Đánh giá những bài văn hay lớp 6 học kì 1

Sắp đến kì thi giữa kì 1, chắc hẳn các bạn học sinh đang rất bận rộn để ôn luyện các dạng đề môn ngữ văn lớp 6. Để các bạn có thể làm bài thi giữa kì tốt nhất thì dưới đây là 3 bộ đề thi ngữ văn lớp 6 giữa học kì 1 theo chương trình mới Trung học Cơ sở có kèm theo đáp án mà Bamboo School đã tổng hợp từ ba bộ sách khác nhau như sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức. Hy vọng với 3 bộ đề thi này sẽ giúp các bạn học sinh ôn tập hiệu quả, nắm được cách ra đề thi và các dạng bài cần lưu ý để đạt kết quả cao trong các bài thi sắp tới.

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

 SỰ TÍCH HOA CÚC TRẮNG

Ngày xưa, có một gia đình nghèo gồm hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, cuộc sống của họ bình yên trong một ngôi nhà nhỏ. Người mẹ hàng ngày tần tảo làm lụng nuôi con. Người con thì cũng hiếu thảo, biết vâng lời mẹ và chăm chỉ học hành. Một ngày kia, người mẹ bỗng lâm bệnh nặng, mặc dù người con rất thương mẹ, chạy chữa biết bao thầy lang giỏi trong vùng cũng không chữa khỏi cho mẹ. Em buồn lắm, ngày ngày đều cầu phúc cho mẹ. Thương mẹ, người con quyết tâm đi tìm thầy nơi khác về chữa bệnh. Người con đi mãi, qua bao nhiêu làng mạc, núi sông, ăn đói mặc rách vẫn không nản lòng.
Đến một hôm, khi đi ngang qua một ngôi chùa, em xin nhà sư trụ trì được vào thắp hương cầu phúc cho mẹ. Lời cầu xin của em khiến trời nghe cũng phải nhỏ lệ, đất nghe cũng cúi mình. Lời cầu xin đó đến tai Đức Phật từ bi, Người cảm thương tấm lòng hiếu thảo đó của em nên đã tự mình hóa thân thành một nhà sư. Nhà sư đi ngang qua chùa và tặng em một bông hoa trắng rồi nói:

– Bông hoa này là biểu tượng của sự sống, là bông hoa chứa đựng niềm hi vọng, là ước mơ của loài người, là thần dược để chữa bệnh cho mẹ con, con hãy mang nó về chăm sóc. Nhưng phải nhớ rằng, cứ mỗi năm sẽ có một cánh hoa rụng đi và bông hoa có bao nhiêu cánh thì mẹ con chỉ sống được bấy nhiêu năm. Nói rồi nhà sư biến mất.

Em nhận bông hoa, cảm tạ Đức Phật, lòng em rất đỗi vui mừng. Nhưng khi đếm những cánh hoa, lòng em bỗng buồn trở lại khi biết rằng bông hoa chỉ có năm cánh, nghĩa là mẹ em chỉ sống được thêm với em có năm năm nữa. Thương mẹ quá, em nghĩ ra một cách, em liền liều xé nhỏ những cánh hoa ra thành nhiều cánh nhỏ, nhiều đến khi không còn đếm được bông hoa có bao nhiêu cánh nữa. Nhờ đó mà mẹ em đã khỏi bệnh và sống rất lâu bên người con hiếu thảo của mình. Bông hoa trắng với vô số cánh nhỏ đó đã trở thành biểu tượng của sự sống, là ước mơ trường tồn, là sự hiếu thảo của người con đối với mẹ, là khát vọng chữa lành mọi bệnh tật cho mẹ của người con. Ngày nay, bông hoa đó được người đời gọi là hoa cúc trắng.

(Phỏng theo Truyện cổ tích Nhật Bản – Sách Ngựa Gióng)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Truyện Sự tích hoa cúc trắng thuộc thể loại nào?

A. Truyện cổ tích
B. Truyện đồng thoại
C. Truyền thuyết
D. Thần thoại

Câu 2. Câu chuyện trên được kể theo ngôi thứ mấy?

