Thuận lợi khó khăn trong đánh giá cán bộ

Khắc phục “khâu yếu" trong công tác đánh giá cán bộ ​

[ĐCSVN] – Đánh giá cán bộ theo “cảm tính”, theo mối quan hệ “thân thuộc” với sếp hay tình trạng nể nang, né tránh khi đánh giá, nhận xét cán bộ cấp trên… được xác định là "khâu yếu" trong công tác cán bộ. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ từ trung ương đến cơ sở.

Đánh giá cán bộ chính xác là cơ sở để việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho các nhiệm kỳ tiếp theo.

[Ảnh minh họa: HH]

Thiếu “thước đo”

Trong thời gian vừa qua, đã có những trường hợp cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc”, sai quy định của Đảng và Nhà nước khiến dư luận nhân dân không đồng tình. Một chủ doanh nghiệp tư nhân sau gần 5 tháng đã trở thành một cán bộ tương đương cấp sở; một nhân viên sau một thời gian ngắn đã lên chức trưởng phòng và còn tiếp tục được quy hoạch chức danh phó giám đốc sở; tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân còn “nợ tiêu chuẩn”... Hay một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua bị kỷ luật vì liên quan đến nhiều sai phạm trong quá trình quản lý đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân về công tác cán bộ.

Tình trạng một số cán bộ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để tạo những “sân sau” trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế hay thành lập quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân vì lợi ích cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ để tham nhũng đã và đang được phát hiện, xử lý trong thời gian này cũng một lần nữa cho thấy, công tác cán bộ đang còn tồn tại những “điểm yếu” cần khắc phục.

Điều đáng nói là những hành vi vi phạm diễn ra trong một thời gian dài và những cán bộ đó trải qua những chức vụ, những địa vị khác nhau theo hướng được thăng chức và đó cũng là kết quả của cả quá trình quản lý, đánh giá cán bộ tại các cấp ủy nhưng không phải nơi nào cũng phát hiện ra.Nguyên nhân chủ yếu là do những cơ chế, quy chế, quy định đã tạo ra những kẻ hở để họ có thể "vận dụng", để làm khác, làm trái.Không có tiêu chí cụ thể thì rất khó đánh giá cán bộ.

Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2017 đã từng nhận định: “Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm hoặc đánh giá cán bộ cuối năm. Còn tình trạng cấp dưới chưa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên. Ở một số nơi, một số trường hợp tuy thực hiện “đúng” quy trình nhưng vẫn không chọn “trúng” người, “đúng” việc, gây bức xúc trong xã hội, như các trường hợp: Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... Tình trạng trên phải chăng là do: Còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu dân chủ trong việc giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nhân sự. Còn kẽ hở trong quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm”?.

Cơ sở để giám sát cán bộ cấp cao

Để khắc phục tình trạng này, mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Theo quy định, các cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; mẫu mực về phẩm chất đạo đức; đồng thời phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, không tham nhũng, cơ hội, không để người thân lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi.

Ngoài quy định chung, lần này, Bộ Chính trị cũng quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với 20 chức danh lãnh đạo cao cấp của hệ thống chính trị từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đến các cán bộ cấp Bộ trưởng và tương đương. Quy định này cũng đã thống nhất bộ khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thể hiện thành 2 nhóm tiêu chí gắn với công việc lãnh đạo, quản lý theo chức danh. Quy định cũng giao các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng, cụ thể hóa và ban hành bộ tiêu chí để đánh giá cán bộ cấp mình quản lý.

Đây có thể nói là lần đầu tiên, Đảng ta đã có những quy định hết sức cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Đây là lần đầu tiên Đảng ta có quy định mang tính định lượng để quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, từ đó đánh giá cán bộ một cách khách quan và gắn với nhiệm vụ chính trị.

Theo đồng chí Vũ Ngọc Dũng - Vụ Trưởng Vụ Địa phương [Ban Tổ chức Trung ương], những quy định trên là cơ sở quan trọng để chúng ta khắc phục những yếu kém, hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ thời gian qua; đồng thời là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ đối chiếu, nhìn nhận rèn luyện, phấn đấu, là cơ sở quan trọng để cho tập thể đánh giá.

