Suy nghĩ về bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Suy nghĩ về bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Tác phẩm điện ảnh 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Vẫn giữ nguyên câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết, mà thiết nghĩ rằng việc bám sát nguyên tác có lúc đã làm tác phẩm điện ảnh bị giới hạn ở một số chỗ, tuy nhiên bằng ngôn ngữ điện ảnh, Victor Vũ đã kể lại Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với một cảm xúc mới. Có thể nhận ra ngay cái tinh thần Victor Vũ chọn làm nổi bật cho tác phẩm của mình không phải là cái ác tự nhiên trong con người nhân vật Thiều, và đối lập với nó là bản chất hồn hậu của đứa em trai tên Tường đã được cuốn tiểu thuyết nhấn nhá. Cái tinh thần anh chọn là những cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ, dù người ngoài cuộc có nhìn thấy tuổi thơ đó khắc nghiệt ra sao thì nó vẫn là được nhìn qua lăng kính của những đứa trẻ mà có lần Victor Vũ thổ lộ, anh từng là đứa anh trai ích kỷ trong câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh.

Cũng không quá xa lạ với hai nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, tác phẩm điện ảnh vẫn giữ lại những tính cách đặc trưng của hai nhân vật Thiều và Tường. Nếu như Thiều vụng về, nhát gan và lại còn hơn thua thì Tường có tất cả những đức tính mà Thiều thiếu sót. Không tập trung phát họa phản diện - chính diện theo lối trắng đen phải trái, Victor Vũ đưa những thứ vừa nhắc đến kia vào một khoảng mờ. Điều đáng trân trọng ở Victor Vũ là anh đã bắt đầu biết buông bỏ. Không cần tiếp xúc với Victor Vũ bên ngoài đời thực, chỉ tiếp cận anh qua phim cũng đủ thấy Victor là người “lụy” cốt chuyện và tình tiết như thế nào, “lụy” đến mức buộc bản thân phải xử lý những cái twist đôi khi khiên cưỡng, bằng chứng là chỉ mới đây không lâu thôi, ở trong Cô dâu đại chiến 2. Thế mà, nhẹ bâng, anh đã gần như bỏ qua những tình huống, thậm chí là có phần kịch tính nhằm khắc họa sự đối lập giữa hai tính cách của Thiều và Tường dẫn đến cao trào rồi cách thức giải quyết nó. Vậy Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có gì?

Suy nghĩ về bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Nét diễn hồn nhiên của diễn viên nhí trong phim cũng góp phần không nhỏ cho sự thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Là những trò chơi trẻ thơ như rước đèn trung thu, thả diều, chọi đá. Là hình ảnh hai anh em mà người anh chỉ vừa xấu tính với đứa em trước đó vài phút, nhưng vài phút sau đã cùng nhau nô đùa bên giếng nước. Là những cơn mưa tắm mát tuổi thơ. Người lớn nhìn thấy cơn lũ đẩy họ tới đói nghèo. Còn những đứa trẻ nhìn thấy hồ nước tự nhiên xuất hiện trong nhà mình để thả thuyền giấy. Là cảnh ba đứa trẻ buồn bã bám tay vào khung cửa sổ nhìn ra ngoài trời trong một ngày mưa. Là một ngày nọ, thằng bé thấy mình đang đứng đưa tiễn cô bạn cùng lớp ở một con đường rất dài, và chúng không bao giờ biết được khi nào sẽ gặp lại nhau. Những nỗi buồn lành mạnh là cảm xúc cần có với mỗi con người. Cái lỗi đẹp đến độ “hư cấu” về một miền Trung nắng rát và khó nghèo bỗng nhiên được tha thứ. Phải, đẹp và sạch sẽ quá mức là khuyết điểm đầu tiên của bộ phim. Nó là nhược điểm của một đạo diễn không lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam, cũng như chưa có trải nghiệm nhiều về nó. Ngay cả cảnh người đàn ông lao động cởi trần người lấm lem bồ hóng và mồ hôi nhễ nhại cũng lấp lánh quá mức cần thiết. Hình ảnh những người mẹ quê cũng đẹp ngời ngời. Rồi những đứa trẻ đói ăn, tôi ngửi được mùi thơm tho trên người chúng qua màn hình. Cả những con trâu chết trên đồng… Điều lo sợ nhất khi xem trailer đã biến thành hiện thực.

