Nguyên nhân giải pháp tình trạng that nghiệp năm 2008

Thất nghiệp tăng  đe dọa gây ra các vấn đề xã hội. Bình ổn thị trường việc làm là mục tiêu ưu tiên của các nước trong bối cảnh hiện nay.

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới bị suy giảm mạnh do tác động của khủng hoảng tài chính đang phải vật lộn với những khó khăn chồng chất. Trong đó, việc kiềm chế số người thất nghiệp tăng dần hằng tháng được coi là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của chính quyền của tân Tổng thống B.Obama. Năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới mức 6,8% và dự báo có thể sẽ tăng lên hơn 11% trong năm 2009, với tổng số người thất nghiệp là gần mười triệu. Tổng thống B.Obama đã kêu gọi nỗ lực khẩn cấp để giải quyết tình trạng thất nghiệp và kích thích nền kinh tế Mỹ. Ngoài việc tìm cách mở rộng diện đối tượng được hỗ trợ từ gói kích thích trị giá 700 tỷ USD mà Chính phủ liên bang đã đưa ra trước đây, ông B.Obama đang nỗ lực thúc đẩy QH Mỹ sớm thông qua gói kích thích kinh tế trị giá gần 800 tỷ USD nhằm tạo ra hơn ba triệu việc làm và đưa nền kinh tế đầu tàu thế giới thoát khỏi suy thoái.

Tân Tổng thống Mỹ B.Obama nêu rõ, mỗi việc làm mất đi ở nước này đại diện cho một cuộc khủng hoảng cá nhân của một gia đình Mỹ và việc mất gần hai triệu việc làm trong năm 2008 còn gây hậu quả tai hại hơn là cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Mặc dù cam kết sẽ có các biện pháp tích cực để giải quyết tình hình này, nhưng ông Obama nêu rõ, không thể nhanh chóng hay dễ dàng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, vốn là hệ lụy sau nhiều năm, và cuộc khủng hoảng có thể còn tồi tệ hơn nữa trước khi tình hình được cải thiện. Song ông khẳng định, nay là thời điểm phải ứng phó bằng biện pháp khẩn cấp để đưa người dân trở lại làm việc và thúc đẩy kinh tế.

Nạn thất nghiệp cũng gia tăng mạnh tại các nước thuộc khu vực đồng euro và sẽ tăng từ mức 7,4% hiện nay lên 9% vào năm 2010. Tại Pháp, số người thất nghiệp tăng tới mức kỷ lục và lên tới hơn hai triệu người. Dự kiến, tới cuối quý II-2009, sẽ có thêm 214 nghìn người bị mất việc, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Những người lao động hơn 50 tuổi và lao động nam là những đối tượng dễ bị mất việc làm hơn cả do suy thoái kinh tế ảnh hưởng nặng nề tới các lĩnh vực vốn thu hút nhiều nhân công nam như sản xuất ô-tô và xây dựng. Theo OECD, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp sẽ lên tới 8,5% vào cuối năm 2009 và khoảng 9% trong năm 2010.

Chính phủ Pháp đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 26 tỷ euro, trong đó có các gói giải pháp hỗ trợ đầu tư, tạo công ăn việc làm và hạn chế những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với kinh tế trong nước. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, Pháp không đi theo lối mòn truyền thống của các nước là áp dụng các biện pháp kích cầu để khôi phục kinh tế vì đó chỉ là biện pháp có tính tức thời nhằm giải quyết vấn đề trước mắt, giải pháp tăng cường đầu tư và tạo công ăn việc làm mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững của  nền kinh tế quốc dân.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng cao tại các nước châu Á. Tại Trung Quốc, Bộ trưởng An sinh Xã hội và Nhân lực Doãn Úy Dân cho biết, tình hình việc làm hiện nay ở nước này rất đáng lo ngại, thất nghiệp đã ở mức nghiêm trọng và những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với thị trường việc làm của Trung Quốc có thể lớn hơn trong thời gian tới. Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc tăng tới mức 4,5% trong năm 2008 với số người thất nghiệp là tám triệu người. Tính riêng trong hai tháng cuối năm 2008, có hàng chục nghìn nhà máy, công xưởng ở Trung Quốc phải đóng cửa và ít nhất 2,7 triệu lao động bị sa thải. Các quan chức Trung Quốc cảnh báo trong quý I-2009, thất nghiệp ở nước này sẽ nghiêm trọng hơn. Tỉnh Quảng Ðông, vốn được đánh giá là trung tâm của ngành công nghiệp chế biến của Trung Quốc, phải đóng cửa tới một phần năm số nhà máy chỉ riêng trong tháng 1-2009.

Trước tình hình này, Chính phủ Trung Quốc coi bình ổn thị trường việc làm là mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới vì thất nghiệp tăng đang đe dọa gây ra các vấn đề xã hội. Bộ trưởng Doãn Úy Dân đã công bố một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn thất nghiệp và hỗ trợ những người mất việc làm, đặc biệt là đối với hơn 200 triệu lao động nông thôn ra thành phố. Trong đó có việc cung cấp thông tin về việc làm cho số lao động này và đào tạo bổ sung cho những người về quê tìm việc.

Ðối phó vấn đề thất nghiệp hàng loạt hiện là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ các nước, nhất là ở châu Á, trước nguy cơ thất nghiệp tăng làm nảy sinh tình trạng bất ổn xã hội. Nhiều người thất nghiệp vốn sống ở vùng nông thôn đã rời bỏ quê hương để tới làm việc tại những thành phố đang phát triển. Tại Trung Quốc, số dân di trú này lên tới hơn 200 triệu người và hiện có tới hàng triệu người đang lũ lượt hồi hương.

Chính phủ các nước châu Á đã liên tiếp đưa ra các biện pháp nhằm chống nạn thất nghiệp. Sau nhiều năm tạo việc làm ở các vùng thành thị, các chính phủ đang cố gắng tạo việc làm ở nông thôn cho những người thất nghiệp. Các nhà chức trách cho rằng, những dự án đầu tư mới vào vùng nông thôn có thể giúp giảm thiểu áp lực về công ăn việc làm. Chính phủ Trung Quốc hy vọng chương trình kích thích trị giá 600 tỷ USD với mức đầu tư lớn vào hạ tầng cơ sở có thể giúp tạo hàng triệu việc làm mới. Trong những tháng tới, ở Trung Quốc sẽ có thêm từ 6 đến 7 triệu sinh viên mới tốt nghiệp tham gia lực lượng lao động. Trước tình hình này, Chính phủ đề nghị hoàn trả học phí cho những sinh viên mới ra trường nếu họ chấp nhận làm việc tại vùng nông thôn. Tại Nhật Bản, Chính phủ cũng dành việc làm ở nông thôn cho giới trẻ thất nghiệp, coi đó là cách tạo dựng một thế hệ nông gia mới. Tại Thái-lan, Chính phủ cam kết thưởng lớn hơn cho nông gia trong khuôn khổ chương trình kích thích kinh tế đem lại niềm hy vọng cho hàng nghìn người thất nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, về cơ bản để ổn định thị trường lao động nhất thiết phải phục hồi sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp, nơi tạo ra hàng triệu công ăn việc làm.