Những hạn chế trong công tác cán bộ, mấu chốt chính là ở khâu đánh giá cán bộ còn có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, bệnh thành tích... Nếu làm tốt công tác đánh giá cán bộ thì sẽ khắc phục được sự bất hợp lý giữa đánh giá cán bộ, xếp loại cá nhân với đánh giá tập thể.

Những quy định mới của Bộ Chính trị lần này là một bước đi rất phù hợp với thực tế, khi mà trong thời gian qua, dù đã có những chuyển biến tích cực, công tác cán bộ vẫn bộc lộ ra nhiều hạn chế, bất cập, để chấm dứt một số “bệnh trầm kha” như bệnh thành tích, bệnh đổ lỗi. Và đây cũng là cơ sở quan trọng để phục vụ cho việc chuẩn bị cán bộ cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, là hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 [XII] về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Vẫn biết rằng, đánh giá cán bộ là điều rất khó, tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể làm được. Việc ký ban hành các quy định về đánh giá cán bộ đã cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc chấn chỉnh công tác đánh giá cán bộ - khâu từng được coi là yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ. Việc soi chiếu theo các tiêu chí gắn với kết quả công tác cũng sẽ giúp ngăn chặn những trường hợp dùng tấm lá chắn quy trình, chạy chức, chạy quyền, che chắn cho các cán bộ yếu kém về năng lực thâm nhập sâu hơn vào bộ máy.

Nhiều kỳ vọng được đặt ra khi Bộ Chính trị ban hành Quy định mới, sẽ không còn những bản đánh giá được lập vội vàng với nội dung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng không hề liên quan đến thực tế công tác, hay sẽ không tái diễn tình trạng "đốt đuốc" đi tìm nhân sự trước mỗi kỳ Đại hội. Nhân dân và các cấp ủy có thể cùng giám sát cán bộ khi đối chiếu với các tiêu chuẩn, tiêu chí đã được quy định.

Quy định đã có, việc thực hiện quy định và vận dụng vào thực tiễn như thế nào còn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của Đảng ta từ Trung ương tới cơ sở, sự gương mẫu, anh minh của người đứng đầu. Và vấn đề quan trọng hơn nữa là việc kiểm soát quyền lực khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cần có những quy định pháp lý đi kèm để đạt hiệu quả rõ nét hơn./.

Hoa Hiền

Nhận dạng đúng nguyên nhân của hạn chế, yếu kém về công tác đánh giá cán bộ có ý nghĩa rất lớn trong việc đề ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ của Đảng ta hiện nay.

 

1. Nguyên nhân và những hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ

Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan: Nước ta từ một nền nông nghiệp lạc hậu với chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm đi lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy dấu ấn của nền sản xuất nhỏ còn hiện diện, ảnh hưởng đến tầm nhìn, phong cách tư duy của cán bộ, đảng viên, làm nảy sinh tư tưởng tùy tiện, kém ý thức tổ chức kỷ luật, nhất là sa vào chủ nghĩa cá nhân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen… Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân”[3]. Vết tích của xã hội cũ ẩn mình trong công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá cán bộ, biểu hiện cụ thể là tư tưởng ganh tỵ, không muốn ai hơn mình, “yêu nên tốt, ghét nên xấu”; bè cánh, cục bộ địa phương, thân quen, dòng họ; “do lòng yêu ghét của mình mà đối với người”[4]. Đó là những căn nguyên sâu xa làm lệch chuẩn hệ giá trị đánh giá cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, do chủ nghĩa cá nhân mà có nhiều người phạm vào những chứng bệnh như ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót, mà chán ghét những người chính trực…

Thứ hai, đánh giá cán bộ là vấn đề khó, tinh tế và phức tạp. Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 [khóa X] của Đảng chỉ rõ “đánh giá cán bộ được coi là khâu tiền đề quan trọng nhất nhưng vẫn là khâu khó và yếu nhất, khó nhất là đánh giá cái “tâm”, cái “tầm” và bản lĩnh chính trị của cán bộ; đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất cán bộ”[5]. Trong những năm qua, một số cấp ủy đảng khi đánh giá cán bộ chưa thực sự lấy hiệu quả công việc, chưa coi trọng định lượng làm thước đo trong đánh giá cán bộ; nhiều nơi chưa thực hiện công khai việc đánh giá cán bộ.

