Mục đích hàng đầu của Liên hợp quốc là gì

Liên hợp quốc hay còn gọi là Liên hiệp quốc [UN] là gì? UN tiếng Anh là gì? Tôn chỉ mục đích của Liên hợp quốc? Chức năng của Liên hợp quốc ngày nay? Vai trò của Liên hợp quốc UN đối với thế giới?

Liên hợp quốc là một tổ chức quốc tế được thành lập để thực thi luật pháp quốc tế, an ninh và nhân quyền; phát triển kinh tế; và tiến bộ xã hội dễ dàng hơn cho các quốc gia trên thế giới. Vậy tổ chức này được thành lập như thế nào? Có những mục tiêu và nhiệm vụ gì? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. UN là gì?

Liên Hiệp Quốc hay Liên Hợp Quốc [viết tắt là UN hay LHQ] là một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung. Liên Hiệp Quốc được thành lập vào giai đoạn cuối Thế chiến II, với mục đích ngăn chặn các cuộc xung đột quy mô toàn cầu trong tương lai, và thay thế cho một tổ chức đã giải thể trong quá khứ là Hội Quốc Liên vốn hoạt động không mấy hiệu quả. Trụ sở chính được đặt tại Manhattan, thành phố New York, các văn phòng khác nằm ở Geneva, Nairobi, Vienna và The Hague. Tổ chức này được tài trợ bằng sự đóng góp tự nguyện từ các quốc gia thành viên. Liên Hiệp Quốc là tổ chức liên chính phủ lớn nhất trên thế giới. Khi thành lập, LHQ có 51 quốc gia thành viên; hiện có 193 thành viên.

2. UN tiếng Anh là gì?

UN tiếng Anh là United Nations.

The United Nations [UN] is an intergovernmental organization that aims to maintain international peace and security, develop friendly relations among nations, achieve international cooperation, and be a centre for harmonizing the actions of nations. It is the largest, most familiar, most internationally represented and most powerful intergovernmental organization in the world. The UN is headquartered on international territory in New York City, with its other main offices in Geneva, Nairobi, Vienna, and The Hague.

3. Tôn chỉ mục đích của Liên hợp quốc

Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, các quốc gia sáng lập đã quyết tâm thiết lập Liên Hợp Quốc thành một tổ chức quốc tế toàn cầu với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm một nền hoà bình và trật tự thế giới bền vững. Theo Điều 1 của Hiến chương, Liên Hợp Quốc được thành lập nhằm 4 mục tiêu: [1] Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; [2] Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; [3] Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; [4] Xây dựng Liên Hợp Quốc làm trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

Để bảo đảm Liên Hợp Quốc là một tổ chức quốc tế thực sự phục vụ mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng quy định các nguyên tắc hoạt động của Tổ chức Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc chủ đạo gồm: [1] Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; [2] Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; [3] Cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; [4] Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; [5] Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; [6] Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

Các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động trên của Liên Hợp Quốc mang tính bao quát, phản ánh mối quan tâm toàn diện của các quốc gia. Các quan tâm ưu tiên này thay đổi tuỳ theo sự chuyển biến cán cân lực lượng chính trị bên trong tổ chức này. Thời gian đầu khi mới ra đời, cùng với sự tăng vọt về số lượng thành viên, Liên Hợp Quốc tập trung vào các vấn đề phi thực dân hoá, quyền tự quyết dân tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apácthai. Trong thời kỳ gần đây Liên Hợp Quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề kinh tế và phát triển. Hoạt động của Liên Hợp Quốc trong gần 60 năm qua cho thấy trọng tâm chính của Liên Hợp Quốc là duy trì hòa bình an ninh quốc tế và giúp đỡ sự nghiệp phát triển của các quốc gia thành viên.

Đặc điểm bao trùm của Liên Hợp Quốc là tổ chức này không phải là một nhà nước siêu quốc gia. Liên Hợp Quốc là tổ chức đa phương toàn cầu đầu tiên có những hoạt động thực chất và đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp và điều tiết các mối quan hệ giữa các quốc gia độc lập có chủ quyền trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các quốc gia. Theo Điều 2 mục 7 của Hiến Chương, Liên Lợp Quốc không được can thiệp vào các vấn đề thuộc quyền tài phán nội bộ của các nước. Tất cả các quốc gia tham gia Liên Hợp Quốc theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Nguyên tắc này được phản ánh triệt để nhất trong cơ chế tham gia bỏ phiếu các quyết định và nghị quyết tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc [các quốc gia lớn nhỏ đều có một phiếu].

