Cảm nắng phải làm sao

Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat stroke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40oC) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng và/hoặc hoạt động thể lực quá mức. Say nắng luôn đi kèm với say nóng. Sốc nhiệt được chia thành 2 thể:

  • Sốc nhiệt kinh điển xảy ra do nhiệt độ môi trường quá cao > 40oC kèm theo hoặc không kèm theo nắng gắt kéo dài liên tục.
  • Sốc nhiệt do gắng sức thường xảy ra ở người trẻ khỏe mạnh, các vận động viên điền kinh gắng sức quá mức trong thi đấu và tập luyện

Dấu hiệu của say nắng

Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt. Nhiệt độ cơ thể thường tăng cao trên 40oC kèm theo các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Các dấu hiệu nhẹ ban đầu: nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do giãn mạch dưới da), mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Các dấu hiệu này ở người già thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm.
  • Nếu không xử trí kịp thời, bệnh có thể biểu hiện nặng hơn với các triệu chứng như tụt huyết áp, các rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng kiềm – toan, xuất huyết do rối loạn đông máu nặng, rối loạn chức năng đa cơ quan …
  • Khi nhiệt độ đạt tới trên 42,5oC thì các enzym bị bất hoạt, chuyển hóa bị rối loạn gây suy chức năng các cơ quan, khi tới 43oC thì protein bị đông vón, các cơ quan bị hoại tử gây ra suy đa tạng khó hồi phục.

Cách xử lý khi gặp trường hợp say nắng

Cấp cứu tại chỗ: nhanh chóng đưa người bệnh ra chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, chườm nước mát để hạ thân nhiệt, có thể tưới nước mát lên cơ thể kết hợp với quạt nhưng không nên ngâm trong nước mát vì gây co mạch ngoại vi làm giảm thải nhiệt, cho uống nước có pha ít đường và muối, nước lạnh thì càng tốt. Nếu xuất hiện các triệu chứng như vật vã, co giật, hôn mê cần đưa ngay tới bệnh viện để cấp cứu.

Tại khoa hồi sức tích cực (ICU):

  • Xử trí say nóng:
    ➡Nghỉ ngơi, cách ly khỏi môi trường nóng, điều chỉnh thiếu nước và điện giải
    ➡Làm mát nhẹ nhàng bằng chườm mát lên cổ, nách, bẹn
    ➡Bổ sung nước, điện giải bằng truyền các dung dịch muối, điện giải đẳng trương lạnh.
    ➡Theo dõi dấu hiệu sống, HA tư thế, số lượng nước tiểu, phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra
  • Sốc nhiệt
    ➡Nhanh chóng ổn định đường thở, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Thở oxy và truyền dịch tinh thể khi đã cởi bỏ quần áo và đo được nhiệt độ trung tâm
    ➡Sử dụng các biện pháp làm mát tích cực để hạn chế các tổn thương cơ quan đích. Lý tưởng là giảm nhiệt độ 0,2 độ C/phút. Nên dừng khi nhiệt độ = 38 độ C
    ➡Làm mát bằng bay hơi: an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện, thích nghi tốt. Cởi bỏ quần áo bệnh nhân lau bằng nước ấm sau đó dùng quạt thổi.
    ➡Dùng nước đá hoặc nhúng bệnh nhân vào bể lạnh. Mặc dù phương pháp này có hiệu quả nhanh nhưng có nhiều biến chứng như gây co mạch ngoại biên, shunt máu, có thể dẫn tới run và giảm sự đào thải nhiệt. Ngoài ra còn gây khó chịu cho bệnh nhân và dễ gây hạ nhiệt độ quá mức.
    ➡Biện pháp hỗ trợ khác là đặt các gói đá lạnh và cổ, nách, bẹn, cũng như dùng chăn điện.
    ➡Sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan, do đó tất cả các bệnh nhân sốc nhiệt đều phải nhập viện theo dõi tại các đơn vị chăm sóc tích cực.
    ➡Người già giảm thích nghi với nhiệt độ và có nhiều bệnh kèm theo nên cần phải theo dõi tim mạch, đánh giá thường xuyên và bù dịch thận trọng.
    ➡Điều chỉnh các rối loạn thăng bằng kiềm toan; truyền plasma tươi và tiểu cầu để tránh rối loạn đông máu, đặt ống nội khí quản nếu bệnh nhân hôn mê, rối loạn hô hấp nặng.
    ➡Lọc máu cấp cứu nếu có suy thận, suy gan, suy đa tạng.

Hiện nay, khoa CC – HSTC Viện Y học biển với đội ngũ nhân viên y bác sĩ trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản cùng với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp say nóng, say nắng nặng vào viện trong tình trạng hôn mê.