Thứ ba, do chưa lượng hóa được tiêu chuẩn cũng như chưa mô tả vị trí công việc tại không ít tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nên việc nhận xét, đánh giá thiếu cơ sở khách quan. Hệ tiêu chuẩn xác định rõ ràng, vị trí việc làm được mô tả một cách chi tiết trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của bộ máy chính là cơ sở khách quan, khoa học để đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Thứ tư, còn không ít cấp ủy đảng và cơ quan có thẩm quyền về công tác tổ chức, cán bộ chưa chú trọng tới các biện pháp quản lý cán bộ để hiểu rõ tư tưởng, lập trường, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, xu hướng phát triển, năng lực sở trường, uy tín cá nhân, quan hệ xã hội của bản thân và gia đình cán bộ để quản lý cán bộ hiệu quả. Lý luận và thực tiễn cho thấy có “hiểu biết cán bộ” mới có cơ sở đánh giá đúng cán bộ. Trên thực tế “có trường hợp còn không biết mặt cán bộ, dẫn đến việc nhận xét, đánh giá cán bộ chưa thực chất, chưa khách quan, chưa sát”[6]. Để đánh giá đúng cán bộ đòi hỏi các chủ thể quản lý phải nắm được đầy đủ thông tin về cán bộ như phẩm chất chính trị, năng lực, sở trường, yếu tố tâm lý, xu hướng triển vọng, khí chất…

Thứ năm, tính gương mẫu của một số cán bộ chủ chốt chưa cao, nói không đi đôi với làm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng... nên không dám chỉ ra những hạn chế, yếu kém của cán bộ, nhân viên dưới quyền. Nhân cách, uy tín của cán bộ chủ chốt có vai trò rất quan trọng, quyết định đến độ chính xác trong nhận xét, đánh giá cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho rằng “Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”[7].

2. Biện pháp nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của đánh giá cán bộ.

Đánh giá cán bộ thực chất là đo lường phẩm chất, năng lực của cán bộ. Đây là khâu quan trọng tác động đến các khâu của công tác cán bộ. Chất lượng công tác cán bộ liên quan đến khâu đánh giá cán bộ. Các tổ chức đảng, cấp ủy đảng phải phát huy dân chủ, công khai, minh bạch và thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong công tác đánh giá cán bộ. Kết quả đánh giá cán bộ phải được thông báo công khai trong tổ chức đảng để giúp cán bộ biết được kết quả đồng nghiệp, tổ chức đánh giá về mình, từ đó thấy được những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế để xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện.

Hai là, cần lượng hóa tiêu chuẩn gắn với mô tả công việc của từng cán bộ, công chức.

Tiêu chuẩn cán bộ là những tiêu chí phản ánh phẩm chất, năng lực [đức - tài] của người cán bộ. Nắm vững tiêu chuẩn mới có căn cứ khách quan để đánh giá đúng cán bộ cũng như tiến hành các khâu của công tác cán bộ. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mà xây dựng, mô tả vị trí việc làm của từng chức danh. Đây là một trong những nội dung đổi mới công tác tổ chức cán bộ hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng chính trị và năng lực hoạt động của từng chức danh trong tổ chức bộ máy; là cơ sở để đối chiếu, đánh giá năng lực hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ “Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”[8]. Khi đánh giá cán bộ, các chủ thể cần căn cứ các tiêu chí như: phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng; năng lực ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định; phong cách lãnh đạo; hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân.

Ba là, kết hợp các kênh thông tin để đánh giá cán bộ.