A.Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ ba
C. Ngôi thứ hai
D. Cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 3. Trong câu chuyện, em bé cứu sống được mẹ là nhờ tìm được thầy lang giỏi, theo em đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 4. Theo nhà sư, bông hoa cúc trắng biểu tượng cho điều gì?

A. Biểu tượng cho sự sống và lòng hiếu thảo
B. Biểu tượng cho sự sống và lòng kiên trì
C. Biểu tượng cho sự sống và tình yêu thương
D. Biểu tượng cho sự sống và ước mơ cao đẹp

Câu 5. Vì sao em bé lại xé nhỏ các cánh hoa?

A. Vì em vốn là đứa trẻ hiếu động
B. Vì em nghĩ bông hoa nhiều cánh sẽ đẹp hơn
C. Vì em bé muốn mẹ sống lâu bên mình
D. Vì em thích bông hoa nhiều cánh

Câu 6. Trong câu văn“Người mẹ hàng ngày tần tảo làm lụng nuôi con”, từ láy tần tảo có ý nghĩa là:

A. Làm lụng chăm chỉ công việc nhà trong hoàn cảnh khó khăn
B. Làm lụng chăm chỉ công việc đồng áng trong hoàn cảnh khó khăn
C. Làm lụng chăm chỉ việc nhà và đồng áng trong hoàn cảnh khó khăn
D. Làm lụng vất vả, lo toan việc nhà trong hoàn cảnh khó khăn

Câu 7. “Ngày xưa, có một gia đình nghèo gồm hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, cuộc sống của họ bình yên trong một ngôi nhà nhỏ”. Từ in đậm trong câu văn thuộc loại trạng ngữ nào?

A. Trạng ngữ chỉ mục đích
B. Trạng ngữ chỉ nơi chốn
C. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân
D. Trạng ngữ chỉ thời gian

Câu 8. Chủ đề nào sau đây đúng với truyện Sự tích hoa cúc trắng?

A. Ca ngợi ý nghĩa các loài hoa
B. Ca ngợi tình mẫu tử
C. Ca ngợi tình cảm gia đình
D. Ca ngợi tình cha con

Thực hiện yêu cầu:

Câu 9. Hãy rút ra bài học mà em tâm đắc nhất sau khi đọc câu chuyện trên.

Câu 10. Qua câu chuyện, em thấy mình cần phải có trách nhiệm gì với cha mẹ?

II. VIẾT (4.0 điểm)

Hãy kể lại một truyện truyền thuyết bằng lời văn của em.

Đáp án đề kiểm tra giữa kì 1 văn 6 Cánh diều

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án A B B A C D D B
Điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm

Câu 9. (1 điểm)

Bài học tâm đắc nhất sau khi em đọc câu chuyện trên là: Hãy luôn nỗ lực, hướng đến tương lai, tin tưởng vào sự sống và hiểu thảo với cha mẹ thì những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn bằng nhiều cách khác nhau. Và đừng bao giờ từ bỏ hy vọng mà hãy luôn tìm kiếm, nỗ lực để đạt được điều bản thân mong muốn.

Câu 10. (1 điểm)

Qua câu truyện trên, em thấy mình cần phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi đau ốm, hiểu thảo cha mẹ và không làm cha mẹ buồn phiền hay vất vả.

II. VIẾT (4.0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn tự sự (0,25 điểm)

b. Xác định đúng yêu cầu của đề là “Kể lại một truyện truyền thuyết bằng lời văn của em” (0,25 điểm)

c. Kể lại một truyện truyền thuyết bằng lời văn của em. (2,5 điểm)

Có thể triển khai cốt truyện theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Sử dụng ngôi kể phù hợp.
  • Giới thiệu được câu chuyện truyền thuyết định kể.
  • Giới thiệu được nhân vật chính, các sự kiện chính trong truyền thuyết: bắt đầu – diễn biến – kết thúc.
  • Ý nghĩa của truyện truyền thuyết.

d. Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. (0,5 điểm)

e. Sáng tạo: Bố cục mạch lạc, lời kể sinh động, sáng tạo. (0,5 điểm)

Bài văn mẫu “Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng” mà học sinh có thể tham khảo:

