Tại sao con người luôn chiến tranh giành giật nhau

Chạy đua vũ trang (CĐVT) và chống CĐVT đang là vấn đề nổi cộm, bức xúc của thế giới đương đại. Từ sau chiến tranh vùng Vịnh (1991), tiếp đó là chiến tranh Nam Tư (1999), chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (2001), chiến tranh I-rắc lần 2 (2003), mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự  là mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của chiến tranh - chiến tranh cục bộ công nghệ cao - thì vấn đề này càng trở nên gay gắt, quyết liệt hơn, tác động sâu sắc tới nhiều mặt trong quan hệ quốc tế.

CĐVT - con bạch tuộc nhiều vòi.

Phải nói rằng, CĐVT trên thế giới ngày nay đang phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về tính chất và quy mô, mà hậu quả và tác động của nó tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường đối với an ninh, ổn định của các quốc gia, các khu vực và thế giới.

Thứ nhất, CĐVT ngày nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới thời kỳ "hậu chiến tranh lạnh" đang biến động hết sức phức tạp, bởi, các thế lực chính trị cường quyền, chủ nghĩa bá quyền đang ráo riết điều chỉnh chiến lược, ra sức CĐVT để giành ưu thế áp đảo về quân sự, phục vụ cho  mưu đồ bá chủ khu vực và thế giới. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ coi đây là cơ hội "ngàn năm có một" và triệt để tận dụng cơ hội đó, đẩy mạnh CĐVT, tăng cường sức mạnh quân sự, tiến hành các hoạt động can thiệp, gây chiến tranh để thiết lập một trật tự thế giới đơn cực do Mỹ giữ vai trò chủ đạo. "Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ 21" của Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn công bố năm 1998; "Chiến lược an ninh quốc gia mới" của Chính quyền Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ công bố năm 2002 và được điều chỉnh năm 2005, đều có quan điểm nhất quán coi hiện đại hóa quân đội Mỹ hùng mạnh bậc nhất thế giới là đảm bảo quan trọng quyết định để nước Mỹ đối phó hiệu quả với các thách thức, nguy cơ và bảo vệ lợi ích toàn cầu, an ninh quốc gia và quyền lãnh đạo thế giới của mình. Từ quan điểm chiến lược đó, cả hai Tổng thống Mỹ này đều tập trung nguồn tài lực rất lớn của quốc gia cho nghiên cứu phát triển và trang bị cho quân đội các vũ khí, trang bị công nghệ cao hiện đại bậc nhất thế giới. Trong nhiều năm gần đây, Chính quyền của Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ liên tục tăng ngân sách quốc phòng (năm 2008, chi phí quân sự của Mỹ khoảng 716,5 tỷ USD, chiếm 1/2 chi phí quân sự của toàn thế giới), một phần lớn trong đó được dành cho hiện đại hóa, phát triển các vũ khí, trang bị quân sự hiện đại. Chính quyền G.W.Bu-sơ cũng tiến hành những bước CĐVT ở tầng nấc cao hơn, mạo hiểm hơn Chính quyền tiền nhiệm khi đơn phương từ bỏ Hiệp ước ABM (Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo mà Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1972 - được coi là cơ sở quan trọng nhất đảm bảo sự ổn định chiến lược quốc tế hơn 30 năm qua), để phát triển hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD), mà nhiều tướng lĩnh Mỹ gọi đây là kế hoạch quân sự hóa toàn cầu đầy tham vọng, nhằm khống chế, kiểm soát các khu vực địa-chiến lược quan trọng trên toàn thế giới. Mới đây, Chính quyền G.W.Bu-sơ còn công bố một kế hoạch khổng lồ 100 tỷ USD (Falcon) chinh phục vũ trụ cho mục đích quốc phòng, quân sự và hàng loạt chương trình, dự án phát triển máy bay, tên lửa, hàng không mẫu hạm có trình độ tiên tiến "vượt trước thời đại". Song, vấn đề mấu chốt CĐVT của Mỹ chính là ở chỗ nhằm tạo ưu thế tuyệt đối về sức mạnh quân sự để răn đe, "đánh đòn phủ đầu" ngăn chặn các mối đe dọa, mà họ gọi là "khủng bố", "không thân thiện" và còn như Tổng thống G.W. Bu-sơ tuyên bố là để làm "nản lòng" các đối thủ (nước nào, nhóm nước nào) có ý định và tham vọng tranh giành quyền lãnh đạo thế giới với Mỹ.

