Có nên bổ sung men tiêu hóa dài ngày

Men tiêu hóa nếu dùng sai cách sẽ không mang lại hiệu quả tốt hơn mà còn có thể gây nguy hại cho sức khỏe đường ruột của trẻ. Nhiều trường hợp các bà mẹ, khi thấy con biếng ăn, tiêu chảy hay táo bón đều chạy ra nhà thuốc mua men tiêu hóa về cho con uống một cách vô tư. Điều này đã làm cho đường ruột, hệ tiêu hóa của bé hoạt động lệ thuộc vào men tiêu hóa. Việc sử dụng không đúng chỉ định có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Cụ thể, việc tùy tiện cho trẻ sử dụng men tiêu hóa có thể vô tình làm cho các tuyến tiêu hóa trong cơ thể bị ức chế, giảm bài tiết, giảm hoạt động. Đây là lý do dẫn đến teo, thậm chí làm cho trẻ suốt đời phải phụ thuộc vào men tiêu hóa.

Có nên bổ sung men tiêu hóa dài ngày

Các loại men tiêu hoá được bày bán rất phổ biến tại nhà thuốc

Hiện nay, nhiều cha mẹ lạm dụng men tiêu hóa để mong cải thiện đường ruột, khả năng tiêu hóa cho trẻ. Men tiêu hóa hiện có giá thành rẻ, dễ mua. Mỗi người có thể tự ra nhà thuốc mua cả hộp hay vài gói mà không cần bác sĩ phải kê đơn. Hậu quả có bé dùng nhiều loại men tiêu hóa khác nhau nhưng tình trạng rối loạn tiêu hóa chỉ được giải quyết tạm thời. Thậm chí, đến khi ngưng dùng thì tình trạng rối loạn tiêu hóa quay trở lại nghiêm trọng hơn.

Trong cơ thể, men tiêu hóa là hỗn hợp các enzym tự nhiên khác nhau do chính cơ thể bài tiết ra, có tác dụng chuyển hóa các chất trong thức ăn: chủ yếu là chất đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid). Ở từng bộ phận tiêu hóa khác nhau, cơ thể sẽ bài tiết ra các loại men khác nhau để tiêu hóa và bài tiết thức ăn theo đúng vai trò của mình.

Ví dụ, khi thức ăn vào miệng sẽ tiết ra loại men amylase trong nước bọt để nghiền nát và chuyển hóa tinh bột chín thành đường maltose. Khi thức ăn xuống tới dạ dày, sẽ có men pepsin hoạt động, phân giải protein của thức ăn; hay men lipase có tác dụng tiêu hóa lipid của thức ăn đã được nhũ tương hóa... Khi chất dinh dưỡng xuống tụy, cũng có đủ các loại men để tiêu hóa protein, lipid và glucid thành các phân tử đơn giản cuối cùng giúp cơ thể hấp thu, chuyển hóa nuôi cơ thể.

Trong dịch ruột cũng có đầy đủ các nhóm men tiêu hóa protein, lipid và glucid phân giải chất dinh dưỡng thành những phân tử đơn giản để hấp thu qua thành ruột và đi vào máu. Như vậy, cơ quan tiêu hóa nào cũng có men tiêu hóa để phân hóa và chuyển hóa thức ăn, chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Khi nào đường ruột yếu hay người bệnh bị viêm teo ruột kéo dài, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật, sau mổ cắt dạ dày, sau một đợt dùng kháng sinh kéo dài... thì mới cần dùng men tiêu hóa hỗ trợ theo đơn hay chỉ định của bác sĩ.

Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, ba mẹ cần tìm ra nguyên nhân hoặc đi khám bác sĩ để điều trị đúng và kịp thời. Nếu thực sự là do hệ tiêu hóa giảm bài tiết men thì bác sĩ phải xem trẻ thiếu men gì để bổ sung cho phù hợp. Sau đó, khi trẻ ăn tốt hơn, hệ thống tiêu hóa của cơ thể lại tự tiết ra các men tiêu hóa thì nên dừng uống. Men tiêu hóa cũng phải dùng như thuốc, có liều lượng, cách dùng, theo dõi sau khi dùng. Thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10 ngày.

