Và rồi núi vọng review

Một biến cố đã xảy ra, một cuộc chia ly không báo trước đã quyết định số phận của không chỉ một mà nhiều thế hệ về sau. Và để rồi cuối cùng, những dãy núi trùng trùng điệp điệp lại vang vọng những câu hát bé thơ, những mẩu chuyện xưa cũ, những kí ức thẳm sâu trong tâm hồn mỗi con người, níu kéo, giữ gìn thứ tình thương thiêng liêng nhất của cuộc đời: tình thân.

“Và rồi núi vọng”, cùng với “Người đua diều” và “Ngàn mặt trời rực rỡ” là ba tác phẩm nối tiếng nhất của Khaled Hosseini, một nhà văn gốc Afghanistan, hiện đang sống và làm việc tại California, Mỹ. Khaled là một nhà văn đại tài, thật sự đấy, với một lối dẫn truyện siêu cuốn hút, mà Financial Times gọi là “ma thuật của Hosseini”. Từng mẩu chuyện, từng trang sách trong “Và rồi núi vọng” đều “thu hút khán giả đến nơi mà họ muốn nhưng không theo cách mà họ mong đợi”.

Anh trai và em gái

“Và rồi núi vọng” mở ra với câu chuyện ngụ ngôn người cha kể cho Abdullah và Pari trong đêm trên sa mạc hoang vắng, câu chuyện về “một ngón tay được cắt để cứu cả bàn tay”, câu chuyện về một người cha đã phải hi sinh một đứa con để bảo vệ 4 đứa còn lại. Khi đó, Abdullah và Pari vẫn còn là những đứa trẻ, chúng lắng nghe câu chuyện của cha như thông lệ hàng đêm trước giờ đi ngủ, mà không hề biết đó lại là câu chuyện của chính mình.

Abdullah và Pari, sống cùng với cha, mẹ kế và người em cùng cha khác mẹ, Iqbal, ở Shadbagh, một ngôi làng nhỏ xa xôi và lấm bụi, với những ngôi nhà vuông được làm từ bùn nung. Cuộc sống nghèo đói với những mùa đông khắc nghiệt nối dài chẳng thể làm vơi đi tình thương con người dành cho nhau, đặc biệt là Abdullah và Pari, anh trai và em gái. Abdullah dành cho em một tình thương và lòng kiên nhẫn vô bờ bến, tình yêu anh dành cho con bé “mênh mang không chút vẩn đục”, với anh, Pari là phần thưởng mà Chúa đã ban tặng cho mình.

Vậy là việc chăm sóc đổ lên vai Abdullah, nhưng cậu chẳng mảy may ngại ngần. Cậu vui vẻ làm. Cậu thích lắm khi được là người giúp em đi bước đầu tiên, sửng sốt trước từ đầu tiên em nói ra trong đời. Đó là mục đích của cậu, cậu tin thế, lý do mà Chúa tạo ra cậu, để cậu chăm sóc Pari khi Người đưa mẹ chúng đi.

Và rồi núi vọng review

Còn với Pari, anh trai chính là bố, là người cha tận tụy sớm hôm thay tã, vỗ về, chăm lo cho nó từng bữa ăn, giấc ngủ. Tình yêu Pari dành cho anh ngay từ khi còn ẵm ngửa là thứ tình cảm trong trẻo nhất, thanh khiết mà cũng sâu đậm nhất. Bởi anh chính là người đã nuôi nấng nó, dẫu chính bản thân anh vẫn còn là một đứa trẻ.

Biến cố ập đến

Hai con người được Chúa sinh ra để dành cho nhau, ở bên nhau, chăm sóc cho nhau. Nhưng hoàn cảnh đã không cho phép chúng được sát cánh cùng nhau trên mỗi chặng đường đời. Một biến cố đã xảy ra, một cuộc chia ly không báo trước, cuộc chia ly trong hoảng loạn, đớn đau đã quyết định số phận của không chỉ một mà nhiều thế hệ về sau.

Xa khuất.

Biến mất.

Chẳng còn lại gì.

Chẳng lời nào được nói ra.

Ngoại trừ những lời thốt ra từ miệng Parwana: Phải là con bé. Dì rất tiếc, Abdullah. Phải là con bé.

Cắt một ngón tay, để bảo vệ cả bàn tay.

