Ý nghĩa ngày tết nguyên đán của người phụ nữ

Mỗi một dân tộc, một quốc gia đều có những phong tục, tập quán riêng. Phong tục của nước ta vô cùng đa dạng và phong phú, những phong tục, tập quán có nhiều thay đổi nhưng phong tục đón Tết Cổ truyền của người Việt vẫn mang đậm nét Văn hóa đặc sắc và được lưu truyền qua bao thế kỉ.

Ý nghĩa ngày tết nguyên đán của người phụ nữ
Tết Cổ truyền ở Việt Nam với những tên gọi khác nhau như: Tết Nguyên đán, Tết Ta, Tết Âm lịch, đều là ngày lễ quan trọng và lớn nhất của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để cả gia đình được đoàn tụ và sum vầy sau một năm làm việc, học tập. Dù có đi xa đến đâu, thì cứ mỗi dịp Tết đến đều cố gắng trở về bên gia đình, để đón Tết cùng với ông bà, cha mẹ, người thân, cùng ăn với nhau bữa cơm đoàn viên, tỏ lòng thành kính tổ tiên, gìn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Tết Cổ truyền thời khắc quan trọng của một năm, bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch của năm mới và có thể rơi vào giữa tháng 2 dương lịch hoặc sớm hơn vào giữa tháng 1. Các ngày lễ chính của Tết là ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, nhưng để chuẩn bị cho những ngày trọng đại này thì thường từ 23 tháng chạp. Trong dịp Tết, có rất nhiều phong tục được diễn ra theo từng thời điểm khác nhau và ý nghĩa khác nhau. Trước hết đó là những phong tục cho thời điểm Tất niên (cuối năm), cúng ông Công - ông Táo, cúng giao thừa, gói bánh chưng, bánh tét, treo những câu đối đỏ trong nhà. Thời điểm Tân niên (đầu năm) cúng tổ tiên, xông đất, chúc tết, mừng tuổi, lễ chùa đầu năm, ….Tất cả tạo thành nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt, rất riêng biệt, không hề giống với bất kỳ một nước nào.

Ngày Tết cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Việt Nam. Không chỉ là ngày đầu tiên trong năm mà còn mang ý nghĩa truyền thống Văn hóa của người dân. Đó là phong tục, tập quán với ý nghĩa tâm linh, mong mọi điều tốt lành, hạnh phúc sẽ đến với mọi nhà. Người Việt tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người. Việc làm mới có thể được bắt đầu với hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Chân nến và lư hương được đánh bóng. Sàn nhà, bàn ghế tủ được lau chùi sạch sẽ. Họ cũng sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp tết. Với mọi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, kiêng cữ không nóng giận, cãi cọ, lịch sự mong suốt năm tới mối quan hệ được tốt đẹp, mọi người xích lại gần nhau hơn, thêm yêu thương và gắn bó.

Ngày Tết, mỗi vùng miền chuẩn bị đón Tết khác nhau: Loài hoa biểu tượng cho ngày Tết đặc trưng của người miền Bắc là hoa đào, người miền Nam là hoa mai. Một trong những công tác chuẩn bị quan trọng nhất cho ngày Tết Cổ truyền đó chính là Mâm ngũ quả, thường có năm loại quả đại diện cho những điều may mắn, tốt đẹp nhất trong năm được bày biện rất đẹp mắt. Tuỳ vào các vùng miền mà năm loại quả này được chọn khác nhau: Ở miền Bắc là chuối/táo màu xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt màu vàng; hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ; mận, đào hoặc lê màu trắng; hồng xiêm hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen. Ở miền Nam thường thấy các loại trái cây như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dừa, thơm,… mỗi loại có ý nghĩa riêng, đọc lai lái giống như “cầu vừa đủ xài” hay “cầu vừa đủ sung”.… Ngoài ra, cũng tùy sở thích và điều kiện của từng gia đình mà có thể lựa chọn, chưng nhiều loại quả hơn. Tất cả đều mang tấm lòng thành kính của con cháu gửi đến đất trời, tổ tiên mong cầu cuộc sống yên lành, một năm làm việc thuận buồm xuôi gió, may mắn, thành công. Bên cạnh là mâm cơm cúng tổ tiên, cúng hết năm hay còn gọi là mâm cơm tất niên. Mâm cơm này được chuẩn bị kỹ lưỡng, thịnh soạn và đặc sắc hơn mâm cơm thường ngày, ở mỗi nơi cũng chuẩn bị cúng khác nhau. Điểm chung nhất không thể thiếu đó là gà, bánh chưng, bánh tét và các món mặn ăn chung với cơm…. Tùy từng phong tục của mỗi nơi mà gia đình Việt sẽ cúng ông bà tổ tiên vào thời khắc thiêng liêng nhất của một năm đó là lúc đồng hồ điểm 00h đêm ngày 30 Tết (sang mùng 1) hoặc là vào đêm 30 trong mâm cơm sum họp gia đình. Sau đó sẽ cúng cả ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết. Dân gian có câu: Mùng 1 Tết cha. Mùng 2 Tết mẹ. Mùng 3 Tết Thầy, thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt.