Khi đánh giá cán bộ phải kết hợp các kênh thông tin để có căn cứ đánh giá đúng cán bộ, cụ thể là: cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ; cấp ủy cấp trên trực tiếp; cơ quan tổ chức cán bộ; lấy hiệu quả công tác thực tế làm thước đo; cán bộ, nhân viên dưới quyền, quần chúng nhân dân đánh giá và cán bộ tự đánh giá. Mỗi kênh đánh giá đều phản ánh được thế mạnh, ưu điểm, nhưng trong đó 3 kênh chủ đạo là cấp ủy đảng gắn với trách nhiệm đánh giá của người đứng đầu; hiệu quả công tác thực tế và tín nhiệm của quần chúng nhân dân có ý nghĩa chi phối, quyết định.

Khi đánh giá cán bộ phải có quan điểm biện chứng, khoa học. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa”[9]. Chẳng hạn cùng là một chức danh như nhau, nhưng công tác ở địa bàn phức tạp, đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, an ninh phức tạp sẽ được đánh giá cao hơn so với cán bộ, công chức công tác trong điều kiện môi trường thuận lợi... Xuất phát từ bản chất xã hội của con người, khi đánh giá cán bộ phải có quan điểm toàn diện, tránh phiến diện chủ quan, có như vậy mới hiểu được đầy đủ bản chất của người cán bộ “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem cả công việc của họ”[10]. Cần bảo đảm dân chủ và công khai trong đánh giá cán bộ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức.

Cần tiếp tục duy trì việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ. Lấy phiếu tín nhiệm định kỳ đối với cán bộ chủ chốt là cách làm mới của Đảng nhằm mục đích đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, có tác dụng nhắc nhở, động viên, cảnh báo cán bộ luôn nêu cao trách nhiệm, phấn đấu rèn luyện, tận tụy phục vụ nhân dân. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một tham số giúp cấp ủy, người đứng đầu nắm được phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ; mặt khác giúp cán bộ điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém để hoàn thiện nhân cách, tổ chức điều hành công việc có hiệu quả hơn.

Bốn là, coi trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, công tác cán bộ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu”[11]. Làm tốt chức năng này mới giúp các chủ thể quản lý hiểu và nắm chắc cán bộ ở tất cả các phương diện chính trị tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, năng lực sở trường, xu hướng triển vọng, uy tín trong quần chúng và hoàn cảnh gia đình. Đảng lãnh đạo, quản lý cán bộ, “thương yêu cán bộ” nhưng “không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc” mà phải thường xuyên động viên, nhắc nhở, phê bình và tự phê bình để cán bộ phát huy ưu điểm, phòng tránh các khuyết điểm, sai phạm. Tác nghiệp này không chỉ giúp các cấp ủy nắm chắc cán bộ mà còn giúp cán bộ phấn đấu rèn luyện tốt hơn. Hơn lúc nào hết, các cấp ủy đảng phải tăng cường kiểm tra công tác cán bộ, trong đó có khâu đánh giá cán bộ của các tổ chức đảng cấp dưới nhằm giúp các tổ chức đảng thực hiện đúng, bài bản khâu đánh giá cán bộ.

Năm là, phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát, đánh giá cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lỗi lầm mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng”[12]. Sự nhận xét chân thành, có trách nhiệm với động cơ góp ý xây dựng của quần chúng nhân dân là một kênh để các cấp ủy tham khảo nhận xét, đánh giá chính xác cán bộ, là cơ sở để quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy trình cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm nhất thiết phải có nhận xét của cấp ủy địa phương./.

TS. Nguyễn Thế Tư - Học viện chính trị khu vực III

--------------------------------

Ghi chú:

[1], [8] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H.2011, tr.174; tr.261.

[2],[5],[6] Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 khóa X, Nxb. CTQG, H.2009, tr.110; tr.213; tr.213.

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.2000, tr.283.

[4],[7],[9],[10],[11],[12] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.277; tr.278; tr.278; tr.278; tr.287; tr.296.

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề