Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Cổng chính Thành nhà Hồ

Những giá trị di sản

Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011-2021), Thành nhà Hồ đã bảo tồn, phát huy giá trị vốn có, thực hiện nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá "độc nhất vô nhị" này.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397 ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tòa thành xây dựng sau khi Hồ Quý Ly di chuyển kinh đô từ kinh thành Thăng Long vào Thanh Hóa.

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Một đoạn tường thành đá

Tòa thành là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới và được đánh giá là một trong những công trình phòng thủ bậc nhất ở Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm di sản thế giới Thành nhà Hồ, cho biết: Kể từ ngày trở thành di sản thế giới, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện cam kết chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ. Trong đó có việc triển khai kế hoạch bảo tồn và, phát huy có hiệu quả di sản độc đáo này khi gắn kết với du lịch. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011-2021, Thành nhà Hồ đã tập trung ưu tiên, đặc biệt là công tác nghiên cứu, khai quật các điểm di tích ở Thành Nội, Hào thành, đàn tế Nam Giao...

Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thành Nhà Hồ năm 2020. Cuộc khai quật đã phát hiện thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành, phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ. Qua đó, tiếp tục khẳng định giá trị to lớn và nổi bật của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Một điểm để các hiện vật khi khai quật khảo cổ

Công tác khai quật khảo cổ di tích Thành nhà Hồ năm 2020 được triển khai 2 hố khai quật với tổng diện tích 8.000m2. Hố khai quật nằm ở vị trí trung tâm Thành nhà Hồ, mặt bằng hố chạy dài theo chiều Bắc - Nam, chia hố khai quật thành hai bậc cấp khác nhau. Ở giữa là khu vực cao nhất, dân gian gọi là Nền Vua - là khu vực bậc nền cao trong hố khai quật có diện tích khoảng 20x5m; bậc nền thứ hai nằm thấp hơn khu vực trên khoảng 1m, chạy dài về phía Nam và Tây.

Đây là đợt khai quật khảo cổ học Thành nhà Hồ có quy mô tương đối lớn. Qua cuộc khai quật, bước đầu phát hiện được 4 dấu tích kiến trúc thời Hồ, 2 lớp kiến trúc thời Lê Sơ (thế kỷ XV) và Lê Trung hưng (thế kỷ XVI-XVII) với các di tích móng cột gia cố, bó nền, nền kiến trúc… cùng nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý - Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long, các loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ; nhiều mảnh gốm men thời Trần - Hồ và thời Lê Sơ.

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Những hiện vật khảo cổ

Từ cuộc khai quật này, lần đầu tiên các nhà khoa học, khảo cổ học đã nhận diện khá rõ các di tích thuộc nhiều loại hình kiến trúc khác nhau của vương triều Hồ. Đây là nguồn tư liệu mới, có giá trị lịch sử, văn hóa rất cao, góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành. Đây cũng là cơ sở để phục vụ các dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ trong những năm tới.

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ khẳng định: Việc khai quật lớn những năm qua đặc biệt là trong năm 2020 cho thấy tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc cam kết với UNESCO và đạt được kết quả bước đầu rất tốt, chứng minh tiềm năng to lớn của di sản dưới lòng đất của Thành nhà Hồ. Đây cũng là cơ sở để phục vụ các dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ trong những năm tiếp theo. Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ sẽ làm tốt công tác bảo vệ, bảo quản các hiện vật, các hố khai quật, tránh việc làm thất thoát hiện vật và các hành vi xâm hại di sản.

Điểm nhấn phát triển du lịch

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; Thành nhà Hồ nằm trong trục chính hành trình khách du lịch khi đi tham quan gồm: Sầm Sơn - Thành Nhà Hồ - suối cá thần Cẩm Lương.

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Đàn tế được phục dựng

Anh Lại Văn Quân, Công ty du lịch Tam Sắc cho biết: Đầu năm nay, tôi cũng tổ chức vài đoàn khách đi du lịch Thanh Hóa, trong đó có điểm di tích Thành nhà Hồ. Đây là điểm di tích có giá trị lịch sử làm phong phú thêm các chương trình tham quan. Đối với Thành nhà Hồ, nếu chỉ đến tham quan không thì khách không hiểu hết về giá trị của di tích này. Tuy nhiên khi được thuyết minh viên giới thiệu về kỹ thuật xây dựng tòa thành đá hơn 600 năm này thì nhiều du khách cảm thấy rất hài lòng. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những hương vị đặc trưng riêng của địa phương như bánh răng bừa, chè lam Phủ Quảng... và được thưởng thức những làn điệu dân ca, điệu hò sông Mã anh hùng đã đi vào lịch sử.

“Cách đây 10 năm, tôi cũng đã tham gia đoàn khảo sát du lịch của Tổng cục Du lịch về khảo sát Thành nhà Hồ. So với trước thì hạ tầng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, các dịch vụ, sản phẩm du lịch đi kèm dù đã nỗ lực nhưng vẫn còn khiêm tốn. Cho nên chương trình tham quan tại điểm di tích này, các đơn vị du lịch chỉ bố trí khoảng hơn 1 tiếng dừng chân. Do vậy, các điểm di tích khảo cổ, hoặc các công trình di tích lân cận nếu được bổ sung sẽ kéo dài thời gian tham quan và tạo thành điểm tham quan chính khi đến du lịch xứ Thanh”, anh Lại Văn Quân chia sẻ.

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

Câu lạc bộ dân ca nghệ thuật địa phương biểu diễn phục vụ du khách

Thời gian qua, huyện Vĩnh Lộ và Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ đã thực hiện khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn và các giải pháp để phát triển du lịch, như: thành lập câu lạc bộ dân ca; xây dựng vùng quy hoạch trồng rau má; trưng bày triển lãm nhiều tranh ảnh nghệ thuật; làm các món ăn truyền thống dân gian: chè lam, bánh răng bừa...

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: Trước đây, Tổng cục và Sở Du lịch các địa phương đã triển khai khảo sát hành trình kết nối di sản kinh đô Việt để nối Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) - Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) - Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) thành chuỗi điểm đến theo cùng 1 chủ đề. Hành trình này bước đầu thu hút khách nội địa và bước đầu thu hút khách quốc tế thị trường Nhật Bản, châu Âu.

"Tuy nhiên, để thu hút khách, bên cạnh các giá trị lịch sử, địa phương và Ban quản lý di tích Thành nhà Hồ kết hợp tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các làng xã xung quanh để Thành nhà Hồ là điểm đến chính không thể bỏ qua khi đến dây", ông Nguyễn Quý Phương nhận định./.

XM-MH/Báo Tin tức
baotintuc.vn

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ


Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông rời đô từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) về Thanh Hóa. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay nhà Trần và đặt tên nước là Đại Ngu (1400-1407), thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Thành Nhà Hồ trong lịch sử còn có các tên gọi khác là thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Giai, Thạch Thành.

Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới. 

Thành Nhà Hồ đã đáp ứng hai tiêu chí được quy định trong Công ước Di sản Thế giới năm 2008. Đó là tiêu chí 2 “bày tỏ sự trao đổi quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, quy hoạch thành phố hay thiết kế phong cảnh” và tiêu chí 4 “là ví dụ nổi bật về một loại hình công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại”. 

Trong hồ sơ di sản thế giới, thành Nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, thành Nhà Hồ được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên hầu như còn nguyên vẹn. Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. 

Theo các tài liệu và thư tịch cổ, cùng với việc khảo cổ, nghiên cứu hiện trạng thì phức hợp di sản thành Nhà Hồ ngoài Thành nội với tường thành có hào thành bao quanh và dấu tích của các cung điện, đền miếu của vương triều bên trong, còn có La thành và Đàn tế Nam Giao.

Thành nội được xây dựng gần như hình vuông. Tường thành phía nam dài 877,1m; phía bắc dài 877m; hai tường thành phía đông và phía tây dài 879,3m và 880m. Thành nội có 4 cổng, được mở ở chính giữa của bốn bức tường thành. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, dày 1m, nặng khoảng từ 15 đến 20 tấn. Trục chính của thành không theo đúng hướng bắc nam, nhưng các cổng vẫn được gọi tên theo bốn hướng chính: cổng Nam, cổng Bắc, cổng Đông, cổng Tây (hay còn gọi là: Tiền, Hậu, Tả, Hữu). Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau. Cổng Tiền (phía nam) là cổng chính, có ba cửa: cửa giữa rộng 5,82m, cao 5,75m; hai cửa bên rộng 5,45m, cao 5,35m. Ba cổng còn lại chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình từ 5 - 6m, chỗ cao nhất là cổng Tiền cao 10m. Các nhà khoa học đã ước tính toàn bộ phần tường đá chiếm khoảng 25.000m3. Bên trong thành đá là lớp tường đất ước tính khoảng 80.000m3. 

Theo các tài liệu, Thành nội có các công trình kiến trúc như: điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực, Đông cung, Đông Thái miếu, Tây Thái miếu… Tuy nhiên, hiện nay Thành nội chỉ còn lại một số di tích và di vật như: phần tường thành, bốn cổng thành, dấu tích các hồ nước, đôi rồng bậc thềm làm bằng đá với những nét điêu khắc rất tinh xảo, nền móng kiến trúc Thành nội, đường lát đá Hoa Nhai, bi đá, đạn đá, đồ gốm sứ, khuôn viên cổng Nam và các hiện vật có giá trị đặc trưng cho văn hóa Trần - Hồ.

Hệ thống hào thành nằm bao quanh Thành nội và được nối thông với sông Bưởi qua một con kênh ở góc đông nam của thành. Hào thành có bốn cầu đá bắc vào 4 cửa của Thành nội. Ngày nay, nhiều phần của Hào thành đã bị lấp cạn. Tuy nhiên, dấu tích của Hào thành vẫn có thể nhận thấy rất rõ ở phía bắc, phía đông và một nửa phía nam của thành. 

La thành là vòng thành ngoài cùng của thành Nhà Hồ, được xây dựng để che chắn cho Thành nội (Hoàng thành) và nơi sinh sống của cư dân trong thành. La thành dài khoảng 10km, được xây dựng dựa theo địa hình tự nhiên. Nhà Hồ đã dựng La thành bằng cách cho đắp đất, trồng tre gai để nối liền các ngọn núi Đốn Sơn (xã Vĩnh Thành), Hắc Khuyển (xã Vĩnh Long), Xuân Đài, Trác Phong, Tiến Sỹ (xã Vĩnh Ninh), Kim Ngọ (xã Vĩnh Tiến), Kim Ngưu, Tượng Sơn (xã Vĩnh Quang) với hai con sông là sông Bưởi và sông Mã. Hiện nay, dấu tích của La thành thuộc địa phận làng Bèo (xã Vĩnh Long) với chiều dài 2000m đã được khoanh vùng bảo vệ.

Đàn tế Nam Giao, hay còn gọi là đàn Nam Giao là một công trình kiến trúc cung đình quan trọng, được xây dựng năm 1402 ở phía tây nam núi Đốn Sơn, nằm thẳng trên đường thần đạo từ cổng Nam nhìn ra, cách thành Nhà Hồ khoảng 2,5km về phía đông nam. Đàn Nam Giao có diện tích 43.000m². Mặt bằng hiện tại còn lộ rõ 5 nền đất với 5 bậc cấp. Từ nền đàn cao nhất xuống nền đàn thấp nhất chênh lệch nhau là 7,80m. Đàn Nam Giao là nơi tế trời, cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, vương triều trường tồn, thịnh trị. Ngoài ra, đàn còn là nơi tế linh vị của các hoàng đế, các vì sao và nhiều vị thần khác. Tế Nam Giao còn là lễ tạ ơn trời đất về sự hiện diện của vương triều, được coi là nghi lễ mang tính cung đình. Lễ tế Nam Giao đầu tiên của triều Hồ được tổ chức cùng năm xây dựng.

Tại thành Nhà Hồ, ngoài việc đắp đàn Nam Giao và cử hành lễ tế năm Nhâm Ngọ (1402), vương triều Nhà Hồ đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử như: lập đàn Xã Tắc năm Đinh Sửu (1397), tổ chức hai kỳ thi thái học sinh vào năm Canh Thìn (1400) và Ất Dậu (1405). Ngoài ra, thời kỳ này còn gắn liền với những cách tân đáng ghi nhận như cải cách thi cử, mở mang trường học, đề cao chữ Nôm, phát hành tiền giấy.

Phân tích giá trị nghệ thuật của Thành nhà Hồ

(Nguồn TITC)