Thuyết minh về trò chơi bịt mắt bắt dê ngắn

Việt Nam luôn nổi tiếng với bạn bè thế giới bởi tính cố kết cộng đồng vô cùng cao. Tính đoàn kết thể hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống nhưng chỉ cần nhìn qua những khía cạnh nhỏ hơn, thông thường hơn của cuộc sống là có thể thấy rõ được điều này. Một trong những trò chơi dân gian khá phổ biến ở Việt Nam, chính là trò chơi nhảy dây.

Nhảy dây là một trò chơi dân gian vô cùng quen thuộc, đặc biệt là ở những vùng quê, vùng nông thôn ở Việt Nam, giống như trò chơi chi chi chành chành hay chơi xóc hòn thì trò nhảy dây cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần một sợi dây là mọi người có thể tham gia.

Một trong những đặc trưng riêng biệt của các trò chơi dân gian đó chính là tính cộng đồng cao. Bởi vậy mà bất kể trò chơi dân gian nào cũng đòi hỏi sự tham gia của cả tập thể, nó giúp gắn kết quan hệ giữa người với người trong một cộng đồng. Mang tính giải trí cao bởi thời gian lễ hội diễn ra các trò chơi dân gian thường là vào khoảng thời gian nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp, vào cuối những mùa vụ, khi những người nông dân đã hoàn thành công tác mùa vụ, đang trong thời gian chờ bước vào mùa vụ mới.

Trò chơi dân gian nhảy dây cũng có rất nhiều phiên bản và nhiều hình thức chơi, bởi ở những nơi khác nhau thì con người lại có xu hướng chơi những hình thức mà mình cho là thú vị nhất, phù hợp nhất với mình. Trước hết, nói đến trò nhảy dây truyền thống, đây chính là trò chơi đòi hỏi sự nhạy bén, tinh tế và sự khéo léo của đôi chân. Theo đó, sợ dây sẽ dùng trong trò chơi dân gian này chính là dây thừng, dây chão, đây đều là những thứ rất dễ tìm trong cuộc sống xưa, bởi nó là thứ dùng để trói, buộc đồ đạc của người nông dân.

Người chơi sẽ bao gồm từ năm đến mười người, chia ra làm hai nhóm, một nhóm sẽ đảm nhận nhiệm vụ quất dây, nhiệm vụ này cần có hai người, mỗi người đứng ở một đầu của sợi dây, cùng ăn ý cùng quất sợi dây theo hướng xuôi kim đồng hồ. Nghe có vẻ dễ dàng nhưng nhiệm vụ này đòi hỏi sự nhịp nhàng của bàn tay, sự ăn ý của đồng đội, bởi nếu một người quất nhanh, một người quất chậm thì sợi dây thừng sẽ bị rối, người chơi sẽ không thể nhảy vào sợi dây được. Sợi dây thừng được quất lên sẽ tạo thành một vòng cung, có bán kính cao hơn đầu một người, bởi chỉ có như vậy người chơi mới có thể nhảy vào sợi dây, tương tác cùng với nó.

Nhóm còn lại sẽ là nhóm người chơi, nhóm này thì có thể có trên hai người, càng đông càng vui. Nhưng ngược lại, càng đông thì trò chơi càng trở nên khó khăn hơn, bởi đông người sẽ khó trong việc tương tác, nhịp nhàng nhảy. Người chơi sẽ nghe theo nhịp đếm một, hai, ba của người quất dây mà nhảy vào sợ dây, khi sợi dây chạm xuống mặt đất thì người chơi sẽ phải nhảy lên cao, sao cho đôi bàn chân của mình không làm vướng dây, người nhảy được càng nhiều thì sẽ là người chiến thắng. Trò chơi thú vị hơn ở chỗ, đó chính là không phải từng người nhảy một mà sẽ gồm bốn người nhảy một lượt, hai người bên này, hai người bên kia.

Khi có hiệu lệnh để nhảy thì sẽ cùng nhau nhảy vào sợi dây làm sao cho đồng đều nhất, khi có nhiều người cùng nhảy thì sẽ khó có thể điều khiển đôi chân của mình hơn, nhưng nếu hiểu ý của đồng đội, nhịp nhàng nhảy lên được thì sẽ vô cùng đều đặn, đẹp mắt.

Đây cũng là mục đích quan trọng của trò chơi, gắn kết mọi người lại với nhau, sau trò chơi mọi người sẽ hiểu nhau hơn, sẽ hiểu hơn quá trình hợp tác để hoàn thành một nhiệm vụ. Thế mới nói, trò chơi dân gian tuy đơn giản, dễ chơi nhưng bao giờ nó cũng ẩn chứa trong đó những ý nghĩa nhân văn cao cả của ông cha ta.

