Vấn đề xã hội trong thể dục thể thao

Xã hội hóa là một chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho con người, cho cộng đồng, để "giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa". Đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng ta, phù hợp yêu cầu tất yếu, khách quan của sự phát triển.

Kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số  90/CP ngày 21-8-1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa; Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19-8-1999 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, ngành thể dục - thể thao đã có nhiều cố gắng trong việc phổ biến, quán triệt và triển khai chủ trương xã hội hóa các hoạt động thể dục - thể thao. Trước hết là đã có sự chuyển biến về nhận thức, coi xã hội hóa là một giải pháp quan trọng để phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao nước nhà. Về phương thức quản lý, đã từng bước khắc phục cơ chế Nhà nước bao cấp toàn phần cho hoạt động thể dục - thể thao, tạo điều kiện huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội trong từng lĩnh vực hoạt động thể dục - thể thao. Về mặt thực tiễn, qua sáu năm triển khai Nghị định 73/1999/NĐ-CP đã có sự chuyển biến khá rõ rệt, cụ thể là:

- Đã có sự gia tăng mạnh mẽ cả về số lượng lẫn loại hình của các cơ sở thể dục - thể thao ngoài công lập, chủ yếu là dưới hình thức các câu lạc bộ thể dục - thể thao và các cơ sở dịch vụ giải trí. Theo số liệu điều tra mới đây, trong tổng số hơn 12 nghìn cơ sở TDTT của cả nước, có tới gần 80% số cơ sở ngoài công lập, hoạt động khá hiệu quả. Về ý nghĩa xã hội, các cơ sở này đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thể dục - thể thao và giải trí, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Về ý nghĩa kinh tế, các cơ sở ngoài công lập đã tạo thêm việc làm cho người lao động, kích thích sản xuất, lưu thông hàng hóa thể dục - thể thao, đóng góp nhất định vào sự tăng trưởng kinh tế.

- Một trong những biểu hiện sinh động của xã hội hóa thể dục - thể thao là sự hình thành một số cơ sở thể thao tư nhân và các doanh nghiệp thể thao như Trung tâm thể dục - thể thao Thành Long, Câu lạc bộ thể thao Lan Anh (ở TP Hồ Chí Minh), Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh (Gia Lai), Câu lạc bộ bóng đá Gạch Đồng Tâm (Long An), Trung tâm thể dục - thể thao Bảo Long (Hà Tây), v.v... Các cơ sở này được các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư khá tốt, có khả năng tổ chức được các giải thể thao cấp quốc gia và nhiều nơi đã có đủ điều kiện đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc tế lớn cũng như đủ điều kiện để đào tạo tài năng thể thao quốc gia. Việc các tổ chức xã hội, tư nhân mở các trường thể thao thanh niên, thiếu niên nghiệp dư, các trường, lớp năng khiếu thể thao (đa môn và đơn môn) theo hướng xã hội hóa là một hiện tượng mới đang được khuyến khích phát triển, nhất là ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng...

- Nhiều giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế tổ chức tại nước ta được các doanh nghiệp tài trợ làm tăng tính hấp dẫn của giải, tăng thu nhập của cầu thủ, giảm đáng kể chi phí của Nhà nước. Trong đó, các giải bóng đá (vô địch quốc gia, cúp quốc gia, siêu quốc gia, U21, U18, U16, thiếu niên, nhi đồng) đã thu hút nguồn tài trợ rất lớn của các tổ chức thể thao quốc tế (Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, Liên đoàn bóng đá châu Á - AFC, Liên đoàn bóng đá Đông - Nam Á - AFF), của công ty tiếp thị thể thao (Strata, VFF, AML...), các  hãng sản xuất dụng cụ thể thao, (Nike, Adidas, Grandsport,...) và của các hãng khác như Pepsi, Coca Cola, Kodak... Tổng kinh phí tài trợ lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Riêng Liên đoàn bóng đá Việt Nam trong ba năm (2001-2003) đã huy động được tổng số 66,3 tỷ đồng từ các nguồn tài trợ để phục vụ cho các hoạt động của Liên đoàn.

- Số người tham gia luyện tập thể dục - thể thao, tham gia tiêu thụ sản phẩm của thể dục - thể thao tăng gấp ba, bốn lần so với sáu năm về trước. Năm 1999, cả nước chỉ có hơn 7% số người dân tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên, đến năm 2004, tỷ lệ này đã là 17,2%. Đây là một trong những kết quả của phong trào xã hội hóa thể dục - thể thao.