Để trang hoàng nhà cửa và thưởng Xuân, người dân vẫn còn phong tục treo "câu đối đỏ" nhân ngày Tết. Phong tục treo những câu đối đỏ trong nhà tượng trưng cho mong ước may mắn, phúc lộc và an khang. Việc duy trì những phong tục cổ truyền ngày Tết của người Việt không chỉ đơn giản theo thói quen, mà nó đã trở thành truyền thống văn hóa Việt, là ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt. Phong tục xông đất đầu năm là phong tục đã có lâu đời. Nhiều người quan niệm ngày Mồng 1 “khai trương” một năm mới. Họ cho rằng ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia đình. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm những người trong gia đình hay bà con, láng giềng có tuổi “tam hợp”, có tính vui vẻ, linh hoạt, thành công nhờ sang thăm (xông đất). Vì thế người được nhờ xông đất cũng cảm thấy được vui vẻ, tự hào, và cũng không quên tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà được tốt lành, thông suốt. Nhưng cũng có gia đình khi đi chơi đêm tất niên về tự coi là xông đất cho nhà mình.

Nhắc đến Tết không thể quên tục lệ thăm viếng và mừng tuổi. Sáng mùng 1 Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, đoàn tụ đông đủ để thực hiện nghi lễ chúc Tết và mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc mạnh khỏe, sống lâu. Ông bà, cha mẹ chúc con cháu làm ăn tấn tới, học hành giỏi giang. Trẻ nhỏ được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ trong có tiền mới gọi là lộc với hàm ý may mắn cả năm. Đây không chỉ là phong tục mà còn là nét đẹp văn hóa của người Việt, thể hiện sự quan tâm, hy vọng có một cuộc sống đủ đầy và bình an cho mọi người.

Chưa hết, ngày Tết cổ truyền còn có phong tục thăm hỏi người lớn tuổi, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm mỗi khi Tết đến xuân về, mọi người qua nhà thăm viếng nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện trò và chúc tết nhau những lời đầy ý nghĩa. Điều này làm cho ngày Tết càng thêm ý nghĩa về sự gắn kết và chia xẻ, những điều tốt lành suốt trong năm mới và những điều không hay trong năm cũ đều được bỏ qua để quan hệ thân tộc, quan hệ xã hội… trong năm mới tốt đẹp hơn. Nhưng năm nay, tình hình covid diễn biến phức tạp phong tục đến nhà chúc tết hạn chế thay vào đó là chúc nhau qua mạng xã hội Zalo, Facebook…

Một phong tục không thể thiếu vào dịp Tết cổ truyền là phong tục đi lễ chùa để cầu bình an, cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn cho một năm mới. Có người chọn sáng mùng 1 Tết vừa xuất hành, vừa đi lễ chùa khấn cầu những điều may mắn cho gia đình, cầu mong một năm mới bình yên, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt. Bên cạnh đó còn có phong tục du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương, đất nước, có nhiều gia đình lựa chọn các chuyến du lịch trong và ngoài nước để bù vào khoảng thời gian bận rộn trong năm cũ.

Theo thời gian và sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, những phong tục của người Việt nói chung và phong tục ngày Tết nói riêng vẫn giữ được nét văn hoá đặc sắc, đậm tính nhân văn, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất, đủ đầy nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, mỗi dịp Tết đến là mỗi lần truyền thống được khơi dậy, tôn vinh, lan tỏa đến tất cả mọi người, và được lưu truyền, gìn giữ mãi đến thế hệ mai sau.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 02 năm 2022

Nguyễn Thị Hết

Phòng Truyền thông - Giáo dục - Quan hệ Quốc tế

Bạn bè quốc tế từng có cơ hội trải nghiệm Tết Việt đều cảm thấy vô cùng thú vị bởi những phong tục độc đáo hàm chứa bao nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Không khí của ngày tết, cách con người giao tiếp với nhau, những phong tục của ngày tết cho họ một cái nhìn sâu sắc hơn về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

BẠN ẤN TƯỢNG GÌ NHẤT Ở TẾT VIỆT?

Julien Bazil (quốc tịch Pháp) được trải nghiệm không khí Tết Nguyên đán khi qua Việt Nam học chương trình Thạc sĩ năm 2017. Đây là lần đầu tiên anh trải nghiệm một cái Tết âm lịch của người Phương Đông, bởi vậy có rất nhiều phong tục, quan niệm của ngày Tết khiến anh thấy bất ngờ và thú vị.

Anh chia sẻ: "Trải nghiệm tết ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng, các bạn Việt Nam rất coi trọng vào những gì xảy ra và những người gặp gỡ trong những ngày đầu tiên của năm mới, vì theo họ, những gì xảy ra và những người đầu tiên mà họ gặp sẽ ảnh hưởng đến những gì xảy ra trong năm. Quan niệm này thật thú vị."