Ngày xửa ngày xưa, vào thời vua Hùng Vương thứ mười sáu, có một đôi vợ chồng tuy đã già nhưng vẫn chẳng có lấy một mụn con. Hai ông bà lão nổi tiếng là người hiền lành, đôn hậu ở làng Gióng nhưng không hiểu sao lại chịu sự không may mắn như vậy. Cho đến một ngày, khi bà lão đi ra đồng thì chợt thấy một dấu chân to khổng lồ. Lấy làm ngạc nhiên, bà lão đưa chân mình vào ướm thử để đo xem dấu vết chân đó to đến cỡ nào. Thời gian thấm thoát trôi đi, bà lão chẳng còn nhớ đến vết chân ngày xưa nữa thì bỗng một ngày bà có thai. Hai vợ chồng bà lão mừng lắm, bà sinh ra một cậu bé khôi ngô, tuấn tú. Ấy thế mà đứa trẻ đó từ khi sinh ra lại chẳng biết nói, cũng không biết cười, không biết đi, chỉ đặt đâu thì nó nằm đấy. Hai ông bà từ mừng rỡ khi sinh được con đến lo lắng, buồn bã không hiểu sao lại như vậy.

Lúc bấy giờ, giặc Ân tràn sang xâm lược nước ta. Chúng khiến cho đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, tình cảnh đất nước lúc này đang ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Nhà vua sai sứ giả đi rao tin khắp nơi, nhằm tìm người tài đứng lên cứu giúp đất nước. Sứ giả đi rao tin cuối cùng cũng đến làng Gióng. Nghe tiếng sứ giả, cậu bé bỗng nhiên cất tiếng gọi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ hãy mời sứ giả vào đây cho con”. Thấy đứa con mình suốt bao nhiêu ngày tháng không nói, không cười bỗng dưng hôm nay lại cất tiếng gọi mẹ, hai ông bà lão mừng lắm, liền mời sứ giả vào ngay.

Khi sứ giả vào nhà, cậu bé đã ngay lập tức yêu cầu sứ giả hãy về chuẩn bị đủ những vũ khí để đi đánh giặc: Ngựa sắt, áo sắt và tấm giáp sắt để phá tan lũ giặc xâm lược. Sứ giả mừng rỡ vội về tâu lên cho nhà vua chuẩn bị. Nhà vua cũng đồng ý theo lời của cậu bé.Càng lạ lùng thay, Thánh Gióng từ khi gặp được sứ giả của nhà vua thì lớn nhanh như thổi, cơm cha mẹ thổi bao nhiêu cậu ăn cũng không đủ no, quần áo chẳng mấy chốc đều chật hết cả. Cậu bé chẳng mấy chốc hóa thành một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh, khí thế ngút trời.

Chẳng bao lâu, nhà mua sai người đem đến đủ cả những thứ mà Gióng yêu cầu. Thánh Gióng lên đường đánh giặc ngay. Cậu đi đến đâu đánh bại quân giặc đến đấy. Khi kiếm gãy, Gióng liền nhổ một bụi cỏ bên đường, quật ngã bọn giặc ngoại xâm. Một hồi, ngựa của Thánh Gióng đã đến chân núi Sóc Sơn, Thánh Gióng liền cởi bộ giáp sắt đang mặc trên người ra mà bay thẳng lên trời.

Để nhớ đến công lao của Thánh Gióng, nhà vua đã cho người lập đền thờ của vị tướng này tại quê nhà của ông là làng Gióng. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều dấu tích năm xưa còn lưu lại và cứ tháng 4 hằng năm, người ta vẫn thường đến đền thờ Phù Đổng Thiên Vương để tưởng nhớ ông.