Và để rồi, tất cả những gì còn sót lại chỉ là những câu hát bé thơ, những mẩu chuyện xưa cũ, và chiếc hộp trà bằng thiếc cũ kỹ bên trong đầy những sợi lông vũ đủ sắc màu, hình dạng. Một lần nữa, họ đợi chờ quyết định của số phận, cuộc đời ắt sẽ đổi thay, con người ắt sẽ ngày một khác, nhưng luôn luôn, mong chờ và hy vọng vào một ngày không xa tìm lại được nhau.

Cuộc đời chảy trôi - Con người không đổi khác

Cuộc đời cứ thế trôi qua. Thời gian không đợi chờ một ai. Các thế hệ lần lượt được sinh ra và lớn lên. Mỗi người có một cuộc đời riêng, một số phận riêng, một câu chuyện riêng. Biến cố xảy ra khi Pari còn quá nhỏ để giữ được nhiều kí ức về tuổi thơ bên người anh trai tận tụy. Còn với Abdullah, anh đã lựa chọn ra đi, rời quê hương, rời xa những khổ đau, nghèo khó, vượt qua những trại tị nạn ở Pakistan, tới một vùng đất mới với nhiều hứa hẹn cho tương lai của mình. Nhưng, những kí ức tươi đẹp ngày thơ bé, những tháng ngày ngập tràn tiếng cười lảnh lót của người em gái thân thương, và cả những kỉ vật, với Abdullah, đó đều là những báu vật vô giá. Để ngay cả khi tuổi đã cao, sức không còn nhiều, trái tim Abdullah cũng không bao giờ thôi rung động mỗi lần cất lên câu hát ngày thơ ấu, khúc ca kì diệu như một vị thần trong truyện cổ tích:

Tôi thấy một nàng tiên nhỏ buồn bã

Dưới bóng cây giấy

Tôi biết một nàng tiên nhỏ buồn bã

Một đêm bị gió cuốn bay

Và rồi núi vọng review

Nàng thơ của ông, nàng tiên nhỏ của ông, Pari, dù ở phương trời nào, vẫn luôn trong tâm trí và trái tim ông. Ông, Abdullah, đã từng tả tơi và lạc lối, đã từng lảo đảo một mình băng qua sa mạc, vẫn luôn lưu giữ trong sâu thẳm trái tim mình những mảnh ghép lung linh về người em gái mà cuộc đời đã tước mất khỏi ông.

Người ta bảo anh phải lội xuống nước, ở nơi đó anh sẽ chóng chìm. Trước khi làm vậy, anh để lại cái này trên bờ cho em. Anh cầu mong em sẽ tìm thấy nó, em gái, để em biết rằng trong tim anh có gì khi chìm sâu dưới nước.

Sợi dây gắn kết kì lạ

Nếu Abdullah và Pari gắn kết với nhau bởi những điều cụ thể: một khúc hát, một kỉ niệm, những sợi lông vũ còn vẹn nguyên sau cả một đời người… thì có một người khác, gắn kết với Pari theo một cách kì lạ, theo cái cách mà hai người có cùng một tên gắn kết với nhau, Pari, một đã già, một còn trẻ. Một người sinh ra và lớn lên ở Bắc California, hàng đêm nghe kể câu chuyện về một người cùng tên với mình, và rồi dành cả thời thơ ấu sống cùng Pari, học cùng Pari, chơi cùng Pari, và giữ Pari làm bí mật của riêng mình. Chồng bưu thiếp không gửi. Những bức tranh phác họa người chị em song sinh trong tưởng tượng. Những đêm nằm ngủ với cảm giác có một trái tim đang cùng chung một nhịp đập với trái tim mình. Bí mật của Pari.

Tôi từng hình dung chúng tôi là hai chiếc lá, bị gió thổi bay cách nhau hàng cây số nhưng lại liên kết với nhau bởi những rễ sâu xoắn xuýt của cái cây mà từ đó chúng tôi cùng rụng xuống.

Người còn lại lớn lên ở Pháp, tại thành phố Paris hoa lệ trong điều kiện sống đủ đầy với một gia đình nhỏ hạnh phúc, nhưng bản thân lại luôn cảm thấy một nỗi trống vắng không cách nào lấp đầy được.

