Khó khăn trong quá trình thu gom xử lý rác

Laocaitv.vn - Tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở thành phố Lào Cai hiện mới đạt khoảng 80%, tuy nhiên, kết quả này cũng không bền vững. Nhiều giải pháp được đưa ra để tăng tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Khó khăn trong quá trình thu gom xử lý rác

Tình trạng chưa phân loại rác thải còn nhiều, dẫn đến việc xử lý sau khi thu gom của công nhân môi trường rất vất vả.

Thành phố Lào Cai hiện có khoảng 27.000 hộ dân, trong đó trình độ, nhận thức và thời gian làm việc, sinh hoạt của các gia đình khác nhau, điều này cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn. Anh Nguyễn Thành Chung, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai cho biết: “Người lao công họ đi họ nhặt rồi phân loại ra rất mất thời gian, thứ nữa là cũng rất mất vệ sinh, cũng mong rằng mình duy trì được, có một thời gian phân loại rác rất là tốt. Chính ý thức từ nhà mình này, vô cơ riêng, hữu cơ riêng, nhưng bây giờ sau quên lãng đi, cứ lẫn lộn, bỏ ra tất cả”.

Một trong những nguyên nhân chính là công tác tuyên truyền phân loại rác thải vẫn chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt là tại các tuyến phố đông dân cư, tập trung nhiều nhà trọ, khu vực có chợ truyền thống...tình trạng chưa phân loại rác thải còn nhiều, dẫn đến việc xử lý sau khi thu gom của công nhân môi trường rất vất vả. Chị Trần Thị Liên, Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai nói: “Người ở cũng rất là đông, nhất là không phân loại rác, cũng mất rất nhiều thời gian để phân loại rác vô cơ và hữu cơ. Rác nhiều mà quá tải nữa”.

Khó khăn trong quá trình thu gom xử lý rác

Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai đang quản lý hơn 40 xe điện gom rác, số thiết bị này cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển rác thải. 

Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai đang quản lý 11 xe ô tô và gần 300 xe gom rác, hơn 40 xe điện gom rác, số thiết bị này cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển rác thải. Để tăng tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn, thời gian qua, xí nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp. Mỗi công nhân thu gom rác là một tuyên truyền viên, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức; báo cáo với tổ trưởng tổ dân phố khi phát hiện những hộ dân thường xuyên không phân loại rác, vứt rác không đúng nơi quy định. Ông Ngô Bảo Lân, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai cho biết: "Chúng phối sẽ phối hợp giám sát qua công nghệ thông minh, để thực hiện việc chụp ảnh, những hộ dân không phân loại và xả thải, chúng tôi sẽ kiến nghị báo cáo lên thành phố, qua việc kiến nghị với các xã phường để chấn chỉnh các hộ dân”.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Theo Nghị định số 155 năm 2016 của Chính phủ, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng ./.

Thế Long - Thành Thuận

Laocaitv.vn - Tình trạng rác sinh hoạt được người dân vứt bừa bãi ra môi trường đang là vấn đề nhức nhối của hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh. Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và ý thức của mỗi người dân bởi rác thải là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống và sức khỏe của con người.

Không chỉ ở các vùng đô thị, khu công nghiệp mà ở các xã vùng sâu, vùng xa cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Túi ni-lon, xác động vật chết, rác thải sinh hoạt được xả trực tiếp ra ngõ xóm, đường đi cho đến ao, hồ, sông, suối... bất chấp những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Có thời điểm, tại chân cầu đường sắt bắc qua suối Ngòi Bo thuộc thôn Phú Xuân, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng không khác gì một bãi rác công cộng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới đời sống của những hộ dân sống quanh khu vực này.

Theo những người dân sinh sống ở đây cho biết, mùi hôi thối từ rác thải rất khó chịu, ruồi muỗi nhiều đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt. Đã có thời điểm họ cắm biển cấm đổ rác, nhưng cũng không có tác dụng do một bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường.

Khó khăn trong quá trình thu gom xử lý rác

Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi ra đường không được thu gom xử lý gây ô nhiễm môi trường.

Dọc các con suối nơi có các tuyến đường đi qua cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều nơi, rác thải được đổ trôi lềnh bềnh trên mặt nước với mật độ ngày càng nhiều. Dù chính quyền các địa phương đã nhiều lần tổ chức thu gom, xử lý, nhưng những bãi rác như vậy vẫn tiếp tục xuất hiện bởi sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân.

Hiện nay, việc thu gom rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình mới chỉ tập trung tại các đô thị, trung tâm các xã còn tại các thôn, bản thì việc thu gom, xử lý rác rất khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn kinh phí hạn hẹp, chưa có điểm tập kết rác, nếu có thì lại quá xa với trung tâm các xã, khó khăn trong việc vận chuyển rác đến điểm xử lý.

Khó khăn trong quá trình thu gom xử lý rác

Các con suối cũng là nơi xả rác của một số người dân thiếu ý thức.

Để giải bài toán bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm do rác thải sinh hoạt thì việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dân cần phải được đặt lên hàng đầu. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức và vai trò tự quản trong cộng đồng dân cư thì việc đầu tư xử lý rác thải tại khu vực nông thôn cũng cần được quan tâm.

Liên quan vấn đề xử lý rác thải, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020 của UBND tỉnh diễn ra vào tháng 5, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của tỉnh, các địa phương cần hoạt động tích cực hơn nữa để duy trì thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thực về vấn đề rác thải nông thôn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom, xử lý rác thải... Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, đánh giá cụ thể tình hình thu gom rác thải tại nông thôn; các huyện phải tổ chức họp Ban Chỉ đạo, đề nghị các xã, phường đánh giá cụ thể vấn đề rác thải nông thôn để tỉnh có chỉ đạo sát với thực tế.

Cùng với nỗ lực của các cơ quan liên quan và các địa phương thì bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành việc phân loại, đổ rác đúng nơi quy định; các cấp thẩm quyền cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và khu vực công cộng.

  Đức Tính