Mặc dù men tiêu hóa không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng không nên lạm dụng vì có thể khiến trẻ bị phụ thuộc. Lâu dần, cơ thể không sản sinh, hoặc sản sinh ít enzym có tác dụng kích thích tiêu hóa. Trong mọi trường hợp, tốt nhất phụ huynh nên tư vấn bác sĩ để có thể bổ sung men tiêu hóa phù hợp, an toàn cho trẻ.

Có nên bổ sung men tiêu hóa dài ngày

Nhiều trái cây chứa men tiêu hóa tự nhiên tốt cho sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, ba mẹ có thể bổ sung men tiêu hóa tự nhiên cho trẻ từ trái cây, rau và các loại thực phẩm khác. Ví dụ, mật ong có men amylase và protease, xoài và chuối có men amylase, đu đủ có men papain, trái bơ có men tiêu hóa lipase... Dưa cải muối, kim chi, sữa chua... cũng là những nguồn bổ sung men tiêu hoá lý tưởng cho trẻ.

Khi trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) có biểu hiện biếng ăn, tiêu hóa kém, tiêu chảy… điều đầu tiên mà cha mẹ nghĩ tới là mua men tiêu hóa và men vi sinh cho con uống. Trong khi không phải ai cũng hiểu rõ cơ chế tác dụng của loại thuốc được gọi chung với cái tên “men tiêu hóa” này. Chưa kể việc dùng thuốc không đúng chỉ định còn gây cho trẻ những hậu quả rất xấu cho cơ quan tiêu hóa và quá trình tăng trưởng.

Men tiêu hóa và men vi sinh khác nhau thế nào?

1. Men tiêu hóa

Hiện nay, các chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa thường được mọi người gọi chung bằng một từ là: men tiêu hóa. Thực chất các chế phẩm này được chia thành hai loại là men tiêu hóa và men vi sinh, có công dụng, đối tượng sử dụng khác nhau.

Men tiêu hóa là các loại men do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra, có tác dụng để tiêu hóa và hấp thu thức ăn (cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ để được hấp thu vào máu). Ví dụ như:

– Tuyến nước bọt bài tiết men anpha – amylase có tác dụng phân giải tinh bột đã nấu chín thành đường maltoza.

– Dạ dày bài tiết ra axit clohydric (HCl) và các men pepsin, lipase.

– Quan trọng nhất là các men được bài tiết từ tụy tạng. Dịch tụy chứa đầy đủ các men tiêu hóa chất bột, chất đạm, chất béo. Men tiêu hóa tinh bột của tụy cũng là anpha – amylase, có cấu trúc giống men của nước bọt nhưng tác dụng mạnh hơn nhiều lần. Men tiêu hóa chất đạm của tụy bao gồm: trypsin, chymotrypsin, arboxypolypeptidase. Men tiêu hóa ngoài thị trường có: neopeptine, enzyplex, zymoplex, panse, digelase, triase, panthiacone…

Có nên bổ sung men tiêu hóa dài ngày

Không lạm dụng men tiêu hóa và men vi sinh cho trẻ nhỏ vì có thể dẫn đến tiêu chảy cấp, mệt mỏi, suy nhược…

Men tiêu hóa được bác sĩ kê đơn khi xác định trẻ thiếu men tiêu hóa, hoặc muốn tăng cường thêm khả năng tiêu hóa thức ăn ở trẻ kém hấp thu, biếng ăn. Trẻ mới ốm dậy, thể lực yếu, hệ tiêu hóa chưa tiết men đầy đủ cũng là đối tượng nên dùng để giúp cơ thể hồi phục nhanh.

