Các chính sách thương mại điện tử

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid 19, giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo duy trì các hoạt động của nền kinh tế, thương mại điện tử và kinh tế số là giải pháp đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, do đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số là những nội dung được cả Việt Nam và Nhật Bản quan tâm. Ngày 15 và 16 tháng 6 năm 2021, Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức Chương trình Đối thoại chính sách pháp luật thương mại điện tử và kinh tế số lần thứ 12 thông qua hình thức trực tuyến với trọng tâm trao đổi về nội dung liên quan đến chính sách, sáng kiến chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Liên quan đến nội dung chuyển đổi số, phía Nhật Bản đã chia sẻ chính sách và sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi số tại Nhật Bản, trong đó có thể kể đến một số sáng kiến về về dịch vụ số như gBizID, iGrants… được Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản [METI] triển khai nhằm số hóa dịch vụ công và đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử. Phía Nhật Bản đồng thời cũng chia sẻ các kinh nghiệm triển khai thực tiễn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phía Việt Nam cũng chia sẻ những nội dung liên quan đến Chiến lược chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm gồm 3 trụ cột chính gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đối với nội dung về thương mại điện tử, Nhật Bản đã cập nhật thông tin liên quan đến tình hình phát triển thương mại điện tử của nước này trong lĩnh vực B2C và C2C. Bên cạnh đó, để thúc đẩy giao dịch qua các nền tảng số và định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các nhà cung cấp sản phẩm trên các nền tảng số, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật mới liên quan đến cải thiện tính minh bạch và công bằng của các nền tảng số. Nội dung của Đạo luật đã được phía Nhật Bản cập nhật trong Chương trình Đối thoại.  Phía Việt Nam cũng đã chia sẻ nội dung liên quan đến Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 và những nội dung sửa đổi bổ sung của Nghị định 52 về thương mại điện tử. 

Ngoài ra, hai Bên cũng trao đổi các thông tin liên quan đến Dòng chảy dữ liệu tự do và tin cậy [Free flow of data with trust] và những nội dung liên quan đến bảo vệ dữ liệu xuyên biên giới trong khuôn khổ APEC mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên. 

Trong thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi thông tin nhằm tăng cường hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số, chú trọng đến các nội dung liên quan đến nội dung số, phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số và cơ chế thử nghiệm chính sách mới [Sandbox] cũng như đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.


Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

[TBTCO] - Dự thảo nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, do Bộ Tài chính [Tổng cục Hải quan] xây dựng hiện đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang được trình Chính phủ xem xét. Dự thảo này được đánh giá là rất cần thiết và được doanh nghiệp mong chờ để giải quyết những bất cập đang tồn tại.

Nhắc đến bất cập của hàng hóa xuất nhập khẩu [XNK] qua thương mại điện tử [TMĐT], không thể không nhắc đến sự “bất tiện” khi loại hàng này vẫn đang phải thực hiện chung thủ tục hải quan với hàng hóa XNK theo phương thức truyền thống.

Theo ghi nhận từ thực tế thông quan hàng hóa ở các đơn vị hải quan địa phương có thể thấy, theo quy định mỗi đơn hàng đều phải lập một tờ khai, bởi vậy một máy xay tỏi, một gói chun buộc tóc hoặc một chiếc ốp điện thoại muốn thông quan được trước hết đều phải lập một tờ khai hải quan. Thậm chí, những đơn hàng khách đặt gộp hàng chục sản phẩm khác nhau trong một đơn thì tờ khai hải quan lại không đủ chỗ để điền hết.

Theo bà Đặng Thị Bích Hòa - Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Thần Tốc - đơn vị chuyên giao nhận và làm thủ tục thông quan hàng hóa cho các sàn TMĐT, nếu hàng hóa truyền thống, mỗi ngày doanh nghiệp chỉ làm nhiều nhất là 5.000 tờ khai. Song, với hình thức TMĐT, số lượng tờ khai thực hiện có thể lên tới 10.000, thậm chí hàng trăm nghìn tờ khai. Điều này khiến doanh nghiệp cũng như công chức hải quan làm thủ tục rất vất vả.

Công chức hải quan cũng như doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử vẫn đang bị gộp chung. Ảnh: Vân Hồng

Một vấn đề khác phát sinh ở khâu soi chiếu, kiểm soát hàng hóa. Theo quy định hiện hành, hàng hóa TMĐT cũng phải kiểm tra thực tế, kiểm tra chuyên ngành giống như hàng XNK thông thường. Đặc biệt là tất cả đều phải được soi chiếu khi thông quan. Theo tính toán, trung bình, cơ quan hải quan phải mất 4 giờ mới soi hết 1 lô hàng. Thông thường mỗi công chức chỉ ngồi soi máy được 2 giờ thì phải đổi ca để bảo đảm độ minh mẫn, tránh để sót lọt hàng hóa vi phạm.

Tuy nhiên, khi TMĐT nở rộ, hàng hóa tăng theo từng ngày, số lượng cán bộ hải quan lại không tăng trong nhiều năm nay, vì vậy, có một thực trạng là ca trực soi chiếu không được thay đổi mà cán bộ phải soi tới khi nào hết hàng mới được nghỉ. Có những ngày, những nơi, hai người phải soi tới hàng chục tấn hàng hóa.

Cũng phản ánh bất cập từ thực tế, một doanh nghiệp vận chuyển khác cho biết, công ty đã ký hợp đồng thực hiện dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế cho các sàn TMĐT Lazada, Shopee... Theo đó, hàng hóa của các sàn trên được vận chuyển bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển qua các chi cục hải quan cửa khẩu [như Chi cục Hải quan Hữu Nghị, Chi cục Hải quan Móng Cái, Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ - Hải Phòng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Nội Bài] về thực hiện thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh – Cục Hải quan Hà Nội.