Song, vẫn biện hộ giúp Victor ở trường hợp này được, nếu chúng ta chịu khó trở về tuổi thơ. Tuổi thơ có thể khốc liệt, có thể hạnh phúc, nhưng mấy tuổi thơ biết cất tiếng phán xét hoặc bị phán xét, kiểu như cái nhìn này cường điệu quá, cái nhìn kia lộng lẫy quá. Và nếu đặt chính tâm hồn mình, những người từng có tuổi thơ qua mỗi khuôn hình. Không thể bắt thế giới quan của những đứa trẻ vô lo, hay giả như có gì lo lắng thì chính là “cô bạn cùng lớp” phải giống như người lớn được. Cái quan điểm này đã được Victor Vũ thể hiện ngay từ những thước phim đầu tiên. Để người lớn, lần nữa, được làm một đứa trẻ, đấy chẳng phải là điều hoang tưởng sao? Ấy vậy mà thông qua điện ảnh, Victor Vũ đã làm được. Cái sự hồn nhiên, lắm lúc ngây ngô của phim đã nói lên điều điều đó. Không ít khuôn hình, nhà làm phim phải đấu tranh để giữ vững nhân sinh quan của trẻ thơ mà họ đã quyết liệt đặt máy quay từ góc nhìn ấy, thay vì đứng từ phía người lớn, những con người đã hiểu lắm sự đời để than thở một câu. Cái đẹp huyễn hoặc này nó trông giống những cái kết luôn luôn có hậu trong truyện cổ tích vậy.

Trong một bài phỏng vấn của tôi khi Victor Vũ còn đang chuẩn bị cho dự án phim này, anh đã trả lời rằng: “Là cảm giác của tôi thời còn đi học về điện ảnh, mới mà không mới, cái thời mà mọi thứ rất trong trẻo và cách mình nhìn điện ảnh hoàn toàn mộc mạc. Nó giống như một cuộc đối thoại giữa riêng mình với nghệ thuật, không cần phải suy nghĩ đến những vấn đề khác. Trong một phân đoạn, mình không cần quan tâm công thức, cao trào thế nào, kịch tính ra sao… cũng không cần nghĩ quá nhiều về phản ứng của khán giả. Tôi muốn khi xem một bộ phim kiểu vậy, khán giả không bị chi phối bởi những thứ như kỹ thuật hay nội dung. Tất cả là cảm xúc và không khí mình tạo ra. Ví dụ, một người ngồi ngoài sân, anh ta chảy mồ hôi, nội dung chính của cảnh đó là chảy mồ hôi, vậy thôi. Tôi muốn né cụm từ “phim nghệ thuật”, tôi không dùng nó, bởi bản thân tôi nghĩ phim nào cũng là nghệ thuật”.

Suy nghĩ về bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Những tính cách đặc trưng của hai nhân vật Thiều và Tường trong tác phẩm điện ảnh vẫn được giữ lại như trong tiểu thuyết

Nếu phim chia làm hai phần, phần đầu là câu chuyện của Thiều, phần sau là đất diễn của Tường thì thông qua phần đầu tiên, Victor Vũ đã thực hiện được “cuộc đối thoại giữa riêng anh với nghệ thuật” mà anh mong muốn. Nó không được phác họa bằng việc câu chuyện này sẽ hấp dẫn bao nhiêu, và nó sẽ hút khách thế nào. Cuộc đối thoại ấy là cuộc đối mặt với cảm xúc cá nhân, nó cho người ta biết được phần nào con người của anh ta. Ở phân đoạn đó, điều gì là nỗi buồn? Điều gì là niềm vui? Nó rất giản dị. Những góc quay cận cảnh đặc tả tâm trạng nhân vật Thiều, cứ xoay đi xoay lại và man mác buồn, liệu nó là cuộc đối thoại của Thiều, của Victor Vũ hay của những người xem với những gì thuộc về ngày hôm qua? Nhưng Victor Vũ đã không thể xử lý tốt hơn ở phần hai. Bộ phim dường như không cần thiết phải có câu chuyện của cậu em trai và “nàng công chúa” tưởng tượng. Nó không nhất định phải theo đúng nguyên tác để rồi bận loay hoay với những tình huống nên nằm ở trong cuốn sách hơn là trên màn hình, Victor Vũ đã để vuột mất sợi dây kết nối những cảm xúc nuột nà mà anh cất công tạo ra. Thật sự đáng tiếc!