Một đặc điểm nổi bật khác của Liên Hợp Quốc là tổ chức này phản ánh sự dàn xếp và cân bằng quyền lực giữa các cường quốc thắng trận. Thực tế này được thể hiện trong cơ chế hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – cơ quan chấp hành có thực quyền nhất của Liên Hợp Quốc và đảm nhiệm trách nhiệm hàng đầu của Liên Hợp Quốc là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Chỉ các quyết định của HĐBA mới có tính cưỡng chế thực hiện. Các nghị quyết tại các cơ quan chính khác của Liên Hợp Quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế–Xã hội, Hội đồng Quản thác, và cả Toà án Quốc tế chỉ có tính khuyến nghị, đạo lý và tạo sức ép dư luận. Để bảo đảm lợi ích và thu hút sự tham gia của cho các cường quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cơ quan duy nhất dành cho 5 cường quốc quyền phủ quyết [veto] khi thông qua các nghị quyết, quyết định của Hội đồng. Quyền hạn của Hội đồng Bảo an tập trung vào hai lĩnh vực hoạt động chính là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế và tiến hành các biện pháp cưỡng chế.

So với Hội Quốc Liên, Liên Hợp Quốc chứng tỏ đầy đủ hơn tính chất toàn cầu [thành phần gồm hầu hết các quốc gia độc lập trên mọi châu lục] và đặc biệt là tính toàn diện của nó: chương trình nghị sự không bó hẹp vào vấn đề duy trì hoà bình, an ninh, mà bao gồm cả việc thúc đẩy hợp tác vì phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng các dân tộc; bản thân hệ thống Liên Hợp Quốc bao gồm hàng loạt cơ quan, chương trình, quỹ, tổ chức chuyên môn tập trung vào mọi lĩnh vực của đời sống các quốc gia và quan hệ quốc tế ngoài lĩnh vực chính trị – quốc phòng, từ tiền tệ đến nông nghiệp, văn hoá, khoa học – kỹ thuật…

Xem thêm: NATO là gì? Giới thiệu về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương [NATO]

Tổ chức Liên Hợp Quốc ra đời thực sự có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị quốc tế trong gần 60 năm qua. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự xuất hiện của các hoạt động ngoại giao đa phương hiện đại, một bước ngoặt quyết định trong lịch sử phát triển của nền ngoại giao đa phương nói chung. Tuy nhiên, sự ra đời của Liên Hợp Quốc và bản thân Hiến chương Liên Hợp Quốc tất nhiên chưa đủ để bảo đảm sự bình đẳng hoàn toàn và triệt để giữa các quốc gia lớn nhỏ. Sự đóng góp của Liên Hợp Quốc đối với hoà bình an ninh quốc tế trong gần 60 năm qua là rất đáng kể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong nhiều vấn đề, nhiều sự kiện, Liên Hợp Quốc không thể hiện được vai trò của mình hoặc có thể nói Liên Hợp Quốc chưa làm tròn sứ mệnh của mình. Các siêu cường vẫn có vai trò lớn và nhiều khi giữ vai trò quyết định trong quá trình ra quyết định của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là cơ cấu và cơ chế hoạt động của Hội đồng Bảo an, Hiến chương Liên Hợp Quốc và các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc.

4. Chức năng của Liên hợp quốc ngày nay

Như trước đây, chức năng chính của LHQ ngày nay là duy trì hòa bình và an ninh cho tất cả các quốc gia thành viên. Mặc dù LHQ không duy trì quân đội của riêng mình, nhưng nó có các lực lượng gìn giữ hòa bình do các quốc gia thành viên cung cấp. Ví dụ, khi được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chấp thuận, những người gìn giữ hòa bình này được cử đến các khu vực gần đây đã kết thúc xung đột vũ trang để ngăn cản các chiến binh tiếp tục chiến đấu. Năm 1988, lực lượng gìn giữ hòa bình đã giành được giải Nobel Hòa bình cho những hành động của mình.

Ngoài việc duy trì hòa bình, LHQ còn hướng tới việc bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ nhân đạo khi cần thiết. Năm 1948, Đại hội đồng đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người như một tiêu chuẩn cho các hoạt động nhân quyền của mình. LHQ hiện đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong các cuộc bầu cử, giúp cải thiện cấu trúc tư pháp và dự thảo hiến pháp đào tạo các quan chức nhân quyền và cung cấp thực phẩm, nước uống, nơi ở và các dịch vụ nhân đạo khác cho những người phải di tản vì đói kém, chiến tranh và thiên tai.

Cuối cùng, LHQ đóng một phần không thể thiếu trong phát triển kinh tế và xã hội thông qua Chương trình Phát triển LHQ. Đây là nguồn viện trợ không hoàn lại kỹ thuật lớn nhất trên thế giới. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới; UNAIDS; Quỹ Toàn cầu chống AIDS , Lao và Sốt rét; Quỹ Dân số Liên hợp quốc; và Nhóm Ngân hàng Thế giới, có thể kể đến một số ít, đóng một vai trò thiết yếu trong khía cạnh này của LHQ. Tổ chức mẹ cũng công bố Chỉ số Phát triển Con người hàng năm để xếp hạng các quốc gia về mức độ nghèo đói, biết đọc biết viết, trình độ học vấn và tuổi thọ.

Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ

Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, LHQ đã thiết lập cái gọi là Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của mình. Hầu hết các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế khác nhau đã nhất trí hướng tới các mục tiêu liên quan đến giảm nghèo và tỷ lệ tử vong ở trẻ em, chống lại bệnh tật và dịch bệnh và phát triển quan hệ đối tác toàn cầu về phát triển quốc tế, vào năm 2015.

