Giới trẻ Việt Nam thờ ơ đối với dòng nhạc dân ca dòng nhạc cách mang truyền thống

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ Ưu tú Phan Thu Lan, ca sĩ, Phó trưởng khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội.

PV: Rõ ràng, khi người ta tuổi càng lớn, càng từng trải, thì lòng càng hướng về dân ca và dòng nhạc dân gian. Nhưng với giới trẻ thì không phải như vậy. Làm thế nào để  lòng họ thấm đượm hồn nước, hồn dân tộc?

NSƯT Phan Thu Lan: Trong đời một con người, không ai lại chưa từng được một lần nghe câu hát ru của bà, của mẹ hay một khúc dân ca quê nhà. Bắt nguồn từ đời sống của nhân dân, lắng đọng như trầm tích những vẻ đẹp sâu lắng của văn hóa từng vùng miền, dân ca Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Dân ca Việt Nam là một phần hồn cốt của con người Việt Nam.

Là người từng làm công tác biểu diễn, nghiên cứu và hiện đang giảng dạy về thanh nhạc trong đó có phần dân ca Việt Nam và những ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam, tôi đã thấy được giá trị to lớn cũng như ảnh hưởng của dòng âm nhạc dân gian tới đời sống công chúng như thế nào. Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay luôn tồn tại  và đan xen nhiều hình thức lưu truyền và gìn giữ dòng âm nhạc đó. Bên cạnh nhiều thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp, những người yêu nhạc Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc với đủ các thành phần từ nông dân, trí thức, công nhân, bộ đội và cả các em học sinh, các cháu thiếu nhi... đều hát dân ca và ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam. 

PV: Những nghệ sĩ hát dân ca cũng đã già đi... Việc đào luyện, bổ sung có đang là một điều đáng lo lắng?

NSƯT Phan Thu Lan: Tôi đã từng được mời tham dự chấm thi một số hội diễn văn nghệ quần chúng tại Thủ đô Hà Nội. Ðiều khiến tôi bất ngờ và vô cùng thích thú chính là sự sáng tạo và tính hồn nhiên của các diễn viên khi biểu diễn. Tuy đa phần  khó đạt được sự tinh xảo trong kỹ thuật hát dân ca như độ vang, rền, nền, nảy, luyến láy, phát âm, nhả chữ thật mềm mại, tinh tế theo phương ngữ địa phương của làn điệu dân ca nhưng các diễn viên lại hát rất có tình, rất say sưa khiến khán giả thích thú.

Nhưng cũng có nhiều nghệ nhân hát thật sự xuất sắc mà một số ca sĩ chuyên nghiệp cũng khó theo kịp họ trong cách hát dân ca. Ðặc biệt những đêm biểu diễn văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn, thị tứ vùng đồng bằng, khán giả rất thích nghe dân ca quan họ, dân ca bắc - trung - nam và chèo, tuồng, cải lương. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đã được hình thành trên cơ sở của sự say mê và lòng yêu thích các bộ môn âm nhạc dân tộc. Sân khấu làm cho con người thăng hoa, nghệ thuật thăng hoa và khán giả cũng thăng hoa! Ðó chính là sức mạnh to lớn của văn nghệ quần chúng mà tôi cảm nhận được mỗi khi  có dịp được dự hoặc làm giám khảo. Thời gian gần đây, có dịp được đến một số địa phương miền núi để giảng dạy và tập huấn, tôi lại được thấy đối với mỗi dân tộc, tài sản thiêng liêng mà cũng rất gần gũi đối với họ chính là dân ca.

Lên Lào Cai, tôi thấy trong phiên chợ, nam nữ thanh niên người dân tộc đi chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà chủ yếu để được hát, được múa khèn và mời nhau thưởng thức thắng cố, rượu ngô và hò hẹn tình yêu đôi lứa. Ðời sống tinh thần của họ thật phong phú. Chính âm nhạc [nói rộng ra là văn hóa] đã làm phong phú đời sống tinh thần của họ. Vào dịp đầu xuân, lên Lạng Sơn tôi cũng được chứng kiến nhiều sinh hoạt âm nhạc - văn hóa dân gian tương tự. Các chàng trai cô gái Nùng, Tày mặc những bộ trang phục đẹp nhất để đi chơi hội. Trong hội họ có thể gặp gỡ tâm tình hát giao duyên và tỏ tình. Nhiều lứa đôi đã nên chồng vợ từ những cuộc hát giao duyên... Có thể khẳng định âm nhạc dân gian [bao gồm dân ca, dân ca cải biên và ca khúc mang âm hưởng dân ca] đã và đang thật sự có sức sống rất lâu bền trong đời sống của nhân dân ta. Còn dân ca thì còn người hát và hát hay dân ca...