Đừng phê phán flycam tùy tiện. Flycam của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không giống flycam của VTV, đâu khiến khán giả phải tiếc nuối vì bị bỏ qua cái gì lớn lao như bàn thắng của Tuấn Anh hồi U.19 đá cúp Đông Nam Á. Nhà quay phim Nguyễn K’linh vẫn giữ nguyên phong độ của anh dù là quay một tác phẩm đậm chất nghệ thuật như Cha, con và…, một tác phẩm giải trí thuần túy như Quả tim máu hay một tác phẩm thể nghiệm cảm xúc, phải, và cũng là thể nghiệm ở nghĩa đen đối với người chuyên trị dòng phim ly kỳ như Victor Vũ. Sẽ là thiếu công bằng nếu bỏ qua đóng góp lớn lao của âm nhạc. Nhà soạn nhạc Christopher Wong, ở lần đồng hành này với Victor Vũ, đã cho thấy sự nâng đỡ của âm nhạc dành cho hình ảnh. Bài hát Thằng cuội của nhạc sĩ Lê Thương đã làm biết bao ký ức tuổi thơ sống dậy. Không riêng Thiều, Tường và đạo diễn, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng là một “thằng cuội già ôm một mối mơ…”. Và không quên nhắc đến khâu dựng phim. Tôi nghĩ Victor Vũ đã có những cộng sự rất tốt.

Cuối cùng, điều làm người xem dễ chịu nhất ở Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính là thái độ của người đạo diễn đối với cảm xúc của cá nhân anh. Nó rất có thể là ký ức của cảm xúc chứ không hẳn là cảm xúc. Bộ phim còn một số điểm chưa tốt, việc quá sạch sẽ đã nhắc đến ở trên là một điển hình, nhưng một cách vừa vặn, nó thể hiện đó là cái nhìn trung thực của đạo diễn, không phải “lực bất tòng tâm” làm không tới để rồi bị bối rối hay gồng gượng. Nó là cái nhìn chủ quan của anh ta.

Anh ta chọn cho đi những điều trong trẻo, miễn là cái trạng thái trong trẻo đấy nó chính xác thì chúng ta tiếp nhận, thế thôi.

Tin liên quan

Đồng quê xanh ngát bao la. Biển xanh vỗ về, nước trong vắt, cảnh vật non nước Việt Nam mới đẹp làm sao! Từng đàn bò da nâu béo tròn đang thong thả gặm cỏ giữa bầu trời xanh ngắt trong veo. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy thằng Thiều đang thả con diều bay tít tìn tịt trên bầu trời cao lóa một màu vàng rực của ông mặt trời còn chưa chịu lặn xuống núi. Cánh diều ung dung bay lượn một cách tự do dưới bàn tay thoăn thoắt của hai anh em thằng Thiều, ừ thì, ai cũng có một tuổi thơ để trở về……

