Brexit có tạo nên xu hướng cho eu

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016 ở Anh về việc ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) do ông David Cameron khởi xướng đã có kết quả không như mong đợi của nhiều quan chức trong chính phủ Anh và EU. Với kết quả 52% cử tri tán thành nước Anh rời khỏi EU (gọi tắt là Brexit), 48% cử tri muốn nước Anh ở lại EU, dư luận cho rằng Brexit là một sự kiện gây chấn động thế giới, kéo theo hệ lụy không nhỏ với chính nước Anh, châu Âu và cả thế giới.

Với nước Anh Brexit đã để lại hệ lụy nghiêm trọng cả trước mắt và lâu dài, có nguy cơ nhấn chìm nước Anh vào khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị và an ninh.

Về kinh tế, theo báo chí Anh và phương Tây, thị trường chứng khoán và đồng Bảng Anh đều mất giá tức thời. Giá trị đồng Bảng Anh rơi xuống đáy trong vòng 32 năm trở lại đây, hiện 1 Bảng chỉ còn bằng 1,43 USD so với 1,5 USD trước đấy. Thị trường chứng khoán Anh mất 171 tỷ USD, tương đương số tiền 15 năm đóng góp cho EU của nước này. Anh tự tách mình ra khỏi thị trường lớn với hơn 600 triệu người tiêu dùng, mất đi vị thế một thành viên của EU trong đàm phán quốc tế. Các chuyên gia nhận định, về dài hạn, tình hình còn tồi tệ hơn. Brexit có thể khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái, co hẹp 3,8% - 7,5 % vào năm 2030.

Về chính trị, ngay sau kết quả trưng cầu dân ý được công bố, Thủ tướng Cameron tuyên bố từ chức - mở đầu cho một cuộc khủng hoảng chính trị với những mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Các nhà phân tích cho rằng, Brexit có thể làm Vương quốc Anh tan rã. Ngày 25-6, Thủ tướng Scotland, bà Nicola Sturgeon tuyên bố nhiều khả năng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi Vương quốc Anh. Bắc Ailen cũng có dự định tương tự, kết quả trưng cầu dân ý hôm 23-6 cho thấy đa số cử tri Scotland và Bắc Ailen mong muốn ở lại EU. Nếu Vương quốc Anh rời khỏi EU thì họ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi nước Anh, trở thành nước độc lập để ở lại EU. Tiếng Anh có nguy cơ không còn là ngôn ngữ chính thống của EU. Vị thế, uy tín chính trị, văn hóa của nước Anh bị suy giảm khá nghiêm trọng. Tất nhiên bản chất của vấn đề luôn có hai mặt. Đối với nước Anh, bên cạnh những hệ lụy có tính tiêu cực thì vẫn còn có những điểm tích cực, xét ở cả góc độ kinh tế, chính trị, xã hội.

Với Liên minh châu Âu (EU), Brexit được coi là một thảm họa. Các quốc gia trong EU hiểu rằng, họ mạnh hơn rất nhiều khi liên kết chặt chẽ với nhau, có chung thị trường, nhiều định chế và đồng tiền euro. Vì thế, EU đã kỳ vọng có thể tiến lên từ một khối kinh tế khổng lồ sánh ngang với Mỹ và gần đây là Trung Quốc. Nhưng không phải không có câu hỏi đặt ra: Ai sẽ mạo hiểm đi theo con đường của nước Anh? Hung-ga-ri, Ba Lan, Hy Lạp hay Hà Lan? Mỗi nước đều có sự tính toán thận trọng với lợi ích, quyền lợi quốc gia của mình. Song, rõ ràng là Brexit đã làm cho EU suy yếu, mất mát lớn cả về kinh tế, chính trị, an ninh và đứng trước nguy cơ khủng hoảng trầm trọng, có thể tan rã, hoặc chí ít đã tác động tiêu cực đến lập trường, quan điểm về một EU thống nhất trong đa dạng.

Nước Anh ra đi, EU mất 10% dân số, một nền kinh tế lớn thứ hai sau Đức, một cường quốc hạt nhân nắm ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một đồng minh thân thiết của Mỹ. Hơn thế, EU mất đi vị thế, uy tín, sự đoàn kết, v.v. Khẩu hiệu của EU là thống nhất trong đa dạng, nay đa dạng thì vẫn còn, nhưng thống nhất đã rạn nứt nghiêm trọng. Brexit diễn ra trong bối cảnh EU đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị và nhiều vấn đề khác, như: khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp, làn sóng người nhập cư, chủ nghĩa khủng bố, quan hệ với Nga,.... Brexit làm cho các vấn đề này càng thêm trầm trọng, hiệu ứng Domino trưng cầu dân ý tách khỏi EU ở các nước tiếp theo không phải là xa vời. Đặc biệt ở Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, thậm chí cả Pháp, I-ta-li-a,... Ở các quốc gia này đang nổi lên một số đảng phái, tổ chức chính trị - xã hội theo tư tưởng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại, chống: chính sách nhập cư, Hồi giáo và việc ở lại EU.