Ở những dị bản khác thì trò chơi nhảy dây không phải dùng dây thừng, dây chão để chơi mà dùng một loại dây khác có độ đàn hồi, co giãn cao hơn, như dây chun, dây nịt… và cùng với đó thì hình thức của trò chơi cũng hoàn toàn khác biệt. Thay vì sợi dây được quất cao lên để người chơi có thể nhảy vào thì trò chơi nhảy dây này sẽ do hai người đứng hai bên, để sợi dây vào chân của mình, người chơi phải nhảy vào khoảng trống của hai sợi dây, theo nhịp độ là: nhảy vào, xoạng ra, bắt chéo, nhảy vào và nhảy ra.

Quan trọng là hoạt động nhảy vào nhảy ra phải diễn ra thật nhanh, không được gián đoạn. Hoàn thành xong một phần thì sẽ có phần thi khó khăn hơn, mà người ta gọi là các bàn, thấp nhất là bàn gối, sau đó đến bàn đùi, bàn hông, bàn nách và cao nhất chính là bàn cổ. Cùng với đó là độ cao ngày càng được nâng lên.

Trò chơi dân gian nhảy dây tuy có nhiều phiên bản, ở mỗi phiên bản thì hình thức chơi có sự khác biệt, nhưng điểm chung chính là sự thú vị ở trò chơi, bởi nó đề cao tính cộng đồng, tính gắn kết giữa con người với nhau chứ không đơn giản là một trò chơi nhằm mục đích giải trí.

Thuyết minh về trò chơi bịt mắt bắt dê ngắn
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bịt mắt bắt dê là một trò chơi dân gian khá phổ biến. Trò chơi này chủ yếu dành cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, nên cái tên và cách chơi cũng giản đơn. Tùy từng địa phương mà biến thể của trò chơi này cũng có chút thay đổi khác nhau. Đây không phải là trò chơi chỉ dành cho hai người chơi mà là trò chơi dành cho cả 1 tập thể cùng tham gia. Ngoài việc vui đùa, rèn luyện thân thể, thì trò chơi bịt mắt bắt dê còn thể hiện nỗi khát khao chiến thắng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ.

Trò chơi bịt mắt bắt dê được diễn ra trên một sân cỏ, người chơi vây xung quanh để tạo ra một vòng tròn. Một người xung phong để mọi người bịt mắt lại bằng một chiếc khăn để không nhìn thấy, những người còn lại đứng thành vòng tròn quanh người bị bịt mắt. Mọi người chạy xung quanh người bị bịt mắt đến khi nào người đó hô “bắt đầu” hoặc “đứng lại” thì tất cả mọi người phải đứng lại, không được di chuyển nữa.

Lúc này người bị bịt mắt bắt đầu lần đi xung quanh để bắt được ai đó, mọi người thì cố tránh để không bị bắt và tạo ra nhiều tiếng động để đánh lạc hướng. Đến khi ai đó bị bắt và người bị bịt mắt đoán đúng tên thì người đó sẽ phải ra “bắt dê”, nếu đoán sai lại bị bịt mắt lại và làm tiếp. Có ai đó muốn ra chơi cùng thì phải vào làm luôn, người đang bị bịt mắt lúc này được ra ngoài hoặc là phải oẳn tù tì xem ai thắng. Kết thúc mỗi cuộc chơi là bầu không khí sôi động, rạo rực tinh thần đua tranh đem đến cho người tham dự sự phấn khích, đầy ắp tiếng cười vui vẻ.

Bịt mắt bắt dê thể hiện tính an toàn, gần gũi với con người Việt Nam và ích lợi cho việc phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Để chơi được trò chơi này thì người chơi không những phải rèn luyện thể chất mà còn phải tăng thêm kỹ năng phán đoán, định hướng của mình để đảm bảo sự chính xác, phản ứng linh hoạt nhanh nhẹn, hoạt bát trong mỗi lần chơi.

Không chỉ là trò chơi dành riêng cho trẻ con mà bịt mắt bắt dê còn thu hút được nhiều người lớn tham gia và có mặt ở các dịp Tết và Lễ hội quan trọng của người Việt Nam trong nhiều năm. Thành công của trò chơi này mang lại chính là bầu không khí sôi động, rạo rực tinh thần đua tranh đã mang lại cho người tham dự sự phấn khích, tiếng cười sau khi kết thúc trò chơi.

Bên cạnh việc thể hiện sâu sắc nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng ở mỗi nơi, bịt mắt bắt dê còn giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai trong đời sống sinh hoạt. Tất cả hiện lên như một bức tranh tươi đẹp và sinh động của cuộc sống. Những điệu nhảy mềm mại, bước chạy dẻo dai, những nụ cười sảng khoái như những cánh diều bay nhè nhẹ trên cao như đưa văn hóa Việt Nam đi đến khắp các vùng miền đất nước.