Men tiêu hóa chỉ được dùng trong một khoảng thời gian nhất định. Không nên sử dụng men tiêu hóa lâu ngày vì có thể làm giảm sự bài tiết enzym tự nhiên của cơ thể. Khi đó cơ thể dễ bị phụ thuộc vào nguồn enzyme cung cấp từ ngoài vào. Không tự ý cho trẻ dùng men tiêu hóa khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

2. Men vi sinh

Men vi sinh, còn gọi là probiotic – là chế phẩm vi sinh chứa các loại vi khuẩn có lợi, được đưa vào ruột để bù đắp, lập lại sự cân bằng vi khuẩn đường ruột. Các loại men vi sinh trên thị trường hiện nay gồm: antibio, probio, bioacimin, lactomin… Men vi sinh được chỉ định cho các trường hợp loạn khuẩn ruột như đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa.

Trong ống tiêu hóa của con người có 3 nhóm vi khuẩn chính: loại có hại, loại cơ hội và loại có lợi. Vi khuẩn có lợi tạo ra một lớp hàng rào bảo vệ quan trọng, giúp đường ruột tránh được sự xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn có hại và tác nhân gây bệnh. Vi khuẩn có lợi còn sản xuất ra một số enzym (men tiêu hóa) và vitamin nội sinh, giúp tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn. Nhờ đó, đường ruột được lành mạnh để thực hiện tốt chức năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Việc bổ sung các men vi sinh, nhằm nâng cao sức đề kháng và tăng cường chức năng cho đường ruột.

Men vi sinh được chỉ định dùng sau khi sự cân bằng trong hệ tạp khuẩn ruột bị đảo lộn dẫn đến rối loạn tạp khuẩn (thường gặp ở người bệnh vừa điều trị kháng sinh). Biểu hiện là đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa… Men vi sinh có thể dùng dài ngày.

Việc nhầm lẫn giữa hai loại men trên hoặc có khi người sử dụng không biết mình đang cho con dùng loại gì, chỉ biết gọi chung là men tiêu hóa. Lâu ngày sẽ khiến cho tình trạng tiêu hóa của trẻ không được cải thiện, thậm chí ngày càng tồi tệ hơn. Không ít trường hợp vì thấy con biếng ăn, nhiều bà mẹ đã tự ý mua men tiêu hóa về cho con uống vì nghe nói nó có tác dụng kích thích sự thèm ăn. Con được dùng men trong một thời gian dài mà tình trạng biếng ăn không được cải thiện, thậm chí con còn bị tiêu chảy cấp, mệt mỏi, suy nhược.

Thực chất men tiêu hóa cũng là một loại thuốc, mà đã là thuốc thì phải có sự chỉ định của bác sĩ mới nên dùng. Nhiều cha mẹ quá lạm dụng men tiêu hóa vì nghĩ rằng nó tiêu hóa tốt các thức ăn và kích thích ăn ngon, chẳng có hại gì nên cho con sử dụng dài ngày. Đây là điển hình của việc lạm dụng men tiêu hóa.

Bản thân cơ thể con người đều có thể sản xuất ra men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn. Nếu cho con lạm dụng men tiêu hóa dài ngày sẽ khiến cơ thể “lười biếng” không sản sinh ra men tiêu hóa, lâu dần sẽ giảm công suất và trở nên đình đốn. Lúc này, cơ thể bé sẽ phải phụ thuộc suốt đời vào men tiêu hóa được đưa vào.

Thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10-15 ngày. Không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống men tiêu hóa vì ở độ tuổi này hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định, dễ dẫn đến tiêu chảy nếu dùng không đúng cách, gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ về sau.

Nhiều người pha men vi sinh vào nước, cháo hay sữa còn nóng. Việc làm này không đúng khoa học bởi nhiệt độ cao sẽ làm giảm hoạt lực của men vi sinh. Không pha men vi sinh buổi sáng uống buổi chiều, vì như thế vi sinh bị chết sẽ không có tác dụng. Ngoài ra, có thể dùng sữa chua cũng là thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa rất tốt, lại có tác dụng kiềm chế các vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn lên men thối trong ruột.

Theo suckhoedoisong.vn

BS. Nguyễn Thanh Lâm