Suy nghĩ về bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Đọc không biết bao nhiêu truyện của chú Ánh rồi nhưng đây là lần đầu xem bộ film đầu tay của chú. Kia là thằng Thiều, này là con bé Mận, còn đây nữa, cu Tường của tôi nữa kìa. Sao hình dung của tôi về các nhân vật trong truyện không giống gì với mấy thiên thần này cả. Thằng Thiều mà tôi hình dung có chút gì tưng tửng, có chút sâu sắc già dặn, trong phim vẫn chưa toát ra những phẩm chất đó, Tường – một cậu nhóc con rất đẹp trai, nhưng thấy Tường hơi nhỏ hơn tôi nghĩ, Mận thì đúng là cô thôn nữ chính hiệu,tốt bụng và hơi ngô ngố, nhưng bé Mận hơi xinh quá, xinh hơn tưởng tượng của tôi khi đọc truyện. Trong truyện là ngôi thứ nhất thằng Thiều tự kể, còn film thì theo ngôi thứ ba, không thể nào đạt được cảm xúc 100% giống như khi đọc truyện được. À mà thôi, không so sánh nữa, nhất định tôi sẽ không so sánh nữa, tuy đây là bộ phim chuyển thể dựa theo tiểu thuyết cùng tên, nhưng phim là phim mà nguyên tác thì vẫn là nguyên tác, không so sánh để phán xét cái nào hay hoặc là nói rằng phim làm mất nét của nguyên tác hơn nữa. Điện ảnh là môn "nghệ thuật thứ 7" và ấn tượng ban đầu của tôi về bộ phim này, thật sự là, không làm tôi thất vọng tí nào !

