.      Lúc đó, loại giấy bạc mệnh giá cao nhất chỉ có 1.000 đồng, thuộc xêri mới phát hành, có in hình các con thú hoang dã trong rừng rậm Việt Nam. Ngoài ra vẫn còn tồn kho và tiếp tục phát hành loại giấy bạc nổi tiếng có in hình danh tướng Trần Hưng Đạo, mệnh giá 500 đồng. Tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong kho lúc đó [nếu tôi nhớ không lầm] khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi lượng tiền lưu hành tại miền Nam vào thời điểm 30 tháng 4 năm 1975.      Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã kiểm kê xong số lượng giấy bạc dự trữ. Việc kiểm kê số vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thoi vàng một để xem trọng lượng, tuổi vàng và số hiệu có khớp đúng với sổ sách hay không.

     Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia.

     Huỳnh Bửu Sơn

Bảng kê thoi vàng đựng trong các tủ sắt

Hầm số 3
 

Hầm số 6
 

Tủ số 40:  80 thoi

Tủ số 41:  80 thoi

Tủ số 42:  80 thoi

Tủ số 43:  80 thoi

Tủ số 44:  80 thoi

Tủ số 45:  80 thoi

Tủ số 46:  80 thoi

Tủ số 47:  73 thoi

Tủ số 202:  35 thoi

Tủ số 203:  80 thoi

Tủ số 204:  80 thoi

Tủ số 205:  80 thoi

Tủ số 206:  79 thoi

Tủ số 207:  89 thoi

Tủ số 215:  88 thoi

Tủ số 216:  70 thoi


633 thoi


601 thoi

 Tổng cộng: 1.234 thoi vàng

[Nguồn: Nha Phát hành, tháng 4-1975]

Theo các bác sĩ, năm nay, bệnh cúm A xuất hiện sớm hơn mọi năm, nhiều người chưa kịp tiêm phòng cúm nhắc lại dễ bị nặng hơn.

LTS: Theo thông tin từ nhóm bạn thân hữu, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào lúc 4 giờ 29 phút sáng nay [3.6.2022], hưởng thọ 76 tuổi. Một “tia nắng tà dương” của Nhóm Thứ Sáu vừa vụt tắt.

Không chỉ là một nhân chứng lịch sử khá đặc biệt - người giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn cũ, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn còn là một trong những người tham gia đặt nền móng cải tổ hệ thống ngân hàng, đưa ngành ngân hàng Việt Nam tiệm cận với thế giới. Ông cũng là một trong những thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt...

Người Đô Thị trân trọng giới thiệu bài viết vừa gửi tới của Nhóm Thứ Sáu về một "kẻ sĩ", một trí thức lớn đã chủ động chọn thái độ cống hiến trước bao giai đoạn khó khăn của vận nước, đồng cam cộng khổ với quê hương trong suốt cuộc đời...

Người Đô Thị

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn [1946 - 2022]. Ảnh tư liệu: Báo Đầu tư

Đời người chẳng ai biết được ngày mai sẽ ra sao, nhưng dù không nghĩ đến thì ai cũng khẳng định rồi sẽ đến ngày phải rời khỏi thế gian đầy kỷ niệm ngọt bùi lẫn cay đắng này, để lại biết bao thương tiếc của người thân, bạn bè, đồng nghiệp…

Thật không ngờ, hôm nghe tin anh vừa từ bệnh viện về, mấy anh em Nhóm Thứ Sáu chúng tôi đến nhà thăm và vui mừng thấy anh đang hồi phục tốt. Anh còn lạc quan hẹn rằng sẽ tổ chức họp mặt tất niên tại nhà trong năm nay và tự tay làm món tôm càng nướng đãi cả nhóm.

Thật bàng hoàng khi chỉ sau một ngày, Bửu Sơn của chúng tôi đã đột ngột ra đi mãi mãi!

Anh Huỳnh Bửu Sơn [sinh năm 1946 tại Vũng Tàu] là một chuyên gia kinh tế lỗi lạc mà giới ngân hàng trong nước ai cũng biết đến. Nhớ hồi năm 1985, sau đợt đổi tiền lần thứ ba, tình hình kinh tế Việt Nam vô cũng khó khăn, giá cả trên thị trường tăng hàng ngày người sản xuất bán ra sản phẩm theo giá thị trường, nhưng khi tiếp tục sản xuất đều bị thua lỗ nặng vì giá nguyên liệu đã lên cao hơn nhiều. Người tiêu dùng, nhất là giới sống bằng đồng lương, thì không thể sống nổi vì vật giá tăng phi mã so với thu nhập cố định.          