Ngày nay, khi xã hội càng phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại cũng là lúc các trò chơi dân gian ngày càng bị mai một và quên lãng. Trẻ em của một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc, điện tử và không có thời gian để chơi cũng là một thiệt thòi. Trẻ em ngày nay đã không còn cơ hội được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước. Vì thế mà bịt mắt bắt dê đã không còn được nhiều người biết đến nữa.

Bịt mắt bắt dê không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Bịt mắt bắt dê không chỉ nâng cánh ước mơ cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo, nhanh nhẹn mà còn giúp các em hiểu thêm về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.

Thuyết minh về trò chơi bịt mắt bắt dê ngắn
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

“Bịt mắt bắt dê” là một trò chơi dân gian, có từ thời xa xưa và còn lưu truyền cho đến ngày nay. Nó được thể hiện trên các bức tranh dân gian, tuy có những nét khác nhau, nhưng điểm chung là trong trò chơi dân gian ấy nhất thiết phải có một con dê.

Trong những vật nuôi quen thuộc với con người (Lục súc: Dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu), có lẽ dê là loài ít gần gũi nhất. Vậy tại sao người xưa lại không chọn một con vật nuôi nào khác gần gũi hơn tham gia vào trò chơi mà lại chọn con dê? Lý do có lẽ là do dân gian dựa vào tập tính và đặc điểm sinh học của loài dê.

Dê là loài vật có tính khí hiền lành, nhút nhát, ưa chạy nhảy và hiếu động. Chúng khá linh hoạt và di chuyển rất nhanh trong khi kiếm ăn. Chiều cao trung bình của dê khoảng trên dưới một mét.

Vậy, chọn con dê tham gia trò chơi đuổi bắt là phù hợp nhất: chiều cao của nó vừa với tầm tay của người đuổi bắt, lại khó bắt được nó do dê nhút nhát, chạy nhảy linh hoạt, thì trò chơi mới hấp dẫn và kéo dài. Chọn những con vật có chiều cao thấp quá như gà, vịt chẳng hạn, thì không phù hợp, lại chậm chạp; con chó thì hung dữ, ngộ nhỡ nó nổi giận đớp cho một phát thì chắc phải vào … bệnh viện gấp, hỏng cả trò chơi. Còn chim thì rõ ràng là không được rồi, vì chim sẽ bay mất… mở mắt e còn khó mà bắt được, huống hồ là “bịt mắt”! Đúng như câu thành ngữ “bịt mắt bắt chim” (Chữ Hán là: “Yểm mục bổ tước” có nghĩa là: Làm một việc khó có thể đạt kết quả/ Hành động khờ khạo, thiếu thực tế/ Tự huyễn hoặc, tự dối mình, hy vọng vào điều mong manh.)

Xem thêm:  Nghị luận về đạo đức của tuổi trẻ hiện nay (toàn tập)

Nhiều người vẫn nghĩ rằng “Bịt mắt bắt dê” là trò chơi trẻ em, tuy nhiên, từ thời xa xưa nó là trò vui chủ yếu dành cho người lớn, hay chính xác hơn là trò chơi của trai thanh gái lịch trong các dịp vui như Hội đầu xuân, Tết Trung thu… Bức tranh dân gian Đông Hồ miêu tả trò chơi “Bịt mắt bắt dê” gồm có hai người tham gia, một thanh niên và một thiếu nữ, cùng với một con dê, ở trong một vòng rào gỗ không khép kín.

Hai người chơi bị bịt mắt và con dê đều mang áo tơi lá để khi chuyển động vang lên tiếng sột soạt dễ tìm bắt, hai người chơi còn đeo thêm lục lạc ở chân, dê đeo lục lạc ở cổ để khi di chuyển vang lên tiếng lanh canh cho dễ phán đoán, định hướng đuổi bắt hơn. Dường như bức tranh thể hiện cảnh hai người chơi không cố tình tìm bắt con dê, mà chỉ mượn trò chơi làm cơ hội để “bịt mắt bắt …nhau”! Con dê đứng ở khoảng cách an toàn, ngoảnh đầu lại… (ngơ ngác, ngạc nhiên) quan sát hai người chơi (ê, ê, tớ ở đây này; ơ kìa, sao họ không chịu bắt mình nhỉ?)!