“Với cô thì ngược lại”, Pari nói. “Con nói con cảm thấy một sự hiện diện, nhưng cô thì chỉ thấy thiếu vắng mà thôi. Một nỗi đau mơ hồ không rõ nguồn cơn. Cô giống như một bệnh nhân không thể giải thích với bác sĩ là mình đau ở đâu, chỉ là cảm thấy thế thôi”. Bà đặt tay lên tay tôi, và không ai trong chúng tôi nói gì trong khoảnh khắc.

Và rồi núi vọng review

Khaled Hosseini là nhà văn ưa thích khắc họa cuộc đời của (rất) nhiều nhân vật, thường tách biệt về mặt thị giác, tức là được mô tả ở những chương khác nhau, những giai đoạn khác nhau, nhưng lại luôn có một mối liên hệ nào đó với nhau, và ắt sẽ giúp nhà văn khắc họa rõ nét cuộc sống của mọi người dân Afghanistan ở nhiều khía cạnh. Cuộc đời của Parwana, Masooma, Suleiman, Adel, Gholam, Thalia,... là những cuộc đời như thế. Không có quá nhiều ảnh hưởng tới những nhân vật chính, nhưng không có câu chuyện cuộc đời họ, yên bình hay trắc trở, hạnh phúc hay khổ đau, giàu sang hay nghèo hèn, xinh đẹp hay xấu xí, chắc chắn bức tranh Afghanistan trong “Và rồi núi vọng” đã không phong phú và đa sắc tới nhường ấy. Đặc biệt, “Và rồi núi vọng” là cuốn sách đầu tiên mà mình phải vừa đọc vừa note lại tên nhân vật, mối quan hệ và những sự kiện đã xảy ra. Tuyến nhân vật và sự kiện của “Và rồi núi vọng” không quá phức tạp và khó hiểu, nhưng qua cách sắp xếp và lối dẫn truyện siêu mượt của Khaled thì, cẩn trọng đó, bạn có thể bị lạc trong mê cung mà vị nhà văn đại tài này tạo ra, và sẽ rất khó để nắm được mạch truyện từ đầu đến cuối. Nhưng một khi đã nắm được mạch truyện, thì thi thoảng, bạn sẽ có một vài phát hiện to to về những mối quan hệ hơi phức tạp một chút giữa các nhân vật, và cảm giác đó thì thích thú vô cùng!

Khaled Hosseini là bậc thầy kể chuyện, thật sự. Truyện của ông có thể gây khó khăn khi mới đọc, nhưng một khi đã đọc thì rất cuốn hút, rất dễ chìm đắm, và rất khó để dứt ra được. Đọc truyện của Khaled thì có thể nhận thấy ông khá ưa cách kể chuyện theo tuyến nhân vật, một sự kiện thường sẽ được nhìn từ các góc nhìn của các nhân vật khác nhau, để người đọc dễ dàng cảm nhận được đầy đủ, trọn vẹn nội dung, ý nghĩa của từng sự kiện, có cái nhìn tổng quát về từng con người. Đó cũng là điểm lớn nhất mình thích ở các tác phẩm của ông.

Bên cạnh đó, nếu bạn đã đọc hai cuốn “Người đua diều” và “Ngàn mặt trời rực rỡ” hoặc sau bài review này bạn có muốn tìm đọc cả 3 cuốn của Khaled thì bạn có thể dễ dàng cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc mãnh liệt của một người con sống xa quê hương dành cho đất mẹ Afghanistan của mình. Afghanistan vẫn đang phải gồng mình chống chọi với đói nghèo, bệnh tật và những cuộc xung đột thường xuyên xảy ra, cướp đi cuộc sống yên bình của hàng triệu người dân vô tội, đặc biệt là trẻ em.

Khaled hiểu được điều đó, và đã truyền tải tất cả tình yêu của mình vào những tác phẩm viết về quê hương, về những con người Afghanistan mạnh mẽ, kiên cường, bao dung, nhẫn nhục và nặng nghĩa tình.

Và rồi núi vọng review

Cùng với quỹ Khaled Hosseini hỗ trợ những người nghèo tại Afghanistan, những tác phẩm của ông chính là nguồn an ủi, động viên lớn nhất đối với những “người đồng mình” của ông ở quê nhà.

Tác giả: Thúy HạnhBookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3