Tuổi thơ là thứ đẹp nhất của một đời con người. Xa xa là những gánh hàng rong xôi nếp than, chuối chiên giản dị đơn sơ cùng với những con người dân quê chân chất, áo bà ba, dép kẹp tay xách giỏ đi chợ sáng. Mấy đứa trẻ con đang ngồi chơi bắn bi, tụi học sinh đạp xe đạp cọc cạch qua cái cầu gỗ không tay vịnh trên đường tan học, vừa tán dóc vừa hưởng gió mát của đất trời. Miền quê yên bình, mộc mạc, lòng tôi chợt lắng lại giữa sự vận động xô bồ hiện tại ở nơi mà tôi đang sống rồi khẽ  mơ màng về khoảng thời gian cấp một được mẹ tết tóc, chở đi học mỗi ngày. “Mà công chúa có thiệt ngoài đời hông vậy anh hai?” Câu hỏi ngô nghê nhất phim mà tôi vừa nghe được từ miệng thằng cu Tường. Nó muốn làm hoàng tử cóc tía. Câu hỏi này không phải của riêng ai, mà là bất cứ ai đã trải qua thời thơ ấu đều luôn có những câu hỏi ngây thơ, hồn nhiên như thế này. Tôi biết nhiều bạn xem phim không ưa thằng Thiều lắm. Đến nỗi một cậu bạn ngồi kế bên tôi la lên “tao ko ưa thằng Thiều nha, làm sai đánh em mình rồi mà còn không biết nhận lỗi, nhìn mặt thấy ghét” - khi tụi tôi xem đến cảnh Thiều ăn hiếp Tường. Thiều làm anh mà ko đáng mặt anh hai, ăn hiếp em của mình suốt ngày, ganh tị đủ mọi thứ với thằng nhỏ, lại còn hay chơi “mưu kế” gây thương tích cho em mình nữa. Nhưng tôi không có ác cảm với thằng Thiều và tôi cũng không thấy sự “không biết hối lỗi” trong ánh mắt của Thiều như đứa bạn tôi cảm nhận. Ngược lại tôi rất mến nó là khác. Tôi cũng nhận thấy được sự logic trong từng thước phim của Victor Vũ. Xem phim, tôi thông cảm cho những tính cách “khó ưa” này của Thiều lắm, cho những bồng bột của lứa tuổi mà nó đang trải qua, cho những cái liếc mắt của Thiều khi thấy nhỏ Mận và cu Tường chơi đồ hàng quấn quýt cùng nhau, cũng dễ hiểu thôi, vì tôi cũng đã trải qua một thời y hệt như nó. Thoạt đầu, khi xem cảnh thằng Thiều chơi bắn bi thua rồi giả bộ té lăn ra đất , dùng mưu mẹo dụ cu Tường lại gần để ném bi vào đầu thằng nhỏ, tôi thấy cũng tức trong bụng lắm. Ôi cái thằng anh hai khó ưa, xấu xa, mới có bây lớn tuổi đầu mà đã biết dùng mưu rồi. Tội nghiệp thằng nhỏ đầu tóe máu lại còn ngăn thằng anh chạy đi kêu ba vì “ anh mà nói ra là ba đánh anh đó”. “Thiều ơi, Thiều có một thằng em trai đúng nghĩa rồi mà Thiều không nhận ra sao?!” – tôi hét toán lên trong đầu, vì đang trong rạp nên tôi không tiện la làng lên vì tức tối. “À mà làm sao nhận ra được chứ, với cái đầu óc non nớt bồng bột, với cái tính trẻ con ở cái độ tuổi 13 đó kia mà!” – rồi tôi lại nhủ thầm trong bụng. Từng thước, từng thước phim trôi qua, Chú Ánh càng làm cho tôi liên tưởng đến các nhân-vật-chỉ-xuất-hiện-trong-tiểu-thuyết còn ngoài đời thì hiếm khi gặp phải, là “hiếm khi” chứ không phải không có. Tôi chưa gặp ngoài đời đứa trẻ nào 7 tuổi mà biết suy nghĩ, hiền hòa và “chững chạc” như thằng Tường. Tự nhiên, tôi cũng ước có một thằng em trai thấu hiểu và thương tôi như vậy. Lúc Thiều bị thằng Sơn ăn hiếp, bị đánh, bị giật mấy viên bi, mặt mày bầm tím ôm bụng về nhà, tôi có thể thấy rõ ánh mắt xót thương và đau đớn của Tường dành cho anh Hai nó. Nó bày mưu với Thiều đòi trả thù giùm và cuối cùng hai đứa đã thành công. Một thằng nhóc chỉ mới 7 tuổi đã biết đứng ra “bảo vệ” anh trai của mình rồi. Nhưng hình như chú Ánh chưa chịu hả dạ khi cho cu Tường hết lần này đến lần khác chịu đòn thay anh nó rồi còn bị anh Hai nó chơi khăm đủ mọi thứ hay sao ấy, hay là bao nhiêu đó chuyện xảy ra mà thằng Thiều vẫn chưa nhận ra trong mắt thằng Tường “anh Hai vẫn là quan trọng nhất” ?! Cái Mận xuất hiện như một ngòi châm cho ngọn lửa trong lòng Thiều càng thêm bừng bừng. Tôi mỉm cười trong bụng, ừ thì năm 13 tuổi, tôi cũng có thích một anh bạn lớn hơn tôi một tuổi. Rung động đầu đời của Thiều đây mà, tôi đang xem lại những thước phim như một phần viết về cuộc đời tôi vậy. Mà tiếc là tôi không biết cái cảm giác “ghen” (ừ mà chắc là “ganh tị” thì đúng hơn) với đứa em ruột của mình, vì thời tôi 13 tuổi, mẹ tôi chưa sinh em bé cho tôi nựng. Nhưng Thiều thì có, và tôi đang xem nó đi qua khoảng thời gian mà tôi đã từng đi qua. Ừ thì ganh tị cũng phải mà, con nhỏ mình thích lại chơi đồ hàng với thằng em mình mà hổng thèm chơi với mình. Hỏi sao hổng ganh!!Vì cớ gì mà nửa đêm Thiều dựng tóc thằng Tường dậy, bắt thằng Tường đọc đi đọc lại hai câu thơ hay nhất trong bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính – hai câu thơ mà dưới gốc cây đa chú Đàn vẫn thường ngâm cho chị Vinh nghe. Vì cớ gì mà mỗi lần hai câu thơ đó cất lên trong lòng nó cũng là lúc hình ảnh con Mận miên man len lỏi vào trong suy nghĩ của nó? “ Hổng biết nữa, mấy ngày nay tao chỉ thích chơi với mỗi mình mày à”. Rồi lại vì cớ gì mà sau khi con Mận đọc được hai câu thơ đó, mặt nó nghệch ra vì hổng hiểu thì thằng Thiều lại tức giận hét lên “Đồ ngu! Đồ con nít” ??? Ôi, chỉ là chút rung động đầu đời, trong sáng của mấy đứa con nít thôi, có cần phải đáng yêu vậy không! Con Cu Cậu (vì nó là thằng cu mà nó còn là cậu ông Trời), cái con cóc mà Tường với Mận cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa ấy, một ngày bị làm thịt trước mắt Thiều mà nó hổng thèm ngăn, bao nhiêu chuyện em nó làm cho nó chỉ vì cái ganh mà nó quên sạch. Tôi tự hỏi nếu em tôi làm cho tôi bao nhiêu chuyện mà thằng nhóc tôi thích lại thân với nó hơn là tôi ở cái thời tôi 13 tuổi thì tôi có còn ganh với nó không nhỉ? Chắc là còn, mà hẳn là còn, còn nhiều nhiều nhiều nữa là khác. Một lần nữa, tôi không trách Thiều, lẽ một phần vì nó giống tôi quá, một phần nữa là vì….ừ thì tôi không muốn trách, đơn giản vậy thôi. Tường gây cho tôi nhiều hình ảnh xúc động. Ấy thế mà cảm động thôi nhiêu đó chưa đủ, Victor Vũ còn nhấn chìm tôi bằng một màn mưa quay chậm và hệ quả là cũng đã có một màn mưa khác xuất hiện từ cặp mắt đang say sưa chăm chú theo dõi của tôi. Nhìn ánh mắt buồn bã, những tràn khóc nấc, những cảm xúc dạt dào tuôn ào ạc ra vì bị mất đi người bạn thân, yêu quí nhất là con cu cậu của Tường, thằng Thiều lúc này mới biết hối lỗi và đau lòng. Thế là Thiều, trong màn mưa lạnh căm rét buốt, chạy tìm một con cóc khác, bế con cóc trên tay Thiều chạy trong mưa, cảnh ấy được quay chậm, chậm lắm, rất chậm. Đẹp làm sao! Đẹp ô mê ly làm sao cái cảnh ấy! Cậu bạn ngồi cạnh tôi không thấy sự hối lỗi ở Thiều, “tao thấy nó có hối lỗi gì đâu”,  nhưng tôi thấy. Tôi thấy rõ lắm, rõ rệt hệt như đang soi gương vào một cái kính và thấy bản thân mình phản chiếu lại từ cái kính đó. Qua ánh mắt Thiều. Chính là ánh mắt ấy. Ánh mắt tự vẫn, tự trách, còn có một xúc cảm gì đó không biết phải diễn tả ra sao, như thế nào, nhưng đọng lại trong tôi không biết bao nhiêu là cảm xúc.

