Hai con hổ gọi là gì

Trong đời sống của người Việt, hổ là một trong số những động vật được gọi với nhiều tên gọi nhất. Cùng với những tên hiệu phong phú của mình, hổ đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong đời sống, xuất hiện nhiều trong tục ngữ - ca dao, văn học, nghệ thuật, tín ngưỡng dân gian... Trong 12 con giáp, Dần đứng vị trí thứ ba, nhưng lại ứng với tháng đầu tiên của năm [tháng Giêng được gọi là tháng Dần]. Thật thú vị khi trong tháng Dần của năm Dần ta lại nói chuyện về Dần [Hổ].

1.Tên gọi của hổ


Tại Việt Nam, ngoài tên gọi là hổ, còn có các tên gọi khác như dần, cọp, hùm, kễnh. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, dần là tên gọi theo hình thức bên ngoài của con vật. Dần là cách lệch âm của từ “rắn”, hoặc “vằn”. Cọp là cách gọi theo hình thức săn mồi của con vật này, là chụp, chọp lấy con mồi. Bên cạnh đó, vì hổ không những hung dữ mà còn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn vô cùng, cứ thoắt hiện thoắt biến, rất khó đối phó, con người sợ nên kiêng và gọi bằng tên khác là Chúa sơn lâm. Trong cách gọi thân mật, gần gũi người ta thường gọi hổ với tên gọi Ông Ba mươi. Hổ có tên gọi này vì trong dân gian trước đây truyền rằng, vào thời vua Gia Long, có chính sách nếu ai giết được hổ thì được thưởng cho ba mươi quan tiền, đồng thời bắt nằm xuống đất để lính đánh đòn ba mươi roi gọi là phạt “tội giết hổ”. Đánh, chỉ là đánh vờ. Để hồn ma của con hổ chết không về báo oán dân làng. Ngoài ra do đặc tính của hổ là săn mồi trong đêm tối, nên được gọi tên là Ông Ba mươi [vì đêm 30 là đêm trời tối nhất]. Như vậy, vì nể sợ, kính trọng mà con người đã có rất nhiều tên gọi khác nhau cho con vật này.

2. Hổ trong y học dân tộc

Theo y học dân tộc, hiếm có con vật nào mà hầu hết các bộ phận của cơ thể lại có chức năng làm dược liệu như hổ. Thịt hổ để trị bệnh phong thấp, nhức mỏi và bồi bổ khí lực; răng hổ mài ra thành bột để bôi vào các vết lở, dạ dày hổ trị bệnh ói mửa; huyết hổ hòa với rượu khi uống có tác dụng tăng cường sinh lực, móng vuốt của hổ bịt cùng trang sức đeo cho trẻ em thì trừ gió độc, râu hổ trị nhức răng; mỡ hổ dùng để thoa bóp các vết bầm, trị ghẻ lở, mắt hổ được dùng để trị bệnh loạn trí, cuồng trí....

Dược liệu nổi tiếng nhất làm từ cốt hổ [xương hổ] là tinh hổ cốt và cao hổ cốt. Trong cốt hổ có các chất như acides amines, calcium, chlorures, phosphates, đây là những chất bổ, cần thiết để tiếp sức cho bệnh nhân yếu sức, ăn mất ngon... Cao hổ cốt có tác dụng đặc biệt trị chứng “bán thân bất toại”, chứng ống chân sưng, đau, tế, nhức của người lớn tuổi. Ngoài ra còn có bài thuốc là “Độc hoạt ký sinh gia hổ cốt” để trị gân cốt yếu, xụi bại hai chân.

Tuy nhiên, có lẽ do chúng ta vẫn còn tâm lý tin rằng những khả năng của loài hổ như sức mạnh, sự hùng dũng và sự thông thái có thể truyền vào con người nếu sử dụng các bộ phận của hổ hay các sản phẩm từ hổ. Điều này dẫn đến một áp lực lớn trong việc bảo tồn động vật này ở đời sống thiên nhiên hoang dã.

3. Hổ trong văn học

Hổ tượng trưng cho tài năng, sự dũng cảm, chính vì thế có những câu như Hổ phụ sinh hổ tử ý nói người con giỏi như cha của mình, Vuốt râu hùm, xỉa răng cọp để chỉ hành động dũng cảm, liều mạng. Ám chỉ anh hùng, bất khuất, dù chết đi rồi tính anh hùng vẫn còn đó có câu Hổ tử hùng tâm tại. Long tranh hổ đấu dùng để chỉ những trận đấu đẹp, khó phân thắng thua hay sự cạnh tranh tài nghệ. Khi sa cơ thất thế, người ta thường than rằng Hổ xuống bình nguyên bị chó lờn.