Đề thi Ngữ văn lớp 6 giữa học kì 1 Chân trời sáng tạo

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

SỰ TÍCH CÂY NGÔ

Năm ấy, trời hạn hán. Cây cối chết khô vì thiếu nước, bản làng xơ xác vì đói khát. Nhiều người phải bỏ bản ra đi tìm nơi ở mới. Ở nhà nọ chỉ có hai mẹ con. Người mẹ ốm đau liên miên và cậu con trai lên 7 tuổi. Cậu bé tên là Aưm, có nước da đen nhẫy và mái tóc vàng hoe. Tuy còn nhỏ nhưng Aưm đã trở thành chỗ dựa của mẹ. Hằng ngày, cậu dậy sớm vào rừng kiếm măng, hái nấm, hái quả mang về cho mẹ. Nhưng trời ngày càng hạn hán hơn. Có những lần cậu đi cả ngày mà vẫn không tìm được thứ gì để ăn. Một hôm, vừa đói vừa mệt cậu thiếp đi bên bờ suối. Trong mơ, cậu nhìn thấy một con chim cắp quả gì to bằng bắp tay, phía trên có chùm râu vàng như mái tóc của cậu. Con chim đặt quả lạ vào tay Aưm rồi vỗ cánh bay đi. Tỉnh dậy Aưm thấy quả lạ vẫn ở trên tay. Ngạc nhiên, Aưm lần bóc các lớp vỏ thì thấy phía trong hiện ra những hạt màu vàng nhạt, xếp thành hàng đều tăm tắp. Aưm tỉa một hạt bỏ vào miệng nhai thử thì thấy có vị ngọt, bùi. Mừng quá, Aưm cầm quả lạ chạy một mạch về nhà.

Mẹ của cậu vẫn nằm thiêm thiếp trên giường. Thương mẹ mấy ngày nay đã đói lả, Aưm vội tỉa những hạt lạ đó mang giã và nấu lên mời mẹ ăn. Người mẹ dần dần tỉnh lại, âu yếm nhìn đứa con hiếu thảo. Còn lại ít hạt, Aưm đem gieo vào mảnh đất trước sân nhà. Hằng ngày, cậu ra sức chăm bón cho cây lạ. Nhiều hôm phải đi cả ngày mới tìm được nước uống nhưng Aưm vẫn dành một gáo nước để tưới cho cây. Được chăm sóc tốt nên cây lớn rất nhanh, vươn những lá dài xanh mướt. Chẳng bao lâu, cây đã trổ hoa, kết quả.

Mùa hạn qua đi, bà con lũ lượt tìm về bản cũ. Aưm hái những quả lạ có râu vàng hoe như mái tóc của cậu biếu bà con để làm hạt giống. Quý tấm lòng thơm thảo của Aưm, dân bản lấy tên câu bé đặt tên cho cây có quả lạ đó là cây Aưm, hay còn gọi là cây ngô. Nhờ có cây ngô mà từ đó, những người dân Pako không còn lo thiếu đói nữa.

(Truyện cổ tích Việt Nam – Nguồn truyencotich.vn)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Truyện Sự tích cây ngô thuộc thể loại nào?

A. Truyện cổ tích
B. Truyện đồng thoại
C. Truyền thuyết
D. Thần thoại

Câu 2. Câu chuyện trên được kể theo ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ ba
C. Ngôi thứ hai
D. Cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 3. Trong câu chuyện, em bé cứu sống được mẹ là nhờ tìm được thầy lang giỏi, theo em đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 4. Theo em, cây ngô biểu tượng cho điều gì của dân làng Pako?

A. Biểu tượng cho sự sống và lòng hiếu thảo
B. Biểu tượng cho sự sống và tình yêu thương
C. Biểu tượng cho sự sống ấm no của dân làng
D. Biểu tượng cho sự sống và ước mơ cao đẹp

Câu 5. Vì sao em bé lại đem giống ngô cho mọi người?

A. Vì em nghĩ mọi người đều thương yêu em
B. Vì em bé muốn mẹ được khỏe mạnh
C. Vì em thích loại giống lạ mới thấy lần đầu
D. Vì em có lòng tốt muốn chia sẻ cho dân làng

Câu 6. Chủ đề nào sau đây đúng với truyện Sự tích cây ngô?

A. Ca ngợi ý nghĩa của loài cây
B. Ca ngợi lòng hiếu thảo
C. Ca ngợi tình cảm gia đình
D. Ca ngợi tình mẫu tử

Câu 7. Trong câu văn “Mùa hạn qua đi, bà con lũ lượt tìm về bản cũ”, từ lũ lượt là từ gì?