Tham vọng giành ưu thế quân sự tuyệt đối để răn đe, ngăn chặn nhằm thực hiện mưu đồ cường quyền, bá quyền thế giới của Mỹ bị dư luận thế giới, ngay cả các nước đồng minh thân cận, lên án, phản đối, coi đây là tư duy đã lỗi thời của thời kỳ "chiến tranh lạnh", nó là nguyên cớ thúc đẩy CĐVT trên thế giới ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định của thế giới. Và, tham vọng đó, suy cho cùng, cũng là hệ lụy của những mâu thuẫn cố hữu nội tại của chủ nghĩa tư bản hiện đại, thể hiện ở những hình thức mới trong cuộc đấu tranh giữa đơn cực và đa cực, giữa những bá quyền với nhau.

Một nguyên nhân quan trọng khác để các nước tư bản phát triển thúc đẩy CĐVT là bởi lợi nhuận khổng lồ của ngành kinh tế quân sự sản xuất vũ khí. Ngày nay, không có một ngành sản xuất nào thu được lợi nhuận tối đa và nhanh chóng như ngành sản xuất quân sự, đặc biệt là sản xuất vũ khí. Nhiều năm qua, Mỹ luôn là nước buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới, lãi suất thu được rất lớn. Theo một thống kê, riêng năm 2006, doanh thu của 100 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới đạt trên 290 tỷ USD, trong đó 40 công ty của Mỹ chiếm tới 63%. Các nước Pháp, Đức, Nhật Bản cũng nằm trong nhóm nước buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 6% đến 10% thị phần thế giới. Hơn nữa, một điều dường như trở thành quy luật vận động của kinh tế tư bản hiện đại là, khi nền kinh tế tư bản có dấu hiệu khủng hoảng, suy thoái, thì các nước tư bản lại tập trung vào sản xuất quân sự, coi đây là một "cứu cánh hữu hiệu". Và, để tiêu thụ sản phẩm quân sự, họ ra sức tranh giành, mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí, bằng cách kích động CĐVT, gây xung đột, chiến tranh ở nơi này, nơi kia trên khắp toàn cầu, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế. Mọi người đều biết rằng, các cuộc chiến tranh mà Mỹ và một số nước phương Tây tiến hành ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Nam Tư và nhiều nơi khác trên thế giới, bên cạnh mục tiêu địa -chiến lược, còn có mục tiêu là để thử nghiệm và quảng bá các loại vũ khí, trang bị hiện đại mới của họ. Những năm qua, sự can thiệp quân sự của Mỹ và một số nước Tây Âu vào Trung Á, Trung Đông đang biến các khu vực này thành "thùng thuốc súng" và thành thị trường tiêu thụ vũ khí lớn nhất thế giới, mà nguồn cung cấp chủ yếu lại chính là Mỹ và một số nước phương Tây khác.