Với thế giới, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn cầu hóa thì hệ lụy Brexit cũng tác động mạnh đến kinh tế của nhiều quốc gia, tùy theo mức độ quan hệ của họ với nước Anh và EU. Ngay sau khi công bố kết quả trưng cầu dân ý, tài sản trên thị trường chứng khoán của 400 người giàu nhất thế giới đã “bốc hơi” 127,4 tỷ USD. Người ta e ngại, liệu Brexit có gây nên khủng hoảng kinh tế thế giới như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 hay không!

Về chính trị và an ninh thế giới cũng không thể lường hết được. Châu Âu là nơi khởi phát của cả hai cuộc chiến tranh thế giới thứ Nhất và thứ Hai. EU là một khối hợp tác kinh tế - chính trị được thành lập sau chiến tranh thế giới thứ Hai, với quan niệm tăng cường liên kết, hợp tác kinh tế, thương mại thì sẽ tránh được chiến tranh giữa các nước. Sự tồn tại và phát triển của EU đúng như mục đích, tôn chỉ của nó là có lợi cho hòa bình, an ninh thế giới. Brexit làm cho EU rạn nứt và gây nguy cơ tan rã bất lợi cho hòa bình, an ninh thế giới. Nếu không ngăn chặn kịp thời, EU có thể bị tan rã và việc gì có thể bùng phát ở châu lục già, khi mà chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tư tưởng phát xít ở một số nước đang ngóc đầu dậy!

Tờ New York Times của Mỹ cho rằng, Brexit có thể làm đảo lộn trật tự thế giới do Mỹ và các đồng minh phương Tây thiết lập sau chiến tranh thế giới thứ Hai. Sự việc này còn làm rạn nứt trật tự thế giới đó và làm suy yếu vị thế của EU với vai trò là thị trường chung lớn nhất thế giới - thành trì của nền dân chủ phương Tây. Đồng thời, làm suy yếu sự thống nhất thời hậu chiến mà các liên minh cần đến để duy trì sự ổn định cũng như kiềm chế chủ nghĩa dân tộc từng đẩy châu Âu vào các cuộc xung đột đẫm máu. Khi mà  chủ nghĩa dân tộc ở châu lục này đang hồi sinh mạnh mẽ, thế giới có thể sẽ bước vào kỷ nguyên mới của sự bất định với những hệ lụy khó lường.

Đối với Việt Nam, EU là một trong những đối tác thương mại lớn. Brexit khiến EU chao đảo, khủng hoảng, đương nhiên có ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo các chuyên gia đánh giá, trước mắt về kinh tế có thể không ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm qua cho thấy, sẽ là không thừa nếu Việt Nam chuẩn bị tốt các phương án để sẵn sàng đối phó với sự ảnh hưởng từ hệ lụy Brexit.

Vì sao đa số cử tri Anh tán đồng Brexit rồi lại hối hận vì Brexit đã và sẽ gây quá nhiều hệ lụy, thiệt hại cho chính bản thân họ, cho nước Anh cũng như EU? Câu trả lời có lẽ nằm ở chỗ vai trò của nhà nước trong việc thông tin, tuyên truyền định hướng cho nhân dân nhận thức đầy đủ bản chất của vấn đề.

Qua báo chí Anh và phương Tây phản ánh cho thấy: kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 thắng lợi thuộc về phe Brexit không hẳn là thắng lợi của nền dân chủ thực sự, chân chính mà là kết quả của sự tranh giành quyền lực trong các đảng phái chính trị ở nước Anh. Theo tờ Guardian thì cuộc “ly hôn” với EU của nước Anh “không chỉ là kết quả của 04 tháng vận động quyết liệt của phe ủng hộ phương án rời EU, mà còn là hậu quả của 04 thập kỷ âm ỷ của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu,...”. Hơn 40 năm, kể từ năm 1973 khi Anh gia nhập khối Thị trường chung châu Âu, chính trường nước Anh luôn diễn ra cuộc đấu tranh để giành quyền lực giữa các đảng phái ủng hộ hay chống lại việc rời khỏi EU. Ngay trong nội bộ Đảng Bảo Thủ của Thủ tướng Cameron cũng có mâu thuẫn gay gắt giữa phe ủng hộ và phe chống lại việc rời EU. Ông Cameron đã chịu sức ép rất lớn từ những mâu thuẫn này và đó cũng là lý do Chính phủ Anh buộc phải tổ chức cuộc trưng cầu dân ý với kết quả như mọi người đã biết. Hệ lụy từ sau Brexit đã và đang bộc lộ. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng, để thấy được phần chính cần kiên nhẫn với thời gian.