A. Từ láy
B. Từ nhiều nghĩa
C. Từ ghép
D. Từ đồng âm

Câu 8. “Hằng ngày, cậu dậy sớm vào rừng kiếm măng, hái nấm, hái quả mang về cho mẹ.” Từ in đậm trong câu văn thuộc loại trạng ngữ nào?

A. Trạng ngữ chỉ thời gian
B. Trạng ngữ chỉ mục đích
C. Trạng ngữ chỉ nơi chốn
D. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân

Thực hiện yêu cầu:

Câu 9. Hãy rút ra bài học mà em tâm đắc nhất sau khi đọc câu chuyện trên.

Câu 10. Qua câu chuyện, em thấy mình cần phải có trách nhiệm gì với cha mẹ và cộng đồng?

II. VIẾT (4.0 điểm)

Hãy kể lại một truyện truyền thuyết bằng lời văn của em.

Đáp án đề thi Ngữ văn lớp 6 giữa học kì 1 Chân trời sáng tạo

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án A B B C D B C A
Điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm

Câu 9. (1 điểm)

Bài học mà em tâm đắc nhất sau khi đọc câu chuyện trên là: Hãy biết hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ khi đau ốm và biết chia sẻ với mọi người những thứ mà ta nhận được từ sự giúp đỡ của người khác.

Câu 10. (1 điểm)

Qua câu chuyện trên, em thấy bản thân cần có trách nhiệm hiếu thảo, chăm lo cho cha mẹ khi đau ốm hay già yếu và biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người để cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau phát triển.

II. VIẾT (4.0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn tự sự (0,25 điểm)

b. Xác định đúng yêu cầu của đề là “Kể lại một truyện truyền thuyết bằng lời văn của em” (0,25 điểm)

c. Kể lại một truyện truyền thuyết bằng lời văn của em. (2,5 điểm)

Có thể triển khai cốt truyện theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Sử dụng ngôi kể phù hợp.
  • Giới thiệu được câu chuyện truyền thuyết định kể.
  • Giới thiệu được nhân vật chính, các sự kiện chính trong truyền thuyết: bắt đầu – diễn biến – kết thúc.
  • Ý nghĩa của truyện truyền thuyết.

d. Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. (0,5 điểm)

e. Sáng tạo: Bố cục mạch lạc, lời kể sinh động, sáng tạo. (0,5 điểm)

Bài văn mẫu “Kể lại truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm” mà học sinh có thể tham khảo:

Thời giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam, chúng coi dân như cỏ rác, tác oai tác quái làm nhiều điều trái với đạo lý. Nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần đứng lên chống giặc nhưng đều bị thất bại.

Thấy vậy Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn Gươm thần để đánh giặc. Thời ấy ở Thanh Hoá có chàng trai tên là Lê Thận làm nghề đánh cá. Một đêm, Thận thả lưới trên bến vắng, ba lần kéo lưới lên đều thấy một thanh sắt, chàng trai nhận ra đó là lưỡi gươm liền đem về cất ở xó nhà. Sau đó Lê Thận hăng hái gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng tuỳ tùng đến nhà Thận, thấy thanh gươm tự nhiên sáng rực lên, Lê Lợi bèn cầm lên xem thây có hai chữ “Thuận Thiên”.

Một lần khi bị thua phải tháo chạy Lê Lợi đi qua khu rừng, thấy chuôi gươm nạm ngọc trên ngọn cây đa tỏa ánh sáng, nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Thận Lê Lợi giắt vào lưng đem về. Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại mọi người đã kể lại chuyện bắt được chuôi gươm. Lê Thận đem gươm ra tra vào chuôi thì vừa khớp với nhau. Lê Thận nâng gươm trao cho Lê Lợi và nói rằng đây là Trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Lê Lợi với thanh gươm báu cùng nhuệ khí nghĩa quân ngày một lớn mạnh. Trên các trận đánh làm quân Minh kinh hồn bạt vía.

Uy danh của nghĩa quân vang dội khắp nơi. Chiến lợi phẩm thu về ngày càng nhiều. Thế chủ động tấn công ngày một cao, chẳng mấy chốc đã đuổi được sạch bóng giặc Minh khỏi bờ cõi. Một năm sau khi đuổi giặc Minh, vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Nhân đó Long Quân sai Rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Thuyền rồng ra giữa hồ, thấy có Rùa lớn xuất hiện, vua truyền lệnh cho thuyền chậm lại. Rùa vàng tiến về phía vua và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Nghe Rùa vàng nói vua hiểu ý, rút gươm trả cho Rùa vàng. Rùa vàng lập tức há miệng đỡ lấy thanh gươm và từ từ chìm xuống nước.