Tôi thương thằng Thiều, con Mận, thằng Tường, những đứa trẻ nhà quê, nghèo nàn, ăn mặc lượm thượm đến trường, bữa cơm với cháo trắng sôi lỏng bỏng nước với một chén muối hột khi cơn lũ kéo đến…..Ba mẹ tụi nó nhìn nhau, trên gương mặt của những con người ấy hiện lên vẻ đau xót, buồn lực và bất lực tột cùng. Tôi thương cái bọn trẻ con ấy, thiếu thốn mọi bề nhưng vẫn đến trường cho có cái chữ, cho có tương lai với đời! Tôi mém khóc khi xem tới cảnh nhà con Mận cháy khô, mẹ nó ôm nó, cặp mắt to tròn của nó ngấn nước, chực rơi ào ào xuống vì ba nó vẫn còn ở trong đám lửa kinh hồn ấy, chưa thoát ra được. Nếu là tôi, tôi không biết lúc đó mình sẽ thế nào nữa, hẳn là sẽ suy sụp tình thần tột độ lắm. Hồi đầu tôi thấy lạ lẫm với những đứa trẻ này, chúng tự lập sớm quá, trưởng thành sớm quá, hiểu chuyện sớm quá. Đã thế, chúng làm sao là trẻ con cho được. Nhưng không, chúng vẫn là trẻ con đấy chứ, chỉ vì tôi sống trong cảnh cơm no áo ấm quen rồi, chưa từng thấy cảnh những đứa trẻ nhà nghèo tự thân bương chãi nên đâm ra tôi mới bỡ ngỡ vậy thôi. Choáng ngợp với những cảnh đẹp như trong tranh hiện ra ở nơi đây bao nhiêu thì tôi xót xa, quặng ruột khi thấy mưa lũ kéo đến bấy nhiêu. Hóa ra tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, vùng quê tôi ở chưa từng có lũ lụt tràn về cuốn phăng nóc nhà, chết trâu, thiệt hại tài sản hay thậm chí là mạng người. Tuổi thơ tôi tuy hiển hiện rõ khá giống thằng Thiều nhưng tôi không đến nỗi chịu đựng cái nghèo và thiên tai nặng nề như nó. Trẻ em ở làng quê thời xưa tuy khổ cực, vật chất thiếu thốn, quần áo rách bưng, cặp sách xơ xài nhưng thật vui, chúng nó thân thiết, san sẻ cho nhau mọi thứ. Còn trẻ em bây giờ, lúc nào cũng cắm đầu vào smartphone, laptop, chơi game, luyện truyện tranh, sống ảo, sống theo phong trào, trên mạng thì cứ oan oang ra ngoài đời nhìn mặt nhau thì không dám nói chuyện…..Biết tìm đâu lại được nữa những tình cảm trong sáng, khắng khít, đùm bọc, chịu thương, chịu khổ cùng nhau ở cái thời xã hội phẳng như thế này! Và vẫn còn nhiều lắm những cảnh tâm đắt, nhưng cái hay , những lần lầm dại rồi lại hối hận của Thiều như lấy gậy đánh chó quất nặng vào lưng em mình vì nghi nó ăn lén sau lưng, rồi lại hối hận, rồi lại ăn năn. Tình anh em, những rung động ngọt ngào trong veo đầu đời, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa sớm….tất cả đã hòa quyện vào làm một.