PV: Nhưng vẫn còn một vấn đề là làm thế nào để phát huy dòng nhạc dân gian hôm nay khi mà show diễn nhạc trẻ vẫn hấp dẫn hơn show diễn dân ca?

NSƯT Phan Thu Lan: Chúng ta đã có những nghệ sĩ đỉnh cao của dòng âm nhạc này và họ luôn được công chúng yêu mến. Ðó là NSND Thu Hiền, NSND Lê Dung [chị thành công ở cả hai phong cách thính phòng và dân gian], NSND Thanh Hoa, NSND Trung Ðức...

Tôi muốn nói nhiều đến sự thành công của NSND Thu Hiền trong dòng âm nhạc này. Có lẽ ít ai có thể hát hay đến thế dân ca các vùng miền trên đất nước ta từ Bắc Bộ, Trung du, miền Trung, Tây Nguyên đến Nam Bộ... Chị là nghệ sĩ không chỉ biểu diễn thành công trong nước mà còn đem dân ca Việt Nam đi biểu diễn ở nhiều nước. Ở đâu chị cũng được công chúng yêu mến và đón nhận nồng nhiệt.

Ngày nay dòng âm nhạc dân gian vẫn đang chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong tình cảm và đời sống tinh thần của công chúng. Vấn đề hát cho đúng nhưng còn phải hát cho hay các tác phẩm dân gian vẫn luôn là một thách thức cho các ca sĩ hiện nay. Trong các cuộc thi Tiếng hát truyền hình Giải Sao mai do Ðài THVN tổ chức, nhiều ca sĩ trẻ đã rất cố gắng để thể hiện. Gần đây có nhiều ca sĩ trẻ hát khá thành công dòng nhạc này được nhiều khán giả mến mộ như Vân Khánh, Hương Mơ, Tân Nhàn, Quang Hào, Thành Lê, Thu Huyền mà đặc biệt là ca sĩ - giảng viên Anh Thơ - được coi như đỉnh cao của phong cách dân gian hiện nay trong giới trẻ. Anh Thơ đã thành công với nhiều ca khúc mà trước đó nhiều nghệ sĩ thành danh đã hát. Hai album Tình em và Như ta có thể cho phép công chúng hy vọng ca sĩ Anh Thơ sẽ tiếp tục thành công ở dòng nhạc này. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay số lượng tác phẩm theo phong cách dân gian chiếm tỷ lệ rất ít trong sáng tác của các nhạc sĩ. Ðó là nỗi khổ của các thí sinh mỗi khi đi thi phải vất vả tìm tác phẩm. Ðó cũng là một khó khăn để các ca sĩ có điều kiện thể hiện tài năng nhiều hơn và cống hiến nhiều tác phẩm hay cho công chúng.

LÊ HOA thực hiện

Giới trẻ thờ ơ với nhạc dân tộc

Rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con em mình thích nghe những loại nhạc ầm ĩ, "giậm giật", lời bài hát vô nghĩa hoặc đôi khi thô tục [thường thấy trong thể loại nhạc Rap].

Đại biểu của Nhật Bản Simeda Takasi đã nêu ý kiến: "Ở Nhật Bản âm nhạc truyền thống có xu hướng bị cô lập với nhạc Pop. Với thế hệ trẻ, âm nhạc truyền thống bị coi là cổ lỗ sĩ, tẻ nhạt, là những gì phải chịu đựng hoặc phải học trong nhà trường". Chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ để kết luận tình trạng này có ở Việt Nam hay không, nhưng ông chắc rằng, thái độ thờ ơ với nhạc dân tộc cổ truyền trong thế hệ trẻ không chỉ có ở Việt Nam, Nhật Bản mà ở hầu hết các nước đang phát triển.

Âm nhạc dân gian Khmer [Cam-pu-chia] có 27 hình thức hòa tấu, nhưng một số hình thức đã biến mất trong quá trình hội nhập, thế hệ trẻ gần như đã quên các bài hát truyền thống. Hoạt động biểu diễn sáng tác có chiều hướng lai căng, đơn giản hóa hoặc pha tạp tạo nên món lẩu "khó nuốt".

Nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành Bunmi Sísắcđa - giảng viên kỳ cựu và là trưởng Khoa Âm nhạc cổ truyền trường Nghệ thuật âm nhạc quốc gia Lào cũng than phiền rằng: "Dàn nhạc Mahổly của chúng tôi chơi các bản nhạc Laođơm trước đây hay hơn nhiều so với dàn nhạc con cháu hiện nay. Tôi cảm thấy những âm sắc lạ chối tai khi họ hòa tấu với nhau".

Tình trạng thay thế một số nhạc cụ dân gian bằng đàn điện tử đa năng organ cũng là chuyện bức xúc. Một số nhạc cụ dân tộc của Trung Quốc được tăng kích cỡ để tạo âm thanh trầm hơn như: nhạc cụ Gehu [nhạc cụ dây kéo], Yuan [nhạc cụ dây gảy], Sheng [đàn môi] hoặc gắn thêm các thiết bị máy móc vào nhạc cụ như thêm khóa lên dây cho sáo... Do đó bản sắc âm nhạc của Trung Quốc yếu đi.

Tại các vùng nông thôn Việt Nam, nhạc cổ cũng đang chuyển mình nhanh chóng theo hướng đô thị hóa. Giới trẻ chưa được trang bị hiểu biết tối thiểu về nhạc dân tộc, nhưng rất mê nhạc giải trí nước ngoài. Trong các chương trình thi kiến thức âm nhạc trên truyền hình, điều dễ nhận thấy các bạn trẻ hay chọn những câu hỏi về nhạc quốc tế và thuộc làu làu tên tuổi các sao ca nhạc ngoại quốc.

Kinh nghiệm từ các nước khu vực

Trong xu thế toàn cầu hóa, những tiện lợi của các phương tiện thông tin đại chúng, các sản phẩm nghe nhìn đã dẫn đến nguy cơ nền âm nhạc dân tộc cổ truyền bị "hòa tan" trong quá trình "hòa nhập".

Các đại biểu đã đưa ra những bài học kinh nghiệm quý báu của Trung Quốc, nước có lịch sử văn hóa lâu đời, hay Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... trong việc bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc cổ truyền.

Khi nhận thấy sự "suy yếu" nhạc cổ truyền, người Trung Quốc đã tập trung nghiên cứu âm nhạc truyền thống và cung cấp cơ sở lý thuyết cho sáng tác dàn nhạc dân tộc. Những tác phẩm về phối khí cho dàn nhạc dân tộc Trung Quốc đã ra đời.

Trung Quốc cũng hết sức chú trọng công tác đào tạo nhạc sĩ chuyên nghiệp của dàn nhạc dân tộc. Trong công tác bảo tồn, Trung Quốc dùng phương pháp bảo tồn âm nhạc như những hạng mục trong bảo tàng: ghi âm hoặc sao chép các bản nhạc cổ và bảo tồn băng ghi âm, bản ký âm trong bảo tàng. Những việc này giúp cho dàn nhạc dân tộc Trung Quốc đã được công nhận là một phần của nền âm nhạc thế giới với phong cách âm nhạc đặc trưng.

Tại Hàn Quốc trung tâm Quốc gia Nghệ thuật biểu diễn truyền thống đã mở một kênh nhạc dân tộc [FM Gugak] trên sóng phát thanh Hàn Quốc còn tổ chức các cuộc hội thảo theo định kỳ sáu tháng một lần, dành cho các giáo sư chuyên ngành âm nhạc dân tộc học.

Nhật Bản lại chọn cách dạy âm nhạc dân tộc trong trường học như môn học bắt buộc. Thái-lan xây dựng Hiệp hội Luang Pradit Phairoh - tổ chức văn hóa phi Chính phủ và phi lợi nhuận đầu tiên ở nước này nhằm ủng hộ âm nhạc truyền thống.

Ở Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam rất chú trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu các thể loại âm nhạc cổ truyền dân tộc, từ những câu hát ru đến điệu hò lao động, dân ca các vùng miền.

Tuy nhiên, cùng với các biện pháp lưu giữ vốn cổ, một điều quan trọng hơn để phát triển âm nhạc dân tộc là đưa giới trẻ đến với âm nhạc cổ truyền bằng sự cảm thụ chứ không phải bằng lý trí.