Gươm và Rùa đã chìm xuống nước nhưng người ta thấy có ánh sáng loang loáng dưới mặt hồ xanh. Từ đó hồ Tả Vọng mang tên là hồ Gươm hay là hồ Hoàn Kiếm.

Đề thi Ngữ văn lớp 6 giữa học kì 1 Kết nối tri thức

Phần I. Đọc – hiểu (6.0 điểm)

Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Gió bắc thổi ào ào qua khu rừng vắng. Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật. Mưa phùn lất phất… Bên gốc đa, một chú Thỏ bước ra, tay cầm một tấm vải dệt bằng rong. Thỏ tìm cách quấn tấm vải lên người cho đỡ rét, nhưng tấm vải bị gió lật tung, bay đi vun vút. Thỏ đuổi theo. Tấm vải rơi tròng trành trên ao nước. Thỏ vừa đặt chân xuống nước đã vội co lên. Thỏ cố khều nhưng đưa chân không tới. Một chú Nhím vừa đi đến. Thỏ thấy Nhím liền nói:

– Tôi đánh rơi tấm vải khoác!

– Thế thì gay go đấy! Trời rét, không có áo khoác thì chịu sao được.

Nhím nhặt chiếc que khều… Tấm vải dạt vào bờ, Nhím nhặt lên, giũ nước, quấn lên người Thỏ:

– Phải may thành một chiếc áo, có thế mới kín được.

– Tôi đã hỏi rồi. Ở đây chẳng có ai may vá gì được.

Nhím ra dáng nghĩ:

– Ừ! Muốn may áo phải có kim. Tôi thiếu gì kim.

Nói xong, Nhím xù lông. Quả nhiên vô số những chiếc kim trên mình Nhím dựng lên nhọn hoắt. Nhím rút một chiếc lông nhọn, cởi tấm vải trên mình Thỏ để may.

(Trích “Những chiếc áo ấm”, Võ Quảng)

Hãy chọn đáp án đúng nhất để trả lời câu hỏi: (Mỗi câu đúng được 0.5 điểm)

Câu 1: Thể loại của đoạn trích trên là:

A. Truyện cổ tích
B. Truyện đồng thoại
C. Truyện truyền thuyết
D. Truyện ngắn

Câu 2: Đoạn trích trên được kể bằng lời của ai?

A. Lời của người kể chuyện
B. Lời của nhân vật Nhím
C. Lời của nhân vật Thỏ
D. Lời của Nhím và Thỏ

Câu 3: Nhận xét nào nêu lên đặc điểm của nhân vật trong văn bản trên?

A. Nhân vật là loài vật, sự vật được nhân cách hóa như con người.
B. Nhân vật là loài vật, sự vật có liên quan đến lịch sử.
C. Nhân vật là loài vật, sự vật có những đặc điểm kì lạ.
D. Nhân vật là loài vật, sự vật gắn bó thân thiết với con người như bạn.

Câu 4: Em hiểu nghĩa của từ “tròng trành” trong câu “Tấm vải rơi tròng trành trên ao nước.” là gì?

A. Quay tròn, không giữ được thăng bằng.
B. Ở trạng thái nghiêng qua nghiêng lại.
C. Ở trạng thái nghiêng qua nghiêng lại, không giữ được thăng bằng.
D. Ở trạng thái quay tròn, nghiêng qua nghiêng lại.

Câu 5: Thỏ đã gặp sự cố gì trong đoạn trích trên?

A. Bị ngã khi cố với một chiếc khăn.
B. Tấm vải của Thỏ bị gió cuốn đi, rơi trên ao nước.
C. Bị thương khi cố khều tấm vải mắc trên cây.
D. Đi lạc vào một nơi đáng sợ.

Câu 6: Có bao nhiêu từ láy trong đoạn văn sau?