Không biết cuộc đời Thiều rồi sẽ trải qua bao nhiêu lần lầm lỡ, bao nhiêu lần hối hận, bao nhiêu lần rồi lại bao nhiêu lần nữa mới có thể trưởng thành, nhưng tôi tin chắc những bài học, những kí ức tuổi thơ sẽ theo nó đến suốt cuộc đời. Dù rằng như thế nào thì trong đầu Tường vẫn “anh Hai em là số một”,  dù rằng sau này còn có thể gặp lại Mận hay không, thì Thiều ơi, hay nhớ kĩ lấy, tuổi thơ chỉ có một, đến một lần và rồi sẽ ra đi mãi mãi, hãy nếm trải những mùi vị đầu đời, những bồng bột sai lầm trẻ con, những ganh tị vu vơ, những rung động trong trẻo và tinh khôi đến ngỡ ngàng, để rồi hãy rút ra những bài học cho riêng mình, và cho tương lai đang trải đầy, không phải là “hoa hồng” nhé, mà là “chông gai” phía trước.

Một kết thúc mở, nhiều ý kiến khen chê, riêng tôi, tôi thấy vậy là điều duy nhất được thể hiện đúng đắn. Tôi thích kiểu kết mở, Mận về hay không do chúng ta chọn lựa, Thiều có hết bắt nạt Tường sau tần ấy lỗi lầm hay không cũng là do chúng ta phỏng đoán, tha hồ mà tưởng tượng. Một bộ phim rất ý nghĩa: sâu sắc tình anh em, vừa có chút hài hước, vừa có chút rung động của tuổi thơ. Các bạn trẻ đã thể hiện rất thành công vai diễn của mình và tôi cũng đã tìm lại được một mảng lớn kí ức tưởng chừng đã ngủ vùi rất lâu nơi sâu thẳm tâm hồn của mình rồi. Tôi thấy mình ở tuổi 12. Tôi thấy một Mai Quỳnh rất khác. Và, ngồi im trong gió nghe đêm rớt, tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Nắng mưa là chuyện của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…