Âm nhạc dân tộc phải là món ăn tinh thần từ khi còn nhỏ, thường xuyên, để dù ở độ tuổi nào và dù có đi tới đâu, mỗi người vẫn nhớ và cần đến, như nguồn sống mỗi ngày.

Theo Tin tức

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh - Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam:

Âm nhạc cổ truyền là thứ âm nhạc được hình thành, tồn tại và phát triển trong các xã hội tiền công nghiệp mà tác giả cũng như công chúng của nó là người nông dân gieo trồng lúa. Thế nhưng ngày nay, khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cộng với nó là đô thị hóa, trở thành những yêu cầu không thể thiếu của sự phát triển, những hoạt động và thể loại âm nhạc xưa đã không còn cơ sở xã hội mà trước đây, chúng sinh ra, tồn tại và phát triển.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng âm nhạc cổ truyền đang có nguy cơ ngày càng bị mai một.

Tiến sĩ khoa học Phạm Lê Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thông tin:

Nhiều năm qua, Bộ Văn hóa -Thông tin đã thực hiện chương trình quốc gia về Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể . Tuy đây là công việc đã được tiến hành từ lâu nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đó là sự lúng túng về phương thức bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống. Có người cho rằng đối với di sản âm nhạc dân tộc cổ truyền thì điều phải làm và bắt buộc phải làm là bảo tồn, bảo tồn nguyên vẹn những di sản còn lại. Cũng có người cho rằng công tác kế thừa - phát triển đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền âm nhạc truyền thống phát triển theo xu hướng tiên tiến và hiện đại.

Theo tôi, một hiện tượng âm nhạc dân gian bao giờ cũng tồn tại trong môi trường văn hóa của nó. Nghiên cứu âm nhạc dân gian phải là nghiên cứu một cách đầy đủ toàn diện những thành tố cấu thành trong không gian, thời gian tồn tại của hiện tượng văn hóa âm nhạc dân gian đó.

Nhà nghiên cứu Văn Minh Hương:

Hiện nay, khâu nghiên cứu của chúng ta vẫn nặng về phân tích, mổ xẻ những vấn đề thuộc về mặt lý thuyết hơn tìm hiểu về phong cách để phục vụ cho thực hành biểu diễn. Không gian nghiên cứu vẫn đóng khung trong phạm vi đất nước. Âm nhạc cổ truyền các quốc gia khác, ngay cả các nước láng giềng cũng rất ít được các nhà nghiên cứu quan tâm. Hội nhập quốc tế sẽ tạo cho chúng ta có nhiều cơ hội tiếp xúc, sưu tầm trong các thư tịch cổ, đối chiếu trong các viện lưu trữ, các thư viện của các nước những tài liệu liên quan đến âm nhạc cổ truyền Việt Nam để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Cần xúc tiến thành lập một cơ sở âm nhạc cổ truyền theo đúng nghĩa. Cơ sở này mang tầm cỡ quốc gia, sẽ đảm nhiệm các chức năng: nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống, phân loại, khôi phục, dàn dựng, đào tạo, biểu diễn, giao lưu, trao đổi, hoàn thiện các thể loại nhạc cổ truyền.

Giáo sư Hyesook Yang - Chủ tịch Phân viện Sân khấu quốc tế tại Hàn Quốc:

Phẩm chất quý giá nhất của âm nhạc truyền thống là sự độc đáo và tính duy nhất của nó. Chúng ta nên học cách đẩy nhanh tiết tấu trong âm nhạc truyền thống và tạo thêm sức sống mới cho nó mà không làm mất đi nhịp điệu, giai điệu, mầu sắc, âm lượng và chiều sâu độc đáo của âm nhạc dân tộc cổ truyền. Bởi vì cho dù âm nhạc cổ truyền có hay đến mấy nhưng nếu nhịp điệu của nó quá chậm thì kỷ nguyên ngày nay vẫn khó có thể chấp nhận được.

Theo quan điểm của tôi, các nhạc sĩ nên thay đổi cung cách nghiên cứu âm nhạc. Sự sáng tác và cấu trúc âm nhạc thế giới cũng như cấu trúc của các thang âm không nên được tiếp cận theo logic mổ xẻ: phương Đông và phương Tây. Mà bất kể là âm nhạc phương Đông hay phương Tây, các nhạc sĩ cần ý thức rằng họ phải hiểu âm nhạc của người khác qua cách nhìn của chính bản thân mình.

Theo Nông thôn ngày nay

Video liên quan

Chủ Đề