“Gió bấc thổi ào ào qua khu rừng vắng. Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật. Mưa phùn lất phất… Bên gốc đa, một chú Thỏ bước ra, tay cầm một tấm vải dệt bằng rong. Thỏ tìm cách quấn tấm vải lên người cho đỡ rét, nhưng tấm vải bị gió lật tung, bay đi vun vút.”

A. Bốn từ
B. Năm từ
C. Sáu từ
D. Bảy từ

Câu 7: Từ ghép trong câu văn “Nhím rút một chiếc lông nhọn, cởi tấm vải trên mình Thỏ để may” là những từ nào?

A. Nhím rút, tấm vải
B. Một chiếc, để may
C. Chiếc lông, tấm vải
D. Lông nhọn, trên mình

Câu 8: Điền từ thích hợp vào chỗ trống trong lời nhận xét sau để thể hiện đúng nhất thái độ của Nhím đối với Thỏ qua câu nói “Thế thì gay go đấy! Trời rét, không có áo khoác thì chịu sao được?”

Nhím……………. cho Thỏ.

A. Lo sợ
B. Lo lắng
C. Lo âu
D. Lo ngại

Thực hiện yêu cầu:

Câu 9 (1.0 điểm): Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu văn sau “Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật”.

Câu 10 (2.0 điểm): Từ hành động của các nhân vật trong đoạn trích, em rút ra được những bài học đáng quý nào?

Phần II. Làm văn (4.0 điểm)

Viết bài văn (khoảng 1,5 trang giấy) kể lại trải nghiệm một lần em giúp đỡ người khác hoặc nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh.

Đáp án đề thi Ngữ văn lớp 6 giữa học kì 1 Kết nối tri thức

Phần I. Đọc – hiểu (6.0 điểm)

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án B A A C B C C D
Điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm

Câu 9. (1 điểm)

– Biện pháp tu từ nhân hóa: run lên bần bật.

– Tác dụng:

  • Biện pháp nhân hóa đã làm cho hình ảnh cây cối trở nên sinh động, giống như con người, cũng cảm nhận được cái rét của gió bắc.
  • Gợi tả khung cảnh mùa đông giá rét.

Câu 10. (1 điểm)

Học sinh nêu được những bài học phù hợp như:

  • Có lòng nhân ái, yêu thương mọi người.
  • Cần biết cảm thông, thấu hiểu, giúp đỡ người khác khi họ khó khăn.
  • Nhanh nhẹn, linh hoạt khi gặp khó khăn, trở ngại.

Phần II. Làm văn (4.0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn tự sự (0,25 điểm)

Đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài; các ý được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Kể về một lần em giúp đỡ người khác hoặc nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh (0,25 điểm)

c. Kể về một lần em giúp đỡ người khác hoặc nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh (2,5 điểm)

Học sinh có thể triển khai cốt truyện theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Sử dụng ngôi kể thứ nhất.
  • Giới thiệu được trải nghiệm.
  • Các sự kiện chính trong trải nghiệm: bắt đầu – diễn biến – kết thúc.
  • Những ý nghĩa của trải nghiệm với bản thân.

d. Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. (0,5 điểm)

e. Sáng tạo: Bố cục rõ ràng, lời văn giàu hình ảnh, cảm xúc (0,5 điểm)

Bài văn mẫu mà bạn có thể tham khảo:

Vì vội vã mà em không kịp ăn sáng, em cầm chiếc bánh mì mẹ vội đưa mà vừa chạy vừa ăn, trong lòng chỉ mong sao cho mình đến kịp giờ, đến muộn nếu làm ảnh hưởng đến thành tích thi đua của cả lớp thì em sẽ rất áy náy. Sau khi chạy hết sức mình thì cuối cùng hình ảnh của cánh cổng trường cũng hiện ra trước mắt em. Nhưng để vào trường thì em phải băng qua một tuyến đường, sáng sớm đúng giờ mọi người đi làm nên xe cộ khá đông đúc, mặt khác đoạn đường này chưa được lắp đặt hệ thống đèn đỏ nên gây khó khăn lớn cho việc sang đường.