Tóm lại, có thể nói rằng lĩnh vực thể dục - thể thao là một trong những lĩnh vực có nhiều thuận lợi trong việc triển khai chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và thực tế cho thấy, chủ trương này đã được xã hội đón nhận và dần đi vào đời sống, phát huy tác dụng tốt, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của phong trào thể dục - thể thao nước ta trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chủ trương xã hội hóa, về phía ngành thể dục - thể thao cũng nhận thấy còn có một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục để phát huy hiệu quả hơn nữa. Thứ nhất là, về nhận thức, tuy đã có nhiều chuyển biến, song nhiều nơi, nhiều cấp còn có quan niệm chưa đầy đủ về chủ trương xã hội hóa. Không ít người, ngay cả trong đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, còn có quan niệm lệch lạc về chủ trương này. Thứ hai là, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 73/1999/NĐ-CP còn thiếu và chưa đồng bộ; nhất là thiếu các cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho thể dục - thể thao. Thứ ba là, xã hội hóa hoạt động thể dục - thể thao diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền và giữa các lĩnh vực hoạt động. Phần lớn các hoạt động đầu tư của các tổ chức kinh tế, xã hội và tư nhân là nhằm vào các lĩnh vực hoạt động có khả năng thu hồi vốn nhanh; những người có thu nhập thấp khó có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ thể dục - thể thao. Thứ tư là, hệ thống các tổ chức xã hội về thể dục - thể thao còn yếu kém; Nhà nước vẫn phải bao cấp cho nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia.

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế nêu trên xuất phát từ việc nhận thức và cơ sở lý luận về xã hội hóa thể dục - thể thao còn chưa đầy đủ; tư duy bao cấp và tâm lý ỷ lại trông chờ vào đầu tư của Nhà nước còn khá phổ biến; công tác quản lý hay nói rộng ra hơn là phương thức thực hiện xã hội hóa chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Còn thiếu một chiến lược, quy hoạch mang tính bài bản để định hướng và xác định những lộ trình phù hợp để phát triển xã hội hóa hoạt động thể dục - thể thao ở nước ta trong những năm tới.

Trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thể dục - thể thao, chúng ta không thua kém các nước bạn về giải pháp tuyên tuyền vận động, các giải pháp tổ chức, các giải pháp chuyên môn thể dục - thể thao, nhưng  còn thiếu kinh nghiệm và các giải pháp của chúng ta còn chưa thật đồng bộ. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh rằng, chính sách quản lý và các giải pháp kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng, để thu hút nguồn đầu tư cho hoạt động thể dục - thể thao ngoài nguồn ngân sách Nhà nước.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục - thể thao. Đây là một điều kiện thuận lợi để ngành thể dục - thể thao tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban Thể dục - Thể thao xác định các quan điểm, giải pháp và lộ trình đối với quá trình xã hội hóa các hoạt động thể dục - thể thao ở nước ta trong những năm tới như sau:

Về quan điểm chung, cần xác định rõ rằng, xã hội hóa thể dục - thể thao là quá trình tạo ra các cơ chế, chính sách và điều kiện cần thiết để phát huy tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao và tạo điều kiện để toàn xã hội được thưởng thức, hưởng thụ các thành quả của thể dục - thể thao, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo và những người trước đây khó

có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ thể dục - thể thao. Chăm lo cho sự nghiệp thể dục - thể thao phải thật sự trở thành trách nhiệm chung của các cấp ủy Đảng, cơ quan chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội; là nhiệm vụ của toàn xã hội - trong đó ngành thể dục - thể thao giữ vai trò nòng cốt. Đặc biệt, cần phải nhận thức rõ rằng, xã hội hóa không có nghĩa là Nhà nước cắt giảm đầu tư cho lĩnh vực thể dục - thể thao, mà Nhà nước tăng cường đầu tư nhưng thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng hiệu quả hơn, đồng thời có cơ chế hợp lý để khuyến khích sự đóng góp của xã hội về tài chính, vật chất và trí tuệ.

ĐỂ làm tốt xã hội hóa, cần đổi mới phương thức quản lý của Nhà nước, chuyển một phần công việc của Nhà nước cho nhân dân và các tổ  chức kinh tế, tổ chức xã hội thực hiện, nhưng Nhà nước không giảm trách nhiệm, không giảm ngân sách cho các hoạt động thể dục - thể thao. Đầu tư của Nhà nước tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia và hỗ trợ các đối tượng chính sách. Nói cách khác, xã hội hóa chính là quá trình Nhà nước và nhân dân cùng làm để thực hiện định hướng chung, quy hoạch chung về phát triển thể dục - thể thao. Trong điều kiện

thực  tiễn  của  nước  ta,  chỉ  có đẩy mạnh xã hội hóa thể dục - thể thao mới có thể bảo đảm phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao một cách nhanh chóng và bền vững, đồng thời từng bước đưa thể dục - thể thao thành một ngành kinh tế dịch vụ, có đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế đất nước.