Tuy vậy, BSNT. Nguyễn Bảo Nam – Trưởng khoa CC – HSTC vẫn nhấn mạnh một điều rằng các biện pháp dự phòng say nắng, say nóng cho người dân mới là điều quan trọng nhất. Đó là không làm việc quá sức, liên tục trong môi trường nóng bức, hay ở quá lâu ngoài trời nắng. Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng như quần áo bảo hộ, mũ nón, kính, uống đủ nước khi lao động ngoài trời nắng. Thông gió tốt, làm thoáng mát nơi làm việc, đặc biệt là các hầm lò, công xưởng rất có ý nghĩa trong phòng tránh say nắng, say nóng.

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế, năm 2021 sẽ là một trong những năm nắng nóng kỷ lục. Bác sĩ Lưu Xuân Đăng, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã có những trao đổi để giúp bạn đọc nhận biết về trường hợp bị say nắng, say nóng và cách xử lý khi gặp các trường hợp này.

– Xin bác sĩ cho biết, trường hợp nào dễ xảy ra say nắng, say nóng?

+ Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, nhất là thời điểm giữa trưa hay xế chiều. Lúc đó, tia nắng gay gắt sẽ chiếu một cách liên tục khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị chấn động, làm rối loạn việc điều hòa thân nhiệt kèm theo hiện tượng mất nước cấp của cơ thể. Các tình huống dễ dẫn đến say nắng, say nóng, như: Công nhân làm việc ở môi trường nóng bức kéo dài và không uống đủ nước; nông dân làm việc ở ngoài cánh đồng; vận động trong thời tiết nóng bức kéo dài và không uống đủ nước; người già sống trong nhà kín không có điều hòa trong mùa hè nóng bức; trẻ em bị bỏ quên trong xe đậu dưới trời nắng; mặc quần áo không phù hợp (quá dày, bí, không thấm nước)…

Say nắng, say nóng còn hay xảy ra trong trường hợp với yếu tố thuận lợi: Người có thói quen ít uống nước, người dùng một số loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi; người có một số tình trạng bệnh lý: Bỏng rộng, rối loạn nội tiết, sốt cao kéo dài; người béo phì; trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi…

Cảm nắng phải làm sao

Cần xử trí đúng người bị say nóng, say nắng.

– Nhận biết dấu hiệu của say nắng, say nóng như thế nào, thưa bác sĩ?

+ Khi bị say nắng, say nóng, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có những triệu chứng thường gặp, như: Mất nước nhẹ biểu hiện bằng việc khát nước, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, nước tiểu sậm, tim đập nhanh, da tái nhợt, thở nhanh; mất điện giải với biểu hiện nôn ói, chuột rút, lơ mơ, thay đổi hành vi. Nếu không can thiệp ngay, bệnh nhân sẽ nhanh chóng diễn tiến nặng, choáng do nóng với biểu hiện thân nhiệt tăng cao hơn 40,5 độ C, kèm theo tình trạng trụy mạch tụt huyết áp, co giật, và có thể bị hôn mê.

Nếu phát hiện và giải quyết kịp thời, bệnh hồi phục nhanh chóng; nếu để diễn tiến đến giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút. Có những bệnh nhân không tử vong, nhưng để lại những tổn thương nặng không hồi phục như suy gan, suy thận, tổn thương não v.v

– Vậy cách sơ cứu khi gặp người bị say nắng, say nóng ra sao, thưa bác sĩ?

+ Khi gặp trường hợp say nắng, say nóng, cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế bằng cách giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió; cởi bỏ bớt quần áo; cho uống nước mát có pha ít muối hoặc pha gói Oresol để bù lại điện giải; chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở nách, bẹn, cổ để hạ thân nhiệt nhanh và hiệu quả. Sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị tiếp theo nếu mức độ nặng.

Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc gây nôn có thể làm sặc nước vào phổi gây suy hô hấp, hay tình trạng sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở… thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát liên tục cho nạn nhân.

– Xin bác sĩ cho biết, cần phòng say nắng, say nóng như thế nào?

+ Để phòng say nắng, say nóng, mọi người cần uống nhiều nước vào các ngày nắng nóng (khoảng 7-8 ly nước mỗi ngày); ăn các loại thức ăn mát dễ tiêu hóa, các loại rau củ quả chứa nhiều kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi…

Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng gắt hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nếu không thật sự cần thiết, hủy các vận động vào ngày nắng nóng hoặc dời đến những thời điểm mát hơn trong ngày. Nên mặc đồ mỏng, màu sáng, rộng rãi và mang nón rộng vành, bôi kem chống nắng nếu dự định ở lâu ngoài trời. Nếu thấy nước tiểu sậm màu, chứng tỏ là đang thiếu nước và cần bổ sung. Kiểm tra cân nặng trước và sau khi vận động bởi việc sụt cân nhanh chứng tỏ đang thiếu nước.

Tránh dùng cà phê và rượu trước khi vận động hay đi làm vì chúng làm tăng tình trạng mất nước của cơ thể. Nếu sống trong căn nhà không có điều hòa hay thông khí kém cần di chuyển đến nơi mát hơn, nhất là thời điểm nhiệt độ tăng cao; mở các cửa số để tạo lưu thông không khí trong nhà.