Nhưng hổ cũng là loài thú tượng trưng cho sự hung dữ và cái ác. Dưỡng hổ di họa khuyên con người đừng nên tự gieo họa cho chính mình. Câu Sa vào miệng cọp ám chỉ tình trạng nguy hiểm, ngặt nghèo. Khi gặp cảnh oái ăm, không thể tiến lùi thì có câu Lỡ leo lưng cọp. Câu Hùm dữ chẳng ăn thịt con nhắc đến tình thương bao la của cha mẹ dành cho con cái và ý nghĩa thiêng liêng của tình mẫu tử.

Trong đối nhân xử thế người Việt mượn hình tượng hổ để đưa ra những lời khuyên. Họa hổ họa bì nan họa cốt, Tri nhân tri diện bất tri tâm khuyên con người chớ vội vã cả tin, coi trọng diện mạo bên ngoài mà đánh giá sai lệch bên trong. Đuổi hùm cửa trước, rước sói cửa sau, chống kẻ ác này nhưng lại chia tay với kẻ ác khác không phải là cách ứng xử thông minh. Thả hồ về rừng khuyên nhủ con người trong cuộc sống không nên dung túng kẻ ác, nếu thế chẳng khác gì thả hổ về rừng. Hoặc mượn câu Cọp chết để da, người ta chết để tiếng với mong muốn trong cuộc sống con người cần sống tốt để là người hữu ích, rạng rỡ cho cả đời sau.

Hổ cũng xuất hiện nhiều trong các truyện dân gian như cổ tích hay ngụ ngôn của văn học Việt Nam. Truyện Trí khôn của ta đây, giải thích vì sao hổ có bộ lông vằn, trâu chỉ có một hàm răng....

Trong cuộc sống của người Việt, có rất nhiều câu chuyện kể về hổ với nội dung phong phú, truyện kể về người đánh hổ để nêu cao gương anh hùng của con người trong công cuộc khai hoang, chống chọi với thiên nhiên để tồn tại.

Hổ cũng xuất hiện trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, khi Trịnh Hâm định hãm hại Lục Vân Tiên:

Trịnh Hâm trong dạ gươm dao

Bắt người đồng tử trói vào gốc cây

“Trước cho hùm cọp ăn mầy,

Hại Tiên phải dụng mưu này mới xong”

Vân Tiên ngồi những đợi trông

Trịnh Hâm về nói tiểu đồng cọp ăn

Nổi tiếng và giàu chất thơ hơn cả là hình ảnh hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, tác giả đã mượn hình ảnh con hổ trong vườn Bách thảo tượng trưng cho người anh hùng sa cơ thất thế:

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt

Ta nằm dài trong ngày tháng dần qua,

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,

Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm...

...Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ

Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già

Với tiếng gió gào, với giọng nguồn hét núi
Mỗi khi thét khúc trường ca dữ dội,

Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm thần, lá gai, cỏ sắc...

4. Hổ trong tín ngưỡng dân gian

Ngày xưa, trong cuộc sống của cư dân Việt, một trong những lực lượng thiên nhiên hoang dã mà con người phải đối chọi, rùng rợn nhất là hổ. Có một thời con người đành bó tay sợ hãi, bất lực trước sự hoành hành của hổ, phải gọi chúng bằng Ông, Ngài, và hổ được đưa vào miếu thờ với sức mạnh chúa sơn lâm để canh giữ bảo vệ đình miếu. Như vậy, từ lâu trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, con hổ là con vật đã được tôn thờ.


Trong tâm thức dân gian, hổ tượng trưng cho sức mạnh, dân gian đã thần thánh hổ, cho hổ một sức mạnh thiêng liêng trừ được ma quỷ. Có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa thì các thế lực tà ma sẽ không dám thâm nhập. Dân gian có tục lệ là vào ngày mồng ba tết nguyên đán, sau khi cúng đưa ông bà xong, thường dán trước cửa nhà mảnh giấy hồng có hình cọp với lòng tin là Ông Ba mươi sẽ trấn giữ không cho những thứ hiểm độc vào nhà. Ông già, bà cả còn truyền dạy: nếu trẻ con khóc đêm thì người mẹ phải lén “ăn trộm” hình vẽ Chúa sơn lâm để trong gối nằm của trẻ thì chúng sẽ hết khóc.

Ngoài việc thờ hổ tại các đền, đình, miếu... để trấn giữ không cho các thế lực tà ma thâm nhập, người Việt còn có các miếu thờ hổ riêng để hổ không làm hại dân lành. Hầu hết các ngôi đình của người Việt, đặc biệt là người Việt ở Nam Bộ đều có miếu thờ Ông hổ. Miếu được xây dựng cạnh bờ sông, hoặc trước sân đình, nhằm mong muốn ông bảo hộ cho dân làng, bảo vệ đất đai, mùa màng. Hổ trong ký ức của người dân Việt biểu thị cho một sức mạnh thiên nhiên vừa có thể hại người vừa có thể giúp người.