Một báo cáo được đưa ra khi thời hạn gần đến đã ghi nhận những tiến bộ đã đạt được, ca ngợi những nỗ lực ở các quốc gia đang phát triển, đồng thời lưu ý những thiếu sót cũng như cần tiếp tục tập trung: người dân vẫn sống trong cảnh nghèo đói không được tiếp cận các dịch vụ, bất bình đẳng giới, chênh lệch giàu nghèo và khí hậu tác động của thay đổi đối với những người nghèo nhất.

5. Vai trò của Liên hợp quốc UN

Việc LHQ ra đời ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã phản ánh khát vọng chung về thế giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển. Trải qua 75 năm, từ chỗ có 51 nước tham gia khi mới được thành lập, LHQ đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất, với 193 quốc gia thành viên và một hệ thống tổ chức toàn diện gồm sáu cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên ngành và năm Ủy ban kinh tế – xã hội đặt tại các khu vực, cùng hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực, từ ngăn ngừa và giải quyết xung đột, giải trừ vũ khí, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, quyền con người, bình đẳng giới…

Xem thêm: Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc là gì? Các nội dung liên quan

Chặng đường dài vừa qua ghi đậm những dấu ấn đóng góp quan trọng của LHQ, khẳng định vai trò trung tâm của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, nổi bật trong các lĩnh vực hòa bình và an ninh, phát triển và tăng cường luật pháp quốc tế. Một trong những thành tựu lớn nhất là củng cố hòa bình, thúc đẩy an ninh và hỗ trợ giải quyết, ngăn chặn nhiều cuộc xung đột vũ trang và tranh chấp quốc tế. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của LHQ trong nỗ lực chung loại bỏ nguy cơ chiến tranh thế giới, kiểm soát và hạn chế vũ khí giết người hàng loạt.

Với hơn 70 phái bộ và các hoạt động gìn giữ hòa bình được triển khai trên thế giới, LHQ góp phần giải quyết nhiều cuộc xung đột, khôi phục hòa bình và hỗ trợ tái thiết tại nhiều quốc gia, khu vực.

Nỗ lực đề cao và tăng cường luật pháp quốc tế, LHQ có những đóng góp lớn với những khuyến nghị định hướng xây dựng các chuẩn mực chung, tạo “luật chơi” chung trong nhiều lĩnh vực. Với vai trò điều phối và trung gian của LHQ, hơn 500 điều ước quốc tế và đa phương quan trọng đã được ký kết, trở thành “xương sống” của luật pháp quốc tế, tạo khuôn khổ chung cho duy trì hòa bình và an ninh, thúc đẩy kinh tế – xã hội toàn cầu.

Lĩnh vực phát triển ghi nhận những thành công nổi bật của LHQ, với vai trò trung tâm trong nỗ lực xây dựng, củng cố đồng thuận quốc tế vì sự phát triển bền vững toàn cầu. Cùng việc định hướng phát triển của thế giới, nhất là từ sau chiến tranh lạnh, LHQ đã đề ra các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ [MDG] về xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện chăm sóc sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và tăng cường quan hệ đối tác phát triển. Tiếp theo đó là các Mục tiêu phát triển bền vững [SDG], định ra khuôn khổ hợp tác phát triển có tính bao trùm, toàn diện, lấy phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt, trên cả ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Những mục tiêu phát triển của LHQ trở thành khung định hướng chính sách quan trọng cho các nước thành viên

Quá trình hình thành và phát triển của LHQ phản ánh bối cảnh và tương quan lực lượng quốc tế, phần nào chịu tác động từ lợi ích của các quốc gia. Vì thế, ngoài khó khăn về tài chính và huy động nguồn lực, hiệu quả hoạt động của LHQ trong một vài lĩnh vực chưa đáp ứng những yêu cầu mới, chưa theo kịp những biến chuyển và thách thức toàn cầu mới. Ðiều này đòi hỏi LHQ có sự cải tổ một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp tình hình quốc tế mới.

Dù vậy, với những đóng góp và thành tựu quan trọng, LHQ ngày càng chứng tỏ là một tổ chức đa phương không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Vai trò trung tâm của LHQ càng cần được tăng cường trong bối cảnh mới, khi cộng đồng quốc tế phải đối mặt nhiều thách thức mới, nghiêm trọng hơn, nhất là những biểu hiện xa rời chủ nghĩa đa phương và các cơ chế toàn cầu.

Đại hội đồng LHQ khóa 75 lấy chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương, ứng phó dịch Covid-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”, phản ánh quyết tâm của LHQ duy trì là một tổ chức gắn kết, đề cao luật pháp quốc tế và phát huy tinh thần đa phương, vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trên toàn thế giới.

Trên đây là một số thông tin về Liên hợp quốc – UN. Trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ thêm bất kỳ thông tin nào khác có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp Công ty luật TNHH Dương Gia để được giải đáp.

Xem thêm: Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc là gì? Các nội dung liên quan

Video liên quan

Chủ Đề