Thứ hai, CĐVT hiện nay diễn ra dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học- công nghệ mới có những phát triển chưa từng thấy và quá trình khu vực hoá, toàn cầu hoá đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, đan xen giữa nhiều xu hướng, mâu thuẫn. Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi mang tính cách mạng mọi mặt đời sống xã hội. Trong lĩnh vực quân sự, việc ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ mới cho phép phát triển các hệ vũ khí, trang bị mới, có tính năng kỹ thuật, chiến thuật ưu việt hơn hẳn các vũ khí, trang bị truyền thống. Mặt khác, trong xu hướng khu vực hoá, toàn cầu hoá, để nâng cao tiềm lực và khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhiều tập đoàn công nghiệp quân sự khổng lồ đã tiến hành sáp nhập, tận dụng tối đa cuộc cách mạng khoa học-công nghệ nói chung, cuộc cách mạng trong quân sự nói riêng, để nghiên cứu, sản xuất hàng loạt với số lượng lớn sản phẩm quân sự công nghệ cao có trình độ ngày càng tiên tiến, hiện đại hơn. Quân đội của nhiều cường quốc, nước lớn hiện có trong trang bị nhiều loại vũ khí có khả năng sát thương "cứng" và "mềm" vô cùng lợi hại, như : vũ khí phi sát thương (la-de, chùm sóng vi-ba, âm thanh, điện từ, hoá học, sinh học); vũ khí "bẩn" (bom chùm, bom, đạn có chứa chất phóng xạ u-ra-ni đã được làm nghèo); các tên lửa hành trình có khả năng "tàng hình", tầm bắn xa, độ chính xác cao, uy lực sát thương lớn. Một số cường quốc cũng đang ráo riết triển khai đề án nghiên cứu, chinh phục vũ trụ cho mục đích quân sự, nhất là mở rộng không gian chiến tranh ra cả khoảng không vũ trụ. Vũ khí công nghệ cao ngày càng phát triển hiện đại hơn, tất yếu kéo theo sự phát triển ngày càng cao của khoa học nghệ thuật quân sự. Giới quân sự quốc tế đang đề cập đến nhiều khái niệm mới, như chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông tin, chiến tranh điều khiển học, chiến trường số hoá, v.v, phản ánh những bước phát triển vượt bậc của vũ khí, trang bị quân sự cùng phơương thức, nghệ thuật tác chiến và tiến hành chiến tranh hiện đại. Nhiều dự báo cho rằng, với tốc độ phát triển vũ khí, trang bị công nghệ cao nhanh đến chóng mặt như hiện nay, thì trong tương lai không xa, chiến tranh sẽ là cuộc đọ sức của các hệ vũ khí đã được thông tin hóa, trí năng hóa, có độ chính xác cao, tầm bắn xa, sức hủy diệt vô cùng lớn; chiến tranh quy mô cục bộ nhưng không gian chiến trường sẽ mở rộng không hạn chế trên cả 5 chiều: trên bộ, trên biển, trên không, trong vũ trụ và trường điện từ; nhưng điều nguy hiểm là chiến tranh cũng sẽ đồng nghĩa với sự hủy diệt.

Chống CĐVT-  cuộc chiến còn nhiều gian nan.

Cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Liên hợp quốc, đã tập trung nhiều nỗ lực để ngăn chặn CĐVT và cũng đã đạt được những kết quả quan trọng, như Hội nghị quốc tế về chống phổ biến mìn sát thương, Hội nghị quốc tế về cấm buôn bán vũ khí nhỏ, Hội nghị quốc tế về cấm thử toàn diện vũ khí hạt nhân (VKHN), với mục tiêu là "Bảo đảm thế kỷ XXI thế giới không còn VKHN", v.v. Tuy nhiên, những kết quả đạt được này còn rất hạn chế, chưa đủ để có thể ngăn chặn và đẩy lùi được CĐVT đang diễn biến hết sức phức tạp và còn rất nhiều vấn đề nan giải.