Người xem gồm cả người lớn và trẻ em đứng ngoài vòng rào. Bên cạnh vòng rào có một đôi nam nữ đang chuẩn bị chờ đến lượt vào chơi. Cô gái thì bẽn lẽn, thẹn thùng, ngần ngừ… không biết có nên tham gia không; còn chàng trai thì thao thao bất tuyệt, sôi nổi vung tay bình phẩm, hăng hái giới thiệu và cố thuyết phục cô gái tham gia trò chơi với mình… Phía hậu cảnh của bức tranh là các phần thưởng dành cho người thắng cuộc như xâu tiền, khăn và yếm (áo lót phụ nữ).

Cũng như trò chơi dân gian “Đánh đu”, trò chơi “Bịt mắt bắt dê” ngày xưa không dành cho trẻ em (chỉ được đứng xem thôi nhá) mà chủ yếu dành cho thanh niên, thiếu nữ (người nhớn) để họ có cơ hội gặp gỡ, tiếp cận, đụng chạm về thể xác, vui đùa và tìm hiểu nhau vượt qua ranh giới “nam nữ thọ thọ bất tương thân” của lễ giáo phong kiến.

Giả vờ bịt mắt bắt dê,
Để cho cô cậu dễ bề… với nhau!

Tuy nhiên, trò chơi “Bịt mắt bắt dê” ngày xưa cũng tổ chức cho trẻ em là thú vui hồn nhiên với thể thức chơi khác xa, tương tự ngày nay, như được miêu tả trong một bức tranh dân gian Hàng Trống:

Ngày nay, hai trò chơi kể trên rặt chỉ có trẻ em tham gia mà thôi, chứ trai thanh gái lịch thì chẳng khi nào tơ màng đến, vì trong đời sống hiện đại, các anh chị có lắm “trò vui” gấp chán vạn lần, tha hồ mà “mở mắt bắt dê” mọi lúc mọi nơi, chứ chẳng hơi đâu mà ngó ngàng đến cái trò “trẻ con” ấy, lại còn phải hoài hơi mong ngóng chờ đến những dịp hội vui ở tận sân đình, chỉ tổ thêm rách việc!

Ngày nay, trẻ em từ 6 đến 15 tuổi rất ưa thích trò chơi này, nó rèn luyện cho các em kỹ năng phán đoán, phát triển thính giác và sự nhanh nhạy trong hoạt động.

Trò chơi “Bịt mắt bắt dê” hiện có khá nhiều phiên bản biến thể khác nhau: Số người chơi có thể là hai hoặc nhiều người, trong đó chỉ duy nhất một người bị “bịt mắt” còn những người khác làm “dê”. Những người còn lại nắm tay nhau tạo thành vòng tròn vây quanh, không cho những người chơi vượt ra khỏi vòng. Thay vì mang áo tơi lá và đeo lục lạc tạo âm thanh như trước, thì “dê” có thể vỗ tay, kêu lên “be h…e…e…” mô phỏng tiếng dê kêu, hoặc vỗ vai, sờ lưng người bị “bịt mắt” rồi nhanh chóng di chuyển cách xa người “bịt mắt” để khỏi bị bắt. “Dê” nào bị người “bịt mắt” chạm được vào người thì phải hoán đổi vị trí, thay cho người “bịt mắt” đổi thành “dê” tiếp tục trò chơi…

Điều khác biệt nhất của trò chơi “Bịt mắt bắt dê” xưa và nay là tuy trò chơi ấy hiện vẫn giữ tên “Bịt mắt bắt dê” như xưa, nhưng thường là không có con dê thật nào cả, chỉ có một hoặc nhiều người đóng vai dê mà thôi, có lẽ để cho trò chơi được cơ động, thuận tiện, dễ tổ chức mọi lúc mọi nơi. Trò chơi cũng không phải chỉ diễn ra ở các lễ hội trang trọng mà có thể tổ chức bất cứ khi nào, ở đâu cũng được, như các buổi sinh hoạt đoàn đội, sinh hoạt lớp…

Ở các tỉnh Ninh Bình, Ninh Thuận – nơi chăn nuôi nhiều dê nhất ở nước ta hiện nay – người tổ chức trò chơi có thể thu xếp “mượn” một “em dê cỏn” Bách Thảo thật xinh xắn, đáng yêu, cho nó nhảy nhót trong vòng tròn, tiếng “be h…e…e…”  vang lên rộn rã, thì trò chơi càng thêm hào hứng, sôi động …

Và biết đâu đấy, trong Hội xuân Ất Mùi này, trò chơi “bịt mắt bắt dê” xưa như trái đất ấy, chẳng những hào hứng đối với trẻ em, lại còn thu hút, hấp dẫn trai thanh gái lịch sôi nổi tranh tài, không phải để đoạt xâu tiền, khăn, yếm như xưa mà để giành các giải thưởng hiện đại như Iphone, Ipad…