Em định băng qua đường để vào trường nhưng em chợt nhìn sang bên cạnh có một bà cụ đang đi tới, có vẻ cụ cũng đang định sang đường, xe cộ đông như vậy nếu để cụ đi một mình thì sẽ rất nguy hiểm. Nghĩ vậy em liền bước tới gần cụ và nắm lấy cánh tay của cụ:
“Cụ để con dẫn cụ qua đường nhé, bây giờ xe đông cụ qua đường sẽ rất nguy hiểm”, nghe em nói, cụ hướng đôi mắt về phía em, ánh mắt cụ đục đục vì tuổi già nhưng lại ánh lên vẻ hiền từ, nhân hậu. Nhìn cụ em lại nhớ về bà của mình, cụ ôn tồn nói với em:

“Cảm ơn cháu nhé, cháu thật tốt bụng”, nghe cụ nói em có chút ngượng ngùng, em cho rằng hành động này là tất nhiên, ai nhìn thấy cũng sẽ hành động như em thôi, chứ lời khen tốt bụng của bà cụ thì em chưa xứng đáng để nhận.

“Dạ không có gì đâu cụ ạ, để con dẫn cụ qua”. Em nói rồi nắm chặt lấy tay cụ, nhìn đường lúc thưa xe nhất thì cẩn thận dẫn cụ qua đường, trên đường em đưa một tay ra vẫy để xin mấy bác, mấy cô đang di chuyển trên đường nhường đường cho em và bà cụ. Thấy hành động xin nhường đường của em thì mọi người đều rất vui vẻ giúp đỡ, có người còn dừng hẳn xe lại để cho em và cụ đi.

Khi sang được đường bên này, em nhẹ nhàng buông tay cụ và nói với cụ:
“Cụ ơi, đã qua đường bên này rồi, cụ đi cẩn thận nhé!”
“Cám ơn cháu đã giúp đỡ” Cụ nói rồi đưa tay vào túi áo và mang ra một chiếc kẹo, cụ để vào tay em như một lời cảm ơn. Lúc ấy em đã cảm động lắm, không phải vì chiếc kẹo mà bởi vì tình cảm của cụ cũng ấm áp như người bà của em vậy. Em cảm ơn bà rồi từ biệt bà để vào trường. Buổi sinh hoạt trường hôm ấy em đã đến muộn mười phút, nhưng em lại cảm thấy thật vui, cảm giác được giúp đỡ người khác em không nghĩ lại vui mừng, hân hoan đến như vậy. Hành động giúp đỡ của em tuy rất nhỏ bé, không có gì đáng kể nhưng đó là một việc tốt mà em đã thực hiện, em rất tự hào về nó.

Đây là lần đầu tiên em giúp đỡ một người già qua đường, qua sự kiện này em thấy thấm thía hơn những giờ giảng đạo đức của các thầy cô, giúp đỡ người khác không chỉ mang lại niềm vui cho những người được giúp đỡ mà còn mang lại niềm vui cho chính bản thân mình. Từ nay em sẽ tích cực hơn trong việc giúp đỡ người khác, góp phần công sức nhỏ bé để giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tải bộ đề thi Ngữ văn lớp 6 giữa học kì 1

Để tải bộ đề thi ngữ văn lớp 6 giữa học kì 1 mới nhất hiện nay kèm đáp án chi tiết, bạn có thể truy cập tại đây:

TẢI NGAY BỘ ĐỀ THI GIỮA KÌ 1 NGỮ VĂN 6

Tham khảo thêm:

  • Tổng hợp bộ đề thi giữa kì 1 toán 6 từ cơ bản đến nâng cao có đáp án mới nhất 2022-2023
  • Tổng hợp 4 bộ đề thi giữa kì 1 văn 8 2022-2023 có đáp án (Tải nhiều nhất)
  • Tổng hợp 7 đề thi tiếng Anh lớp 7 giữa học kì 1 chương trình mới có đáp án

Hy vọng qua bài viết trên đây, các bạn đã làm quen với ma trận và các dạng đề thi ngữ văn lớp 6 giữa học kì 1 từ ba bộ sách khác nhau mà Bamboo School đã tổng hợp để giúp bạn tham khảo và ôn tập tốt cho kì thi giữa kì sắp tới. Chúc các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình và đạt kết quả cao như mong muốn.