Tuy nhiên, thời gian qua, các tuyến cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đóng do dịch Covid-19. Để hàng hóa không bị tồn đọng, các sàn đã phải chuyển hàng gửi qua đường hàng không tới TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục thông quan tại chi nhánh của công ty do Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Các vướng mắc khác đến từ việc khai báo, xuất trình chứng từ hàng hóa,… còn chưa dẫn chiếu tiêu chí cụ thể nên khó khăn khi thực hiện khai báo.

Thúc đẩy giao dịch hàng hóa

Dự thảo nghị định quản lý hàng hóa XNK qua TMĐT đề ra nhiều quy định mới, có thể khắc phục những bất cập trên.

Đối với người khai hải quan là doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh hoặc đại lý làm thủ tục hải quan được thực hiện thủ tục hải quan theo từng nhóm hàng, được khai nhiều đơn hàng trên một tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục hải quan đơn giản, theo đó tạo thuận lợi trong việc thông quan hàng hóa, hàng hóa được thông quan nhanh chóng.

Thương mại điện tử ở Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng đến 30%/năm. Trong 3 năm tới, quy mô thị trường được dự báo sẽ đứng đầu Đông Nam Á. Do đó, việc điều chỉnh chính sách, pháp luật không chỉ nhằm theo kịp với thực tế mà còn phải là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hải quan có đầy đủ thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT; các thông tin trước về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giúp cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan đây là nghị định đầu tiên quy định riêng về quản lý hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT, do vậy khi nghị định này có hiệu lực thi hành sẽ có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ, thống nhất làm cơ sở cho các đối tượng liên quan thực hiện. Nội dung quy định tại dự thảo nghị định phù hợp với bản chất của hàng hóa giao dịch qua TMĐT, cũng như các cam kết quốc tế và phù hợp với khung TMĐT của Tổ chức Hải quan thế giới.

Do đó, khi nghị định được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch hàng hóa qua TMĐT do có chính sách ưu đãi riêng đối với hàng hóa giao dịch qua hoạt động TMĐT; có phân loại về thủ tục hải quan để đảm bảo việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng, thuận lợi nhất; thủ tục hải quan đơn giản vì cung cấp, trao đổi thông tin, thủ tục hải quan đều được xử lý trên một hệ thống duy nhất [Hệ thống xử lý dữ liệu TMĐT].

Vi phạm diễn biến phức tạp

Báo cáo các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương cho biết tính đến hết năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra gần 3.000 vụ việc [bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả], xử phạt trên 20 tỷ đồng.

Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng, chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian. Nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời… Năm 2021, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm.

Nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… cung cấp thông tin, rà soát và xử lý hàng trăm website, ứng dụng vi phạm mỗi năm. Qua đó, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự để làm rõ và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại trên quy mô lớn cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo Bộ Công Thương, một trong các nguyên nhân là do các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng và thông tin để nhận biết. Đáng nói, công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả hàng nhái trong thương mại điện tử như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bảo vệ người tiêu dùng... vẫn còn hạn chế.

Xử lý nghiêm vi phạm

Để quản lý hoạt động thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung xây dựng, ban hành và trình ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó, đã bổ sung một số các quy định mới như: Minh bạch hóa thông tin sản phẩm, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý mạng xã hội; điều chỉnh các mô hình kinh doanh mới như trung gian cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, bán hàng xuyên biên giới…

Đồng thời, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó có chế tài xử lý việc cung cấp thông tin, buôn bán hàng giả, hàng cấm trên môi trường internet.

Tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngành Thuế đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ đồng, Microsoft nộp 576 tỷ đồng, thu thuế từ thương mại xuyên biên giới đạt 1.317,7 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng Cục thuế xây dựng Cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới, trên mạng; Bộ cũng có hướng dẫn nộp thuế với sàn thương mại điện tử và mua bán online, sắp tới xây dựng app để tính trích nộp tự động. Cơ sở dữ liệu thuế cũng được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để lấy mã định danh dân cư làm mã số thuế, từ đó mua bán online xác lập nhanh gọn, chính xác, loại bỏ mã số ảo, tài khoản ảo.

Mới đây, ngày 31/01/2022, Bộ đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều chế tài xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới hoạt động thương mại điện tử trong các lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí...

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Đỗ Đức Hiển [đoàn thành phố Hồ Chí Minh] cho rằng, thương mại điện tử đã trở thành một xu thế, có bước phát triển nóng gần đây, nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề như hiện tượng dùng thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng cấm, trốn thuế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để xử lý vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ chủ trì cùng với cơ quan, trước hết là thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, điều chỉnh với những cơ chế, chính sách chưa phù hợp hoặc chưa đủ sức răn đe.

Bộ Công Thương sẽ triển khai tổng kết thực tế thi hành chính sách, pháp luật, mặt khác sẽ cùng với các bộ, ngành học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển, những nước có thương mại điện tử phát triển, qua đó để thu thập kinh nghiệm trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực thi chính sách liên quan.

Nâng cao ý thức người dân

Trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án quan trọng như: Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Đề án nâng cao năng lực của cơ quan Quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; Đề án ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Đồng thời, tiếp tục triển khai Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành ngày 9/10/2020 về Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử giai đoạn 2020-2023.

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tổ chức thực hiện trên toàn quốc Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Từ chuyên đề này, các đơn vị thực hiện chia theo từng nhóm mặt hàng, để rà soát đối tượng, phương thức hoạt động, lập phương án kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó, chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác truyền thông đa dạng để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này./.

Video liên quan

Chủ Đề