5. Hổ trong nghệ thuật

Là một loài linh thú được nhân dân thờ cúng từ lâu, hổ đã được dựng thành biểu tượng qua nhiều chất liệu của tạo hình: gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy... có ở hầu khắp các công trình: đền, miếu, đình, lăng mộ vv... Những mẫu tranh được biết đến nhất qua nhiều thế hệ đó là tranh Ngũ hổ của phố Hàng Trống [Hà Nội] ngày xưa. Tranh Ngũ hổ là loại tranh thông qua hình tượng hổ thể hiện rõ triết lý âm dương - ngũ hành của tư tưởng phương Đông. Nét đẹp của tranh Ngũ hổ là độ tinh tế và sắc xảo khi thể hiện tính cách, bản chất của hổ và tính lung linh đa dạng của màu sắc. Bên cạnh đó, còn có những tranh hổ đơn như hổ vàng, hổ trắng, hổ đen.



Tranh Hàng Trống sinh ra và tồn tại suốt nhiều thế kỷ, để phục vụ nhân dân kinh thành, là nghệ thuật dân gian, song nó đã vượt lên trên chất mộc mạc, đạt được sự tinh tế và bề thế, thỏa mãn được thị hiếu của người Hà thành thanh lịch.Và phải có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng - tâm linh của người dân, hổ mới được dành cho một vị trí trang trọng trong loạt các chủ đề của tranh Hàng Trống cũng như là hình ảnh tượng trưng cho ngũ hành, yếu tố mà theo triết lý phương Đông “tất cả vũ trụ vạn vật đều do năm khí đó mà biến hóa ra”. Ngoài ra, trong nghệ thuật tranh Đông Hồ nổi tiếng của Bắc Ninh, nổi bật có tác phẩm “Huyền Đàn trấn môn” với hình ảnh thần Huyền Đàn canh giữ cửa và cưỡi trên lưng hổ.

Hình ảnh hổ luôn xuất hiện trong điêu khắc của các công trình kiến trúc như đình, miếu, điện đài, lăng tẩm... vừa mang tính chất tôn thờ, vừa cầu mong với sức mạnh đầy uy lực, hổ có thể xua đuổi, trừ khử tà ma và các thế lực đen tối khác. Trong nghệ thuật điêu khắc cổ của Việt Nam, mô típ hổ vồ mồi, hổ và đại bàng, hổ trong trắng thường được dùng đến để diễn tả sức mạnh, ý chí, và cũng là chất thơ và sự lãng mạn trong vẻ lạnh lùng, dữ tợn của Chúa sơn lâm.

6. Hổ trong các trò diễn dân gian

Nhắc đến các trò diễn dân gian liên quan đến hổ không thể không nhắc đến trò đấu giữa hổ và voi được tổ chức tại hổ khuyên hay còn gọi hổ quyền, đấu trường độc đáo ở Việt Nam được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng vào năm 1830 tại thôn Trường Đá, làng Thủy Biều [nay là thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế]. Trò diễn đấu giữa voi và hổ được tổ chức không đơn thuần chỉ là một hoạt động giải trí, tiêu khiển mà còn dùng để huấn luyện cho voi sự can đảm, bởi lẽ voi có một vai trò vô cùng quan trọng trong “đội quân” của triều đình lúc bấy giờ. Voi được xem là đại diện cho sức mạnh và quyền lực của nhà vua và triều đình, còn hổ chính là biểu trưng của cái ác và những thế lực đen tối. Hổ dùng cho các trận đấu sau này thường được bẻ nanh và nhổ móng vuốt để đảm bảo phần thắng thuộc về voi. Để có thể phục vụ cho những cuộc đấu này, triều đinh ra lệnh cho người dân ở các vùng bắt sống hổ. Một trong những làng bắt hổ nổi tiếng thời đó là làng Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Bên cạnh đó, trong những lễ hội lớn của các làng tại nước ta cũng xuất hiện một số các trò diễn dân gian liên quan đến hổ. Tuy nhiên, hổ trong các trò diễn này là do người hóa trang. Thông qua các trò diễn, nhằm ca ngợi sức mạnh, lòng dũng cảm của người dân trong làng. Tiêu biểu là trò bắt cọp trong hệ thống ngũ trò của làng Phú Bật [Thanh Hóa], hay trò Văn Vương diễn cảnh người đi săn và con hổ, trò săn hổ trong Hội Gióng ở Đống Đa...

Hổ vẫn mãi là hình tượng đẹp để trang trí, để tôn thờ, để ngợi ca về sự dũng mãnh, về sức mạnh kiêu hùng và đôi khi cũng để sẻ chia nỗi lòng của hổ:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn?
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật
Than ôi!Thời oanh liệt nay còn đâu!.

Nhưng có lẽ nỗi đau đớn vì mất tự do ngày xưa của hổ trong tác phẩm “Nhớ rừng” của Thế Lữ cũng không bằng nỗi khổ ngày nay khi hổ luôn là đối tượng săn bắt của những kẻ bất lương và loài hổ ngoài thiên nhiên của Việt Nam chỉ còn không tới 100 con, trở thành một động vật quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Chủ Đề