Được trải nghiệm Tết Đinh Dậu tại Việt Nam, Julien thực sự rất ấn tượng với số lượng hình ảnh gà trống mà các bạn Việt Nam mua về bày trí. Anh cảm thấy việc này có ý nghĩa hơn khi được giải thích rằng, mỗi cái tết ở Việt Nam được đại diện bằng một linh vật, và năm ấy là Tết con gà, bởi vậy, mọi người mua tranh gà hoặc những vật trang trí hình chú gà trống về để mong muốn may mắn, an lành cho năm mới.

Bản thân anh cũng mua vài bức tượng nhỏ xinh có hình chú gà trống để mang lại may mắn cho mình trong ngày Tết năm đó và để mang về tặng cho bạn bè, gia đình (một trong số những bức tượng này hiện vẫn được bố mẹ anh trân trọng giữ gìn ở Pháp).

Julien còn đặc biệt cảm thấy thú vị với tục lì xì ngày tết của người Việt. Anh kể lại rằng, ban đầu, anh không hiểu mọi người định làm gì với một chiếc phong bì nho nhỏ màu đỏ đó. Sau đó, nhờ các bạn Việt Nam giải thích anh mới biết đó là phong bao lì xì, trong đó đựng một khoản tiền nho nhỏ dùng để mừng tuổi và gửi những lời chúc tốt đẹp tới người nhận.

Ở Pháp, tuy mọi người không tặng tiền, nhưng tặng quà cho nhau nhân dịp năm mới. Julien cảm thấy rất vui khi khám phá ra điểm tương đồng này giữa văn hóa 2 nước Việt Nam và Pháp.

Còn với Nang Vongbouasy (quốc tịch Lào), cũng được trải nghiệm Tết Nguyên đán khi sang Việt Nam học thạc sĩ năm 2017, song với cô, điều đặc biệt ấn tượng lại chính là không khí sôi động và ngập tràn sắc xuân của đường phố Hà Nội những ngày Tết, một không khí rất xuân, sắc đỏ tràn ngập khắp nơi. Dường như nó làm cho lòng người thêm ấm áp.

"Nếu ai đó đến thăm Việt Nam trong kỳ nghỉ Tết, tôi chắc chắn họ sẽ hiểu hơn rất nhiều về văn hóa Việt Nam, về con người Việt Nam qua cách họ ăn Tết”, Nang Vongbouasy chia sẻ.

Từng đến Việt Nam đúng độ Tết đến Xuân về, Sovannkiry Khoeun (cán bộ Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia) có cơ hội được lang thang phố phường những ngày giáp Tết và sau Tết, được đắm mình trong không khí đất trời Việt Nam ngày xuân. Và anh cũng đặc biệt ấn tượng với hình ảnh vắng vẻ của đường phố Hà Nội ngày Tết-một khung cảnh khác hoàn toàn thường nhật.

Đầu tiên là vào những ngày cận Tết, tôi thấy những dòng người hối hả rời Hà Nội để về quê. Và sau đó Hà Nội trở nên yên tĩnh đến lạ thường, đặc biệt là ở quanh các khu trường học, chợ và các cơ quan công sở. Nó giống như hai cảnh đối lập mà sự thay đổi diễn ra rất nhanh chóng vậy.

Anh miêu tả về những con đường lớn được trang hoàng đẹp đẽ và hình ảnh những chợ hoa tạm trên vỉa hè - những hình ảnh báo hiệu Tết về ngay trên đường phố. Sovannkiry Khoeun rất thích không khí tết ở Hà Nội vì dịp này, thành phố không quá đông đúc, không kẹt xe mà lại rất đẹp, tràn ngập không khí của mùa xuân.

Không ăn Tết Việt ở Hà Nội nhưng Larnoy (sinh viên Lào đang du học tại Đại học Thái Nguyên, Việt Nam) cũng có những cảm nhận rất riêng về nét đẹp của Tết Nguyên đán.

"Em ấn tượng nhất về đêm giao thừa ngày tết của người Việt. Có lẽ đó là buổi đêm nhộn nhịp và tấp nập nhất trong năm. Mọi người ra chùa để cầu nguyện, mọi mong ước sẽ trở nên hiện thực. Thật thú vị!", cô chia sẻ.

Tết Nguyên đán, Larnoy và một số bạn sinh viên khác được nghỉ học, nhưng các bạn cũng không về nước, một phần bởi dịch bệnh đi lại nhiều thủ tục, một phần khác vì các bạn muốn được trải nghiệm không khí Tết lớn nhất trong năm của người Việt Nam, qua đó để hiểu hơn về văn hóa, về tâm linh, về nhân sinh quan và nhiều giá trị khác của người Việt.

Những người bạn trẻ đặc biệt cảm thấy thích thú với tục mừng tuổi đầu năm của người Việt.