5 vấn đề môi trường hàng đầu ở Úc năm 2022

Là một quốc gia có diện tích lớn thứ 6 thế giới, Australia luôn tiên phong trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường. Dù đi đến đâu trên đất nước này, việc bảo vệ môi trường đều gắn với ý thức, trách nhiệm của chính quyền, doanh nghiệp và mỗi người dân.

Từ quan niệm về thiệt hại

Thế giới ngày nay đang tồn tại hai khái niệm về thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Ở một số quốc gia, những thiệt hại này gồm các hệ lụy tới môi trường tự nhiên như hệ động vật, thực vật, đất, nước, không khí... mà không đề cập đến những hậu quả của nó đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người. Họ quan niệm: Những định nghĩa hợp pháp nhất về thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên không bao gồm con người và tài sản. Chẳng hạn như với Kazakhstan, thiệt hại môi trường được đề cập chỉ gồm các tổn thất gây ra đối với tài nguyên sinh học; thiệt hại về đất, môi trường xung quanh và số lượng các loài…

5 vấn đề môi trường hàng đầu ở Úc năm 2022

Một nhà máy xử lý nước thải ở Australia

Tuy vậy, ở một số nước khác, những tổn thất này không chỉ bao gồm các yếu tố liên quan đến chất lượng môi trường mà còn cả thiệt hại về sức khỏe, tài sản của cá nhân do ô nhiễm gây nên. Đặc biệt, với Australia, những hệ lụy do môi trường bị hủy hoại còn gồm cả những yếu tố phi vật chất như các lợi ích về văn hóa, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, giải trí. Đất nước chuột túi cho rằng, bên cạnh khả năng xâm phạm đến chất lượng môi trường sống của cộng đồng, những thiệt hại do ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, tín ngưỡng, văn hóa của người dân sở tại.

Đến luật lệ nghiêm minh

Để ngăn chặn mọi hành vi có thể làm tổn hại đến môi trường, Chính phủ Australia đặt ra những điều luật khá chặt chẽ, bài bản. Theo đó, một số quy hoạch, dự án sản xuất đòi hỏi phải có phê duyệt hoặc giấy phép từ cơ quan công quyền điều tiết các vấn đề về môi trường. Hầu hết các bang và vùng lãnh thổ đều có cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng phê duyệt các điều kiện thực hiện, đồng thời sẽ tiến hành điều tra các hành vi bị cáo buộc gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, Australia đưa ra nhiều điều luật quy định về các tác động của phát triển đối với các loài bị đe dọa, di sản, quản lý nguồn nước, chất thải, hàng hóa độc hại, nguy hiểm, môi trường biển… Một minh chứng cho tính nghiêm minh này là Luật Bảo vệ biển. Theo đó, nếu một tàu xả thải dầu hoặc hỗn hợp dầu xuống biển, cho dù đó là thuộc vùng lãnh hải, ngoài vùng lãnh hải, hoặc đặc khu kinh tế (EEZ), thuyền trưởng, người thuê tàu và chủ tàu đã phạm pháp và phải chịu mức hình phạt bằng tiền lên đến 20 triệu USD. Với các tàu nước ngoài, nếu vi phạm, có thể bị Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) lưu giữ.

Riêng với ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước, luật pháp các bang và vùng lãnh thổ cũng có những quy định rõ ràng. Quy định thường đặt trách nhiệm khắc phục ô nhiễm lên người hoặc tổ chức gây ra hậu quả. Luật của bang New South Wales áp dụng mức phạt tối đa là 1 triệu USD (đối với tổ chức), hoặc 250 nghìn USD (hoặc 7 năm tù đối với cá nhân) nếu xâm hại đến môi trường. Nếu chưa khắc phục được hậu quả và tiếp tục vi phạm, tổ chức, cá nhân gây ra có thể tiếp tục bị xử phạt 60 nghìn USD /ngày...

Và khoa học tiên tiến

Chú trọng giải quyết những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, chính quyền Australia cũng áp dụng những phương pháp khoa học hiện đại để xử lý. Tại xứ sở kangaroo, công nghiệp xi măng là ngành sản xuất mũi nhọn. Tuy nhiên, việc sản xuất đó lại nhiều hệ lụy.

Theo ước tính, trung bình mỗi tấn xi măng sản xuất phát thải 0,8 tấn khí hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng đến môi trường. Trước thực tế này, chính quyền Australia đã áp dụng hình thức đánh thuế với những doanh nghiệp thải ra hơn 25.000 tấn carbon mỗi năm. Loại thuế đặc biệt này cũng buộc ngành công nghiệp xi măng phải nhanh chóng giảm lượng khí độc thải ra. Đồng thời, Liên hiệp ngành và các tập đoàn xi măng lớn nhất Australia đã dày công nghiên cứu, vận hành hệ thống thu gom, xử lý các chất thải nguy hại để tái chế, đồng thời tận dụng các nhiên liệu thay thế.

Mối liên quan giữa các ngành công nghiệp ở Australia tương đối chặt chẽ, đặc biệt trong công nghệ xử lý xả thải để tạo ra nhiên liệu thay thế. Chẳng hạn như, công nghiệp nhôm, thép trong quá trình sản xuất, sản sinh ra “các dòng tế bào thải” (SCL) gồm hỗn hợp các bon và vật liệu chịu lửa. Các vật liệu thải trên không bị bỏ đi mà qua quá trình tái chế thành nhiên liệu thay thế trong hầu hết các nhà máy xi măng. Điều đó vừa giúp mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm môi trường.

Một ví dụ điển hình khác là tập đoàn thép đình đám trên thế giới Bluescope Steel. Không giống các thương hiệu khác, công ty không xả chất thải ra môi trường mà được nghiên cứu để tái sử dụng. Ước tính, lượng nước thải trong quá trình sản xuất thép của tập đoàn là khoảng 20.000m3/ngày. Toàn bộ nước thải được dẫn tới nhà máy nước Sydney Water xử lý và tiếp tục sử dụng. Phương thức đó nhằm tránh việc xả nước thải ra biển Wollongong, nơi nhà máy của  Bluescope Steel tọa lạc. Khâu xử lý của Sydney Water rất hiện đại, gồm các bước sàng lọc chất cặn, áp dụng quy trình sinh học để khử các nồng độ hóa học có hại trong nước, hệ thống lọc vi khuẩn, virus và công nghệ thẩm thấu ngược để loại trừ các kim loại nặng. Sau quá trình sàng lọc tinh vi trên, các chất này sẽ được phép thải như chất rắn hoặc thu hồi.