Lúc bấy giờ, lãnh đạo TP.HCM đưa ra đề nghị Nhóm Thứ Sáu tham gia tìm giải pháp kéo giá xuống. Hơn 20 chuyên gia kinh tế của Nhóm cùng tích cực thảo luận và kết quả là ý kiến của anh Huỳnh Bửu Sơn đã được mọi người đồng thuận. Theo anh, nhìn từ kinh tế vĩ mô thì giá cả không phải đang tăng, mà ngược lại đã giảm đến độ nền kinh tế đang tan rã, dẫn đến mọi ngành sản xuất đều thua lỗ, không tái tạo được đồng vốn.

Quan điểm phản biện này lập tức được soạn thảo kịp thời bằng một đề án và các anh em đại diện cho Nhóm Thứ Sáu được Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt mời ra trình bày trước nhiều bộ trưởng và chuyên gia hàng đầu của chính phủ. Có thể nói, đó là một trong những yếu tố giúp Trung ương có những chính sách mới, chẳng hạn như xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”, hàng hoá được lưu thông xuyên suốt cả nước, cùng với các chính sách tài chính và tín dụng tiền tệ được ban hành, đã đưa nền kinh tế từng bước bình thường trở lại trong những năm kết tiếp.

Ông Huỳnh Bửu Sơn [ngoài cùng, bên trái] trong một chuyến đi với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu

Sau đó, anh Huỳnh Bửu Sơn và ba anh em khác trong Nhóm Thứ Sáu đã được tham gia vào Nhóm Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Kể cả những năm sau này, khi có những yêu cầu của lãnh đạo TP.HCM về việc góp ý kiến hay tham gia xây dựng các công trình kinh tế trên địa bàn thành phố, như thành lập Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn Công thương, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước... đều có sự đóng góp của anh Huỳnh Bửu Sơn.

Ôi, lại một “tia nắng tà dương” của Nhóm Thứ Sáu vừa vụt tắt. Thứ Hai 6.6.2022 tới đây là giỗ ông Sáu Dân, cứ tưởng đó là ngày chúng ta sẽ gặp nhau cùng ôn lại bao nhiêu kỷ niệm. Cớ sao anh lại vội vã ra đi, quên cả lời hẹn Tết năm tới liên hoan đoàn tụ Nhóm. Nỗi niềm ly biệt này biết khi nào mới nguôi!

Một buổi họp mặt của Nhóm Thứ Sáu tại nhà Huỳnh Bửu Sơn [ngồi hàng đầu bên phải] năm 2020. Ảnh tư liệu gửi cùng bài viết của Nhóm Thứ Sáu]

Con người tuy không lựa được lúc nào và ở đâu khi sinh ra, cũng như lúc nào rời khỏi thế gian này. Nhưng việc lựa chọn sống như thế nào để gọi là hữu ích cho cộng đồng đã nuôi dưỡng ta nên người thì hoàn toàn chủ động được.

Theo truyền thống văn hoá Việt Nam, khi đất nước thanh bình thì mọi người có thể thoải mái lựa chọn cuộc sống như ý. Vì vậy mới có những người tài không màng con đường công danh mà chọn cuộc sống ẩn dật như một thầy đồ, thầy thuốc trong dân gian. Nhưng khi vận nước lâm nguy thì kể cả dân cùng đinh cũng xông pha trận mạc đúng với câu “thất phu hữu trách”. Huống hồ chi, người trí thức thì không thể tìm sự yên thân cho riêng mình mà sẵn sàng vượt qua mọi định kiến, để cùng mọi người hy sinh cho dù có đổ xương máu để cứu nguy đất nước, nên chúng ta mới có những vĩ nhân như Đức Trần Hưng Đạo, La Sơn Phu Tử…

Anh Huỳnh Bửu Sơn – một trí thức lớn – đã chủ động chọn thái độ cống hiến trước bao giai đoạn khó khăn của vận nước, đồng cam cộng khổ với quê hương trong suốt cuộc đời - như chúng ta từng biết.

Anh đã hoàn thành sứ mệnh của một kiếp người. Xin chúc anh an nghỉ ở cõi Thiền, nơi anh vẫn thường ước mơ, để lại muôn vàn thương tiếc cho anh em.

Anh em Nhóm Thứ Sáu

Video liên quan

Chủ Đề