Về chỉ tiêu định hướng xã hội hóa thể dục - thể thao đến năm 2010, trong Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP đã nêu rõ bốn nhóm  chỉ  tiêu  cần  phấn đấu trong những năm tới. Căn cứ các nhóm chỉ tiêu tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngành thể dục - thể thao xác định một số giải pháp lớn cần phải tập trung chỉ đạo như sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về xã hội hóa thể dục - thể thao. Tập trung nghiên cứu lý luận và thực tiễn về xã hội hóa thể dục - thể thao, xây dựng và chỉ đạo nhân rộng các mô hình điểm. Phát động các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về xã hội hóa thể dục - thể thao.

2. Tiếp tục đổi mới khung chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xã hội hóa các hoạt động thể dục - thể thao, trước hết tập trung vào việc xây dựng Luật Thể dục - Thể thao và hoàn thiện các cơ chế chính sách cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xã hội hóa, tập trung vào các nhóm chính sách về quy hoạch và sử dụng đất dành cho hoạt động thể dục - thể thao; quy định tiêu chuẩn, quy phạm các công trình thể dục - thể thao; các quy định, tiêu chuẩn về việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, khen thưởng và  xử lý vi phạm đối với các cơ sở dịch vụ thể dục - thể thao; quy định, chính sách đối với cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên thể thao; quy định về chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên thể thao; các chính sách khuyến khích đầu tư đối với các cơ sở thể thao ngoài công lập và chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư, liên doanh, liên kết đối với các cơ sở công lập, v.v. Các mô hình quỹ đầu tư, hỗ trợ tài năng, quỹ bảo trợ... trong lĩnh vực thể dục - thể thao là những mô hình cần được khuyến khích nhân rộng, cũng cần có quy định khung để điều chỉnh.

3. Về cơ chế quản lý, tập trung vào việc chuyển cơ chế hoạt động của các cơ sở công lập sang  cơ chế cung ứng dịch vụ, trước mắt là thí điểm ở các đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Đồng thời tiếp tục phát triển hệ thống các tổ chức xã hội về TDTT: củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của 18 liên đoàn, hiệp hội thể thao đã được Chính phủ công nhận và khẩn trương triển khai thành lập các liên đoàn, hiệp hội thể thao còn lại để hình thành một mạng lưới hệ thống các tổ chức xã hội về thể dục - thể thao hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương. Chuyển giao dần một số công việc mà  các cơ quan nhà nước hiện đang thực hiện cho các tổ chức xã hội về thể dục - thể thao. Nguyên tắc chung là tách bạch quản lý nhà nước khỏi điều hành công việc thường xuyên của cơ sở, phân cấp rõ ràng nhằm tăng cường quyền chủ động và trách nhiệm của cơ sở. Đồng thời Nhà nước tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các quy định, chính sách của ngành.

4. Cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thể dục - thể thao cũng phải được đổi mới, theo đó đầu tư nhà nước trong giai đoạn tới tập trung vào những lĩnh vực chính như sau: Một là, đầu tư cho các công trình thể thao cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, thành phố; hai là, đào tạo hệ thống vận động viên quốc gia; chuẩn bị lực lượng và tham gia các đại hội thể thao, giải thể thao quốc tế; ba là, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành (như: đăng cai các hoạt động thể thao quốc tế; nghiên cứu khoa học, phát triển và gìn giữ các môn thể thao dân tộc...); bốn là, tiếp tục đầu tư cho các cơ sở công lập nhằm bảo đảm khu vực này tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong cung ứng các dịch vụ TDTT; năm là, đầu tư cho các dịch vụ thể dục - thể thao có tính chất công cộng và thực hiện các chính sách xã hội. Đối với các lĩnh vực còn lại, Nhà nước tăng cường tạo ra các cơ chế chính sách cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Ngoài ra, Nhà nước sẽ có định hướng chỉ đạo trong việc đổi mới các chính sách về thuế, chính sách huy động vốn và tín dụng, chính sách đất đai, chính sách sử dụng nhân lực.

Hiệu quả xã hội hóa hoạt động thể dục - thể thao, trước hết phụ thuộc vai trò hoạch định chính sách và quản lý điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về đề án chung của ngành, trong thời gian tới, Ủy ban Thể dục - Thể thao tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch xã hội hóa để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

PGS, TS Nguyễn Danh Thái, Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Ủy ban TDTT