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Xtốc-khôn (SIPRT), trong hơn thập kỷ qua, chi phí quân sự toàn cầu không ngừng gia tăng. Năm 2007, chi phí quân sự toàn cầu khoảng 1.204 tỷ USD (tăng gần gấp đôi so với cách đây 10 năm), tức là chiếm 2,5% GDP của thế giới, tương ứng với 184 USD/ đầu người dành cho chi phí quân sự. Chi phí quân sự này cao gấp 12 lần tổng số tiền (106,8 tỷ USD) dành cho viện trợ phát triển toàn thế giới và 60% khách hàng mua vũ khí là các nước đang phát triển và chậm phát triển. Còn theo một thống kê mà Liên hợp quốc công bố mới đây, trên thế giới hiện đang lưu hành khoảng trên 500 triệu vũ khí hạng nhẹ (súng tiểu liên, súng phóng lựu, súng tự động, súng bán tự động...). Các loại vũ khí hạng nhẹ này chỉ mới ước chiếm gần 50% tổng số các loại vũ khí hiện có trên thế giới. Đó là chưa kể đến số lượng các loại súng nhỏ dưới cấp tiểu liên, cũng ước tính khoảng 200 triệu khẩu. Như vậy, tính trung bình trên hành tinh, cứ 6 người có 1,2 khẩu súng. Ngoài ra, trên thế giới cũng còn lưu hành hơn 200 triệu quả mìn đủ loại, đủ kích cỡ và còn đang được bổ sung với số lượng ngày càng lớn, do trình độ và khả năng công nghệ chế tạo hiện đại. Còn về VKHN, tính đến nay đã có khoảng trên dưới 10 nước sản xuất được VKHN; trong đó, Mỹ là nước có nhiều VKHN nhất, với 4.500 đầu đạn hạt nhân gắn trên các tên lửa liên lục địa, 1.750 quả bom và đầu đạn hạt nhân có thể được lắp và phóng đi từ các loại máy bay ném bom chiến lược B.52, B.1, B.2, 1.600 VKHN chiến thuật cùng hơn 12.500 đầu đạn hạt nhân khác. Ở các nước khác (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, I-xra-en... ) tuy số lượng không bằng Mỹ, nhưng nếu cộng lại thì số lượng VKHN ở những  nước này cũng là một con số không nhỏ.

Cuộc CĐVT, nhất là chạy đua giành giật ưu thế về vũ khí, trang bị công nghệ cao vốn rất tốn kém đang tạo ra nghịch lý rất lớn trên thế giới là xung đột, chiến tranh và nghèo đói ngày càng gia tăng. Theo một thống kê, ước tính tới những năm đầu thế kỷ 21, trên thế giới đã có trên 1,3 tỷ người có thu nhập dưới 1USD/ ngày và trên 2,8 tỷ người có thu nhập dưới 2 USD/ngày. Chênh lệch giữa thu nhập của 5% số người giầu nhất và 5% số người nghèo nhất cũng đang ngày càng doãng ra, nếu như năm 1960 là 30/1, năm 1990 là 60/1, thì hiện nay tỷ lệ đó là khoảng trên 80/1. Các nước tư bản phát triển với 20% dân số thế giới hiện chiếm giữ 80% GDP toàn cầu, trong khi đó các nước nghèo nhất cũng chiếm 20% dân số thế giới chỉ được hưởng có 1% GDP của thế giới. Hiện hàng năm có khoảng 30 triệu người chết đói và toàn cầu đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lương thực nghiêm trọng. Tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo hiện nay, nhưng thế giới cũng đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ (truyền thống và phi truyền thống), nhất là xung đột quân sự, chiến tranh cục bộ, mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố, sự can thiệp từ bên ngoài, thiên tai, dịch bệnh, v.v. Một thống kê cho thấy, hiện tại, mỗi năm, thế giới xảy ra khoảng hơn 140 cuộc xung đột, chiến tranh; trong 10 năm cuối của thế kỷ 20 và cho đến tận hôm nay, thế giới chưa có một ngày nào không có tiếng súng.

CĐVT ngày nay đã đến mức báo động, hiểm họa của nó đối với toàn hành tinh là vô cùng lớn, không thể lường trước được. Chống CĐVT đã trở thành yêu cầu cấp bách trong đời sống chính trị của thế giới đương đại. Chống CĐVT đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ với chống đói nghèo, chống bất bình đẳng, bất công, nhất là chống khủng bố dưới mọi hình thức, chống chủ nghĩa cường quyền, bá quyền thế giới. Hơn lúc nào hết, dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc, nhân loại tiến bộ trên thế giới đang chung sức, đồng lòng trong cuộc đấu tranh chống CĐVT tuy còn rất nhiều gian nan, phức tạp, nhưng nhất định thành công, vì mục tiêu chung là phấn đấu xây dựng một thế giới ngày mai tốt đẹp hơn - một thế giới hoà bình, hợp tác và phát triển.

Minh Đức